Vụ án hoa hậu đại gia Nga - Mỹ: Bản "hợp đồng tình ái" trị giá 16,5 tỷ đồng là có thật?

Thứ tư - 26/07/2017 08:25
(Phapluat News) - Những tình tiết "hấp dẫn" liên quan đến phiên toà xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ án đại gia Cao Toàn Mỹ (gọi tắt là Mỹ) tố cáo hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (gọi tắt là Nga) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 16,5 tỷ đồng, thông qua hình thức mua dùm giá rẻ một căn nhà tại quận 5 đang diễn ra tại TAND TP. HCM. Tại phiên toà, bị cáo Nga cho rằng số tiền đó là thực hiện theo một "hợp đồng tình ái" giữa hai bên, chứ không phải lừa đảo.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga tại phiên toà sơ thẩm ngày 26/6/2017. Người áo trắng mờ phía xa là "bị hại" Cao Toàn Mỹ. Mối quan hệ giữa họ là "hợp đồng tình cảm" hay "lừa đảo"? (ảnh Tâm Lụa - báo Tuổi Trẻ)
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga tại phiên toà sơ thẩm ngày 26/6/2017. Người áo trắng mờ phía xa là "bị hại" Cao Toàn Mỹ. Mối quan hệ giữa họ là "hợp đồng tình cảm" hay "lừa đảo"? (ảnh Tâm Lụa - báo Tuổi Trẻ)



Vậy nếu thực sự có một " hợp đồng tình ái" giữa Nga - Mỹ, thì giao dịch này có vi phạm pháp luật không ?

Chiều 29/06/2017: Hoa hậu Phương Nga được tại ngoại. Tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.


Nội dung vụ án tóm lược như sau:

Trước hết, việc ông Cao Toàn Mỹ chuyển số tiền 16,5 tỷ đồng cho hoa hậu Phương Nga là có thật, hai bên đều thừa nhận và đã diễn ra đến cuối năm 2013 thì kết thúc.

Tháng 4-2014, ông Mỹ lần đầu tiên có đơn tố cáo Nga gửi đến cơ quan công an. Nội dung đơn lúc này là đòi tiền cho Nga vay, nhưng Nga không chịu trả.

Sau đó, tháng 8-2014 ông Mỹ có đơn tố cáo lần thứ hai. Nội dung chuyển thành tố cáo Nga có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 16,5 tỷ đồng, thông qua việc Mỹ chuyển tiền nhờ Nga mua một căn nhà giá rẻ hơn thị trường tại quận 5. Nhưng Nga đã không mua mà chiếm đoạt luôn số tiền này.

Cơ quan điều tra công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nga để tiến hành điều tra. Sau đó có bản Kết luận điều tra.

Tiếp đó, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra Cáo trạng, truy tố Nga về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản - theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự (năm 1999).

Tháng 9/2016, TAND TP.HCM đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm (lần đầu).

Tại phiên toà, về cơ bản Nga không thừa nhận quy kết nêu trong Cáo Trạng, mà cho rằng việc Mỹ chuyển tiền cho mình là thực hiện theo một bản "hợp đồng tình ái" giữa hai bên. Đây là thông tin khá bất ngờ và MỚI - so với hồ sơ vụ án tại thời điểm này. Nga cũng nói rằng giữa mình và Mỹ có mối quan hệ tình cảm với nhau. (Ghi chú: trong khi Mỹ đang có vợ, con).

Trong vụ án này, một người bạn của hoa hậu là bà Nguyễn Đức Thùy Dung, cùng bị truy tố với vai trò "đồng phạm" giúp sức cho Nga. Tại phiên toà, bà Dung khai biết rõ mối quan hệ tình cảm giữa ông Mỹ và Phương Nga.

Trước những thông tin mới và chưa được làm rõ, Toà đã trả hồ sơ để CQĐT điều tra làm rõ có hay không "hợp đồng tình cảm" giữa Nga và Mỹ? Bản chất số tiền 16,5 tỷ đồng là gì? Nga có thực hiện hành vi lừa đảo hay không?

Sau quá trình điều tra bổ sung khoảng 6 tháng, VKSND TP. HCM một lần nữa tiếp tục truy tố Nga về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hay nói khác đi, quan điểm của cơ quan công tố là không thay đổi sau khi có kết quả điều tra bổ sung. Đồng nghĩa với việc KHÔNG THỪA NHẬN CÓ MỘT HỢP ĐỒNG TÌNH ÁI giữa Nga - Mỹ.

Từ ngày 23/6/2017 vừa qua, tới nay, phiên toà sơ thẩm (lần 2) vụ án này vẫn đang diễn ra tại trụ sở TAND TP.HCM, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Trên mặt báo vài ngày qua tràn ngập bất thường thông tin về phiên toà, mạng xã hội tràn ngập những status về "mối tình" Nga - Mỹ, lấn át những sự kiện chính trị - xã hội khác.

Diễn biến phiên toà sơ thẩm lần 2 (tháng 6/2017) tóm lược như sau:

- Luật sư của Nga công bố hai bản khai HOÀN TOÀN GIỐNG NHAU của Nga và Mỹ tại cơ quan điều tra do cùng một điều tra viên lập. Và cho rằng điều này thể hiện sự BẤT THƯỜNG.

- Trong ngày xét hỏi đầu tiên, Nga cương quyết IM LẶNG, KHÔNG TRẢ LỜI BẤT KỲ CÂU HỎI NÀO của công tố viên và cả luật sư. Bị cáo cho rằng mình thực hiện QUYỀN IM LẶNG. Và sở dĩ như vậy là vì KHÔNG TIN vào công an, kiểm sát viên nữa. Bị cáo Nga cho rằng mình bị công an "gài bẫy" trong quá trình điều tra, lấy lời khai. Nga cũng nói mình KHÔNG TIN Viện kiểm sát và im lặng vì sợ chứng cứ bị huỷ.

- Mỹ không thừa nhận có quan hệ tình cảm với Nga. Không nhớ rõ về 17 lần xuất ngoại cùng Nga, không ở chung phòng khách sạn, cũng như các chi tiết liên quan đến căn nhà, giấy tờ mua nhà ... (căn nhà mà Mỹ nhờ Nga mua giá rẻ).

-  Nhân chứng Nguyễn Văn Yên khai rằng những giấy tờ mua nhà là giả, do Nga nhờ làm và chỉ mới làm từ năm 2015. Trong khi đó việc "mua nhà" - theo đơn tố cáo của Mỹ - diễn ra từ năm 2013. Như vậy toàn bộ hồ sơ liên quan đều được thực hiện sau thời điểm "mua bán nhà.

- Trong vụ án còn có hai nhân chứng quan trọng là ông Lữ Minh Nghĩa (bạn trai cũ của bà Dung) và một người khác tên là Nguyễn Mai Phương - là những người biết rõ về việc "mua nhà" (dù là có thật hay không có). Hai ngày xét xử đầu tiên vắng mặt hai nhân chứng này.

- Tuy nhiên, qua tới ngày xét xử thứ ba 26/6/2017, thì bị cáo Nga đã không im lặng nữa, mà đồng ý trả lời một số câu hỏi của Toà, Viện, Luật sư. Theo đó, Nga khai rằng cả 17 lần xuất ngoại đều đi cùng với Mỹ, hai người ở chung một phòng khách sạn. Tiền phòng, tiền vé máy bay đều do Mỹ trả.

- Bất ngờ hơn, Nga cho rằng tất cả các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng để buộc tội bị cáo đều là do bị cáo làm theo sự sắp đặt của bà Nguyễn Mai Phương (!?). “Khi nghe tin anh Mỹ tố cáo bị cáo, chị Phương bảo cứ làm theo những gì chị hướng dẫn thì sẽ có các sếp ở công an lo cho”. 

Theo lời Nga, bị cáo đã nghe theo lời xúi giục của bà Nguyễn Mai Phương làm giả giấy biên nhận mua nhà dùm ông Mỹ là để hợp thức hóa việc nhận tiền. Các thỏa thuận viết tay đều do Nga viết lại theo tin nhắn mà Mai Phương đã nhắn qua viber, bà Mai Phương cũng soạn sẵn các giấy trả lại tiền do mua bán nhà không thành và bảo Phương Nga ký vào. Khi Cao Toàn Mỹ tố cáo, bà Phương nói với Nga các thứ như hợp đồng tình cảm, tin nhắn tình cảm giữa bị cáo và Cao Toàn Mỹ phải huỷ hết, vì vậy bị cáo đã xóa tất cả.

- Cũng trong ngày 26/6/2017, mặc dù không có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập, nhưng nhân chứng Mai Phương lại "đăng đàn" trên một tờ báo, cho biết những điều Nga nói là không đúng và "ngày mai tôi sẽ nộp đơn kiện Nga về hành vi vu khống".

- Trước tình huống mới từ lời khai của Nga, và trong 3 ngày xét xử vừa qua, tuy nhiều lần các bị cáo và người liên quan có khai về vai trò của bà Nguyễn Mai Phương trong vụ án, nhưng bà Phương vẫn vắng mặt, nên Hội đồng xét xử đã ký giấy triệu tập và yêu cầu công an áp giải nhân chứng này đến tòa để xét hỏi, làm rõ.

Trong một diễn biến liên quan, có tin vợ ông Cao Toàn Mỹ đã nộp đơn ly hôn với chồng, đề nghị Toà chia đôi tài sản (chưa xác tín).

Diễn biến phiên toà ngày 27/6/2017 tiếp tục gay cấn với phần xét hỏi.

Đầu giờ chiều 27/6/2017, phiên toà bất ngờ nóng lên khi được Hội đồng xét xử thông báo nhân chứng đặc biệt và "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương đã có mặt tại Toà. Tuy nhiên, chưa từng có tiền lệ, theo yêu cầu của bà Mai Phương, vì nhiều lý do liên quan nhân thân nên tòa chấp thuận đề nghị tòa của nhân chứng này, cho bà Phương có mặt tại phiên tòa nhưng ở riêng một phòng khác và theo dõi phiên tòa qua màn hình.
Ngày 28/6/2017, toà tạm nghỉ.

Cập nhật:

Ngày 29/6/2017, phiên toà vẫn tiếp tục phần xét hỏi với nhiều chứng cứ, tình tiết mới. Cuối giờ sáng, Toà yêu cầu niêm phong các chứng cứ, tài liệu mới được đưa ra tại kỳ xét xử này. Đây có thể là chỉ dấu toà sẽ tạm dừng, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các chứng cứ, tình tiết mới.

Khoảng 16h, Toà thông báo cho cả hai bị cáo là hoa hậu Phương Nga và Dung được tại ngoại, sau khi dã hết thời hạn tạm giam (đã gia hạn) và có văn bản đề nghị cho Phương Nga được tại ngoại của luật sư.

Toà cũng đã công bố quyết định trả hồ sơ vụ án về CQĐT để điều tra bổ sung.

Chúng tôi sẽ cập nhật những diễn biến tiếp theo.

............
 

                                                                       Luật sư Trần Hồng Phong


Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trước hết, do đây là vụ án hội đủ các yếu tố hấp dẫn "đại gia", "hoa hậu", "tiền, tình, tù tội" ... - nên quá hot. Trên mạng xã hội, mọi người bàn luận xôn xao. Xu hướng chung số đông có vẻ "thương", cảm thông cho hoa hậu, đồng thời "chửi" Cao Toàn Mỹ không tiếc lời. Đại để là theo quan niệm Á đông, đàn ông đã "ăn bánh" thì phải "trả tiền", có chơi có chịu sao lại đòi tiền, "có tiền cho gái có đòi được không"? Mỹ đã chơi xấu, gài bẫy đưa Nga vào vòng lao lý, Mỹ là một tên sở khanh, người "bẻ càng" hợp đồng ...vv và vv. Nói khác đi, số đông mọi người cho rằng một bản hợp đồng tình ái giữa hai bên là có thật và do vậy nếu phải vào tù là oan cho Nga. Tuy nhiên theo tôi, với những tình tiết cho tới thời điểm hiện tại (ngày 27/6/2017) cũng chưa thể kết luận chắc chắn điều gì. Mặc dù là về mặt tình cảm con người, tôi cũng có phần xót xa cho bên đang yếu thế và bất lợi hơn là hoa hậu Phương Nga. 

2. Xét về phương diện đạo đức xã hội, một điều không thể né tránh trong vụ án này, theo tôi bất luận kết quả xét xử, sự thật như thế nào, thì cả hai bên Nga - Mỹ đều không có gì hay ho tốt đẹp. Nếu không muốn nói là đều rất đáng trách. Vì một bên đang có vợ con mà lại đi quan hệ "ngoài luồng" ở mức độ "nghiêm trọng" như vậy. Một bên là hoa hậu, tài năng xinh đẹp, lại chấp nhận đánh đổi, thậm chí là "bán vốn quý" của mình, chấp nhận sống và "yêu" trong "bóng tối" vì tiền thì cũng thật khó mà thông cảm hay nói rằng đúng được.

3. Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật, về sự công bằng, khách quan trong điều tra, truy tố và xét xử, thì cần phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Phải làm sáng tỏ sự thật khách quan, tuyệt đối không thể để oan, sai cho bị cáo Nga. 

4. Việc Nga thực hiện "quyền im lặng" một cách sắc sảo, bản lĩnh trong ngày xét hỏi đầu tiên có lẽ là một trong những điều gây ấn tượng nhất, kể cả trong giới luật sư. Thật ấn tượng và sung sướng, khi ngay tại phiên toà, bị cáo nói thẳng vào mặt công tố viên "chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình bị oan". Đây là một câu "kinh điển" trong pháp luật hình sự.

Bản thân tôi, dù đã tham gia bào chữa và dự khán rất nhiều vụ án hình sự, chưa bao giờ thấy bị cáo nào thể hiện và thực hiện quyền im lặng như Nga. Mặc dù trên thực tế các luật sư vẫn thường dặn dò bị cáo là có thể trả lời, hoặc không trả lời câu hỏi này, hay câu hỏi khác, nhưng có lẽ chưa luật sư nào dặn thân chủ của mình không trả lời một cách "tuyệt đối" như vậy. Qua tình huống này, thực sự là một điểm sáng đáng lưu ý trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Thể hiện được rằng bị cáo không những có quyền mà còn có thể thực hiện được quyền im lặng ngay tại phiên toà xét xử mà không sao cả. Thể hiện được rằng cơ quan công tố (Viện kiểm sát) dù không muốn, cũng đành phải bất lực trong xét hỏi, thừa nhận quyền im lặng của bị cáo. Thể hiện Hội đồng xét xử đã tôn trọng, đứng về phía bị cáo trong việc thực hiện "quyền im lặng".

Việc bị cáo Nga nói "tôi không tin vào cơ quan điều tra, Viện kiểm sát" ngay tại phiên toà xét xử quả thật là một "cái tát" chưa từng có vào uy tín, danh dự của cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam. Thế mà khi nghe xong cả hai kiểm sát viên đều không phản ứng lại. Thật bẽ bàng cho họ. 

5. Tuy nhiên, xét về mặt tố tụng hình sự, cần lưu ý im lặng là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bị can, bị cáo. Do là quyền, cho nên cần cân nhắc, sử dụng sao cho hợp lý nhất, đạt được hiệu quả cao nhất. Hoàn toàn không có nghĩa lúc nào cũng "im lặng" là có lợi. Vì sao? Vì việc chứng minh một vấn đề/quan điểm nào đó, kể cả đối với bị cáo hay bất kỳ ai, đều phải thông qua chứng cứ. Một trong những hình thức của chứng cứ là "lời khai", lời trình bày. Do vậy, nếu bị cáo nêu ra quan điểm, là mình bị truy tố oan chẳng hạn, nhưng lại im lặng, tức là không đưa ra lời khai - chứng cứ, thì Hội đồng xét xử sẽ không có đủ cơ sở để đưa ra đánh giá, kết luận, để từ đó xét xử theo hướng có kết quả tốt cho bị cáo. (Tất nhiên trong một vụ án còn có rất nhiều nguồn chứng cứ khác, như tài liệu giấy tờ, lời khai nhân chứng ...vv. Nhưng lời khai của bị cáo cũng rất quan trọng, nhất là khi có ý nghĩa lý giải, giải thích và phù hợp với những chứng cứ khác).

6. Có lẽ một trong những điều gay cấn nhất, dư luận quan tâm nhất, là CÓ hay KHÔNG một bản hợp đồng tình ái trị giá lên tới 16,5 tỷ đồng giữa hai người - theo như lời khai của Nga. Nếu có, thì việc này, hay nói chính xác hơn là "giao dịch"/"hợp đồng" này có được pháp luật thừa nhận không? Có giá trị ràng buộc giữa hai bên không? Nếu có, và cả không - thì việc giải quyết hậu quả trong bối cảnh hiện nay như thế nào? sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả xét xử? Có giúp bị cáo Nga thoát tội hay không?

Trước khi bình luận về vấn đề này, tôi muốn lưu ý một số điểm cần lưu ý như sau:

- Một là, tại Việt Nam pháp luật không thừa nhận hành vi mua bán dâm. Quan hệ mua bán dâm là bất hợp pháp, nhưng không bị xem là hành vi phạm tội. (Ngoại trừ hành vi mua dâm người chưa thành niên). Nhưng người nào thực hiện hành vi môi giới hay tổ chức mua bán dâm thì bị xem là hành vi phạm tội. Tội môi giới mại dâm. 

- Hai là, pháp luật không cấm những hợp đồng hay thoả thuận tình cảm. Không cấm việc người này cho, tặng tài sản của mình đối với người kia vì lý do tình cảm. Hay thậm chí là bất kỳ lý do nào, không cần phải nêu ra.

- Ba là, việc đánh giá và kết luận một giao dịch dân sự, trong vụ án này có thể hiểu là một "hợp đồng tình ái" (có yếu tố tình dục) là hợp pháp hay không do Toà án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền. Nếu một giao dịch/hợp đồng bị toà án tuyên là "vô hiệu" (không có giá trị pháp lý) thì về nguyên tắc, các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

- Bốn là, một giao dịch, hợp đồng dân sự trong một số trường hợp, đặc biệt không phải đối với những loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu như nhà đất, xe ô tô ... - thì luật không bắt buộc phải lập thành văn bản mực đen giấy trắng. Mà có thể là sự thoả thuận miệng với nhau.

7. Nếu phía Nga không chứng minh được số tiền mà Mỹ chuyển cho mình là tiền được Mỹ cho tặng, hoặc thông qua một thoả thuận hay hợp đồng nào đó (nhưng không phải là tiền mua nhà do Mỹ nhờ), thì khả năng bị kết tội là có. Tuy nhiên trong trường hợp này cơ quan công tố phải chứng minh được Nga có hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của Mỹ.

8. Ngược lại, nếu phía Nga chứng minh được giữa hai bên có một "hợp đồng" thật sự, kể cả tình huống là "hợp đồng tình ái" và số tiền 16,5 tỷ đồng mà Nga nhận là để "thực hiện" theo hợp đồng này, thì vẫn phải tiếp tục làm sáng tỏ hợp đồng này có hợp pháp hay không? (Tức là không thuộc trường hợp bị pháp luật cấm). Tuy nhiên trong trường hợp này, đã xuất hiện khả năng Nga được xác định là không phạm tội (vì không có dấu hiệu gian dối, lừa đảo trong việc "mua nhà" - như tố cáo của Mỹ).  

9. Đối với hoa hậu, có lẽ tình huống lý tưởng nhất, là phía Nga chứng minh được số tiền 16,5 tỷ đồng là do Mỹ tự nguyện cho tặng Nga vì giữa hai người có quan hệ tình cảm, con người. Còn việc Mỹ tố cáo, đòi lại tiền là chuyện về sau này. Thực chất giao dịch cho tặng tiền đã hoàn tất từ cuối 2013 và việc cho tặng này hoàn toàn không có gì sai trái. Trong trường hợp này, hoa hậu Phương Nga sẽ được xem là không phạm tội. Tức là đã bị truy tố oan, sai.

......

Cập nhật theo kết quả mới nhất tại phiên toà ngày 29/6/2017:

10. Với những tình tiết đã được thẩm tra tại phiên toà, cho thấy những giấy tờ mua bán nhà (như giấy đặt cọc, thanh toán ... ) đối với căn nhà ở quận 5 theo lời tố cáo của Mỹ là giả. Vì chính bản thân Mỹ cũng thừa nhận giấy này được làm, qua nhân chứng Yên, tại thời điểm năm 2015, tức là sau khi Mỹ nhờ mua nhà (giả sử là có thật). Tại phiên toà, Mỹ cũng đã nhiều lần trình bày lúng túng về "căn nhà" mà mình nhờ Nga "mua dùm". Điều này phần nào cho thấy khả năng nội dung tố cáo của Mỹ rằng Nga đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua việc mua nhà giá rẻ dùm là không có (đủ) căn cứ. Hay nói khác đi, đây có thể là một "kịch bản" do phía Mỹ dựng lên để đưa Nga vào tù! 

11. Với những diễn biến mới tại phiên toà trong vài ngày qua, bao gồm cả việc có rất nhiều dấu hiệu bất thường, thậm chí sai phạm trong quá trình điều tra, bao gồm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung khiến nhiều người nghĩ đến một tương lai sáng sủa hơn cho Nga. Ngay cả việc cho cho tại ngoại cũng là một chỉ dấu cho thấy khả năng này.    

12. Một tình tiết khá "thú vị", là tại phiên toà lần này, Nga đã thay đổi rất tinh tế lời trình bày của mình. Thay vì là một "hợp đồng tình ái" - tức thiên về tình dục, thì Nga nói giữa hai người (Nga và Mỹ) có quan hệ tình cảm thật sự, số tiền đó là do Mỹ cho, giúp đỡ. Và việc làm những tài liệu liên quan đến việc mua bán nhà là do bàn tay "đạo diễn" của nhân chứng Phương Mai. Đây chính là những dấu hiệu nhằm mục đích chứng minh số tiền 16,5 tỷ đồng là được cho tặng một cách tự nguyện, tình cảm. Và nếu như vậy, thì Nga không lừa đảo Mỹ. 

Để kết thúc chờ kỳ xét xử lần sau, tôi muốn nói rõ: vụ án này đã thể hiện rất nhiều tình tiết cho thấy xã hội đã và đang "xuống cấp" ở rất nhiều vấn đề. Người ta thấy sức mạnh của đồng tiền len lỏi khắp nơi, xé toạc những khuôn thước pháp luật, đạo đức. 

.......

Quy định tại Bộ luật hình sự (năm 1999)

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 55. Người làm chứng

1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;
b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.
Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

Nguồn tin: Ls. Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây