Với mong muốn có thông tin đa chiều, chiều 4/7, PV đã kết nối qua điện thoại với PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Chương - Viện trưởng xin được bố trí một cuộc gặp để làm việc nhưng ông Chương bảo bận đi công tác, không gặp và cúp máy. Vì sao ông Viện trưởng né báo chí, chúng tôi tiếp tục làm rõ trong bài viết này.
Kỳ 2: Né báo chí để… che giấu sự thật (?)
Không chỉ cùng hoạt chất, hàm lượng mà có cả biệt dược có cùng quy cách đóng gói và do một hãng dược trong nước sản xuất ra nhưng vẫn được nhà thuốc Phòng khám của Viện bán cho người bệnh với giá “cắt cổ”. Lấy lý do giúp người bệnh loại trừ được bệnh, Phòng khám đã “lấn sân” làm thay công việc của các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khác, dẫn tới có những biệt dược được chỉ định điều trị ký sinh trùng vẫn được bác sĩ Phòng khám kê đơn chỉ định điều trị HP, bất chấp sức khỏe người bệnh…
Luật gia Trương Việt Kon Tum (Hội Luật gia tỉnh Bình Định): “Nghị định Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/2/2017 quy định, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên. Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không thể thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Nghị định 09/CP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Kê thuốc nội, bán giá thuốc ngoại
Theo quy định tại khoản 3.1 Mục III Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT-BYT- BTC-BCT ngày 31/8/2007 về hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc dùng cho người, đối với giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: “
Giá bán lẻ thuốc do cơ sở niêm yết không được cao hơn giá bán lẻ phổ biến của thuốc đó (cùng hoạt chất, nồng độ hoặc hàm lượng và quy cách đóng gói) trên cùng địa bàn tại cùng thời điểm”. Tuy nhiên như kỳ 1 chúng tôi đã đề cập, có tới 5 loại biệt dược trùng gốc có cùng hoạt chất, hàm lượng (đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và phân phối) nhưng có giá bán tại Nhà thuốc Viện KST Quy Nhơn cao hơn Nhà thuốc P.K bên ngoài bình quân từ 1,5 – 2 lần, thậm chí có biệt dược như Espoan 20mg (Esomeplazol) cao hơn gấp 4 lần.
Đã có ý kiến hoài nghi sự chênh lệch giá có thể còn là do nơi sản xuất không giống nhau. Song nhóm PV chúng tôi đã phát hiện được biệt dược Duhuzin 20mg (Esomeprazol 20mg) do Công ty CP Dược Trung ương MEDIPLANTEX sản xuất (có cùng hoạt chất, hàm lượng và quy cách đóng gói, cùng nhà sản xuất) được bán tại Nhà thuốc M.T nằm trên dường Bạch Đằng chỉ có 3.500 đồng/ viên; trong khi đó giá bán tại Nhà thuốc của Viện có đơn giá lên tới 8.400 đồng/viên (cao hơn gấp 2 lần). Ngoài biệt dược Duhuzin còn bao nhiêu biệt dược có trong kho thuốc của Nhà thuốc Viện cũng có “điều kiện” tương tự nhưng được đẩy lên với giá “cắt cổ”, chúng tôi nhường lại câu trả lời cho cơ quan có chức năng quản lý hành nghề dược trên địa bàn.
(Ảnh: Biệt dược Duhuzin cùng hoạt chất, hàm lượng, quy cách đóng gói và cùng hãng sản xuất nhưng tại Phòng khám có giá bán cao gấp 2 lần so với nhà thuốc tư nhân bên ngoài)
Thông tư liên tịch trên còn quy định: “
thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc bằng cách in hoặc ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc và không được bán cao hơn giá đã niêm yết”. Tuy nhiên tại thời điểm chúng tôi có mặt (ngoài bảng niêm yết biệt dược và đơn giá công khai trên khổ giấy A3 khiêm tốn được dán trên cao trước quày thuốc, người bệnh phải căng mắt ra mới đọc được), thì toàn bộ thuốc bán cho người bệnh tại Phòng khám không hề có việc niêm yết giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc theo quy định.
(Trong ảnh: Bảng niêm yết giá thuốc trên khổ giấy A3 phải căng mắt mới đọc được)
So sánh hai đơn thuốc của chị Võ Thị Lệ (TP. Quy Nhơn) và anh Nguyễn Thanh Tuấn (Khánh Hòa) được kê để điều trị cùng bệnh H.pylori chúng tôi còn phát hiện đơn giá biệt dược Tinidazole 500mg được kê có giá cũng không giống nhau: Hóa đơn thu tiền của chị Lệ do người thu Trần Thị Anh Như lập ngày 12/7/2017 có giá 600 đồng/ viên; còn hóa đơn thu tiền của anh Tuấn do ông Trần Nhật Minh lập ngày 4/7/2017 có giá 630 đồng/ viên. Trong vòng 8 ngày mà giá thuốc lại thay đổi, do cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hay do sự tùy tiện trong việc kê giá của nhà thuốc Phòng khám (?)
Đáng lưu ý, biệt dược Eurorapi 20mg dùng để chỉ định điều trị loét dạ dày, loét tá tràng… do Công ty Globe Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh sản xuất, Công ty cổ phần Traphaco nhập khẩu đã từng bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đình chỉ lưu hành trên phạm vi toàn quốc theo Văn bản số 10643/QLD-CL ngày 16/6/2015 vì lý do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng cũng được Phòng khám kê đơn có giá 6.600 đ/ viên.
Không những có khuất tất trong kê khai giá, mà trong dịch vụ lấy mẫu máu xét nghiệm cũng có tình trạng “vượt rào” so với quy định tại Thông tư 02 ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết về giá khung dịch vụ khám chữa bệnh ngoài BHYT. Cụ thể: đối với danh mục Tổng phân tích tế bào máu (CTM) bằng máy đếm tự động theo Thông tư 02, có đơn giá thanh toán là 39.200 đồng/ lần. Còn tại Phòng khám chuyên khoa của Viện người bệnh phải thanh toán số tiền đối với dịch vụ này là 50.000 đồng/ lần. Trước câu hỏi của PV đặt ra, Bác sĩ Nguyễn Xuân Thiện ấp úng: “Cái này để tôi hỏi lại bộ phận có chức năng vì không thuộc phạm vi chuyên môn của chúng tôi”.
“Lấn sân” chuyên khoa các cơ sở khám chữa bệnh khác
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, tất cả những người bệnh đến Phòng khám chuyên khoa của Viện đều được các bác sĩ ở đây “áp đặt” cho làm đủ 12 dịch vụ cố định, trong đó có 11 dịch vụ xét nghiệm máu (không cần khuyến cáo để bệnh nhân lựa chọn), gồm: Cystices cuscelloulusae; Toxocara canis Ascaris; Gnathostoma spinigerum; Strongyloides stercoralis; Tổng phân tích tế bào máu (CTM); Creatine; Ure; SGPT; SGOT; Fasciolae spp; Helicobacter pylori lgG (ELISA). Trường hợp nếu có bệnh ngoài da, hay ngứa, nổi mề đay (có đến 90% khi đến đây đều có tình trạng này) thì làm thêm các xét nghiệm: Soi tươi tìm Demodex, spp, ghẻ; Echinococus (ELISA); Soi tươi tìm nấm da, niêm mạc. Do vậy mà riêng chi phí khám bệnh và làm các xét nghiệm người bệnh phải thanh toán số tiền “ổn định” từ 540.000 – gần 700.000 đồng/ người.
PGS.TS Vũ Văn Khiên – Chủ nhiệm Khoa nội Tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương quân đội 108): “Xét nghiệm máu có độ tin cậy không cao và không phải là cơ sở chuẩn đoán viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP? Nếu có các biểu hiện bệnh dạ dày thì nên làm nội soi để chuẩn đoán chính xác. Hiện nay có phương pháp nội soi gây mê rất an toàn và không gây khó chịu cho bệnh nhân được thực hiện tại các bệnh viện lớn như BV Bạch Mai, 108, Đại học Y, Chợ Rẫy, ĐH Y dược…”
Điều khiến người bệnh bức xúc hơn, mặc dù là Phòng khám dịch vụ chuyên ngành về ký sinh trùng nhưng trong đó có những xét nghiệm không có liên quan đến chuyên khoa như: Helicobacter pylori (bệnh nội tiêu hóa), tìm Demodex, nấm ngoài da, niêm mạc (chuyên khoa da liễu)… vẫn được các bác sĩ Phòng khám áp đặt cho lấy mẫu xét nghiệm (?) Trong khi theo các chuyên gia thuộc Trang thông tin của Hiệp hội Tiêu hóa Việt Nam thì phương pháp nội soi cho kết quả về phát hiện HP với độ chính xác cao nhất, còn xét nghiệm máu không phải là phương pháp được ưu tiên thực hiện, chỉ những cơ sở không có phương pháp xét nghiệm nào khác mới thực hiện xét nghiệm này. “Lý do là vì vi khuẩn H.P có thể tồn tại ở một số khu vực khác như khoang miệng, xoang, đường ruột nhưng hoàn toàn không gây bệnh. Lý do thứ hai là mặc dù vi khuẩn H.P trong dạ dày đã bị tiệt trừ hết, tuy nhiên, kháng thể kháng H.P vẫn có thể lưu hành trong máu trong thời gian một vài tháng tới một vài năm sau đó. Nếu dựa vào đó (xét nghiệm máu - PV) để chẩn đoán nhiễm H.P rất dễ xảy ra tình trạng dương tính giả”.
Giải thích về sự bất thường trên, chiều 4/7 làm việc với PV, Ths. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thiện – Trưởng phòng khám cho rằng: “Giữa bệnh về ký sinh trùng và bệnh nội khoa tiêu hóa có ranh giới không rõ ràng. Ký sinh trùng cũng gây đau dạ dày, cũng có trên da gây ngứa. Cho nên trong quá trình khám và điều trị, chúng tôi cũng cho giải quyết luôn, chủ yếu là giúp bệnh nhân loại trừ bệnh. Chúng tôi không “lấn sân” các bệnh viện khác. Nếu phát hiện bệnh không đúng chuyên ngành thì Phòng khám sẽ cho chuyển và hướng dẫn người bệnh đến các bệnh viện có chuyên môn sâu”.
Ths. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thiện – Trưởng phòng khám: “Phòng khám dịch vụ chuyên ngành của Viện là phòng khám công lập làm dịch vụ khám chữa bệnh chuyên ngành không làm dịch vụ giống theo nghĩa dịch vụ tư nhân và thu phí theo biểu giá của Bộ Y tế quy định từ khi có quyết định thành lập đến nay”
Mới nghe cũng rất có lý. Song nếu như đó là dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT thì chắc chắn các bác sĩ của Phòng khám ở đây sẽ không dám “lạm phát” như vậy. Vì có “vung tay quá trán” cũng không sợ BHXH “tuýt còi”, còn giá dịch vụ có “đội sổ” tới đâu thì cũng đã có người bệnh gánh chịu (?!)
Do ôm đồm công việc của các cơ sở khám chữa bệnh khác, nên một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm không có ký sinh trùng, (như trường hợp ông Nguyễn Thanh Tuấn ở Diên Khánh, Khánh Hòa; chị Võ Thị Lệ ở TP. Quy Nhơn có kết quả xét nghiệm chẩn đoán H.pylori, demodex - nghĩa là không có liên quan gì đến chuyên khoa sâu của Phòng khám) vẫn được Phòng khám giữ lại để điều trị. Và cái đích giữ bệnh nhân mà Phòng khám hướng đến theo như lời bác sĩ Thiện là để “giúp bệnh nhân loại trừ được bệnh”, còn theo người bệnh là để tận thu. Được biết bình quân mỗi người chẩn đoán có H.pylori, demodex phải thanh toán số tiền lên tới gần 950.000 đồng/ 7 loại biệt dược.
Sẽ tiến hành thanh tra việc bán thuốc tại Cơ sở khám chữa bệnh của Viện SR-KST-CT Quy Nhơn. Ông Lê Quang Hùng – GĐ Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết: “Viện SR-KST-CT Quy Nhơn là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, theo đó mọi hoạt động về chuyên môn khám chữa bệnh tại đây là do Bộ quản lý. Tuy nhiên với chức năng quản lý Nhà nước về hành nghề dược trên địa bàn (sau khi đọc báo và biết được thông tin) tôi đã chỉ đạo thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra ngay hoạt động bán thuốc tại Nhà thuốc của Viện có đúng quy định không, đặc biệt là giá cả thuốc bán ra có phù hợp không… để có biện pháp xử lý và chấn chỉnh kịp thời. Tôi xin nhắc lại là sẽ thanh tra ngay, không để chậm trễ”
Bất thường hơn, trong số 7 biệt dược do bác sĩ tại đây kê để chỉ định điều trị HP và demodex cho bệnh nhân Nguyễn Thanh Tuấn, Võ Thị Lệ…, nhóm PV chúng tôi còn phát hiện có sự hiện diện của biệt dược Pizar 6 do Công ty TNHH DAVI PHARM sản xuất. Đây là biệt dược mà theo các chuyên gia ngành y và chính hãng thuốc công bố có tác dụng chỉ định đặc trị giun chỉ do Onchocerca volvulus (nghĩa là hoàn toàn không có liên quan đến chỉ định điều trị HP). Chính các bác sĩ tại đây cũng đã từng kê dùng để đặc trị cho những bệnh nhân bị nhiễm các loại giun, sán nhưng không hiểu sao lại được các bác sĩ kê chỉ định điều trị HP, uống trước khi ăn 2 giờ/ một liều 2 viên, để theo đó người bệnh phải thanh toán số tiền 192.600 đồng/2 viên (trong khi giá rao bán trên mạng chỉ 265.000 đ/1 hộp 4 viên).
Hệ quả của việc “lấn sân” làm thay công việc của các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khác và bệnh một đằng thuốc kê một nẻo, Phòng khám dịch vụ chuyên khoa của Viện KST Quy Nhơn đã làm phát sinh hậu quả mà người bệnh phải cay đắng chịu đựng vì “tiền mất, tật mang”. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này vào kỳ tới.
(Còn nữa)