Đây là vụ án gây xôn xao dư luận cả nước. Nhóm PV Báo CATP đã tốn nhiều công sức thu thập thông tin để dựng lại vụ án kinh hoàng, hiếm gặp này!
Kỳ 1: SỰ MẤT TÍCH BÍ ẨN
Chị Lan lập gia đình vào năm 1991. Cưới nhau xong, họ về sống bên nhà cha mẹ vợ là hai cụ Phạm Văn Tràm (SN 1920), Trần Thị Rỡi (SN 1935).
Năm 1993, đứa con trai đầu lòng của vợ chồng chị Lan chào đời. Về sau, họ có thêm một trai và một gái. Cuộc sống tuy vất vả nhưng họ rất đầm ấm, hạnh phúc.
Em Phan Minh Lâm (SN 1993, con trai đầu của vợ chồng chị Lan) kể: “Thông thường, buổi sáng mẹ em dậy sớm nấu cơm cho cả nhà. Khoảng 6 giờ 30 sáng, mẹ thúc tụi em dậy ăn cơm để đi học, đi làm.
Có hôm, em út của em học bài khuya, nó cũng dậy sớm phụ mẹ. Hôm 12-3-2015, mẹ em dậy sớm tưới mấy liếp ớt lẻ gần nhà chứ không tưới tất cả các liếp ớt ở ngoài đám như mọi khi. Cũng không biết có phải mẹ tưới không nữa.
Tưới xong, mẹ kêu tụi em dậy. Em đánh răng, rửa mặt xong xuống bếp thấy cơm chưa nấu, em lấy làm lạ.
Lúc này em nghĩ đơn giản chắc mẹ xuống nhà người quen hay tới nhà bà Tư (tên thật là Nguyễn Thị Thế, SN 1945, người bà con và là hàng xóm rất thân với chị Lan) hoặc nhà dì thôi.
Em ra vườn xem mẹ đã tưới ớt chưa, nhưng không thấy mẹ. Gọi điện thoại cho bà Tư hỏi thăm mẹ có xuống dưới đó không? Lúc ấy, bà Tư đi chợ chưa về. Em tính gọi cho dì Tư ở gần đây hỏi mẹ có lên dì không?
Em chưa gọi thì dượng Tư gọi điện thoại xuống hỏi: “Sao mẹ con không lên đi xin thuốc uống với dì, vì hồi hôm mẹ có hẹn với dì Tư là sáng nay cùng dì đi xin thuốc uống. Dượng Tư gọi xong, em vòng ra ruộng ớt lần nữa xem mẹ có còn làm ngoài đó không?
Khoảng 7 giờ sáng, dì Tư xuống hỏi sao mẹ không lên đi với dì làm dì đợi nãy giờ. Em nói sáng giờ không biết mẹ đi đâu mà không có nhà.
Hai dì cháu ngồi chờ tới khoảng 8 giờ thì dì Tư về. Không thấy mẹ lên, dì Tư ở nhà ăn cơm. Em thì xuống bà Tư xem mẹ có ở đó không nhưng không thấy. Xong thì em quay lại nhà ngoại.
Trên đường về, em ghé nhà chị ở gần chỗ ba xem sáng giờ có thấy mẹ không? Chị ấy mới đi chợ về. Lúc đó ba em cũng ngồi gần đó luôn. Em quay sang hỏi ba, khuya giờ mẹ có ra ba không? Sáng giờ ba có thấy mẹ không? Ba em trả lời: “Không”. Em trở về nhà.
Bà ngoại hỏi có tìm thấy mẹ không, em trả lời: “Con tìm không thấy”. Em lên lại nhà dì cũng chưa thấy mẹ về. Em nói với dì, mẹ chưa về thì con chở dì đi xin thuốc luôn.
Dì bảo, thôi chờ mẹ mày về, chiều đi cũng được. Hai dì cháu tiếp tục ngồi chờ. Chờ tới 10 giờ không thấy bóng dáng mẹ, em trở lại nhà ngoại.
Ra khỏi nhà dì chút xíu thì ba em gọi điện bảo, ba mới gọi điện lên nhà dượng Tư ở Tây Ninh. Ba hỏi mẹ có lên trên đó không? Dượng Tư nói có. Chắc nó đang lên mà chưa có tới. Một lúc sau, dì Tư ở Tây Ninh gọi cho em hỏi: “Mẹ mày có nhà không?”.
Em mới nói là không có. Không biết mẹ đi đâu từ sáng giờ. Dì Tư nói, lúc nãy ba mày có gọi cho dượng Tư mày.
Bữa hôm Tết, ba mày giận gì vợ chồng tao không biết. Khi ba mày hỏi thì dượng Tư mày nói đại là mẹ mày đang lên đây chứ tao cũng không biết mẹ mày có lên hay không.
Đến chiều cũng không thấy mẹ về. Linh cảm em mách bảo có điều gì đó chẳng lành xảy ra với mẹ, nhưng em không biết đó là chuyện gì.
Hôm mẹ em mất tích, mọi người ai cũng nghĩ, với tính cách chăm nom cho gia đình của mẹ thì mẹ không thể bỏ đi lâu mà không nói tiếng nào được.
Bình thường, trong vòng một buổi, mẹ em đi làm mà không về ăn cơm thì mẹ sẽ gọi điện thoại báo cho tụi em biết rồi. Nếu có đi chơi đâu xa, mẹ cũng chưa từng đi quá hai ngày. Em bắt đầu cảm thấy lo nên đi kiếm xung quanh các kênh ao gần nhà suốt cả buổi.
Tối đến thì có dượng Tư, cậu và mấy đứa em, mấy đứa cháu ở gần nhà cùng phụ đi kiếm trong các đám cây nhưng vẫn không thấy.
Tối hôm đó, em tính đi báo công an, nhưng bà Tư nói để 24 tiếng mới đi báo. Đi báo sớm quá thì người ta cũng không làm được gì. Hôm mẹ em mất tích, mẹ không cầm điện thoại theo. Mẹ bỏ điện thoại trong máy may.
Lúc đó có điện thoại của dượng Tư gọi hỏi mẹ. Em nghe máy thì thấy trong điện thoại mẹ có hai tin nhắn của ba. Nội dung hai tin nhắn là “Sao hôm nay em không ra chỗ anh?” và “Hôm nay em có đi làm không?”. Hai tin nhắn được nhắn vào lúc 5 giờ 25 phút.
Bà Tư mắt đỏ hoe: “Tiếng là có chồng vầy chứ nó khổ lắm! Chuyện buồn nhiều hơn vui. Tui cũng nhiều lần khuyên nhủ nó.
Tui bảo nó có ra nhà thằng Ngọc (Phan Tấn Ngọc, SN 1970 - chồng chị Lan, đã ly thân hơn 1 năm) thì đừng có đi một mình... Ấy vậy mà... ai xui ai khiến nó thế nào mà hôm ấy một mình nó ra đó”.
Nghe thằng Ngọc khai với công an là hôm ấy út Lan ra đó tính toán nợ nần gì đó mà tui giận lắm. Tui không hiểu được, tụi nó bán nhà trả nợ rồi, nợ nần đâu nữa mà tính? Nợ 360 triệu, bà già bán đất cho tiền trả, còn lại 190 triệu đồng.
Vợ chồng nó bán nhà, người ta chồng cho tụi nó 100 triệu đồng để nó trả nợ nữa cơ mà. Bà Tư nói tiếp: “Thằng Lâm điện tui lên. Thằng Ngọc nói, Tư coi tiền bạc sao đặng con xem con trả tiền chứ người ta đưa giấy tờ lên rồi.
Tui nói, giờ Ngọc đưa tiền cho thằng Lâm đi đặng Lâm nó trả cho người ta. Nó suy nghĩ một hồi lâu mới đưa cho thằng Lâm năm chục triệu đồng rồi nói, thôi con lấy tiền trả đi, ba không lấy.
Ở đây đưa thêm 50 triệu đồng nữa là 100 triệu đồng để trả nợ. Chuyện nợ nần đã rõ ràng rồi thì bàn bạc thêm chi nữa?
Bà Tư thở dài thườn thượt rồi tiếp lời. Khoảng 6 giờ sáng hôm út Lan mất tích, Ngọc dậy đẩy cát. Thấy lạ nên tui mới hỏi: “Ngọc, mày làm gì mới sáng sớm mà đẩy cát rồi?”. Nó nói: “Đẩy để cán cái nền”.
Thấy vậy tui mới la nó: “Vợ con mất tích, mày hổng lo đi kiếm mà mày đi làm ba cái chuyện thia lia không? Cái nền nhà từ từ làm cũng được mà”. Nó nói làm cho nó sạch sẽ cái nhà. Nghe nó nói vậy, tui cũng chẳng để ý gì thêm, tui đi chợ luôn.
Thấy Lan mất tích, gia đình báo công an. Khoảng 1 giờ chiều hôm sau, công an xã lên đây phối hợp với ấp. Tui mới gọi thêm bảy, tám người nữa túa ra đi tìm. Tui sợ nó giết rồi vứt xác con nhỏ ngoài kinh lớn.
Tui cũng lọ mọ ra tới ngoải kiếm mà không thấy. Mấy lần, tui tính qua kiếm mà không dám qua. Công an và mọi người cuống cuồng đi kiếm, nó ngồi tỉnh bơ ở cửa.
Tui mới hỏi: “Người ta đi kiếm vợ mày sao mày hổng đi?”. Nó làm thinh, không trả lời trả vốn gì cái chuyện vợ con nó hết trơn. Hỏi nhiều lần thì nó cáu: “Giờ biết đâu mà kiếm?”.
Linh tính tui mách bảo có điều gì đó chẳng lành. Tui nói với ông trưởng ấp: “Anh Hiếu ơi, dì Bảy nghi ở trong nhà thằng Ngọc, anh cho anh em tìm kỹ ở trong đó đi”.
Hiếu nói: “Giờ nó (Ngọc) ngồi đây, làm sao con kiếm được? Bảy lấy lý do nào đó chở thằng Ngọc xuống nhà Bảy đi, tui mới tìm được”.
Tui mới biểu Ngọc: “Xuống nhà Tư ăn cơm đi”, Ngọc đồng ý. Ngọc đi thì mọi người tìm kiếm trong nhà nó nhưng chẳng thấy gì. Ngọc ăn cơm xong thì về.
Phan Minh Lâm kể tiếp: “Hôm xảy ra án mạng, em thấy ba em không có biểu hiện gì lạ. Hôm đó ba có gọi cho em hai ba lần gì đó hỏi thăm là mẹ về chưa thôi chứ ba em không đi kiếm. Sau khi tìm thấy mẹ, em để ý lại mới thấy có một vài điểm lạ.
Ví dụ, bình thường, buổi tối ba em thường nhắn tin cho mẹ em, có lúc thì gọi điện thoại nói chuyện. Nhưng hôm mẹ mất tích, hơn bảy giờ tối, ba có gọi điện cho mẹ, nhắn tin thì không thấy trả lời...”.
Mười người trong nhà thì hết chín người đoán trước mẹ em sẽ gặp nạn rồi. Tụi em không bị sốc nhưng rất buồn và giận ba em lắm! Tội nhất là đứa em gái út. Hay tin mẹ mất, nó bị sốc nặng. Suốt mấy ngày liền nó không ăn, không uống gì, thấy thương lắm.
Nhờ thầy cô, bạn bè động viên, mấy hôm rày nó cũng đỡ hơn. Năm nay nó lên lớp 11, giờ tụi em phải cố gắng làm cho em đi học đến lúc nào em nó không muốn học nữa thì thôi.
Lúc khó khăn, ông bà ngoại bảo bọc, lấy tiền lương nuôi nấng anh em tụi em, giờ ông bà ngoại già, tụi em cũng phải có trách nhiệm chăm nom, nuôi nấng ông bà ngoại.
Mẹ mất tích, mười người trong nhà thì có đến chín người nghĩ ba em sẽ làm chuyện bất thường đối với mẹ rồi. Em cũng nghi là có khi ba chôn mẹ ở bên nhà, nhưng em không có cơ sở để thực hiện.
Chị Phạm Thị Kim Huệ (SN 1964, chị gái của chị Lan) kể: “Lúc công an chưa tới, tụi nhỏ giận quá đòi đi moi. Tui can, giờ các con phải bình tĩnh, đứa nào moi là chết.
Trong tình huống bức bách, biết đâu ba tụi bây làm bậy nữa thì sao? Nghe vậy tụi nhỏ mới ngưng”. Lâm thở dài: “Với tính cách hung dữ của ba, mọi chuyện đều có thể xảy ra”...
Kỳ 2: Chuyện chưa kể về người chồng vũ phu
---
Đón đọc hàng loạt các vụ án dài kỳ ấn tượng, đặc sắc nhất tại chuyên mục KỲ ÁN theo Công an TPHCM
Nguồn tin: CATPHCM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn