Nhớ lại kỳ án tham nhũng Trần Dụ Châu 71 năm về trước

Thứ năm - 22/07/2021 23:55
(TVLMP) - Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Vụ này đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kỳ liền, từ ngày 20/9/1950, trên báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, xuất bản hàng ngày. Đây là một bài học về kiên quyết chống tham nhũng trong bất cứ thời kỳ nào.
Tử tù Trần Dụ Châu
Tử tù Trần Dụ Châu

Ngày 5 tháng 9 năm 1950, Chánh án Tòa án binh tối cao tuyên án: Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: tử hình; tịch thu ba phần tư tài sản. Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.
Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...
- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.


Kỳ 1. Từ một viên thư ký toà sứ Pháp

Mùa hè năm 1950, từ mặt trận đồng bằng sông Hồng, tôi trở về toà soạn báo Cứu Quốc. Cơ quan báo vừa dọn về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cuộc di chuyển mới này báo hiệu ta hoặc địch sắp có hoạt động quân sự lớn. Anh Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, giao ngay cho tôi đi lấy tài liệu viết về một vụ tham ô lớn. Đấy là vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân Nhu, đang ở giai đoạn điều tra, lấy lời khai.

Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra nghị quyết chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn bộ máy các cơ quan Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh. Sau đó, ngày 11/ 7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh lập ba cơ quan : Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Các Nha trước đây đảm nhiệm việc sản xuất quân trang, quân dụng nay sáp nhập vào các Cục. Nha Quân Nhu sáp nhập vào Cục Quân Nhu trực thuộc Tổng cục Cung cấp, do đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, làm Chủ nhiệm Tổng cục.

Trần Dụ Châu ngồi khai trước các cơ quan pháp luật. Sinh năm 1906 tại một tỉnh miền Trung, Châu bước vào đời bằng đi làm thư ký toà sứ Pháp. Thấy Châu vừa đi làm, vừa viết báo “Thanh – Nghệ – Tĩnh”, e lộ chuyện công sở, toà sứ cho Châu thôi việc. Châu chuyển sang làm nhân viên quận Hoả xa Bắc Trung Kỳ.
Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương tháng 3/1945, Châu được cử làm Trưởng phòng Kế toán Hoả xa Bắc Trung Kỳ. Nhờ quen biết người Nhật Bản, Châu lấy được một kho vải ở huyện Đức Phong, bán đi có tiền tậu một biệt thự ở Đà Lạt.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Châu hiến cho Nhà nước một phần tài sản của mình, rồi hoạt động trong Uỷ ban Công sở Nha Hoả xa Việt Nam và Hội Công nhân Cứu quốc Hoả xa. Ngày toàn quốc kháng chiến, Châu ra Bắc, được giao việc chạy một kho hàng lớn hơn ngàn tấn gạo, muối ở Vân Đình, Hà Đông, đưa lên Việt Bắc cho bộ đội.

Là người tháo vát, năng động, có đầu óc kinh doanh, Châu được vào làm ở Cục Quân Nhu. Sau một thời gian làm tốt việc cung cấp lương thực, trang bị cho bộ đội, Châu được phong tặng quân hàm Đại tá, làm giám đốc Nha Quân Nhu. Lúc đó, Cục Quân Nhu chỉ phụ trách việc quản lý, quản trị, còn Nha Quân Nhu mới có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất quân trang, quân dụng. Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, không biết tự kiềm chế, Châu đi dần vào con đường sa ngã.

Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn : 57.959 đồng Việt Nam, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên – Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn. Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đoạ, đồi truỵ. Uỷ ban Tiếp liệu Thu - Đông 49, các kho số 1, 4, 10 thường xuyên nộp cho Châu tiền tiêu, rượu, đồ hộp, hải sản khô, thuốc lá, quần áo, chăn len...

Tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái; có lần dùng ôtô công đưa gái đi chơi ở Bắc Cạn. Châu dan díu với một nữ nhân viên xinh đẹp, bổ nhiệm làm “bí thư văn phòng” của Nha, làm việc cùng buồng, ăn ở cùng nhà với Châu. Các cán bộ điều tra có trong tay cuốn nhật ký của nữ “bí thư văn phòng” cùng gần 100 kiểu ảnh lãng mạn chụp với Châu. Giữa lúc nữ bí thư đi dự lớp huấn luyện thì Châu đưa từ Phú Thọ về cơ quan một cô gái giới thiệu là em nuôi, suốt ngày ở trong buồng riêng của Châu. Nữ bí thư từ lớp học về bất chợt bắt gặp và đã xảy ra một cuộc đánh ghen ầm ĩ.

Tiếng tăm ăn chơi của Châu nổi như cồn ở Hanh Cù, Phú Thọ, một thị trấn sầm uất, tối đến cả đường phố dài  rực sáng ánh đèn măng sông, với nhiều hiệu ăn sang trọng và cửa hàng đầy ắp hàng tiêu dùng nước ngoài. Mỗi lần về công tác ở Liên khu 10, gồm các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang..., Châu đều đưa bạn bè đến chè chén ở đây, nhất là ở nhà hàng Ba Đình. Cũng tại thị trấn này, Châu tổ chức đám cưới cho Bùi Minh Trân, Trưởng ban Mậu dịch của Quân giới liên khu Việt Bắc, tiêu tốn hàng vạn đồng. Báo Cứu Quốc đã có bài phê bình kịch liệt đám cưới này mà nhân dân Phú Thọ thì nói rằng “đã làm váng đục cả một khúc sông Thao”. Chính từ thị trấn Hanh Cù, đã bắt đầu có những bức thư tố cáo Trần Dụ Châu gửi đến các cơ quan có liên quan...


(Còn nữa)
Theo http://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/55-nam-nhin-lai-vu-an-Tran-Du-Chau-9093/

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây