Cô giáo bắt học sinh quỳ: “Tôi bất lực, dù biết là sai”

Thứ ba - 14/05/2019 03:38
Nói về việc áp dụng hình phạt bắt học sinh quỳ trong lớp, cô Quy cho hay bản thân bất lực dù đã áp dụng đủ các phương pháp giáo dục.

Ngày 13/5, chúng tôi tìm đến nhà cô giáo Lê Thị Quy (giáo viên Trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) khi cô còn đang trong thời gian bị tạm đình chỉ để tường trình và tự kiểm điểm bản thân sau sự việc hình ảnh phạt học sinh quỳ trong lớp lan rộng trên mạng xã hội.

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hà Tây, đi làm từ năm 1994, cô Quy hiện đã có 25 năm trong nghề. Cô Quy bắt đầu tiếp nhận lớp 9B từ đầu năm học này.

“Đây là lớp có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như các giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.
 

Thông thường, sau khi học sinh mắc khuyết điểm, cô Quy sẽ thông báo tới gia đình và mời phụ huynh đến trường trao đổi.

Ngoài động viên, nhắc nhở, cô Quy cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa.

Cô Quy cảm thấy bất lực với học sinh của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau nhưng không mấy hiệu quả.

“Có nhiều giờ giáo viên bộ môn cũng phản ánh không thể dạy được. Nói chuyện có, tâm sự có! Nhưng các em vẫn không nghe”.

Đặc biệt, trong lớp có 5 học sinh dù đã được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng ý thức và sự tiến bộ rất chậm.

Tháng 1/2019, cô Quy đã phải mời các phụ huynh đến trường họp để nói chuyện về phương pháp giáo dục.

Cũng trong cuộc họp ấy, hình phạt quỳ được chính các phụ huynh đề xuất và cam kết để cô phạt "nếu học sinh quá hư".

Cô Quy cho hay dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh này vì “đều là người cùng địa phương” và “xuất phát từ lương tâm người thầy”.

“Trong buổi gặp, phụ huynh chia sẻ dù có bảo ban nhưng con cũng không nghe và tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở trên lớp nếu không ngoan. Họ đưa ra hướng như vậy vì muốn các con sẽ không phải đi nhặt cỏ hay ra ngoài trường nắng, bị bẩn mà vẫn được viết bài, nghe giảng và có thể tiến bộ”.

Trước kia các phụ huynh đề nghị cô cho các con dọn vệ sinh.

“Nhưng tôi cũng nói với các phụ huynh không giáo viên nào muốn phạt học sinh cả. Phạt học sinh để tôi được cái gì? Thực lòng tôi không hề muốn điều đó. Nhưng các phụ huynh đề nghị đều là người trong địa phương, ở xung quanh nhà tôi. Người ta cứ tha thiết đề nghị giúp như thế nên tôi đồng ý giúp đỡ họ để mong các cháu tiến bộ”.  
 

Cô Quy khẳng định chỉ làm điều này khi phụ huynh đề nghị và cũng chỉ với những học sinh được bố mẹ “nhờ vả”. Nhóm này gồm 5 phụ huynh, trong đó có mẹ của nam sinh quỳ trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.

“Phụ huynh tha thiết đề nghị phạt như thế cho con tiến bộ chứ không phải do tôi đưa ra. Tôi biết đây là việc không nên làm nhưng đây là phụ huynh đề nghị. Còn những học sinh khác, tôi không phạt như vậy”.

Cô Quy kể trước khi thực hiện điều này, cô đã từng thông báo với tất cả học sinh trong lớp về những yêu cầu của phụ huynh khi con họ mắc khuyết điểm.

Theo lời cô, những học sinh bị quỳ như vậy sau một thời gian đã tiến bộ trông thấy. “Chỉ bị 1, 2 lần là các cháu tiến bộ luôn”.

Cô giáo bắt học sinh quỳ: “Tôi bất lực, dù biết là sai”
 Nói về việc áp dụng hình phạt bắt học sinh quỳ trong lớp, cô Quy cho hay bản thân bất lực dù đã áp dụng đủ các phương pháp giáo dục.

Cô giáo 25 năm trong nghề cho hay, người phát tán thông tin hình ảnh là phụ huynh của N. - một học sinh nghịch ngợm ở lớp. N chưa từng bị cô phạt quỳ bao giờ.

“Em ấy cũng rất hay mắc khuyết điểm. Khi phạt trực nhật trên lớp, em không chịu làm. Tôi nói, nếu không trực nhật, cô sẽ phạt hình phạt như các bạn. Em bảo bố mẹ không bắt mình như thế và tôi yêu cầu em đứng ở góc lớp. Tuy nhiên, em không đứng và tự ý bỏ ra ngoài”.

Cô Quy cho hay hình ảnh "học sinh quỳ gối" được xác định chụp vào khoảng cuối tháng 1, nhưng không biết vì lý do gì mà đến lúc này mới được phát tán.

Nút thắt của sự việc có lẽ là khi N. ở trong diện không được xét tốt nghiệp THCS.

N. là học trò thường xuyên bỏ giờ, bỏ tiết, nghỉ học. Trong những buổi họp phụ huynh, bố mẹ em cũng không có mặt mà để bà nội đi hộ.

“Sau đó, tôi phải tổ chức một cuộc họp nữa nhưng bố mẹ em vẫn không lên. Hết học kỳ 1, tôi thông báo cháu xếp học lực yếu nhưng bố mẹ không đi họp nên cũng không nắm được thông tin đó. Đến nay, kết quả cuối năm học sinh này không đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp (vì nghỉ quá 45 buổi, tổng kết hai môn Văn và Toán đều dưới trung bình – PV) thì xảy ra sự việc này”.

“Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng đây là bài học xương máu. Hiện nay, tôi cũng chưa định hướng ra được sẽ viết những gì trong bản tường trình” - cô Quy nói.

 

Tác giả bài viết: Thanh Hùng – Thúy Nga     

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây