Điều đáng nói là dưới tầng hầm của ngôi nhà này là một kho lớn, chất đầy các loại bột và 19 loại vỏ viên nang có màu sắc khác nhau.
Tại đây, các loại máy đóng gói, đóng hộp nếu cùng lúc hoạt động, trong vòng 1 giờ đồng hồ có thể sản xuất ra 10.000 viên thuốc giảm cân giả.
Mới đây, công an thành phố Lâu Để, Hồ Nam đã tiến hành kiểm tra sào huyệt sản xuất thuốc giảm cân giả này, thu giữ 600.000 viên thuốc giả tại hiện trường.
Qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng xác nhận trong những viên thuốc này có chứa một hàm lượng lớn chất phụ gia Sibutramine vốn được coi là độc hại và đã bị Trung Quốc cấm dùng và khẳng định đây chính là thuốc giả.
Ảnh chụp tại hiện trường sản xuất thuốc giả.
"Giăng lưới" đồng thời ở các tỉnh Hà Nam, An Huy, Hồ Nam, công an Lâu Để cũng đã đập tan đường dây sản xuất, đóng gói và tiêu thụ thuốc giả này, đồng thời bắt được các nghi phạm đầu sỏ, giá trị kinh tế liên quan đến vụ việc này lên đến hơn 100 triệu NDT.
Phía cảnh sát cho hay, sự việc lần đầu tiên được bộ phận quản trị của trang Alibaba phát giác vào tháng 12/2016. Từ chỗ nghi ngờ về sản phẩm, bộ phận trên đã tìm hiểu và phát hiện một tài khoản có tên "Tiểu Lục" thường xuyên đăng bán thuốc giảm cân trên trang mạng Taobao.
Tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phát hiện trong thuốc có chứa những thành phần là chất cấm, đơn vị này đã nhanh chóng gửi manh mối sang cho công an thành phố Lâu Để, Hồ Nam.
Tiếp nhận thông tin này từ Alibaba, cảnh sát tiến hành điều tra và xác nhận, đây là một vụ án sản xuất và tiêu thụ thuốc giảm cân giả quy mô toàn quốc.
Vào ngày 29/8 vừa qua, chính quyền Lâu Để đã tiến hành họp báo, thông báo kết quả phá đại án thành công.
Theo đó, đầu sỏ trong vụ án này là 3 đối tượng 9X, còn rất trẻ. Tuy nhiên, khả năng chống đối lực lượng chức năng của chúng rất tinh quái, việc phá vỡ đường dây sản xuất tiêu thụ thuốc giả này.
Những loại thuốc giảm cân được quảng cáo là thuốc nhập ngoại này có thành phẩm chưa đến 0.1 NDT (khoảng 3 trăm đồng) nhưng được bán ra với ra 10 NDT (tương đương 33 nghìn đồng) mỗi viên, lợi nhuận thu về lên đến gần 9000%, lời hơn rất nhiều so với buôn ma túy.
Thông tin từ buổi họp báo của cảnh sát cũng cho hay, hơn 100.000 hộp thuốc giả trong vụ án này đã được bán ra khắp Trung Quốc dưới hàng trăm "thương hiệu" khác nhau. Hiện số thuốc này đang được cảnh sát triển khai thu hồi.
Vụ việc này một lần nữa khiến người tiêu dùng Trung Quốc thêm hoang mang về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, từ lâu vốn đã là một vấn đề khiến nhà chức trách nước này đau đầu.
Tiền mất, tật mang, đó là hậu quả kép mà người tiêu dùng phải gánh khi những kẻ bất lương vẫn ngày ngày kiếm tiền một cách phi pháp, vô đạo đức như thế này!
Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn