Hàng không Quốc gia Việt Nam sau tháng 4/1975
Cùng với một số máy bay chở khách ít ỏi của Lữ đoàn Không quân 919, sau 30/04/1975, "Hàng không Quốc gia Việt Nam" khi đó thuộc quân đội quản lý, đã có thêm 14 máy bay vận tải hành khách, thu hồi của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Đó là 7 chiếc Douglas DC-3, cùng 5 chiếc D-4, và 2 chiếc DC-6.
Ngoài ra, còn có một số khác bị hỏng, và vài chiếc khác đã kịp bay ra nước ngoài lúc "tranh tối tranh sáng" như chiếc phản lực Boeing 727 ngày 28/04/1975 chạy sang Đài Bắc (Vùng lãnh thổ Đài Loan).
Sau này, ngành Hàng không còn đòi lại được một chiếc Boeing 707 chạy sang Hongkong, do Hãng PanAm trả lại.
Trong năm 1975 lịch sử đó, phải thừa nhận, suốt quá trình chuẩn bị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, các máy bay vận tải của không quân và Hàng không Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập công, tham gia 163 chuyến bay, vận chuyển 4.250 cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển 130 tấn vũ khí, trong đó có 48 tấn đạn pháo xe tăng gấp gáp đưa vào chiến trường lúc đang cần kíp.
Thật ý nghĩa là có nhiều tấn cờ, biểu ngữ, thuốc men, bản đồ cũng được đưa vào kịp thời, đáp ứng nhu cầu chiến dịch, trong những ngày tháng quyết liệt tiêu diệt hang ổ cuối cùng.
Phải nhắc tới chuyến bay trực thăng đầu tiên của Không quân Việt nam, là chiếc Mi-6, do lái trưởng Lê Đình Ký thực hiện, đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất ngày 01/05/1975, chở ban kỹ thuật của Lữ đoàn 919, phụ trách máy bay dân dụng, do Nguyễn Văn Chung dẫn đầu, đã tham gia tiếp quản Trung tâm kỹ thuật Hàng không chế độ cũ để lại.
Sau thời điểm này, ta tuyển dụng, gọi làm việc hàng ngàn "nhân viên mới", là các viên chức Hàng không chế độ cũ trở lại làm việc. Trong đó có phi công, rất nhiều thợ máy và nhân viên không lưu, thợ các loại, phục vụ ở TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Máy bay An-24 của Hàng không Việt Nam
Chuyện diệt không tặc
Tình hình biên giới Tây nam Việt Nam năm 1977-1978 trở nên phức tạp. Sau 3 năm giải phóng, các phần tử xấu đã toan tính cướp máy bay để vượt biên.
Ngày 26 tháng 6 năm 1978, có một nhóm khủng bố không tặc toan cướp máy bay DC-4 do tổ bay Phạm Trung Nam đang thực hiện chuyến bay Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột - TP. Hồ Chí Minh.
Khi bay đến không phận Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) xuất hiện 4 tên cầm lựu đạn, dao, súng ngắn đe dọa, khống chế tiếp viên và hành khách. Anh Huế, cán bộ bảo vệ trên máy bay đã bị 4 tên này tước súng, chúng tiếp tục uy hiếp 2 nữ tiếp viên tên Cúc và Thanh, bắt họ gọi tổ lái mở cửa hòng khống chế và điều hành máy bay.
Chúng gí dao vào Cúc, bắn trọng thương chị Thanh và anh Huế, tiếp tục uy hiếp, ép tổ lái phải mở cửa.
Nhiều lần uy hiếp không thành, 4 tên không tặc dùng súng bắn thẳng vào buồng lái. Do đã chuẩn bị từ trước, tổ lái dùng súng chống trả khiến một tên bị thương.
Ngay lúc đó các phi công xử trí dũng cảm, đưa máy bay trở lại sân bay Đà Nẵng. Biết vụ cướp bất thành, hai tên trong bọn liều cho nổ lựu đạn để phá hủy máy bay. Lựu đạn nổ, khiến một tên chết tại chỗ và nhiều người khác bị thương. Máy bay hư hỏng nặng có nguy cơ rơi bất cứ lúc nào.
Lúc này toán cướp trở nên hoảng loạn, thấy máy bay ngang qua đoạn sông Cẩm Lệ, 2 tên phá cửa phía sau nhảy ra ngoài, rồi chết ở gần cầu Cẩm Lệ. Tên còn lại vẫn ngoan cố, không chịu đầu hàng, tiếp tục dùng súng bắn nhiều phát vào buồng lái và động cơ máy bay đến khi hết đạn mới nhảy xuống, rồi chết trên đường băng Đà Nẵng.
8 tháng sau, vào sáng ngày 7/2/1979, chiếc An-24 mang số hiệu 226 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam thực hiện chuyến bay thường lệ Gia Lâm - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất. Chuyến bay này đã bị một nhóm không tặc có lựu đạn không chế hành khách, tấn công tổ lái. Vụ không tặc diễn biến hết sức kịch tính như sau:
Hai người đàn ông từ hàng ghế đầu đi đến, người phụ nữ xinh đẹp nọ liền đưa hộp sữa, trong có trái lựu đạn cho một trong hai người đàn ông là Thục, vốn là hoa tiêu của máy bay lên thẳng UH-1 của quân đội VNCH. Tên này lấy quả lựu đạn mỏ vịt ra khỏi hộp sữa và lớn tiếng đe dọa: "Tất cả ngồi im, ai nhúc nhích chống lại, sẽ cho lựu đạn nổ tung".
Tên đi cùng giơ chai rượu, vung lên để phụ họa thêm. Chúng nhìn từng người, xem có ai dám phản ứng. Ngay lập tức, đồng bọn ở hàng ghế cuối đứng dậy, chặn lối đi, lớn tiếng: "Tất cả thắt dây an toàn lại, để hai tay ra sau gáy. Ai chống cự đập chết liền".
Chúng khống chế tiếp viên tên là Vui và một người đàn ông mặc sắc phục hàng không trên đường về đơn vị sau kỳ nghỉ phép. Chúng đinh ninh rằng đã khống chế được tất cả nhân viên an ninh của chuyến bay.
Lúc này nhân viên an ninh hàng không là Nguyễn Đắc Thoại (chưa bị phát hiện) đã quan sát tình huống, phán đoán đối tượng. Thấy hai tên phía trước nhìn sang chỗ khác, Thoại nhanh chóng hạ tay, rút súng, bật chốt an toàn.
Thoáng thấy Thoại cử động, chúng la toáng, bắt anh phải thắt dây an toàn, tên Thục hùng hổ lao đến chỗ anh để trấn áp. Bước tới gần, còn cách một bước chân, Thoại kịp nhả đạn khi vẫn còn ngồi nguyên trên ghế. Hắn đổ vật xuống, đè lên chân Thoại, quả lựu đạn chưa kịp mở chốt văng xuống gầm ghế.
Thấy đồng bọn bị bắn hạ, tên đằng sau lao vào giằng súng từ tay Thoại. Bằng động tác thành thục, anh thúc mạnh vào mạng sườn khiến hắn chỉ kịp hự lên một tiếng rồi ngã xuống. Quay súng, Thoại nã luôn mấy phát đạn khi tên này chưa kịp định thần.
Trong cơn say máu, tên cầm chai rượu phía trước xông đến, Thoại quay người lấy tư thế để bóp cò... nhưng lúc này súng hết đạn. Hắn lao tới, giơ chai rượu đập vào đầu anh. Thoại né đầu tránh được.
Giữa lúc đó, từ hàng ghế trên, Vui đứng dậy như có ý che cho anh. Nhân cơ hội, Thoại với tay trái lên giá hành lý, lấy khẩu K59 kịp thời lên đạn. Đó là khẩu súng của khách đi máy bay ký gửi an ninh, mà Thoại hôm đó cất trên chỗ mình ngồi.
Ra đòn hụt, hắn tiếp tục giáng mạnh chai rượu vào đầu Thoại. Vỏ chai vỡ tan, mảnh vỡ cắm sâu làm máu chảy xối xả, Thoại cảm thấy choáng nhưng kịp bừng tỉnh. Anh nhằm thẳng vào kẻ vừa đánh mình bóp cò, viên đạn găm vào ngực, hắn ngã vật đè lên xác tên Thục.
Một tên thứ tư ở hàng ghế cuối hung hãn nhảy bổ vào, Thoại liền dùng cùi tay trái thúc mạnh về phía sau, kịp thời nã vài phát đạn vào sườn trái.
Bỗng hàng ghế đầu, một người đàn ông nhỏm dậy. Thoại lớn tiếng trấn áp, buộc hắn ngồi im. Còn người đàn bà mang lựu đạn lên máy bay là vợ tên Thục.
Ông Nguyễn Đắc Thoại - người một mình diệt 4 tên không tặc và khống chế 2 tên. Ảnh: Báo Giao thông.
Nguyễn Đắc Thoại đã dũng mãnh tiêu diệt bốn tên, khống chế hai tên không tặc, bảo đảm an toàn cho hành khách và máy bay. Sau đó, Thoại được tặng thưởng Huân chương chiến công, được phong vượt cấp quân hàm từ trung sỹ lên thiếu úy.
Những ngày đầu của Hàng không Việt Nam dù số máy bay không nhiều, năng lực vận chuyển hạn chế. Nhưng với tinh thần người lính, các cán bộ nhân viên Hàng không Quốc gia Việt Nam đã vượt qua những khó khăn về tổ chức bộ máy, trang bị, bảo trì máy bay và cả an ninh hàng không, mở đầu cho những năm tháng phát triển mạnh mẽ sau này.
(Tổng hợp)
Nguồn tin: (Theo Thời đại):
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn