Kỳ 3. Quân pháp nghiêm minh

Thứ hai - 13/09/2021 05:42
(TVLMP) - Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Vụ này đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kỳ liền, từ ngày 20/9/1950, trên báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, xuất bản hàng ngày. Đây là một bài học về kiên quyết chống tham nhũng trong bất cứ thời kỳ nào. Tư vấn luật tiếp tục giới thiệu Kỳ 3:
Ảnh Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Chánh án phiên tòa và Thiếu tướng Trần Tử Bình, đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo ủy viên
Ảnh Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Chánh án phiên tòa và Thiếu tướng Trần Tử Bình, đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo ủy viên
Lê Sĩ Cửu tiếp tục khai với Ban Kiểm tra:
- Những tội lỗi của tôi kể trên một phần do đại tá Châu xúi dục. Sở dĩ tôi làm như vậy vì tôi yên trí rằng đã có đại tá Châu bênh vực, mọi việc không sợ gì cả!

Đến lượt Trần Dụ Châu cũng thú nhận trước Ban Kiểm tra:
- Tôi quả là người không liêm khiết.
Cán bộ kiểm tra hỏi Châu:
- Đã lấy của Lê Sĩ Cửu những gì ?
Châu trả lời:
- Tôi lấy nhiều lắm, không thể nhớ là bao nhiêu. Nhưng lần nào Cửu đến tôi thì cũng có ít nhiều tiền đưa tôi.


Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Toà án binh tối cao mở phiên toà đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu. Còn lâu mới tới giờ khai mạc mà trong và ngoài toà đã chật ních người. Cửa vào phòng xử án có một bảng khẩu hiệu: “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”. Trong phòng xử, trên tường đối diện nhau có hai khẩu hiệu: “Quân pháp vô thân” và “Trừng trị để giáo huấn”. Đúng 8 giờ, đại diện Chính phủ, quân đội và Toà án binh tối cao tới, đi giữa hàng rào bộ đội bồng súng.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế chánh án giữa hai ông hội thẩm viên Phạm Học Hải, giám đốc Tư pháp Liên Khu Việt Bắc và Trần Tấn, Phó cục trưởng Cục Quân Nhu. Thiếu tướng Trần Tử Bình, đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo uỷ viên. Tới dự phiên toà còn có các ông: Nguyễn Khang, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc; Võ Dương, Liên Khu Hội trưởng Liên Việt Liên khu Việt Bắc; Đỗ Xuân Dung, giám đốc Công chính Liên khu Việt Bắc; bác sĩ Vũ Văn Cẩn, đại biểu quân đội, đại diện các đoàn thể nhân dân và các nhà báo.

Tiếng gọi các bị cáo vang trong phòng họp. Bị cáo Lê Sĩ Cửu vắng mặt vì ốm nặng. Thiếu tướng chánh án hỏi các bị cáo. Trần Dụ Châu bước ra trước vành móng ngựa, nói nhiều về những công lao và thành tích cách mạng của mình, cho rằng do nhân viên làm bậy là chính mà mình không kiểm soát được.

Thiếu tướng Công cáo uỷ viên, đại diện Chính phủ, đứng lên đọc bản cáo trạng:
“Thưa toà, thưa các vị,
Trong tình thế ta gấp rút chuẩn bị Tổng phản công, mọi người đang nai lưng buộc bụng tích cực phục vụ kháng chiến trước tiền tuyến, quân đội ta đang hy sinh để đánh trận căn bản mở màn cho chiến dịch mới, thì tôi thiết tưởng mà cũng là lời yêu cầu Toà dùng những luật hình sẵn có để xử Trần Dụ Châu và theo chỉ thị căn bản của vị Cha già dân tộc là cán bộ phải cần kiêm liêm chính. Việc phạm pháp của Trần Dụ Châu xảy ra trong không gian là Việt Bắc, nơi thai nghén nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã làm vẩn đục thủ đô kháng chiến...

... Để đền nợ cho quân đội; để làm gương cho cán bộ và nhân dân; để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ những phương kế xoay tiền của Chính phủ; để xử tử vắng mặt những lũ bầy ra mưu nọ kế kia, lừa trên bịp dưới; để trừ hết loài mọt quỹ, tham ô dâm đãng; để làm bài học cho những ai đang trục lợi kháng chiến, đang cậy quyền, cậy thế để loè bịp nhân dân;

Bản án mà toà sắp tuyên bố đây phải là một bài học đạo đức cách mạng cho mọi người; nó sẽ làm cho lòng công phẫn của nhân dân được thoả mãn, làm cho nhân dân thêm tin tưởng, nỗ lực, hy sinh cho cuộc toàn thắng của nước nhà.

Vì vậy, tôi yêu cầu toà xử phạt:
1- Trần Dụ Châu: tử hình
2- Tịch thu ba phần tư tài sản
3- Tịch thu những tang vật hối lộ trái phép
4- Phạt tiền gấp đôi những tang vật hối lộ và biển thủ”.

Trần Dụ Châu tái mặt, cất giọng yếu ớt xin toà tha thứ. Thiếu tướng chánh án tuyên bố toà nghỉ để họp kín.
15 phút sau, toà trở ra tiếp tục họp. Thiếu tướng Trần Tử Bình đọc công lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh tước quân hàm đại tá của Trần Dụ Châu.

Thiếu tướng chánh án đứng lên tuyên án:
- Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: tử hình; tịch thu ba phần tư tài sản.
- Lê Sĩ Cửu can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn lậu, giả mạo giấy tờ; tử hình vắng mặt.

Hai chiến sĩ công an dẫn Châu rời nơi xử án trở về nhà giam. 6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu được đưa ra trường bắn trước sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp, Nha Công an, Cục Quân nhu và một số cơ quan khác. Một cán bộ đọc to bức công điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn xin giảm tội của Châu...

11 ngày sau, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân nhu tận tuỵ và anh dũng của chúng ta đã kịp thời đưa ra mặt trận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang… phục vụ tốt trận đánh tiêu diệt địch ở Đông Khê, mở đầu chiến dịch quy mô lớn và dài ngày giải phóng biên giới

Theo https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/55-nam-nhin-lai-vu-an-Tran-Du-Chau-i10537/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây