Tại hội thảo, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), băn khoăn: “Trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng cho Quỹ BHXH. Tính trung bình, thời gian hưởng
lương hưu là 24,7 năm (nam là 22,5 năm, nữ là 26,9 năm).
Thời gian đóng bình quân là 28 năm với tỷ lệ 21%, trong khi thời gian hưởng là 24,7 năm với tỷ lệ hưởng là 70,2%. Nguyên tắc định phí BHXH để hưởng 20 năm phải đóng 40 năm. Trong khi tiền đóng BHXH trong 28 năm chỉ đủ trả trong vòng 8 năm. Vậy ai sẽ chịu “gánh nặng” khi thời gian hưởng trung bình là 24,7 năm?”.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay một trong những giải pháp đã được đưa ra để đảm bảo cân đối quỹ là mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Để thu hút người lao động tham BHXH, ông Sơn đề xuất: “Nguyện vọng của người lao động khi đóng BHXH là về sau có lương hưu hằng tháng, nhưng quy định hiện nay thời gian đóng quá dài, quá xa khiến người lao động không tiếp cận được. Cần giảm thời gian hưởng tối đa xuống để người lao động tiếp cận với chính sách”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội (Viện Khoa học BHXH), cho rằng nên thiết kế chính sách BHXH theo chế độ ngắn hạn và dài hạn, có tính chất linh hoạt cao để người lao động lựa chọn. Ông Nguyễn Trường Giang thừa nhận quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng lương hưu trí 20 năm là quá dài. Do đó, tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề xuất cải cách xây dựng lộ trình điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm.