Không ít trường hợp rơi vào cảnh đi khám một lần rồi sợ ... đến già. Mới đây câu chuyện của một bà mẹ đưa con bị ngứa da tới phòng khám của một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ khám và kết quả sau khi khám xong chị phải mua đơn thuốc trên 2 triệu đồng với đủ các loại thuốc bôi, thuốc đắp, thuốc ngâm...
Cầm đơn thuốc, bà mẹ trẻ không khỏi sốc và cảm thấy có vấn đề vì cảm giác bác sĩ kê đơn thuốc theo kiểu "nhét thuốc vào túi bệnh nhân" và mặc định là phải lấy về.
“Em thanh toán mà lòng không thể không nổi sóng. Ai cũng thế này thì họ khiếp lần sau chả dám đến. Lại thêm 2 mẹ con đến khám mụn, bé gái tầm lớp 7-8. Bác sĩ cứ giục vào bắn tia và tay không quên kê 2 tờ bảng thuốc. Lúc ra thanh toán với em thấy hơn 6 triệu đồng, chắc họ cũng choáng mặt nghệt ra.
Em nói thật, bác sĩ thì phải có tâm 1 chút, làm gì cũng cần có lãi nhưng làm thế này hơi kinh tế quá” – Đó là chia sẻ của một bà mẹ về đơn thuốc trị ngứa "khủng".
Qua câu chuyện của bà mẹ này, chúng tôi trao đổi với GS Phạm Gia Khải, ông cho rằng đây rõ ràng là không phải chữa bệnh mà bán thuốc.
Giáo sư Phạm Gia Khải cho biết, thế hệ bác sĩ thời của ông chỉ biết đến chữa bệnh cứu người rồi học thêm, mang thêm nhiều kỹ thuật mới nhất phục vụ người bệnh và ít người có khái niệm sẽ làm kinh tế trên bệnh nhân nhưng hiện nay thì có điều đó xẩy ra.
Giáo sư Phạm Gia Khải |
Chúng tôi đem câu hỏi có nên coi bệnh nhân là khách hàng tới GS. Phạm Gia Khải, ông cho rằng: "Cần quan niệm rõ người bệnh vẫn mãi là người bệnh và bác sĩ mãi là bác sĩ, bác sĩ khó trở thành một thương nhân. Nếu cứ nghĩ có thể kinh doanh trên sức khỏe người bệnh thì điều đó khó thành công trong nghề của họ. Coi người bệnh là khách hàng ở góc độ phục vụ tốt họ chứ không phải là tận thu ở họ."
GS Khải cho biết, ông đã từng thấy có nhiều bác sĩ khi bệnh nhân tới khám, họ coi đó là cơ hội đặc biệt, tìm mọi cách tận thu người bệnh điều này vô cùng nguy hiểm. Có những bệnh nhân nghèo họ đi khám với mong muốn tìm ra bệnh và điều trị bệnh tốt nhất nhưng ra về với đơn thuốc cả chục triệu đồng. Lẽ ra với bệnh đó người bác sĩ có tâm sẽ kê đơn không quá 1/3 số tiền đó.
GS Khải chia sẻ, về phần mình, ông hãnh diện nói rằng những cán bộ y tế mà ông làm việc cùng hay đào tạo họ thì đa số đều sống đúng mực. Tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt trong xã hội ngày nay, nếu không quan tâm tới vật chất thì người ta không thể sống nổi.
Nhiều người không thể kìm mình trước những món quà có giá trị cực lớn, từ đó lạm dụng chức quyền, chức vụ của mình, đòi hỏi bệnh nhân, coi nhẹ người bệnh.Có những người bác sĩ không ngần ngại kê cho bệnh nhân những đơn thuốc khủng để lấy hoa hồng từ các hãng dược, từ thực phẩm chức năng.
Nếu không vì lợi ích cá nhân, người bác sĩ không phải kê cho người bệnh những đơn thuốc đắt tiền hay hai ba loại kháng sinh có cùng tác dụng. Họ nghĩ làm cho xong việc chứ chưa nghĩ cho bệnh nhân.
"Thời của của chúng tôi, cả bác sĩ và bệnh nhân đều sống, làm việc trong một xã hội bao cấp, mọi người đều thiếu thốn như nhau, chịu đựng thiếu thốn một cách tự giác. Vì thế sự chênh lệch về mức sống không nhiều. Người ta sẵn sàng chia sẻ với nhau, không ai nghĩ mình có thể giàu có, sống khá giả hơn hẳn những người khác. Mọi người sống ít quan tâm tới vật chất hơn bây giờ.", GS. Phạm Gia Khải bày tỏ.
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn