Bộ KH&ĐT không thể ngoài cuộc
Những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông gây chú ý với những phát ngôn nghe qua rất mạnh mẽ khi cho rằng, các dự án BOT tù mù, không theo quy định nào, là rủi ro tham nhũng lớn nhất.
Theo một số chuyên gia, sẽ không có gì đáng bàn nếu ông Đông là một nhà phản biện hoặc là đại diện cơ quan thanh tra, kiểm soát độc lập các dự án BOT. Thực tế, ông Đông là lãnh đạo của một bộ quan trọng, nằm trong chuỗi các cơ quan quản lý góp phần hình thành nên dự án BOT.
Theo quy định hiện nay, một dự án BOT trải qua rất nhiều quy trình và không thể không có sự tham gia ý kiến của Bộ KH&ĐT. Ở bước xin chủ trương đầu tư, Bộ GTVT, địa phương hoặc các nhà đầu tư (thông qua Bộ GTVT hoặc địa phương) đệ trình Chính phủ xin chủ trương đầu tư.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành, trong đó không thể thiếu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước khi trình lãnh đạo Chính phủ. Với các dự án trọng điểm, chủ trương đầu tư sẽ phải có sự đồng thuận của Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an…
Sau khi có chủ trương, Bộ GTVT sẽ xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi; trong đó có các nội dung về phạm vi, quy mô, phương án đầu tư cũng như vị trí trạm thu phí… Bước này cũng có sự tham gia của các đơn vị chuyên môn của nhiều bộ ngành khác nhau.
Ở bước lựa chọn nhà đầu tư (hầu hết được tiến hành chỉ định thầu), người ký quyết định là Thủ tướng nhưng trước đó có sự tham mưu của một nhóm công tác liên ngành (gồm các đơn vị thuộc Bộ GTVT, KH&ĐT, Bộ Tài chính, UBND các địa phương). Ngoài ra, để có thể triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ phải trình đến 10 bộ hồ sơ, qua nhiều cục vụ, phòng ban của Bộ KH&ĐT để được bộ này cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thực tế, các quy định hiện hành của Chính phủ về đầu tư BOT trước khi ban hành đều có ý kiến tham gia của Bộ KH&ĐT. Cụ thể Nghị định 15/2015/NĐ – CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định 30/2015/NĐ – CP về lựa chọn nhà đầu tư đều là những văn bản do Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng. Vì vậy, khi Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói quy trình BOT tù mù, là kẽ hở tham nhũng lớn, có ý kiến khen ông thẳng thắn nhưng có ý kiến cho rằng ông nói “như người ngoài cuộc” là có ý đổ lỗi hoặc bất lực trước nhiệm vụ được giao.
Cũng tương tự, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang từng nói việc thay đổi từ đầu tư riêng tuyến tránh thị xã Cai Lậy sang đầu tư QL 1A qua Cai Lậy và thu trên QL 1A “do Bộ GTVT quyết định hết”. Đây cũng là một hiện tượng đổ lỗi vì sau đó, các văn bản đồng ý của lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh Tiền Giang đồng ý với nội dung đề nghị của Bộ GTVT công khai. Thực tế, Bộ KH&ĐT có văn bản đồng ý và cấp giấy phép đầu tư cho dự án gây bức xúc này.
Bộ GTVT phản ứng cầm chừng?
Khi PV Tiền Phong đặt vấn đề về phát ngôn của lãnh đạo Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng, người phát ngôn của Bộ GTVT nói: “Mọi người sẽ có nhìn nhận khác nhau. Còn Bộ GTVT không có ý kiến gì vì đây là phát biểu cá nhân của anh Đặng Huy Đông”.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng cho hay, các quy định về BOT hiện nay dù cần có sự thay đổi, tiến tới cần ban hành luật riêng về BOT nhưng để có được một dự án BOT đều có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương nơi triển khai dự án, chỉ riêng Bộ GTVT không thể quyết định.
Quan sát các diễn biến gần đây cho thấy, sự chủ động xử lý các bức xúc của BOT (dù được triển khai ở nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ trước) của Bộ GTVT chưa thực sự rốt ráo. Biểu hiện rõ nhất cho việc này là Bộ GTVT (cùng với UBND TP Hà Tĩnh) bị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình vì chậm trễ giải quyết tình trạng người dân tập trung đông người tại trạm thu phí cầu Bến Thủy hồi tháng 4 vừa qua.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư BOT bày tỏ sự chán nản khi không được các bộ ngành, địa phương bảo vệ trước sự phản đối của người dân và dư luận về BOT. “Kể cả trường hợp doanh nghiệp có chủ động đề nghị, nếu không được sự chấp thuận của bộ, ngành, địa phương, thậm chí cả Chính phủ, thử hỏi nhà đầu tư có thể thực hiện dự án, thu phí hay không. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ và bộ, ngành vào cuộc để xử lý các vấn đề phát sinh”- một nhà đầu tư BOT lớn, đề nghị giấu tên nói.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: “Hiện nay, vấn đề BOT rất tù mù, nhiều dự án chỉ định thầu nên cần xem xét kỹ lưỡng. Đã đến lúc chúng ta phải có tổng kết, đánh giá và đưa ra chủ trương sắp tới phải làm như thế nào”.
Theo ông Hồ, khi thực hiện dự án BOT, rất nhiều bộ ngành tham gia góp ý kiến, không thể mình Bộ GTVT quyết định. Hiện nay, mỗi đơn vị, bộ ngành đều nêu ý kiến mà không có kết luận cuối cùng. Thường vụ Quốc hội đã đặt ra giám sát và cần có tổng kết, đánh giá chính thức của Chính phủ về vấn đề này.
Về ý kiến của Bộ KH&ĐT, lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang nêu trên, ông Hồ cho rằng, đây chỉ là ý kiến riêng lẻ, các đơn vị này cần có báo cáo chính thức. “Cần sự kiểm tra cẩn thận về các dự án BOT xảy ra vấn đề. Cả Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, các bộ liên quan như KH&ĐT, Tài chính... phải xem xét vấn đề nghiêm túc và báo cáo Chính phủ bằng văn bản. Từ đó mới truy cứu được trách nhiệm”, ông Hồ đề nghị.
Qua tham khảo các tài liệu cho thấy, một điểm đáng chú ý: Việc lấy ý kiến người dân hoặc các đại biểu Hội đồng nhân dân chưa được triển khai ở diện rộng. Đơn cử, vào ngày 28/10/2013, Bộ GTVT có văn bản gửi tỉnh Tiền Giang về thay đổi phạm vi đầu tư dự án và vị trí thu phí trạm Cai Lậy. Chỉ 5 ngày sau, HĐND tỉnh Tiền Giang có văn bản đồng ý; trong nội dung văn bản cho thấy, việc quan trọng này chỉ thông qua Thường trực HĐND, không lấy ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh.
Tác giả bài viết: SỸ LỰC - QUỲNH NGA
Nguồn tin: tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn