Cử tri dẫn vụ Sơn La, Yên Bái hỏi Tổng Bí thư
Sáng 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Ba Đình (Hà Nội).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hồng Toán (Tây Hồ) cho rằng, vấn đề phòng chống tham nhũng hết sức công tâm, trách nhiệm, kiên quyết và Bộ Chính trị, Trung ương vào cuộc mạnh, nhưng bên dưới còn làm chưa tốt.
"Vụ việc liên quan đến bồi thường dự án thủy điện Sơn La vừa rồi thì trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch Sơn La như thế nào? Cán bộ là công bộc của Nhà nước nhưng công trình như vậy mà có đến 17 cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam.
Do vậy, cần phải làm rõ ràng và đã phát hiện thì phải xử lý nghiêm, phải đưa vào bản án chính thống, cảnh cáo Đảng", ông Toán nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay các cử tri.
Ông Toán cũng dẫn lại vụ việc của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái sau khi phát hiện có "biệt phủ", vi phạm về kê khai tài sản, vi phạm liên quan đến chuyển đổi đất, kỷ luật nhưng sau lại đưa về làm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân.
Cử tri Nguyễn Văn Dũng (Kim Mã, Ba Đình) cho rằng, người dân mong muốn một số lãnh đạo đã ký bổ nhiệm cấp phó vượt số lượng quy định phải bị xử lý nghiêm khắc.
Ông dẫn chứng có trường hợp ký quyết định bổ nhiệm cấp phó vượt số lượng, vụ việc được báo chí nêu nhưng vị lãnh đạo này không bị xử lý gì.
"Quốc hội ngoài việc ban hành luật phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để luật đi vào cuộc sống", cử tri Dũng nói. Cử tri Dũng cũng nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư về vấn đề kiểm soát quyền lực: "phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế pháp luật".
Thu hồi tài sản tham nhũng đang yếu
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời cảm ơn, tiếp thu tất cả các vấn đề được các cử tri đưa ra.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại thời kỳ ông làm Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu lên, được các đại biểu Quốc hội rất tán thành là Quốc hội phải trí tuệ và chân thành.
Trong kỳ họp này, Quốc hội đã đề cập đến các vấn đề thời sự, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt nhưng cũng khá lâu dài.
Cụ thể, trong các vấn đề xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, xây dựng các đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam, công tác nhân sự...
"Có điều tôi rất tâm đắc là cả cái lò nóng lên, toàn bộ hệ thống đồng tâm nhất trí cao. Ví dụ như Hội nghị TƯ 6 vừa qua đã quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và việc này chúng ta đã làm đi làm lại, "tách đi nhập lại như chơi" nhưng rất khó.
Lần này TƯ, Bộ Chính trị quyết tâm rất cao để đổi mới tổ chức bộ máy, giảm cấp phó, bỏ cấp hàm... Ngay sau khi Trung Ương ra Nghị quyết, Quốc hội bàn thảo thì ý kiến nhất trí rất cao và Chính phủ triển khai thực hiện", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Tổng Bí thư cũng nhắc đến sự kiện APEC và khẳng định, chúng ta đã tổ chức rất thành công Hội nghị này.
"Cùng một lúc chúng ta đón bao nhiêu đoàn nguyên thủ quốc gia và có lẽ chưa bao giờ chúng ta cùng một ngày đón 2 nguyên thủ lớn nhất là Mỹ cùng Trung Quốc.
Đón ai trước, lễ tân thế nào, chương trình ra sao, những ai gặp, ai tiếp, không đơn giản, chỉ sơ suất một chút thôi là ảnh hưởng đến quan hệ. Nhưng có cái hay là cả hai người đều rất hài lòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tính khí như thế nhưng lên máy bay là có thư cảm ơn hay ông Tập Cận Bình sang đây vừa Đại hội xong, chưa đi thăm nước nào và sang thăm Việt Nam đầu tiên.
Phải nói những không khí đó tạo phấn khởi chung và APEC của chúng ta đã thành công rất lớn", Tổng Bí thư nêu rõ.
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, không kỳ tiếp xúc cử tri nào cử tri không nói đến và cũng không có kỳ họp nào QH không bàn vấn đề này.
"Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và Trung ương có nhiều Nghị quyết rồi nhưng chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì đã làm được, mặc dù đã rất cố gắng, làm có hiệu quả hơn, tâm phục, khẩu phục hơn", Tổng Bí thư chỉ rõ.
Người đứng đầu Đảng khẳng định, cuộc đấu tranh với tham nhũng là lâu dài, kiên trì, không nóng vội và làm phải giữ được ổn định.
"Không phải cốt thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà phải đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm khuyết điểm, mở đường cho người ta tiến.
Hiện nay có nhiều việc đang làm và có cái làm nói được ngay nhưng nhiều việc chưa nói được. Cá nhân tôi không giấu diếm gì cả còn hiện nay yếu là khâu điều tra và phải làm sao cho chứng cứ rõ ràng, tội phạm phải chịu.
Cũng vì rất nhiều manh mối cần điều tra nên không thể vội được nhưng cũng không phải vì thế mà trì hoãn, cho "chìm xuồng"", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Việc thu hồi tài sản, Tổng Bí thư thừa nhận vẫn đang yếu. Tuy nhiên, nếu tình nguyện trả lại tài sản thì sẽ giảm hình phạt, như tử hình sẽ không phải tử hình nữa vì biết cải tà quy chính.
Vừa qua, Quốc hội đánh giá công cuộc chống tham nhũng đang "trên nóng dưới lạnh", nhưng Tổng Bí thư cho rằng, hiện dưới đang nóng dần lên, một số nơi đang làm, phải làm.
"Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm. Muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc", Tổng Bí thư nói thêm.
Theo ông, luật pháp là công cụ bảo đảm để làm tốt. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi rất muốn thông qua sớm nhưng đây là luật khó, cần phải chuẩn.
"Không thể kêu gọi, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao cho anh không dám làm, không muốn làm, nhúng tay vào rồi thì phải sửa.
Chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá cao, miễn là chúng ta đi từng bước vững chắc theo kinh nghiệm tổng kết", Tổng Bí thư nêu rõ thêm.
Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ, Soha.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn