Lộ mảng tối đáng sợ từ vụ cán bộ trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô trẻ em

Thứ hai - 18/11/2019 20:06
Trước khi hành vi dâm ô trẻ em của nhân viên hợp đồng Nguyễn Tiến Dũng bị phát giác, đã có nhiều dư luận về việc trẻ lang thang cơ nhỡ đang được chăm sóc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM bị dâm ô, xâm hại; các đối tượng bị thu gom vào trung tâm phải “chung chi” nếu muốn rời khỏi nơi này, song rất ít vụ việc được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý đến nơi đến chốn…
Lộ mảng tối đáng sợ từ vụ cán bộ trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô trẻ em
'Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM luôn “kín cổng cao tường” nên người dân xung quanh rất khó biết những gì đang diễn ra bên trong. ảnh: H.T
'

Tuyển dụng dễ dãi do thiếu người?

Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (HTXH) luôn là địa điểm bí ẩn đối với người bên ngoài, cánh cổng luôn đóng kín. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong sáng 18/11, sau khi nhân viên quản lý hồ sơ Nguyễn Tiến Dũng bị bắt vì dâm ô trẻ đang nuôi dưỡng, chăm sóc ở đây, việc tiếp cận với lãnh đạo, nhân viên trung tâm càng khó khăn hơn. Chúng tôi nhiều lần gọi vào số máy cá nhân của lãnh đạo trung tâm để đăng ký làm việc nhưng không ai nghe máy. Một lãnh đạo của trung tâm nại lý do không có quyền phát ngôn và hướng dẫn chúng tôi đến dự họp báo để được cung cấp thông tin.       

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐTB&XH) cho biết Sở đang quản lý 16 trung tâm bảo trợ xã hội công lập và khoảng 60 cơ sở ngoài công lập. Những nơi này đang chăm sóc sức khỏe cho khoảng 10.000 đối tượng là trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người mắc bệnh tâm thần… bằng nguồn kinh phí từ ngân sách và nguồn kinh phí vận động từ các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước.

Theo đại diện Sở LĐTB&XH, bên cạnh các khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, các cơ sở đang đối mặt với những thách thức lớn do thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân viên y tế; thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của đối tượng được bảo trợ. Nhiều trung tâm hiện nay chỉ có từ 1 - 2 bác sĩ đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh. Các cơ sở đã có chủ trương tuyển dụng thêm như Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh năm 2019 đăng ký tuyển 19 viên chức (bác sĩ, điều dưỡng, phục hồi chức năng, quản lý đối tượng…). Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc tuyển 11 điều dưỡng, 2 nhân viên quản lý đối tượng…

“Thu nhập cán bộ nhân viên rất thấp (6 - 8 triệu đồng/người/tháng), trong khi áp lực công việc lớn, trang thiết bị thiếu thốn, môi trường làm việc nhiều rủi ro, căng thẳng nên nhiều nơi thường không tuyển dụng đủ người. Có thể do thiếu nhân lực nên các trung tâm mới phải hợp đồng với người ngoài và rà soát hồ sơ, lý lịch không kỹ, để lọt những người thiếu đạo đức như trường hợp đáng tiếc vừa rồi”, đại diện Sở LĐTB & XH nói.  

Ông này khẳng định lãnh đạo Sở LĐTB&XH không bao che hành vi dâm ô hàng loạt trẻ em của Nguyễn Tiến Dũng, nhưng không giải thích được vì sao vụ việc đã được báo cáo bằng văn bản cho lãnh đạo Sở từ nhiều ngày trước nhưng không được xử lý rốt ráo, khẩn trương cho đến khi báo chí đăng tải, công an vào cuộc thì mới tiến hành họp và đình chỉ công tác nhân viên này.  

Muốn rời trung tâm phải “lót tay”

Vụ dâm ô nhiều bé gái chỉ là một trong những sai phạm nghiêm trọng đã diễn ra tại Trung tâm HTXH. Vừa qua, cơ quan điều tra Bộ Công an phía Nam đã bắt quả tang việc chung chi và tiến hành điều tra làm rõ một đường dây nhận tiền “giải cứu” các trường hợp bị thu gom về Trung tâm HTXH để nuôi dưỡng, chăm sóc và tạm giữ một số đối tượng là nhân viên bảo vệ và những người liên quan.

Theo quy định, Trung tâm HTXH chuyên tiếp nhận, quản lý những người lang thang cơ nhỡ, không giấy tờ tùy thân, phần nhiều là người già và trẻ em ăn xin. Trong 1 tháng, Trung tâm cho trại viên liên lạc với gia đình để bảo lãnh ra về. Người đến xin bảo lãnh phải là có cùng hộ khẩu với trại viên, có CMND, có đơn xin bảo lãnh trại viên có xác nhận của chính quyền địa phương. Quá thời hạn 1 tháng mà trại viên không liên lạc được với gia đình thì được chuyển đến những Trung tâm, trường trại khác quản lý lâu dài.

Theo hồ sơ tài liệu, vụ việc bắt đầu từ việc Trung tâm HTXH tiếp nhận Kha Thị Kim P. (SN 1965, ngụ TP.Vĩnh Long) từ Công an phường 9, quận 5 đưa vào, sống lang thang, không giấy tờ. Sau đó, một phụ nữ tên là Lê Thị H tìm đến trung tâm xin bảo lãnh bà P. về nhưng vì bà H. không là thân nhân, không ở cùng địa chỉ với bà P nên không được trung tâm giải quyết.

Vài ngày sau, bà H tiếp tục đến xin bảo lãnh bà P. và vẫn bị cán bộ Trung tâm từ chối. Tuy nhiên, đến cuối ngày ông Nguyễn Mạnh Thông (lúc ấy là Trưởng phòng Quản lý Giáo dục Hồ sơ) gọi riêng một nhân viên ra yêu cầu viết giấy đề xuất bảo lãnh đối với trường hợp của bà P để tổ xét duyệt, cuối cùng bà P được bảo lãnh cho về. Thấy có biểu hiện tiêu cực, một nhân viên phòng Hồ sơ đã báo cáo với Giám đốc Trung tâm, khi ấy là ông Nguyễn Trung Trực.

Ông Trực đóng vai thân nhân của một trại viên, liên hệ với bà H. và bà này đã thú nhận để bảo lãnh cho bà P. phải mất 16 triệu đồng giao cho một người tự xưng là cán bộ của Trung tâm HTXH. Ông Trực lập tức báo cáo với lãnh đạo Sở LĐTB&XH, Sở đã phối hợp cùng cơ quan điều tra Bộ Công an phía Nam vào cuộc.

Các trinh sát đã bắt quả tang hai bảo vệ trung tâm HTXH là Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Tấn Thành đang nhận số tiền 14 triệu đồng từ thân nhân một thiếu nữ đang là trại viên của Trung tâm.  Trước đó, hai đối tượng này đã nhận 3 triệu đồng từ người nhà của nữ trại viên, gọi là tiền đặt cọc cho phi vụ “giải cứu” nói trên. Từ lời khai của các đối tượng bị bắt giữ, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Tâm, Thành và 2 đối tượng ngoài xã hội (Chủ quán cà phê và một người từng là bảo vệ trung tâm) và triệu tập một số cán bộ nhân viên của Trung tâm HTXH lên làm việc.

Theo nhận định của cơ quan công an, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy đây là một đường dây tinh vi, nhằm lừa dối những người thiếu hiểu biết về pháp luật, ép thân nhân trại viên phải chung chi tiền để chúng giả mạo hồ sơ, nhằm “qua mặt” Ban giám đốc Trung tâm, thu lợi bất chính.

Trường hợp bà Trương Thị Thủy (SN 1966, bán vé số) bế theo đứa cháu ngoại là Đặng Văn Thương (SN 2010) từ quê lên TPHCM chữa bệnh não úng thủy (mẹ cháu Thương bị bệnh tâm thần, còn cha ruột bỏ rơi Thương khi vừa lọt lòng). Vì hết tiền chữa trị cho cháu và không có tiền về quê, bà Thủy ẵm cháu đi lang thang bán vé số và xin ăn  nên bị đưa vào Trung tâm HTXH. Bảo vệ Nguyễn Tấn Thành yêu cầu bà Thủy gọi điện cho người nhà mang 15 triệu đồng lên thì sẽ giải quyết cho về. Vì muốn “giải cứu” cháu ngoại, bà Thủy phải cầm cố nhiều tài sản, vay mượn khắp nơi để có tiền nộp cho người này.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây