Phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc

Thứ năm - 18/06/2020 04:04
(TVLMP) - Vai trò của báo chí chính thống hay nói cách khác là báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước đã được Đảng và Nhà nước khẳng định qua thực tiễn suốt 95 năm qua. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách chống phá công cuộc xây dựng đất nước, hơn lúc nào hết báo chí chính thống cần phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bài viết của Luật gia Minh Trung (Đăng tải trên Luật sư Việt Nam Online và Pháp lý Online)


Nguyên tắc tôn trọng sự thật

Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước và trước khi thành lập chính Đảng để lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo “Thanh Niên” vào ngày 21/6/1925 (ở Quảng Châu, Trung Quốc). Người cho rằng, muốn làm cách mạng, trước hết phải truyền bá tư tưởng cách mạng – Tư tưởng của Chủ nghĩa Marx-Lenin; phải vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng.

Báo chí cách mạng là công cụ cực kỳ quan trọng để làm nhiệm vụ đó. Người đã thành công trong việc sử dụng báo chí cách mạng Việt Nam như một lợi khí của cách mạng, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.

Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, những nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng để chiến đấu và sáng tạo nên tác phẩm báo chí, gắn kết triệu người như một, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nếu như trước đây, báo viết, đài phát thanh là thế mạnh trong lĩnh vực truyền thông, thì ngày nay, sự phát triển của internet, sự bùng nổ của các loại hình báo chí điện tử, mạng xã hội và các thiết bị viễn thông đa năng, thông tin đa chiều, có thể được truyền tải tới người đọc mọi lúc, mọi nơi; có sức hút to lớn đối với mọi tầng lớp xã hội.                        

Thủ

                 Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các lãnh đạo cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 95 ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đã sử dụng truyền thông như là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”; xuyên tạc Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người; phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ xúy cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ.

Những chiêu thức và phương thức mà các thế lực thù địch sử dụng chủ yếu là lấy hiện tượng quy thành bản chất, rồi thổi phồng thành những “sai lầm cố hữu”. Hiện tượng ở đây được hiểu là các vụ việc, các tệ nạn xã hội xảy ra không phải là phổ biến, đặc biệt là vụ án tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước nghiêm trọng…, gây bức xúc dư luận. Thông qua mạng xã hội (blog, facebook, youtube…) để công khai quan điểm và thông tin theo kiểu một chiều, nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý người dân, kích động dư luận xã hội, đả kích, quy chụp Đảng, Nhà nước yếu kém trong lãnh đạo, quản lý xã hội, tạo cớ đòi Đảng phải nhường quyền lãnh đạo cho các lực lượng khác. 

Để phản bác những thông tin tiêu cực hay nói cách khác làm vô hiệu hóa các luận điệu thù địch đó, báo chí cách mạng phải coi trọng nguyên tắc tôn trọng sự thật để định hướng dư luận bền vững. Trong thời đại công nghệ 4.0, mỗi đối tượng có một cách tiếp cận khác nhau, cho nên việc truyền tải thông tin của các cơ quan truyền thông cũng phải có các phương thức tương thích.

Sau tất cả những bản tin được truyền đi dù có nhanh ở tốc độ nào còn đọng lại đối với dư luận đó chính là sự thật. Cái khó của người làm báo chính thống là ở đó. Không thể “mãi là người đến sau”, nhưng cũng không thể “cầm đèn chạy trước”… mà không thẩm định thông tin. Nhanh nhạy đi trước một bước là cần thiết nhưng nếu thông tin đó thiếu chính xác, không đúng sự thật thì cũng sẽ bị dư luận tẩy chay, tự đánh mất uy tín của mình. Bài học nhỡn tiền của nhiều tờ báo đã minh chứng điều đó.

Người làm báo phải ý thức được, nghề nghiệp mình đang theo đuổi như một người thư ký của thời đại. Thông tin được chúng ta phản ánh hôm nay sẽ là lịch sử với ngày mai. Khi chúng ta ghi lại những lịch sử đó thì nó phải chân thực và những thông tin đó phải có giá trị. Giá trị cốt lõi của thông tin là góp phần tạo dựng ra một xã hội tốt đẹp hơn và tất cả phải vì công chúng, tất cả vì xã hội chứ không phải vì ai và càng không vì cá nhân nhà báo, vì riêng tòa soạn mà vì một xã hội chung thì mới tạo nên sức sống trường tồn.

Sự thật sẽ làm vô hiệu các luận điệu xuyên tạc.

Sự thật từ thực tiễn sinh động của đất nước

Sự thật mà những người làm báo cách mạng cần khai thác không phải ở đâu xa, không thể với tới mà ở ngay trong cuộc sống xung quanh diễn ra hàng ngày. Kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ. Vì vậy, mỗi nhà báo phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.                  

BH

Người cho rằng, muốn làm cách mạng, trước hết phải truyền bá tư tưởng cách mạng – Tư tưởng của Chủ nghĩa Marx-Lenin; phải vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng.

Sinh thời, Bác Hồ chỉ rõ “viết phải thiết thực”, nghĩa là “nói có sách, mách có chứng, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”. Bây giờ đọc lại “cách viết” của Bác, chúng ta thấm thía “viết thiết thực” là phải viết những sự việc, những vấn đề gần gũi, bức thiết của đất nước và đời sống xã hội, nêu lên những việc đã làm được, với những kết quả cụ thể, có ích cho quốc kế dân sinh như thế nào. Mỗi bài nói, bài viết của Bác Hồ đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết của Người đối với người nghe, người đọc. Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên Bác Hồ đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”…

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên thành nước thu nhập trung bình. Quy mô nền kinh tế đến năm 2018 đã đạt khoảng 204,5 tỷ USD, gấp trên 1,3 lần năm 2015; GDP bình quân đầu người đạt gần 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. “Kỳ tích” xóa đói giảm nghèo của Việt Nam (từ hơn 80% dân số nghèo, sau 30 năm giảm xuống còn khoảng 6%, tương đương với hơn 60 triệu người đã thoát nghèo); và mới đây là ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19 đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các quốc gia trên thế giới.

Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế…

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, Đông Du của Phan Bội Châu, đã từng có Đảng Việt Nam Quang phục hội, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng…, nhưng không một đảng phái nào có đủ năng lực để định hướng chính trị cho dân tộc.

Khi nước mất, nhà tan, khi cách mạng gặp muôn vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” thù trong, giặc ngoài thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, những cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ kéo dài hơn 30 năm khiến nhân dân ta phải hi sinh biết bao xương máu, thử hỏi có đảng nào đứng lên cứu được dân tộc?. Vậy thì tại sao khi đất nước đang yên ổn, sống trong hòa bình, đang ngày càng phát triển, đặc biệt sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước tạo ra được thế và lực mới, được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự ổn định chính trị, được thừa nhận là nước thành công nhất trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo thì lại có những lực lượng “muốn ra tay cứu vớt dân tộc”, đòi đa nguyên đa đảng, thay đổi chế độ chính trị nước ta…(!?).

Trước, trong và sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng (ANM), núp dưới chiêu trò “tự do ngôn luận”, lợi dụng chủ trương của  Đảng về “coi trọng vai trò tư vấn, phản biện… của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”, những kẻ cơ hội và các thế lực thù địch ở trong nước, ở nước ngoài có những thủ đoạn xuyên tạc Luật ANM. Cho rằng, việc chúng ta ban hành Luật ANM là biện pháp tình thế của Đảng và Nhà nước ta nhằm đối phó những người bất đồng chính kiến; là “xâm phạm quyền riêng tư”; “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, quyền công dân”; “cướp đi quyền sử dụng internet của người dân” và hạn chế các quan hệ quốc tế, kiềm chế sự phát triển của Việt Nam…

Song, sự thật không đúng như vậy! Phải khẳng định rằng, xây dựng, thực hiện Luật ANM là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới, nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng với tất cả vì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, vì sự phát triển ổn định Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế…

Các nhà báo chính thống cần tiếp tục giải thích, tuyên truyền làm rõ những nội dung trong Luật ANM để các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm được để theo đó nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Đồng thời, vạch rõ nguyên nhân đích thực đối với những hành động điên cuồng chống lại Luật ANM của những phần tử cực đoan, những thế lực thù địch chống phá Nhà nước Việt Nam.

Thay lời kết

Như vậy, sứ mệnh cao cả của những người làm báo cách mạng là dùng ngòi bút của mình để phản bác lại những thông tin sai lệch của các thế lực thù địch bằng chính sự thật lịch sử không thể chối cãi, không cần phải tô vẽ, bôi hồng. Trong lúc người dân chưa biết tin vào đâu, thông tin nào là chính xác, vai trò của báo chí là phải ngay lập tức cung cấp cho công chúng thông tin chính xác từ nguồn tin tin cậy, được kiểm chứng một cách khách quan. Đó chính là điều mà không một phương tiện truyền thông nào làm được ngoài báo chí.

Câu chuyện này tất nhiên cần phải được đặt ra từ tư duy của người đứng đầu trong một cơ quan báo chí cho đến mỗi người làm báo. Báo chí tạo niềm tin xã hội thì phóng viên phải là người được tin cậy nhất. Để tăng niềm tin của xã hội vào những người làm báo, cần lấy lại thương hiệu cho người làm báo, và “việc này chỉ có thể là chính chúng ta làm, không ai ngoài chúng ta cả”.

Để làm được điều đó, mỗi nhà báo phải có tinh thần cách mạng, không được mơ hồ về bản chất, chức năng của báo chí, để từ đó xác định rõ chỗ đứng, góc nhìn và cách nhìn của mình trong việc thu nhận thông tin, phân tích thông tin và công bố thông tin… Sẽ là ngược lại, nếu người làm báo xa rời chức năng, nhiệm vụ, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, để kẻ địch lợi dụng, thì báo chí có thể trở thành công cụ tiếp tay cho những hành động chống phá đó, gây mất ổn định chính trị – xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
                         

chúc

Tác giả bài viết: Luật gia LÊ MINH TRUNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây