Một số vấn đề về thời hiệu yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Thứ ba - 17/03/2020 23:11
(TVLMPO) - Chế định về thời hiệu là một chế định quan trọng trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, việc nhận thức đúng và áp dụng nghiêm túc, thống nhất về thời hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, cũng như việc giải quyết bồi thường của cơ quan nhà nước. Do đó, việc nhận thức đúng, áp dụng pháp luật thống nhất về thời hiệu, cách tính thời hiệu và các quy định liên quan đến thời hiệu là cần thiết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số vấn đề về thời hiệu yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

 

1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định[1]. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là thời hiệu hưởng quyền dân sự mà khi kết thúc thời hạn đó, chủ thể được hưởng quyền dân sự.

Theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được hiểu là thời hạn do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) quy định, mà khi kết thúc thời hạn đó thì người bị thiệt hại không còn quyền yêu cầu bồi thường.

Ông Thân Văn Danh (phải), Trưởng phòng 8, Viện KSND tỉnh Tây Ninh làm việc với một trong các đại diện ủy quyền của các nạn nhân vụ án oan 40 năm liên quan đến bồi thường. Ảnh: Trung Hiếu (BTN).
 

Do thời hiệu yêu cầu bồi thường là thời hiệu hưởng quyền dân sự nên thời hiệu yêu cầu bồi thường trong pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định phù hợp với quy định về thời hiệu khởi kiện về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của pháp luật dân sự. Quy định về thời hiệu tạo điều kiện bảo toàn chứng cứ để xác định sự thật khách quan trong tranh chấp dân sự. Nếu không có thời hiệu thì những tranh chấp đã xảy ra quá lâu, việc thu thập, xác minh chứng cứ sẽ khó khăn trong hoạt động của Tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật TNBTCNN năm 2017 quy định 04 loại thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau:

Thứ nhất, thời hiệu yêu cầu bồi thường áp dụng tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường[2]. Theo đó, việc tính thời hạn hưởng quyền yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Quy định này có lợi và bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường hơn cho người có quyền yêu cầu bồi thường.

Đồng thời, quy định về thời hiệu này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự[3]. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện được tính từ khi có vi phạm nghĩa vụ dân sự mà người có quyền biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, không phải tính tại thời điểm vi phạm nghĩa vụ xảy ra hay thời điểm xảy ra hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản. Vì có thể sau thời điểm đó, người có quyền yêu cầu mới biết được quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Ví dụ 1: Ngày 01/6/2017, Cục THADS tỉnh D ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, chấp nhận khiếu nại của ông A về việc Cục THADS tỉnh D tổ chức kê biên, bán đấu giá nhà đất của ông A trái pháp luật. Ngày 15/6/2017, ông A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại này thì ngày tính thời hiệu yêu cầu bồi thường phải là ngày 15/6/2017.

Ví dụ 2: Ông T là công chức của Sở Xây dựng tỉnh C. Ngày 02/3/2014, ông T bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Không đồng ý, ông T đã khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị Tòa án giải quyết. Ngày 08/9/2014, Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh C ban hành bản án hành chính sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của ông T. Ngày 10/9/2015, Tòa án nhân dân tỉnh C ban hành bản án phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của ông T, tuyên hủy quyết định buộc thôi việc trái pháp luật và buộc Sở Xây dựng tỉnh C khôi phục việc làm cho ông T (ông T nhận được bản án ngay hôm ban hành).

Ngày 20/8/2018, ông T yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh C bồi thường đối với toàn bộ lương, thưởng trong khoảng thời gian bị buộc thôi việc. Như vậy, khoảng thời gian tính từ thời điểm ông T nhận được Bản án phúc thẩm ngày 10/9/2015 đến ngày có đơn yêu cầu bồi thường là ngày 20/8/2018 vẫn trong thời hạn 03 năm theo quy định của pháp luật. Như vậy, vụ việc của ông T vẫn nằm trong thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Thứ hai, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án trong trường hợp người yêu cầu bồi thường đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường và chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc rút yêu cầu bồi thường trước thời điểm cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại thì trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường[4].

Ví dụ: Ngày 12/3/2017, ông A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh C về việc chấp nhận khiếu nại của ông A trong việc UBND huyện B, tỉnh C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật cho ông. Ngày 05/8/2018, ông A yêu cầu UBND huyện B yêu cầu bồi thường. Ngày 15/9/2018, UBND huyện B đã thụ lý yêu cầu bồi thường của ông A.

Tuy nhiên, sau đó, ngày 18/9/2018, ông A đã rút đơn yêu cầu bồi thường trước khi UBND huyện B tiến hành xác minh thiệt hại và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp này, kể từ ngày ông A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại ngày 12/3/2018 đến ngày 18/9/2018 thì ông A vẫn còn thời hiệu thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Thứ ba, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án là 15 ngày trong trường hợp yêu cầu bồi thường đã được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, nhưng sau đó người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết trong các trường hợp sau[5]:

(i) Không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Người yêu cầu bồi thường không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật.

Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày trao cho người yêu cầu bồi thường quyết định giải quyết bồi thường[6]. Ví dụ: Trường hợp ông T đã được Sở Xây dựng tỉnh C giải quyết bồi thường. Ngày 05/5/2019, ông T đã được Sở Xây dựng tỉnh C trao quyết định giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, ông T không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường này nên ngày 01/6/2019, ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh C giải quyết bồi thường. Trong trường hợp này, kể từ ngày ông T nhận được quyết định giải quyết bồi thường ngày 05/5/2019 đến ngày 01/6/2019 đã quá thời hạn 15 ngày nên ông T không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nữa.

(ii) Kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành quy định tại khoản 7 Điều 46 Luật TNBTCNN năm 2017 mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường. Ví dụ: Trường hợp ông T đã được Sở Xây dựng tỉnh C thụ lý giải quyết và có biên bản thương lượng thành. Tuy nhiên, sau đó, Sở Xây dựng tỉnh C không ra quyết định giải quyết bồi thường ngay thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản thương lượng thành, ông T có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.

(iii) Kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành quy định tại khoản 7 Điều 46 Luật TNBTCNN năm 2017. Ví dụ: Trường hợp ông T đã được Sở Xây dựng tỉnh C thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng, Sở Xây dựng tỉnh C và ông T không thống nhất được mức thiệt hại bồi thường nên Sở Xây dựng tỉnh C đã lập biên bản kết quả thương lượng không thành có chữ ký của ông T. Trong trường hợp này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản thương lượng không thành, ông T có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho người yêu cầu bồi thường khổng thể thực hiện việc khởi kiện đúng thời hạn đối với thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án nêu tại mục 3 thì khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không được tính vào thời hạn khởi kiện này. Ví dụ: Trường hợp ông T đã được Sở Xây dựng tỉnh C giải quyết bồi thường. Ngày 05/5/2019, ông T đã được Sở Xây dựng tỉnh C trao quyết định giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, ông T không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường này nên ngày 01/6/2019, ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh C giải quyết bồi thường. Trong khoảng thời gian từ ngày 05/5/2019, ông T bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Ngày 18/5/2019, ông T được ra viện và hồ sơ bệnh án của bệnh viện xác nhận ông T bị gãy chân và chấn thương sọ não đến ngày 18/5/2019 mới được xuất viện.

Như vậy, kể từ ngày ông T nhận được quyết định giải quyết bồi thường ngày 05/5/2019 đến ngày 01/6/2019 đã quá thời hạn 15 ngày nhưng vì ông T bị tai nạn nhập viện từ ngày 05/5/2019 đến ngày 18/5/2019 nên khoảng thời gian này không tính vào thời hạn khởi kiện. Do đó, kể từ ngày 18/5/2019 đến ngày 01/6/2019 nộp đơn khởi kiện thì ông T vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Thứ tư, trường hợp người yêu cầu bồi thường yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính[7]. Thời điểm chấp nhận yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính là thời điểm Tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu bồi thường.

2. Xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường

Khi giải quyết bồi thường, cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường phải căn cứ trên những tài liệu có trong hồ sơ để xác định vụ việc còn thời hiệu yêu cầu bồi thường hay không. Theo đó, cơ quan giải quyết bồi thường cần xác định:

(1) Khoảng thời gian tính từ thời điểm người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đến thời điểm nộp đơn yêu cầu bồi thường lần đầu.

(2) Các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường. Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ cung cấp thông tin và tài liệu, chứng cứ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu này[8].

Đối với trường hợp giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường xác định các trường hợp sau được xác định là còn thời hiệu yêu cầu bồi thường:

– Thời điểm người yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đến thời điểm nộp đơn yêu cầu bồi thường là không quá 03 năm. Ví dụ: Ngày 03/9/2015, ông A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh N, trong đó chấp nhận khiếu nại của ông A về việc UBND huyện B, tỉnh N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.

Ngày 30/7/2018, ông A yêu cầu UBND huyện B giải quyết bồi thường. Trong trường hợp này, kể từ ngày ông A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại ngày 03/9/2015 đến ngày 30/7/2018 thì ông A vẫn trong thời hạn 03 năm nên ông A vẫn còn thời hiệu yêu cầu bồi thường.

– Những trường hợp mà tính từ thời điểm người yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đến thời điểm nộp đơn yêu cầu bồi thường đã quá 03 năm nhưng có các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu thì phải trừ đi khoảng thời gian này. Nếu sau khi trừ đi khoảng thời gian không tính vào thời hiệu mà khoảng thời gian tính từ thời điểm người yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đến thời điểm nộp đơn yêu cầu bồi thường không vượt quá 03 năm thì yêu cầu bồi thường vẫn còn thời hiệu. Trường hợp, vượt quá 03 năm thì yêu cầu bồi thường đã hết thời hiệu để giải quyết.

3. Khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường

Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường theo hướng phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, qua đó bảo đảm hơn quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Cụ thể, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường sau[9]:

(1) Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường. Theo đó, Bộ luật Dân sự[10] quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ví dụ, báo lũ làm hỏng đường, giao thông bị tắc nghẽn không đi lại được…

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Ví dụ, bị tai nạn giao thông, ốm đau…

(2) Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

Thông thường, người yêu cầu bồi thường phải là người thành niên, có năng lực hành vi dân sự. Do vậy, nếu người bị thiệt hại là người chưa thành niên, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì cần người đại diện. Tuy nhiên, vì lý do khách quan mà chưa cử được người đại diện thì thời gian này không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chết hoặc trường hợp người đại diện có lý do chính đáng mà không thể tiếp tục làm người đại diện cho tới khi có người đại diện mới thì thời hạn chờ cử người đại diện thay thế không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường. Ví dụ: người đại diện được cử bị bệnh nặng mà chưa cử được người đại diện thay thế thì cần phải tiếp tục cử người đại diện thay thế.

Ví dụ: Ngày 01/7/2015, A (12 tuổi, bố mất chỉ còn mẹ) nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện B, tỉnh C, trong đó chấp nhận khiếu nại của A về việc UBND xã D, huyện B áp dụng biện pháp giáo dục tại xã D đối với A là trái pháp luật. Ngày 01/8/2015, mẹ của A mất. A được bác ruột (anh trai bố) nhận làm con nuôi (có Quyết định của UBND xã D ngày 01/8/2016). Ngày 01/12/2018, cha nuôi của A gửi đơn yêu cầu bồi thường đến UBND xã D. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2015 nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đến ngày 01/12/2018 nộp đơn yêu cầu bồi thường là 3 năm 5 tháng. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ ngày 01/8/2015 mẹ A mất đến ngày 01/8/2016 có cha nuôi là 1 năm không được tính trong thời hạn tính thời hiệu. Như vậy, thời hạn để tính thời hiệu yêu cầu bồi thường của cha nuôi A là 2 năm 5 tháng nên vẫn còn thời hiệu theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.

(3) Xác định thời hiệu trong trường hợp đặc biệt, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định trong trường hợp người yêu cầu bồi thường chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường mà nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở thì Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường và chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường. Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định trường hợp người yêu cầu bồi thường đã nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp để xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong thời hiệu yêu cầu bồi thường nhưng tại thời điểm nhận hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển đến mà thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thụ lý hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển đến[11].

Ví dụ: Ngày 15/7/2015, TAND tỉnh A ban hành bản án hành chính phúc thẩm chấp nhận nội dung khởi kiện của ông A về việc: Chi cục THADS huyện B, tỉnh A có sai phạm trong việc kê biên, bán đấu giá nhà đất của ông A dẫn tới việc UBND huyện B, tỉnh A tham mưu UBND tỉnh A ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông D (người mua được tài sản bán đấu giá) không đúng. Ông A nhận được bản án ngày 15/7/2015. Trên cơ sở này, ngày 16/10/2015, UBND tỉnh A đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông D. Ngày 12/8/2018, ông A gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp tỉnh A đề nghị xác định cơ quan giải quyết bồi thường. Ngày 17/8/2018, Sở Tư pháp tỉnh A xác định cơ quan giải quyết bồi thường là UBND huyện B và chuyển hồ sơ cho UBND huyện B giải quyết. Như vậy, kể từ ngày 15/7/2015 ông A nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đến ngày hồ sơ chuyển cho UBND huyện B này 17/8/2018 là 3 năm 02 ngày nhưng do hồ sơ yêu cầu bồi thường đã được chuyển đến Sở Tư pháp tỉnh A từ ngày 12/8/2018 nên thời hạn để tính thời hiệu yêu cầu bồi thường của ông A là 2 năm 11 tháng 27 ngày. Do đó, UBND huyện B vẫn phải giải quyết yêu cầu bồi thường của ông A.

4. Một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Luật TNBTCNN năm 2017 trong thực tiễn

Trong thực tế có một số vụ việc yêu cầu bồi thường mà việc xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Luật TNBTCNN năm 2017 chưa quy định, cụ thể như sau:

4.1. Bà T khiếu nại UBND huyện B, tỉnh Nghệ An về việc: năm 2004 bà T nhận quyền sử dụng đất của D, tuy nhiên đến tháng 8/2004, UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên T và H (kết hôn với bà T năm 2007) là không đúng. Ngày 18/8/2014, UBND huyện B có Kết luận thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho bà T và ông H là chưa đúng quy định của pháp luật, lý do vì ông H không có tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; trách nhiệm đối với vụ việc này thuộc về Chủ tịch UBND xã Q, huyện B.

Ngày 12/9/2014, UBND huyện B ban hành quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà T và ông H. Ngày 02/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh C bản án phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản và nghĩa vụ nuôi con khi ly hôn giữa bà T và ông H, trong đó khẳng định bà T được quyền sử dụng mảnh đất mà không có nội dung nào về hành vi thi hành công vụ. Ngày 20/7/2018, bà T có đơn yêu cầu bồi thường gửi UBND huyện B, đồng thời yêu cầu thu thập văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

UBND huyện B đã không thụ lý yêu cầu bồi thường của bà T với lý do hết thời hiệu yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 (tính từ ngày 12/9/2014 ban hành Quyết định hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà T và ông H đến ngày 20/7/2018 có đơn yêu cầu bồi thường lần đầu).

4.2. Ông A và B tranh chấp quyền sử dụng đất với nhau từ năm 1999 và đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản giải quyết khiếu nại khác nhau. Trong đó, văn bản giải quyết khiếu nại cuối cùng có hiệu lực thi hành là Quyết định giải quyết khiếu nại N của Chủ tịch UBND tỉnh C ngày 10/9/2009, công nhận quyền sử dụng đất của ông A.

Ông B không đồng ý với Quyết định này đã khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét hủy Quyết định giải quyết khiếu nại N. Theo đó, TAND tỉnh C đã có bản án hành chính sơ thẩm ngày 28/5/2013, tuyên công nhận Quyết định giải quyết khiếu nại N. Ông B làm đơn kháng cáo và ngày 30/9/2013, Tòa án phúc thẩm tại HCM ban hành bản án phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B. Ông B tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm.

Ngày 28/5/2015, Viện trưởng VKSNDTC có kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy Bản án hành chính phúc thẩm và Bản án hành chính sơ thẩm nêu trên. Ngày 13/01/2016, Hội đồng thẩm phán TANDTC quyết định giám đốc thẩm, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Ngày 11/9/2017, ông A có đơn yêu cầu bồi thường về kinh tế và tinh thần theo quy định của Luật TNBTCNN trong thời gian giải quyết khiếu nại.

4.3. Bình luận

Theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Dân sự năm 2015 về tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự thì thời hiệu hưởng quyền dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt. Theo đó, thời hiệu hưởng quyền dân sự bị gián đoạn khi có sự kiện sau đây: Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Tuy nhiên, Luật TNBTCNN năm 2017 chỉ quy định về 03 loại khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường mà không quy định về tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự như trong Bộ luật Dân sự 2015. Trong khi đó, về nguyên tắc, việc bồi thường của Nhà nước chỉ được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017[12]. Quay lại nguyên tắc áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có quy định Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm nguyên tắc của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 được áp dụng[13].

Như vậy, trường hợp yêu cầu của bà T và ông A có đặc điểm như sau:

– Trường hợp của bà T, trong khoảng thời gian từ ngày 12/9/2014 ban hành Quyết định hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà T và ông H đến ngày 02/6/2016 có phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản và nghĩa vụ nuôi con khi ly hôn giữa bà T và ông H, trong đó khẳng định bà T được quyền sử dụng mảnh đất thì quyền sử dụng đất của bà T đang được Tòa án xem xét.

– Trường hợp của ông A, trong khoảng thời gian từ ngày 10/9/2009 có Quyết định giải quyết khiếu nại N của Chủ tịch UBND tỉnh C đến ngày 11/9/2017 ông A có đơn yêu cầu bồi thường thì quyền sử dụng đất của ông A đang được Tòa án xem xét để giải quyết tranh chấp đất đai với ông B.

Như vậy, trường hợp yêu cầu của bà T nếu được áp dụng quy định trong Bộ luật Dân sự thì thời hiệu yêu cầu bồi thường sẽ được tính từ ngày 02/6/2016 có phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản và nghĩa vụ nuôi con khi ly hôn giữa bà T và ông H. Trường hợp yêu cầu của ông A nếu được áp dụng quy định trong Bộ luật Dân sự thì thời hiệu yêu cầu bồi thường sẽ được tính từ ngày 13/01/2016 Hội đồng thẩm phán TANDTC quyết định giám đốc thẩm, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Như vậy, trong cả hai trường hợp, yêu cầu bồi thường đều còn thời hiệu.

Tóm lại, quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Luật TNBTCNN năm 2017 được tiếp thu, sửa đổi từ các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu. Việc năm bắt các quy định này giúp bảo đảm hơn việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đối với trường hợp có sự kiện làm phát sinh việc tính lại thời hiệu hưởng quyền dân sự nêu trên thì Luật TNBTCNN năm 2017 cần quy định thêm để tiếp tục bảo đảm hơn quyền của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Tác giả bài viết: Lê Thị Thu Hằng (Cục Bồi thường Nhà nước)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây