Từ vụ tố cáo bệnh nhân chết oan tại Bệnh viện tỉnh Bình Định: LỘ DIỆN HÀNG LOẠT CA TỬ VONG BẤT THƯỜNG 

Chủ nhật - 28/06/2020 03:37
Sau cái chết bất thường của BN Lê Quang Vinh được Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định kết luận còn nhiều khuất tất (như Báo BVPL điện tử đề cập trong bài viết: “Vụ tố cáo BN chết oan tại BVĐK Bình Định: Kết luận của HĐCM có thuyết phục”, cập nhật ngày 19/6/2020), PV báo BVPL tiếp tục vào cuộc và phát hiện hàng loạt ca tử vong bất thường khác sau can thiệp nối tiếp xảy ra tại khoa Nội tim mạch…
Khoa Nội tim mạch BVĐK Bình Định nơi để xảy ra hàng loạt ca tử vong sau can thiệp bất thường
Khoa Nội tim mạch BVĐK Bình Định nơi để xảy ra hàng loạt ca tử vong sau can thiệp bất thường
Bài viết của Luật gia, nhà báo Minh Trung cùng nhóm PV 
(Đã đăng tải trên Báo Bảo vệ Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện KSND tối cao - ngày 27/6/2020)

----------------------------------------------     

28 ngày xảy ra 6 ca tử vong liên tiếp

Chưa đầy một ngày sau khi BN Lê Quang Vinh qua đời, ngày 29/3, tại khoa Nội tim mạch (NTM), người bệnh tiếp tục chứng kiến BN Phan Thị Bốn, SN1960, trú tại thôn Tân Dân, xã Nhơn An, TX An Nhơn, Bình Định qua đời trong sự đau khổ tột cùng của người ở lại. Đây là BN bị nhồi máu cơ tim được ưu tiên cứu chữa vì còn nằm trong “thời gian vàng”, chấp nhận để BN Vinh đánh cược số phận nằm đợi suốt 14 tiếng đồng hồ (mà TS.BS. Lê Thành Ấn nhắc đến trong buổi làm việc với PV chiều 12/6). Thế nhưng dù được ưu tiên cứu chữa, BN đã tử vong vì xuất huyết tiểu não – nhồi máu cơ tim cấp, sau khi được ekip bác sĩ do chính TS.BS Ấn trực tiếp can thiệp đặt 2 stent vào động mạch vành.

Cái chết của BN Bốn còn đặt ra một sự hoài nghi về cái gọi là “thời gian vàng” trong cứu chữa BN như ông Ấn đã nói ? Bỡi BN này được nhập viện vào lúc 18h12’ ngày 25/3/2020 (tức là trước BN Vinh tới 7 tiếng đồng hồ), nếu nói là “thời gian vàng” thì đó là khoảng thời gian lý tưởng nhất nhưng tại sao khoa NTM không can thiệp sớm mà lại để kéo dài tới sáng ngày hôm sau, để rồi phải “tranh chấp” thời gian cứu chữa với BN Vinh (!?)

2 ngày sau (31/3), vào lúc 0h, khoa NTM tiếp nhận BN Nguyễn Văn Định, SN 1953 (trú tại thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) với triệu chứng đau ngực trái âm ỉ. Kết quả chụp mạch phát hiện, BN bị hẹp nặng 3 thân động mạch vành, theo đó có chỉ định chuyển viện để mổ bắc cầu. Một ngày sau đó, khoa NTM bất ngờ giữ BN lại và mời Ban giám đốc Bệnh viện đến chứng kiến để ekip bác sĩ (cũng do chính TS.BS Lê Thành Ấn trực tiếp) can thiệp… Thế nhưng đến 13h ngày 01/4/2020 (tức chỉ sau chưa đầy 1,5 ngày nhập viện), BN Định đã tử vong vì thủng tim – phù phổi cấp, ngay trên giường can thiệp, sau khi được “cấy” vào động mạch vành 1 stent.

Chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi trong gang tấc của BN Lê Quang Vinh, BN Phan Thị Bốn và BN Nguyễn Văn Định; thì liên tiếp trong 2 ngày 21/4/2020 và ngày 22/4/2020, người bệnh khoa NTM tiếp tục trở thành “nhân chứng bất đắc dĩ” khi tận mắt “mục kích” BN Nguyễn Hưng Châu, 67 tuổi (trú tại 284 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chết tức tưởi ngay trong phòng điều trị, vì bị thủng mạch vành, máu tràn ngoài màng tim, ngừng hô hấp; và cái chết của BN Mai Xuân Thử, 68 tuổi (trú tại Vĩnh Cửu, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh, Bình Định) vì lý do bị thủng thành thất, tràn máu màng tim...

3 ngày sau đó (ngày 25/4/2020), BN Trần Đình Bá, 91 tuổi (trú tại KV9, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn), sau khi được can thiệp đặt vào người 2 stent cũng đột ngột qua đời vì lý do ngừng tuần hoàn hô hấp – nhồi máu cơ tim…

Như vậy trong vòng chưa đầy 01 tháng, tại khoa NTM Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã xảy ra 6 ca tử vong liên tiếp với tổng cộng 13 stent được đặt vào người bệnh nhân. Điều đáng nói là mặc dù có quá nhiều BN tử vong sau can thiệp như vậy, song lãnh đạo Bệnh viện này dường như không có động thái cho dừng lại để tìm giải pháp giảm thiểu (?!)

Người trong cuộc nói gì ?
     
Tại buổi làm việc (chiều 12/6), trả lời câu hỏi của PV có bất thường không khi chỉ trong vòng 28 ngày để xảy ra 6 ca tử vong, trong đó có 4 ca xảy ra liên tiếp ? TS.BS Lê Thành Ấn – Trưởng khoa Nội tim mạch, bình thản trả lời: “Mới nghe thì bất thường… đôi khi bị tử vong dồn, có khi 5,6 tháng không có tử vong...”. Trả lời của ông Ấn được hiểu là rất bình thường, tỷ lệ tử vong 6ca/28 ngày là không đáng kể và con số thống kê đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mang tính hiện tượng…Trong khi đó, ông Hồ Việt Mỹ - Giám đốc Bệnh viện đổ lỗi do nhân lực mỏng và cơ sở vật chất không đáp ứng cụ thể là chưa có phòng cấp cứu hỗ trợ sau can thiệp bị tai biến.

 

Trả lời câu hỏi của PV về số lượng ca tử vong thực tế (sau khi can thiệp chụp mạch và đặt stent) xảy ra tại khoa NTM từ đầu năm 2020 đến nay, ông Ấn xác nhận chỉ có 6 ca như báo chí phản ánh. Trong khi đó, ngoài 6 ca tử vong, PV còn phát hiện thêm 2 ca tử vong sau can thiệp, như: BN Trần Văn Đá, 84 tuổi, nhập viện lúc 16h24’ ngày 24/5/2020, tử vong cùng ngày; BN Nguyễn Thị Chõ, 79 tuổi, nhập viện 24/5/2020, tử vong lúc 13h30’ ngày 25/5/2020…). Xin lưu ý đó là những ca do PV theo dõi cập nhật không đầy đủ vì không thể có mặt tại Bệnh viện 24/24. Vì sao BS Ấn không dám công khai trung thực số ca tử vong do can thiệp phải chăng vì trốn tránh trách nhiệm (?)      

Trong 6 ca tử vong, ông Ấn thừa nhận duy nhất trường hợp BN Nguyễn Văn Định bị tử vong là có liên quan đến thủ thuật. Điều đó cũng đồng nghĩa 5 ca còn lại bị tử vong là do khách quan, ekip bác sĩ can thiệp vô can không chịu trách nhiệm. Mặc dù vậy tại buổi làm việc, những giải thích và lập luận về chuyên môn của ông Ấn không thật sự thuyết phục. Theo đó có dấu hiệu cho thấy các BN “bị chết oan” vì quá trình can thiệp và chăm sóc xử lý sau can thiệp của đội ngũ y bác sĩ khoa NTM không đảm bảo kỹ thuật và chưa làm hết trách nhiệm của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” (!?)
                      
A7
Trong 6 ca tử vong, ông Ấn thừa nhận duy nhất trường hợp BN Nguyễn Văn Định bị tử vong là có liên quan đến thủ thuật.
     
Đề cập đến BN Trần Đình Bá, 91 tuổi, ông Ấn cho biết, BN này lớn tuổi khi vào viện được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành trước, có suy tim, suy thận mạn sẵn và đặc biệt là có đái tháo đường sẵn nên có nguy cơ cao khi can thiệp… Xác định có nguy cơ cao, song lại không dừng lại mà vẫn tiến hành chụp mạch và can thiệp đặt stent vào người BN để rồi dẫn tới tử vong (?). Trong khi theo GS.TS Võ Thành Nhân một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước hiện nay (trong tài liệu khoa học: “Cập nhật điều trị bệnh mạch vành ở BN đái tháo đường và BN can thiệp”) cảnh báo, đái tháo đường là một thách thức trong điều trị bệnh động mạch vành vì nó làm tăng nguy cơ vỡ mảng xơ vữa trong động mạch vành và tạo huyết khối. GS Nhân khuyến cáo “điều trị nội khoa là nền tảng”…

      
Trả lời câu hỏi vì sao BN Nguyễn Văn Định sau khi hội chẩn đã có chỉ định chuyển viện để mổ bắc cầu nhưng sau đó khoa NTM đột ngột giữ lại để can thiệp ? Ông Ấn cho biết: BN này sau khi chụp mạch phát hiện động mạch vành thân chung bị vôi hóa và hẹp 3 nhánh. Theo đó bác sĩ điều trị đã tư vấn đầy đủ cho người nhà biết, có 2 lựa chọn để tái thông, thứ nhất là ưu tiên mổ bắc cầu; thứ hai là thủ thuật đặt stent qua da. Kết quả, người nhà đã lựa chọn giải pháp can thiệp qua da cho BN. 

     
Giải thích trên của ông Ấn được hiểu là không có chuyện áp đặt, mồi chài trong việc giữ BN lại để can thiệp như dư luận hoài nghi. Thế nhưng điều không bình thường là sau đó chính ông Ấn lại giải thích ngược: “… lý do không mổ bắc cầu là do BN bị nhồi máu cơ tim chứ không phải bị mạch vành mạn”. Với thông tin này có thể hiểu là BN chỉ có một sự lựa chọn là can thiệp qua da, chứ không phải có 2 sự lựa chọn như trên. Việc BN bị tử vong, theo ông Ấn là do các nhánh động mạch vành của BN bị vôi hóa quá nặng, không nở ra được phải dùng bóng áp lực cao để nong, dẫn tới bị thủng mạch vành. “Đây chính là trường hợp bị vỡ mạch vành liên quan đến thủ thuật” – ông Ấn xác nhận mà không tỏ ra có chút day dứt.

     
Liên quan đến trường hợp BN Phan Thị Bốn, ông Ấn cho biết, sau khi can thiệp, ông đã cho kiểm tra lại tất cả đều ổn, hoàn toàn không có biến chứng gì trong quá trình can thiệp, BN tử vong là do chảy máu não chứ không liên quan gì đến mạch vành của tim. Có rất nhiều nguyên nhân chảy máu não, nhưng trường hợp này rất có thể là do BN lớn tuổi (BN này sinh năm 1960 – PV), tăng huyết áp, có phình mạch máu trước đó… “Trên cái nền phình đó, ông Ấn nói: Tất nhiên mình giả định chứ không có mổ, vì khi BN bị nhồi máu cơ tim thường xuất hiện nhiều cục máu đông ta phải dùng nhiều thuốc chống đông”. Như vậy có thể hiểu, BN bị xuất huyết não là đã dùng thuốc chống đông quá liều. Tuy nhiên ông Ấn không thừa nhận BN tử vong là do dùng thuốc chống đông quá liều mà là… “buộc phải dùng”.

     
Trong khi đó, đề cập trường hợp tử vong của BN Mai Xuân Thử và BN Nguyễn Hưng Châu, ông Ấn cho biết, nguyên nhân tử vong là do biến chứng cơ học nhồi máu cơ tim làm thủng mạch vành và thủng thành thất… Được hiểu là giống như trường hợp BN Lê Quang Vinh, lỗi không phải do ekip bác sĩ can thiệp mà là do biến chứng cơ học gây ra. Giải thích của ông Ấn đồng nghĩa với phủi bỏ trách nhiệm. Tuy nhiên sẽ không dễ dàng khiến dư luận và người nhà “tâm phục, khẩu phục”, bỡi trước khi xảy ra tai biến, 2 BN này đã được ekip bác sĩ khoa NTM “cấy” vào người tới 6 stent, trong đó riêng BN Thử 4 stent…

    
Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những bất cập trong và sau khi can thiệp đặt stent tại khoa NTM Bệnh viện này trong bài viết tiếp theo.
     
                                                                                             

Một bác sĩ quản lý một khoa của bệnh viện tim mạch cho biết, nhiều hãng sản xuất stent của Ấn Độ, Trung Quốc đã tiếp cận ông và đưa ra mức “chi phí bồi dưỡng” rất hậu hĩnh, 30 - 40% cho một stent. Ông nói: “Giả sử với giá thấp nhất 20 triệu đồng/stent, hoa hồng cho bác sĩ là 6-8 triệu đồng. Mỗi ngày bác sĩ chỉ cần can thiệp đặt 03 stent là có ngay 20 triệu đồng bỏ túi, không mấy nghề sinh lợi nhanh như thế, nhưng bệnh nhân nào có biết họ bị đặt stent dỏm” (Theo bài: “Chữa động mạch vành: Nhiều bác sĩ cấu kết đặt stent “dởm”, đút túi “hoa hồng”-  cập nhật trên VTC New, ngày 28/7/2017).

Trong khi đó theo tìm hiểu của PV, được biết, chi phí cho một stent đặt mạch vành tại khoa NTM Bệnh viện ĐK Bình Định khoảng từ trên 20 triệu đồng/ 1 lần (có bảo hiểm chi trả) và tự chi trả khoảng từ trên 60 triệu đồng/ 1 lần. Tổng chi phí cho một ca điều trị trước, trong và sau can thiệp bình quân từ 110 – 120 triệu đồng…(điển hình như trường hợp BN Lê Quang Vinh tổng chi phí: 120.573.000 đ, trong đó BHYT chi trả 92.836.000 đ; BN Phan Thị Bốn, tổng chi phí: 122.329.991 đồng, BHYT chi trả 77.316.793 đồng)


Bạn đọc có thể tham khảo bài viết đăng tải trên Báo BVPL qua đường link: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/tu-vu-to-cao-benh-nhan-chet-oan-tai-bvdk-binh-dinh-lo-dien-hang-loat-ca-tu-vong-bat-thuong-90436.html

Tác giả bài viết: Nhà báo MT và Nhóm PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây