Kỳ 2. Vì sao ông Chánh chưa được xét người có công ?
Để buộc tội ông Dương Ngọc Chánh làm nội gián cho địch và phủ nhận sạch trơn công lao đóng góp cho cách mạng của ông, một số cán bộ ở địa phương đã dựa vào cảm tính và các bản xác nhận được viết trước đó chưa ráo mực…
“
Thanh trừng” vì… dám xác nhận người có công
(Ảnh: Văn bản số 1973/A11 (A35) của Tổng cục An ninh gửi Ban KTTW cho biết Cấp ủy địa phương có biểu hiện bao che nội bộ, mất dân chủ và cực đoan… )
Tại Văn bản số 2240/TCAN ngày 20/10/2009 của Tổng cục An ninh - Bộ Công an do Phó Tổng cục trưởng Tô Lâm (nay là Bộ trưởng Bộ Công an) ký ban hành phúc đáp Công văn số 986-CV/TU của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về kết quả thẩm tra xác minh vụ ông Dương Ngọc Chánh, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định bị bắn chết năm 1968, Tổng cục An ninh khẳng định không có căn cứ cho rằng ông Chánh là gián điệp, phản động.
Quá trình điều tra xác minh về “trích ngang” của ông Chánh được Tổng cục An ninh mô tả tại Văn bản số 1028/A11 (A35) ngày 6/8/2001 gửi Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương hết sức chặt chẽ và cẩn trọng. Theo đó, sau khi nhận đơn khiếu nại của ông Dương Minh Trị, Tổng cục đã chỉ đạo, phối hợp với Công an Bình Định thu thập tài liệu và các kế hoạch đầu mối tình báo, các mạng lưới mật báo viên lưu trữ tại Bộ Công an và công an các tỉnh trong vùng (những nơi trước đây có trụ sở của các cơ quan an ninh tình báo Mỹ - Ngụy); tìm hiểu qua nhiều cán bộ, đảng viên cùng hoạt động, “trực tiếp xây dựng và chỉ đạo ông Chánh làm cơ sở cho cách mạng”… Đặc biệt, Cơ quan An ninh còn “khai thác một số đối tượng là an ninh, cảnh sát, tình báo Ngụy và bọn cầm đầu các tổ chức đảng phải phản động trước đây có hiểu biết về ông Chánh… bằng nhiều phương pháp xác minh khách quan, khoa học…”
Sự thật vẫn là sự thật, ông Chánh không phải là kẻ phản bội đất nước như một số cá nhân “vu oan giá họa”. Tuy nhiên quá trình đi đến công nhận sự thật cho ông Chánh vô cùng gian nan, bỡi “…một số cấp ủy, cá nhân ở địa phương vẫn có ý kiến trái ngược và dùng quyền lực của mình để bảo vệ ý kiến đó”. Trước đó, ngày 20/3/1988, Huyện ủy Phù Mỹ có Công văn số 57/CV-HU gửi Đảng ủy xã Mỹ Đức yêu cầu kiểm điểm các đảng viên xác nhận minh oan cho ông Chánh. Ngày 18/8/1988, Thanh tra huyện Phù Mỹ đã ban hành Công văn số 42/VP-TT kiến nghị Thường vụ, UBND huyện Phù Mỹ yêu cầu các đảng viên rút lại các xác nhận, đồng thời đề nghị trục xuất các con ông Chánh ra khỏi các cơ quan Nhà nước.
Cũng theo Tổng cục An ninh, chấp hành chủ trương trên, “một số cán bộ đảng viên đã rút lại bản xác nhận hoặc hủy chữ ký, UBND xã Mỹ Đức ra thông báo chữ ký xác nhận lý lịch cho vợ và các con ông Chánh là không có hiệu lực. Ủy ban kiểm tra Đảng và Thanh tra huyện Phù Mỹ đã mời ông Hồ Thành Được để chất vấn, ghi lời trình bày và yêu cầu rút lại xác nhận…”.
BOX: Văn bản kết luận ngày 8/02/1980 của Thanh tra nhân dân huyện Phù Mỹ kết luận ông Chánh là gián điệp, phản động có nhiều nợ máu với nhân dân ta “chỉ dựa trên các bản xác nhận được viết trước đó 1,2 ngày” (Theo Văn bản số 2240/TCAN ngày 20/10/2009 của Tổng cục An ninh - Bộ Công an)
“Tố”… lấy được, không cần bằng chứng
Bất chấp sự thật đã được cơ quan có chức năng kết luận, ông Phan Văn Năm – nguyên là Phó bí thư huyện ủy Phù Mỹ (giai đoạn từ 1960 – 1969) và một số cán bộ ở địa phương vẫn cố chấp giữ nguyên quan điểm trái chiều, tiếp tục gán cho ông Dương Ngọc Chánh tội làm gián điệp cho địch, có nợ máu với nhân dân.
Theo đó trong lá đơn lần thứ N (đề ngày 24/11/2016), gửi đến Bộ Chính trị, Bộ Công an, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương Đảng và các cấp có thẩm quyền ở địa phương, một lần nữa ông Năm khẳng định: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Dương Ngọc Chánh ở trong tổ chức Quốc dân Đảng vận động các tầng lớp phản động chống lại chính sách giảm tô, giảm tuất của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Dương Ngọc Chánh vừa trực tiếp và gián tiếp giết 9 cán bộ cách mạng…. “Những hành động và tội ác của Dương Ngọc Chánh, trời không dung, đất không tha…”.
Tuy nhiên ngoài những lời tố cáo hằn học theo kiểu “lấy được” như trên, ông Năm không cung cấp được một tài liệu hay chứng cứ nào kèm theo để chứng minh rằng ông Chánh phản bội cách mạng, có nợ máu với nhân dân.
Ngày 12/4/2010, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Công văn số 7518 – CV/BTCTW kính gửi Văn phòng Trung ương Đảng cho biết: “Lịch sử chính trị ông Dương Ngọc Chánh đã được Tổng cục I – Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh làm rõ từ năm 2003… “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Qua nghiên cứu đơn thư ngày 03/01/2010 của ông Phan Văn Năm gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng không phát hiện thêm tình tiết mới liên quan đến lịch sử chính trị ông Dương Ngọc Chánh”. Cũng theo Văn bản này, Ban Tổ chức TW cho biết không xem xét lại nội dung đơn thư của ông Năm.
Trước đó, ngày 20/8/2011, theo đề nghị từ phía gia đình ông Dương Minh Trị, Hội đồng thi đua khen thưởng xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, do ông Lê Văn Chinh – Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch HĐTĐKT xã Mỹ Đức chủ trì đã tổ chức cuộc họp xét khen thưởng cho ông Dương Ngọc Chánh. Điều bất thường ở đây là, thành viên của Hội đồng xét khen thưởng là những người “hậu sinh” trưởng thành sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Còn những nhân chứng sống trực tiếp xác nhận vào hồ sơ đề nghị khen thưởng của ông Chánh thì không được mời tới dự (?)
Di ảnh ông Dương Ngọc Chánh
Do cơ cấu thành phần tham dự, theo đó nội dung kết quả cuộc họp tiếp tục “phủ” lên lý lịch trích ngang ông Chánh một bức màn u ám về tội phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân. Đặc biệt đối với 8 giấy xác nhận của 8 nhân chứng (thực hiện lúc họ còn sống, ngay những năm sau ngày đất nước giải phóng), họ đã xác nhận về ông Chánh một cách vô tư trong sáng, chữ ký của họ được chính quyền địa phương xác nhận - là những người trực tiếp giao nhiệm vụ và đồng thực hiện nhiệm vụ sinh tử với ông Chánh trong cuộc trường chinh của dân tộc đã bị các thành viên cuộc họp phủ quyết một cách cực đoan và đầy cảm tính.
Theo đó, xác nhận của ông Dương Đình Khải – nguyên là cán bộ quần kết 1955 về lý do ông Chánh bị “tố” có thời gian làm cho địch là “do tổ chức cách mạng cài cắm chức danh Thư ký hành chính để tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao” được cho là không có căn cứ vì ông Khải… “là người khác địa phương” (xin được nói thêm, ông Khải được ông Võ Tấn, nguyên Phó Bí thư huyện ủy lúc bấy giờ xác nhận lý lịch khai của từ năm 1956 trở về trước là đúng sự thật - PV). Về việc ông Chánh “là người đã trực tiếp sơ cứu cho anh em du kích bị thương qua các trận chống càn trong đó có tôi” theo xác nhận của ông Đặng Văn Dũng – nguyên là du kích địa phương 3/1968, các thành viên tham dự cuộc họp cho rằng không có căn cứ vì ông Dũng… “lúc đó là học sinh”.
(Ảnh: Bà Nguyễn Thị Đổng (đảng viên 1946) xác nhận đã được tổ chức cách mạng phân công móc nối, xây dựng cơ sở và trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Chánh trong giai đoạn từ 1956 – 1967)
Tương tự, đối với xác nhận của ông Nguyễn Liên – nguyên là tiểu đội trưởng du kích xã Mỹ Đức (1966) và của bà Nguyễn Thị Nhung – nguyên là liên lạc viên bí mật cho cách mạng vùng Bắc huyện Phù Mỹ và cán bộ phụ nữ xã, về việc ông Chánh tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng, đào hầm bí mật tại vườn nhà nuôi dưỡng và che giấu 2 thương binh, cũng bị gạt ra vì lý do ông Liên, bà Nhung… “không phải là cán bộ thì không thể giao nhiệm vụ”…
Như vậy kết quả cuộc họp của Hội đồng xét khen thưởng xã Mỹ Đức cũng đồng nghĩa với nội dung kết luận trước đó của Tổng cục An ninh về lý lịch trong sáng của ông Dương Ngọc Chánh và các văn bản của Ban Tổ chức TW, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW… đã bị các thành viên tham dự cuộc họp “vô hiệu hóa”, không có giá trị xem xét.
Liệu sự bảo thủ, ích kỷ và hẹp hòi của ông Phan Văn Năm và của một số cán bộ ở địa phương có “quật ngã” được sự kiên cường vươn lên của người vợ ông Chánh và những đứa con mang trong mình dòng máu yêu nước ? Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ trở lại vấn đề trong bài viết tiếp theo.
(Còn nữa)