Cho đến bây giờ, chưa từng có ai biết hình dạng thật sự của con “ma gà”, tất cả chỉ dựa vào những câu truyện truyền miệng từ đời này qua đời khác, để rồi nó trở thành một hủ tục kinh dị ăn sâu vào tiềm thức những người dân vùng cao. Tất cả những người tin vào “ma gà” đều cho rằng “ma gà” được nuôi trong một cái hũ sành, để ở xó xỉnh tăm tối nhất, kín đáo nhất của ngôi nhà, cái hũ này sẽ được đậy kín trong mọi trường hợp. Mỗi ngày người chủ sẽ bắt một con gà sống thả vào trong hũ kèm theo lời nhắn nhủ cộc lốc để ma gà sợ người chủ, từ đó phục tùng chủ nhân đi thuốc hại những người khác. Chuyện nuôi “ma gà” hại người được các dân tộc vùng cao vô cùng tin sùng. Những nhà có con gái xinh xắn, gia đình làm ăn phát đạt đều bị quy cho là nuôi “ma gà”. Những gia đình này bị mọi người xa lánh, thậm chí bị đánh đập tàn nhẫn. Đã có nhiều vụ án đau lòng xảy ra vì sự tin tưởng mù quáng này dù các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc xóa bỏ những hủ tục liên quan đến “ma gà”.
Giữa tháng 5-2010, tại thôn Cốc Đông lan truyền tin đồn Lý Kháy Sài (SN 1965) nuôi “ma gà” trong nhà để “chài” (yểm bùa - PV) hại người. Theo lời người dân ở đây, cứ mỗi lần Sài đến nhà ai đó thì ngay lập tức, gia súc, gia cầm lăn ra chết. Còn những thành viên trong gia đình ấy trở thành “ngơ ngơ, ngáo ngáo”, sớm muộn rồi cũng lìa đời. Nhiều người dân xã Cốc Rế phải đóng cửa, yểm bùa trừ tà mỗi khi nghe tin Lý Kháy Sài sẽ tới “viếng thăm”. Thay vì nói rõ cho người dân hiểu, Lý Kháy Sài lại lợi dụng sự mê muội cùng tâm lý sợ hãi của người dân khi nghĩ Sài nuôi “ma gà” nên Sài càng tỏ ra dương dương tự đắc.
Mỗi lần rượu vài chai là Sài lại khật khưỡng đi tới nhiều nhà dọa dẫm sẽ “chài” cho gia đình họ “hồn xiêu, phách lạc” nếu không “cống nộp” tiền cho Sài uống rượu. Sài có ngờ đâu chính việc nhận mình là “ma chài” nên nhiều người sợ và cũng có rất nhiều người căm ghét Sài. Trong đó có Cháng Văn Chương (SN 1974), Cháng Văn Đương (SN 1983), Cháng Văn Kim (SN 1984) và Hoàng Văn Chỉ (SN 1984). Đêm ngày 15-5-2010, Lý Kháy Sài đã bị 4 thanh niên trên đánh cho đến chết và bị vùi xác dưới hố vôi. Lấy lý do rủ Sài đi uống rượu, Chương, Đương, Kim và Chỉ đã chuốc say Sài. Khi đã chuếnh chuáng hơi men, Sài bị 4 tên đánh ngã sấp mặt xuống đất. Khi vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sài bị buộc dây vào cổ, kéo lê trên mặt đất đến hố vôi trong làng. Thấy tay chân Sài còn cử động, đám người hò nhau dùng đá ném vào đầu Sài cho đến khi Sài tử vong. Sợ bị bại lộ, sáng sớm hôm sau, 4 tên đã đem xác Sài cho vào bao tải và vùi ngay tại hố vôi. Vụ việc chỉ được phát giá khi một số người đi làm phát hiện một chiếc chân của Sài thò lên khỏi mặt đất. Sau nhiều nỗ lực điều tra, các cán bộ Công an tỉnh Hà Giang mới đưa được vụ án ra ánh sáng. Ngày 17-6-2011, TAND tỉnh Hà Giang đã xét xử sơ thẩm hình sự vụ án giết người và tuyên phạt bị can Cháng Văn Chương 7 năm tù giam; Cháng Văn Đương 6 năm tù giam; Cháng Văn Kim và Hoàng Văn Chỉ 5 năm tù giam về tội “giết người”.
Đánh chết người để đuổi “ma gà”
Trong số những vụ án liên quan đến “ma gà”, đau xót hơn cả chính là cái chết của cô gái người dân tộc Tày - Đinh Thị Ánh. Thuộc diện đẹp nhất nhì trong huyện Thạch An (Cao Bằng). Thế nhưng, tự nhiên sau một trận ốm, cô gái ấy có dấu hiệu của người mắc bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng Ánh đã bị người yêu cũ dùng “ma gà” làm hại. Qua lời giới thiệu, bố mẹ Ánh đã mời một vị thầy cúng được tin là rất cao tay tên Nông Siêu Khìn ở Đông Khê, Cao Bằng trị bệnh cho cô gái trẻ. Mặc dù chưa học hết lớp 1, nhưng thầy cúng Khìn vẫn tự tin nhận việc với giá 2 triệu đồng để thực hiện nghi lễ đuổi “ma gà”. Trước bàn làm lễ nghi ngút khói hương cùng vô vàn đồ tế lễ, Khìn múa may quay cuồng và lấy tàn hương, tro ở bàn lễ hòa vào nước lã cùng mấy viên thuốc gì đó bắt Ánh uống. Tiếp đó, Khìn lấy bó hương đốt cháy hừng hực hua hua sát người Ánh từ đầu xuống chân, thi thoảng lại thổi tạt lửa vào người cô. Liên tục trong suốt buổi lễ, Khìn dùng kim châm, roi vụt vào khắp người Ánh để “đuổi… ma gà”. Thầy cúng bệnh hoạn còn liên tục đánh vào những chỗ kín của cô. Ánh liên tục bị tra tấn trong gần 2 ngày, sau nhiều lần ngất lên ngất xuống, Ánh lịm dần đi và chỉ còn thoi thóp. Phải đến trưa ngày hôm sau, gia đình mới đưa Ánh đến trạm xá nhưng đã quá muộn. Cho đến lúc đó, Khìn vẫn một mực tuyên bố: “Cán bộ sai rồi, tao đã đuổi được con “ma gà” đi, chỉ tại bệnh viện kém, không chữa được nên con bé bị ma vật lại chết”.
Lại rộ tin đồn về “ma gà”
Tưởng chừng hủ tục “ma gà” đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền dẹp bỏ thì mới đây, tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) lại tiếp tục xảy ra một vụ án liên quan tới “ma gà”. Đầu năm 3-2013, nhiều người dân thị trấn Đồng Đăng rỉ tai nhau về việc gia đình ông Vòng Mằn Lằm bất ngờ giàu lên nhanh chóng. Nhiều thanh niên đã tìm cách theo dõi ngôi nhà và phát hiện những âm thanh kỳ lạ. Có người cho rằng đã nghe thấy ông Lằm nói những câu chú giống khi nuôi “ma gà” như “ăn đi nhé”, “của mày đấy”… Họ còn cho rằng, vào những đêm trăng tròn, có tiếng kêu khóc không ngừng trong ngôi nhà của ông Lằm như tiếng “ma gà” đòi ăn. Phải diệt trừ hậu họa là quyết định cuối cùng của đám thanh niên mê muội. Đêm giữa tháng 3-2013, đám thanh niên đột nhập vào nhà ông Lằm, tìm cách diệt trừ con “ma gà”, thậm chí bọn chúng còn có ý định sẽ giết cả người nuôi “ma gà” để trừ hậu họa. Vào đến buồng trong cùng của căn nhà, đám thanh niên không tìm thấy bất cứ vật dụng khả nghi bèn dựng vợ chồng ông Lằm dậy, lôi ra ngoài. May mắn vợ chồng ông vùng chạy đến được trụ sở công an gần đấy kêu cứu. 5 tên gàn dở bị tóm gọn tại chỗ vì tội gây rồi trật tự công cộng.
Theo một cán bộ CAH Cao Lộc (Lạng Sơn), những vụ án mạng liên quan đến các hủ tục ở các vùng đồng bào dân tộc vẫn tiếp tục xảy ra gây mất ANTT, mặc dù chính quyền và lực lượng công an đã có những biện pháp tuyên truyền nhưng những hủ tục này đã “ngấm” sâu vào tiềm thức người dân nên người dân vẫn mù quáng tin vào những lời đồn thổi và tin vào thầy mo, thầy cúng. Người dân vẫn tin rằng tất cả sự việc xảy ra trong đời sống xã hội đều bị quy cho các thế lực siêu nhiên, kỳ bí. Đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến hủ tục luôn gây khó khăn cho công tác điều tra. Vì việc nghi và giết người làm ma luôn được người ta làm một cách tự phát và bí mật, không cho người khác biết. Hầu như giữa nạn nhân và hung thủ không hề có mâu thuẫn từ trước. Hơn nữa, các vụ án này thường chỉ xảy ra tại các địa bàn thôn, bản cách xa trung tâm xã, ở những nơi có dân trí thấp, không được tiếp cận với thông tin, với phương tiện y tế hiện đại… Điều đáng nói là hiện nay, tại các vùng đồng bào dân tộc có một số lượng rất lớn những người trẻ được học hành tiếp cận tri thức nhưng vẫn tin và hủ tục “ma gà” này. Đến mức, người ta coi việc cúng bái là cách giải quyết tốt nhất mọi tình huống nảy sinh trong cuộc sống.
Liên tục các vụ án đau lòng, không đáng có xảy ra trong thời gian qua là sự báo động về tình trạng cuồng tín, mù quáng tin vào các hủ tục lạc hậu. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những biện pháp tuyên truyền kịp thời, và xử lưu động các đối tượng ngay tại chính nơi xảy ra vụ án (đặc biệt là xử lý các đối tượng thầy mo, thầy cúng kiếm tiền) để người dân nhận thức rõ và thấy được đó là các hủ tục lạc hậu, tránh không để tái diễn những vụ án đau lòng.
Theo https://anninhthudo.vn/ma-ga-va-nhung-vu-an-dau-long-post167113.antd
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn