Không đủ căn cứ nên phải truy tố tội buôn lậu
Hồ sơ vụ án cho thấy các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VN Pharma đã làm giả hồ sơ để nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc điều trị ung thư) kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Tại toà, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên giám đốc VN Pharma, cho rằng bị cáo không nhập thuốc giả mà chỉ nhập thuốc không rõ nguồn gốc.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết các cơ quan tố tụng đã kết luận đây không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố về tội buôn lậu chứ không bị truy tố về tội sản xuất - buôn bán thuốc chữa bệnh giả.
Tại toà, đã có luật sư đề nghị giám định lại chất lượng lô thuốc H-Capita. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng đây là vụ án buôn lậu chứ không phải buôn bán hàng giả, vì vậy việc giám định chất lượng thuốc là không cần thiết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ điều tra Bộ Công An - người trực tiếp điều tra vụ án này - cho biết chưa đủ căn cứ để truy tố các bị cáo về hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh giả. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội buôn lậu.
Theo kết luận của hội đồng giám định về lô thuốc H-Capita, màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng. Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc. Qua kiểm tra lô thuốc H-Capita trên thực tế thì có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vĩ rỗng (không có viên thuốc nào), quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ. Hội đồng định giá kết luận thuốc được sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm chỉ tiêu, chất lượng trước khi xuất xưởng. Lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitanbine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. |
Nguyên tổng giám đốc Vn Pharma Nguyễn Minh Hùng bị TAND TP.HCM xử 12 năm tù về tội buôn lậu - Ảnh: HỮU KHOA |
Đã cấu thành tội buôn bán thuốc giả
Nhận định về vụ án, luật sư Nguyễn Văn Chiến - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng hành vi của các bị cáo trong vụ án đủ cấu thành tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, “buôn lậu” là buôn bán trái phép (có thể với thủ đoạn đa dạng) nhưng không thể nhầm lẫn với hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh được.
Theo ông Chiến, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định thuốc giả là “sản phẩm được gắn nhãn hiệu một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc.
Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".
Luật Dược cũng quy định thuốc giả là thuốc không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu...; được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
"Nếu thuốc chữa bệnh mua trôi nổi trên thị trường, làm giả giấy tờ mạo danh công ty nước ngoài để hợp thức nhằm buôn bán thuốc đó chẳng khác nào làm giả xuất xứ thuốc" - luật sư Nguyễn Văn Chiến nói.
|
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn