Chuyện ông Lê Đức Thọ đi minh oan - Kỳ I: Chấm dứt sự đau buồn

Thứ ba - 05/10/2021 21:52
(TVLMP) - Cận các dịp năm chẵn kỷ niệm ký Hiệp định Paris, tôi may mắn gặp ông Lưu Văn Lợi, thư ký của ông Lê Đức Thọ kể nhiều và đã viết nhiều chuyện về sự kiện này. Vâng, còn nhớ có một trường đoạn về ông Lê Đức Thọ từng đi minh oan cho bà Nguyễn Thị Năm, người phụ nữ bị bắn oan trong Cải cách ruộng đất. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Lê Đức Thọ, xin trích chút hồi ức của ông Lưu Văn Lợi.
Ông Lưu Văn Lợi (trái) và tác giả
Ông Lưu Văn Lợi (trái) và tác giả

Ông Lưu Văn Lợi như một mảng, miếng của sử.

Là thư ký riêng cho Cố vấn Lê Đức Thọ nhiều năm, không chỉ 4 năm 8 tháng 21 ngày thời gian diễn ra đàm phán Hiệp định Paris mà mãi những năm sau này, khi ông Lê Đức Thọ đảm nhận nhiều việc trọng khác.

Thời gian đó, nhà ngoại giao tuổi cao sức yếu còn rất mẫn tiệp từng thoát qua 2 lần tai biến.

Lần gặp ấy, ông đẩy về phía tôi một tập A4 Photocopy.

Chữ viết tay. To, rõ và nom quen quen? Chữ của ông cố vấn Lê Đức Thọ

Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung. Hà Nội ngày 28/1/1987

Công? Hanh? Là những ai vậy?

... Chuyện của nhà ngoại giao kiêm thư ký của ông Lê Đức Thọ đã đưa tôi về những năm xa.

Những yếu nhân như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt cùng nhiều tên tuổi khác của Mặt trận Việt Minh từng qua lại được chở che ở ngôi biệt thự bề thế ven hồ Thiền Quang. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, lại cũng những đấng bậc ấy cùng nhiều yếu nhân của Đảng của Chính phủ cũng nhiều dịp tá túc sinh hoạt ở khu đồn điền Đồng Bẩm vùng Thái Nguyên. Chủ cơ ngơi gồm những biệt thự, đồn điền ở Đồng Bẩm ấy là bà Nguyễn Thị Năm thường gọi là Cát Hanh Long, tên một hiệu buôn nổi tiếng ở Hà Thành, Hải Phòng.


Khó kể hết những đóng góp của nhà tư sản ấy cho cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa. Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần Lễ Vàng” ở Hải Phòng với hơn một trăm lạng vàng.Chuyện bà cùng chồng thuở hàn vi ăn chắt nhịn thèm lao tâm khổ tứ với khiếu kinh doanh cùng năng lực thương mại vượt trội đã gây dựng nên cơ ngơi đồ sộ là cả một câu chuyện dài. Nội việc bà kinh doanh hai thứ hàng nặng nhất và nhẹ nhất khi ấy là tơ và sắt thép nổi tiếng ở Hà Thành và Hải Phòng cũng có lắm chuyện như giai thoại. Người phụ nữ giàu tiền bộn bạc ấy lại sẵn tấm lòng son với nước. Thời gian trước năm 1945, những căn biệt thự của bà ở Hà Nội và Hải Phòng là nơi đi về liên lạc của Việt Minh. Hai người con trai của bà Năm được giác ngộ bí mật đón lên chiến khu.

Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy, nhất là thân phận một nữ nhi thường tình thế mà bà đã ngồi trên ô tô của nhà, xe ấy cắm cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng. Rồi bà dông tuốt lên Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai tin Hà Nội đã giành được chính quyền!

Chuyện ông Lê Đức Thọ đi minh oan - Kỳ I: Chấm dứt sự đau buồn ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Năm

Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà trao chiếc búa cho đội tự vệ để làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Sau đó bà là chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Và khu đồn điền Đồng Bẩm từng nuôi ăn cho một trung đoàn vệ quốc quân trong một thời gian dài trở thành căn cứ trú quân của nhiều đơn vị Vệ quốc.

Tiếc thay, phát súng đầu tiên của Cải cách ruộng đất (CCRĐ) lại nhằm vào một phụ nữ. Người đó là bà Nguyễn Thị Năm. Bà bị bắt bị đấu tố với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác Rồi bị lôi ra pháp trường.

Sự kiện bi thảm ấy diễn ra vào lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953, khi bà 47 tuổi.

Qua chuyện của ông Lợi tôi mới biết thời gian năm 1956, ông Lê Đức Thọ được Bác Hồ cử làm Trưởng ban Sửa sai Cải cách ruộng đất.

Câu chuyện của ông Lợi tiếp nối bằng lá thư của gia đình bà Cát Hanh Long trực tiếp gửi thư cho ông Lê Đức Thọ.

Chuyện ông Lê Đức Thọ đi minh oan - Kỳ I: Chấm dứt sự đau buồn ảnh 3

Bàn thờ bà Năm

Lúc ấy, tôi đang là thư ký cho ông Thọ. Hôm nhận được thư, tôi người đọc trước, sau đó báo cáo với anh Thọ. Bức thư có 6 trang giấy khổ bé, chữ nhỏ lắm. Trước đó trong câu chuyện của mình ông Thọ có cho biết ông đã ở nhà bà Cát Hanh Long. Ông đã trực tiếp giúp anh Công và anh Hanh, hai người con trai của bà Cát Hanh Long tham gia cách mạng và sau đó tham gia bộ đội.

Tôi đọc ông Thọ nghe một lượt bức thư... Ông Thọ ngồi lặng đi hồi lâu và ông cầm thư đọc lại mấy lần. Rồi tự tay ông cho lá thư vào phong bì. Bằng chất giọng ân cần, ông bảo tôi cầm sang cho ông Năm (đồng chí Trường Chinh ở gần đấy).

Nhưng tôi có nguyên tắc của tôi. Tôi vẫn sang phòng anh Năm và đưa cho thư ký chủ chốt của anh Năm. Tôi bảo: anh Sáu nhận được thư này và bảo tôi mang sang cho anh Năm. Tôi đưa các anh để gửi lên cho thủ trưởng. (Tôi làm nhiệm vụ, chứ đâu phải vượt quyền. Anh Sáu muốn tôi đưa trực tiếp cho anh Năm).

Thư ký của anh Năm ( đồng chí Trường Chinh) cũng không dám đưa lên mà cứ ngần ngừ. Anh ấy nói với tôi rằng, Lợi ạ, cái này tốt nhất là để anh Sáu làm việc thẳng với anh Năm. Để cho các cụ làm việc với nhau.

Tôi không biết nói sao. Đành cầm thư về.

Về cơ quan, tôi báo cáo lại cho ông Thọ. Ông Thọ có vẻ bực nhưng vẫn cười bảo có mỗi việc đó mà không làm được. Đưa đây cho tớ...

Một động thái hơi bất ngờ, hơi hiếm ở ông Thọ là sau khi nhận lại thư, ông đút thư vào túi áo đại cán... Ông Thọ ra sân vớ lấy cái xe đạp của một anh trong đội bảo vệ. Ông ấy đi một mình. Không cho bảo vệ đi cùng. Ông ấy cũng chẳng nghĩ rằng chỗ ông Trường Chinh ở ngay gần đấy, bên kia đường Nguyễn Cảnh Chân thôi mà? Động thái ấy chứng tỏ ông Thọ khá sốt ruột muốn làm ngay, làm nhanh!

Thoáng nhanh trong đầu tôi những trắc trở gian nan của một việc cụ thể từng thuộc về vấn đề của lịch sử để lại...

Tôi áng áng độ khoảng nửa tiếng thì ông Thọ về. Ông Thọ cười với tôi Xong rồi, Anh Năm đồng ý là sửa sai rồi. Ông Lê Đức Thọ còn bảo ông Trường Chinh ghi mấy dòng bên lề tinh thần đồng ý sửa sai cho bà Năm.

Khi đưa tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Thủ tướng phê luôn đồng ý.

Vậy là tôi được mục sở thị chữ viết tay của ba yếu nhân khi ấy là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về một việc đồng ý sửa sai cho bà Cát Hanh Long!

Sau đó anh Thọ nói với tôi, bây giờ cậu gọi cậu Thành ( tôi chưa kịp hỏi đồng chí Thành này là ai? - NV) và một ông nữa ở Ban tổ chức Trung ương sang đây. Thái độ ông Thọ có vẻ bức xúc... Ông muốn bập ngay vào việc...(Còn nữa)

Ông Thọ ngồi lặng đi hồi lâu và ông cầm thư đọc lại mấy lần. Rồi tự tay ông cho lá thư vào phong bì. Bằng chất giọng ân cần, ông bảo tôi cầm sang cho ông Năm (đồng chí Trường Chinh ở gần đấy).


Theo https://tienphong.vn/chuyen-ong-le-duc-tho-di-minh-oan-ky-i-cham-dut-su-dau-buon-post1382163.tpo

Tác giả bài viết: XUÂN BA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây