Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức, kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thế nhưng, bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, Triều Tiên vẫn không ngừng củng cố và tăng cường khả năng hạt nhân của mình bằng một loạt các vụ thử nghiệm trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, số lượng đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên đang sở hữu chưa thấm vào đâu so với kho vũ khí khổng lồ của 8 quốc gia khác trên thế giới.
Thống kê dưới đây của Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ (FAS) được Tờ Business Insider trích dẫn sẽ cho thấy một bức tranh toàn cảnh về số lượng vũ khí hạt nhân của 9 quốc gia đang sở hữu chúng.
Triều Tiên: 60
Từ nhiều năm qua, Mỹ đã luôn cố gắng thương thuyết với Triều Tiên để kiểm soát chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Thỏa thuận khung đạt được năm 1994 giữa hai nước dưới thời Tổng thống Bill Clinton cuối cùng cũng thất bại.
Năm 2003, Triều Tiên chính thức rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). 3 năm sau, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Kể từ thời điểm đó, Triêu Tiên liên tục đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp các nỗ lực kiềm chế của nhiều đời tổng thống Mỹ, từ tổng thống George W. Bush, Barack Obama và cho tới hiện nay là Donald Trump.
Ngày nay, theo ước tính, Triều Tiên đang có khoảng 60 vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng các quan chức Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Israel: 80
Chính phủ Israel không chính thức khẳng định nhưng cũng không phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Quốc gia Trung Đông này được cho là đã phát triển vũ khí hạt nhân từ nhiều thập kỷ qua.
Năm 1986, cựu chuyên gia kỹ thuật hạt nhân Mordechai Vanunu đã tiết lộ về sự tồn tại chương trình này của Israel. Các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh thì ngấm ngấm ủng hộ chính sách giữ bí mật chương trình hạt nhân của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP
Ấn Độ: 130
Ấn Độ vốn có quan hệ thù địch với nước láng giềng Pakistan và căng thẳng giữa hai bên càng trở nên phức tạp hơn bởi cả hai đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, gần hai thập kỷ qua, hai quốc gia này đã cố gắng tránh leo thang xung đột hạt nhân.
Năm 2003, Ấn Độ, nước không phải thành viên của NPT tuyên bố chính sách không sử dụng trước, nghĩa là New Delhi cam kết sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh trừ phi bị tấn công trước bởi một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Động cơ khiến Ấn Độ phát triển vũ khí hạt nhân là nhằm đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc những năm 1960. Kể từ đó, Ấn Độ đã thử nghiệm nhiều thiết bị hạt nhân, từng buộc Mỹ phải trừng phạt rồi sau lại gỡ bỏ.
Ấn Độ lần thứ hai phóng thử thành công một tên lửa có thểmang đầu đạn hạt nhân năm 2013. Ảnh: Reuters
Pakistan: 140
Trái ngược với chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước của Ấn Độ, Pakistan lại không loại trừ khả năng tấn công hạt nhân trước tiên.
Cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1971 cũng như mối đe dọa từ các khả năng hạt nhân đang phát triển của Ấn Độ đã khiến Pakistan phải xúc tiến chương trình hạt nhân của riêng mình.
Năm 2014, Pakistan bắt đầu phát triển các vũ khí hạt nhân chiến thuật, là những đầu đạn nhỏ hơn để sử dụng trên chiến trường thay vì chống lại các cơ sở hạ tầng hay các thành phố lớn.
Những vũ khí này đủ nhỏ để có thể phóng đi từ tàu chiến hoặc tàu ngầm, khiến chúng dễ dàng được sử dụng một cách nhanh chóng so với các vũ khí hạt nhân truyền thống.
Pakistan cũng được cho là đang gần hoàn thiện bộ 3 hạt nhân của mình, có khả năng tấn công tên lửa từ trên không, trên bộ và trên biển.
Tên lửa Shaheen-III có thể mang theo các đầu đạn hạt nhântrong lễ duyệt binh tại Islamabad, Pakistan. Ảnh: AP
Anh: 215
Không giống với các quốc gia vũ trang hạt nhân khác, Anh lập luận rằng họ cần vũ khí hạt nhân chủ yếu cho các mục đích phòng vệ.
Khả năng răn đe hạt nhân của Anh được gọi là Trident, gồm 4 tàu ngầm lớp Vanguard có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo Trident II D5, mỗi quả trang bị tới 8 đầu đạn hạt nhân.
Giai đoạn 2010 - 2015, Anh đã cắt giảm 40 đầu đạn hạt nhân. Hiện nay, dù tiếp tục đà này nhưng Anh vẫn duy trì lực lượng hạt nhân tối thiểu, đủ để đạt được các mục tiêu phòng vệ cần thiết.
Cựu Tư lệnh Hải quân Anh Rob Green. Ảnh: AP
Trung Quốc: 270
Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào năm 1964. Giống như Ấn Độ, Bắc Kinh áp dụng chính sách không tấn công hạt nhân trước nhưng một số nước trên thế giới bày tỏ sự hoài nghi về cam kết này.
Bắc Kinh rất giữ bí mật về số lượng vũ khí hạt nhân của mình nên khó đoán chính xác nước này đang sở hữu bao nhiêu.
Năm 2018, Trung Quốc dự tính sẽ cho ra mắt tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ kế tiếp, có khả năng tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới và mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.
Năm 2016, các tên lửa hạt nhân tầm xa tương tự có thể tấn công lãnh thổ Guam cũng đã được Trung Quốc tiết lộ, tạo nên "cơn địa chấn" cho các cơ quan quốc phòng Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự ngoài Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Pháp: 300
Pháp bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Tổng thống Charles de Gaulle cho rằng Paris cần có các khả năng quốc phòng độc lập với Mỹ và NATO.
Trong khi Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, nước này tuyên bố không có vũ khí hóa học hay sinh học và là một thành viên của NPT.
Năm 2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tái khẳng định chương trình vũ khí hạt nhân của nước này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Ông Sarkozy cũng tuyên bố cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống còn một nửa so với số đầu đạt mà Pháp sở hữu nhiều nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: AP
Mỹ: 6.800
Mỹ bước vào kỷ nguyên hạt nhân dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt năm 1942 khi quân đội nước này khởi động Dự án Manhattan dẫn tới vụ nổ bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Mỹ đã thay đổi vĩnh viễn cách thế giới nhìn nhận công nghệ hạt nhân sau khi thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản khiến hàng chục nghìn thường dân thiệt mạng ngay tức thời.
Tuy là thành viên của NPT nhưng Mỹ từ chối ký kết chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên.
Đầu năm 2017, cựu Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố gia tăng các khoảng đầu tư lớn thúc đẩy năng lực hạt nhân của Mỹ.
"Cho tới khi nào các quốc gia khác còn sở hữu các vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để chống lại chúng ta, nước Mỹ vẫn phải duy trì kho vũ khí hạt nhân an toàn, an ninh và hiệu quả để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào chúng ta và đồng minh", ông Biden phát biểu.
"Điều đó giải thích tại sao chúng ta tăng đầu tư để duy trì kho vũ khí và hiện đại hóa các cơ sở hạt nhân".
Tổng thống Donald Trump cũng từng bày tỏ ủng hộ tiếp nối kêu gọi của người tiền nhiệm Barack Obama về việc tái cấu trúc kho vũ khí hạt nhân của Mỹ: "Tôi muốn hiện đại hóa và sắp xếp lại toàn bộ".
Mỹ dự tính sẽ chi khoảng 400 tỷ USD trong thời gian 10 năm để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí của nước này.
Đại úy Robby Modad tại một cơ sở kiểm soát phóng ICBM ở Minot, North Dakota. Ảnh: AP
Nga: 7.000
Liên Xô bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân của mình trong những năm 1940 sau khi biết được các thông tin về Dự án Manhattan của Mỹ.
Ngày nay, cũng giống như Mỹ, Nga dường như đang đầu tư nhiều cho việc hiện đại hóa và gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tháng 10/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông muốn hỗ trợ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của thế giới và sẽ cố gắng đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, ông Putin cũng nói thêm rằng, Nga sẽ tiếp tục phát triển chương trình của mình một khi các quốc gia khác vẫn tiếp tục hành động như vậy.
Mô hình bom hạt nhân lớn nhất của Liên Xô AN-602 (Tsar-Bomb)trưng bày tại Moscow. Ảnh: Retuers
Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn