Để hàng hóa Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU giảm rủi ro và giảm nguy cơ tranh chấp thương mại (?!)

Thứ sáu - 14/02/2020 05:11
Bài viết của Luật gia Lê Văn Trung -

Việt Nam đã chính thức trở thành là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU - một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, sau khi Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định EVFTA hôm 12/2. Một lần nữa trên phạm vi toàn cầu, vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam tiếp tục được khẳng định.
Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định EVFTA vào ngày 12/2
Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định EVFTA vào ngày 12/2
  
Nhận định về sự kiện trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị, nhất là giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu.

     
Cơ hội vàng

     
EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối nền kinh tế Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Ngay sau khi Hiệp định được thông qua, một nguồn lực mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ) được khơi thông, tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và Châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ giá rẻ và chất lượng cao. Châu Âu lập tức dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% số dòng thuế tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, theo đó sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ (sau 10 năm, Việt Nam tiếp tục xóa bỏ khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO).

     
Lợi ích mang đến hai chiều không trừu tượng chung chung mà bằng những con số có thể cân, đong, đo, đếm được. Rồi đây tôm Việt Nam sẽ nhiều hơn trong bữa ăn của các gia đình các nước EU và ngược lại rượu vang Pháp, Ý sẽ quen thuộc hơn trong bữa ăn của người dân Việt. Cùng với nguồn lực thương mại là nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cấp các mắt khâu “made in Viet Nam” hay “made by Viet Nam” trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia. Với sự tham gia của các đối tác đến từ Châu Âu, chúng ta kỳ vọng giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên…Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

     
Đặc biệt đối với sở hữu trí tuệ, những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA cùng với cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể quyền, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ. 

 
FV 2
          Lễ ký kết EVFTA diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 6/2019
     
Những cam kết đó sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam. Hiệp định EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường EU từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn...  

     
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đặc biệt ở vấn đề sở hữu trí tuệ. Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.   

   
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) Trần Quốc Khánh, những ngành sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực, “đó là những ngành được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có mức độ giảm thuế trên 3% tính theo số tuyệt đối bởi 3% trên doanh số là tỷ lệ khá lớn trên thị trường đã khá ổn định về lợi nhuận gộp như thị trường EU. Nông sản, thuỷ sản và nhiều sản phẩm gỗ là những mặt hàng có cơ hội rất lớn”

Thách thức lớn

Về nguyên tắc khi thuế quan được giảm thì chắc chắn kim ngạch XNK sẽ tăng và nguy cơ áp dụng các biện pháp tự vệ cũng lớn lên, ví dụ như các biện pháp về hạn ngạch, tăng thuế… Song nỗi lo lớn nhất, khi EVFTA chính thức được thực thi với nhiều ưu đãi về thuế quan như vậy sẽ có nhiều nhà sản xuất mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu, khi ấy gian lận thương mại sẽ trở thành nguy cơ. Đặc biệt là các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA đã mang lại những thách thức về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát như kiểm soát tại biên giới, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng…
      
Thách thức càng lớn hơn khi mà hiện nay tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư. Đây có thể nói là một trong những điểm yếu chí tử, thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nếu kiểm soát không tốt khi đó lượng hàng hóa tăng đột biến thì các biện pháp tự vệ thương mại hay chống lẩn tránh thuế sẽ được các nước của EU áp dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến “an ninh” của các ngành sản xuất của Việt Nam.

     
Trả lời phỏng vấn tờ VnEconomy mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cảnh báo: “Xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng”.

     
Trong khi đó theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO, các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan...

     
Cũng theo bà Trang, mặc dù nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết trên không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền. Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.

     
Ngoài ra, về sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động, bởi đâu đó trong các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền được hỗ trợ của lao động nữ... 

      
Làm gì để giảm rủi ro ?

     
Như vậy muốn tận dụng cơ hội vàng, Việt Nam không chỉ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà còn phải tái cấu trúc về thể chế, tạo môi trường, cơ chế thông thoáng để tận dụng các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu. Bỡi “thể chế nào thì doanh nghiệp đó”, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

                                 
NS
                                            Cơ hội vàng cho nông sản Việt Nam
     
Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi EVFTA được ký kết hồi cuối tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” - nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Đây là một việc làm rất kịp thời của Việt Nam để từ đó có hành lang tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

      
Song chừng ấy chưa đủ, nhất là đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ với mức độ cam kết khá cao, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Vì vậy việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam để có đề xuất một chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn. Cùng với đó là đẩy mạnh tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Hiệp định EVFTA.

     
Việt Nam cần thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư biết; luôn theo dõi sâu sát và cập nhật tình hình cụ thể về vấn đề sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các mặt hàng có số lượng xuất khẩu gia tăng đột biến… để có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm kịp thời. Ở chiều ngược lại, chính các doanh nghiệp Việt cần ý thức rõ về câu chuyện này, kiên quyết nói không với tiếp tay cho các nhà đầu tư gian lận làm ảnh hưởng đến nền sản xuất và uy tín của đất nước. Hay nói cách khác, cộng đồng doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế và nguồn lực để sát cánh với cùng với các cơ quan nhà nước (như cơ quan thống kê, quản lý thuế, hải quan, các sở kế hoạch đầu tư….) trong nỗ lực thực thi EVFTA.

      
Bên cạnh đó, để thực hiện cam kết, Việt Nam cần có những bước phát triển mới, tiến bộ hơn trong việc quản lý và chế độ đối đãi với người lao động, các quy chuẩn về nguồn lao động… Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng.


Thách thức vô cùng lớn, tuy nhiên theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vũ Tiến Lộc: “Chúng ta cũng không phải quá lo lắng, bởi các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA là có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng phải là tâm thế của doanh nghiệp thời hội nhập, mà không phải là tiếp tục trông chờ vào bảo hộ. Thực tiễn của những ngành, những lĩnh vực có sức cạnh tranh cao của chúng ta hiện nay đều là những ngành, lĩnh vực đã nói không với bảo hộ, cam kết với cạnh tranh, dũng cảm mở cửa và hội nhập”.
                                                                                              

Tác giả bài viết: Luât gia Lê Văn Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây