Trung Đông nóng nhất năm 2017: Mỹ lao đao, Nga trỗi dậy, các liên minh phải e sợ Iran

Thứ tư - 27/12/2017 20:41
Năm 2017 chứng kiến những chuyển biến lớn trong cục diện Trung Đông, với cán cân thay đổi rõ rệt giữa lực lượng do các nước lớn như Nga, Mỹ, Iran, Saudi Arabia... hậu thuẫn.
Trung Đông nóng nhất năm 2017: Mỹ lao đao, Nga trỗi dậy, các liên minh phải e sợ Iran

Cục diện chính trị Trung Đông tái định hình

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ đã làm bá chủ khu vực Trung Đông trong vòng 10 năm. Vụ khủng bố 11/9/2001 đã chấm dứt tình trạng này. Sau hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và việc thi hành chiến lược xoay trục chiến lược châu Á-Thái Bình Dương năm 2009, việc chi phối của Mỹ đối với Trung Đông trở nên giảm sút.

Dù Mỹ chuyển trục khỏi Trung Đông vì lý do gì thì sự ổn định dưới cục diện "một siêu cường" đã không còn, đồng thời không có quốc gia nào đủ thực lực để thay thế vị trí của Mỹ. Hệ quả là xuất hiện cuộc tranh đấu chính trị mới tại khu vực, với sự gia nhập của Nga và 4 nước Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Israel.

Sự trỗi dậy của Iran có ảnh hưởng sâu sắc tới khu vực. Bước sang thế kỷ 21, quốc gia Hồi giáo nhưng đứng ngoài thế giới Ả Rập này đã tiệm cận sở hữu hạt nhân, và bình đẳng ký kết thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1.

Tehran cùng Iraq, Syria, Lebanon hình thành liên minh xuyên qua thế giới Ả rập, áp sát đến biên giới Israel, vẽ lại bản đồ địa chính trị khu vực, khiến Riyadh và Tel Aviv lo ngại.

Nguồn gốc sâu xa của cuộc nội chiến ở Syria nổ ra năm 2011 và kéo dài cho đến nay, với ngòi nổ là phong trào "Mùa xuân Ả rập", chính là sự liên minh giữa chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad với Iran.

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ này, xung đột Syria và mâu thuẫn Saudi-Iran trở thành tiêu điểm của dư luận quốc tế khi nói đến khu vực Trung Đông. Tranh chấp Israel-Palestine không còn là điểm nóng của khu vực cho đến gần đây. Israel chuyển sự quan tâm sang Iran, xem nước này là đối thủ hàng đầu.

Cùng với cuộc chiến ở Syria đi đến hồi kết, sự lo sợ của Saudi Arabia đối với sự lớn mạnh của Iran ngày càng gia tăng, kéo theo Israel và Saudi - vốn là hai kẻ thù của nhau - hình thành "liên minh phi thần thánh" chống Iran.

Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột Syria, Thổ Nhĩ Kỳ từng cùng với Mỹ, Saudi tham gia cuộc chiến nhằm lật độ chính quyền, nhưng sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan năm 2016, quan hệ giữa Ankara với Mỹ và EU ngày càng xấu đi, thậm chí nước này còn tăng cường hợp tác với Nga và Iran trong vấn đề Syria. Mâu thuẫn giữa hai phe phái lớn tại Trung Đông và tình trạng đối đầu ngày càng rõ nét trong năm 2017.

Năm 2015, Nga nhận đề nghị từ chính quyền Assad để khởi động chiến dịch không kích chống khủng bố IS tại Syria. Với việc Mỹ không ngừng chèn ép không gian chiến lược phía Tây của Nga, Syria trở thành cơ hội để Nga tăng cường sức mạnh tại Trung Đông, đối trọng với Mỹ, buộc Washington nhường một phần địa bàn Syria. Đồng thời Nga cũng "hóa thù thành bạn" với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Đông nóng nhất năm 2017: Mỹ lao đao, Nga trỗi dậy, các liên minh phải e sợ Iran - Ảnh 1.

Cuộc xung đột Syria là một trong những chiến trường làm thay đổi cục diện Trung Đông từ năm 2015, với sự trỗi dậy của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: CNN)

Ngay cả Saudi cũng không dám điều chỉnh cục diện quan hệ nước lớn theo hướng "cự tuyệt Nga, ngả theo Mỹ" về an ninh và kinh tế. Dù lập trường của Nga và Saudi trong các vấn đề hạt nhân Iran và Syria khác nhau, nhưng năm 2017, Quốc vương Salman của Saudi dù tuổi cao vẫn thực hiện chuyến công du Nga lịch sử, đồng thời chi hàng tỷ USD mua vũ khí Nga, và triển khai hợp tác về năng lượng hạt nhân và chế tạo vũ khí. 

Saudi-Nga cải thiện quan hệ là bước chuẩn bị cho sự hình thành cục diện đa cực hóa ở khu vực. Nga một lần nữa trở thành nhân tố không thể thay thế trong tình hình Trung Đông.

Phía sau của hai phe phái tại Trung Đông là hai nước Nga và Mỹ, chiến trường chính của cuộc tranh giành quyền lực là tại Syria và Yemen. Các nước lớn trong khu vực không hy vọng trực tiếp đối đầu nhau, nhưng cuộc chiến tranh giữa những phe cánh đại diện cho họ đang diễn ra.

Dù Nga và Mỹ ban đầu có một số lợi ích chung trong cuộc chiến chống IS, nhưng cùng với việc IS đang dần bị tiêu diệt, hai nước không chỉ chưa giải quyết mâu thuẫn trong vấn đề Syria mà sự căng thẳng còn nổi rõ nét.

Yemen bị lực lượng Houthi nắm quyền là "đòn đau" với Saudi Arabia. Đâu cũng là quân bài trong tay của Iran và bất cứ bên nào đều không dễ dàng từ bỏ.

Chính sách Trung Đông của ông Donal Trump và Mỹ

Trong 8 năm cầm quyền, trong tín hiệu nỗ lực làm dịu đi sự thù địch của các nước Ả rập với Mỹ, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã gia tăng khoảng cách với Isasel, ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, và ngăn Mỹ bị cuốn vào chiến tranh tại Trung Đông.

Việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng dường như làm phá sản chính sách Trung Đông của Obama. Năm 2017, sau khi nhậm chức 100 ngày, trong lần đầu công du nước ngoài, ông Trump đã đến hai quốc gia Trung Đông vốn bị Obama đối xử lạnh nhạt là Saudi và Israel.

Sau nửa năm, tổng thống Trump tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và gọi Tehran là "nước tài trợ khủng bố". Cách đây không lâu, ông Trump tiếp tục khiến thế giới Ả Rập và Hồi giáo chao đảo khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, và di chuyển đại sứ quán của Mỹ tại Israel đến Jerusalem.

Tuyên bố Jerusalem của ông Trump gây nên làn sóng nghi ngờ, hoài nghi và phản đối trong khu vực và trên thế giới.

Trung Đông nóng nhất năm 2017: Mỹ lao đao, Nga trỗi dậy, các liên minh phải e sợ Iran - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud củaSaudi trong chuyến công du tháng 5/2017, nhằm củng cố lại quan hệ đồng minh Washington-Riyadh (Ảnh: Reuters)

Chính sách Trung Đông của Trump không được diễn đạt một cách có hệ thống, nhưng các phát ngôn sau 10 tháng bước vào Nhà trắng cho thấy, chính sách của ông là lớp vỏ bọc chủ nghĩa bảo hộ của đảng Cộng hòa, bác bỏ hoàn toàn các chính sách của Obama.

Những phát ngôn và hành động của Trump đối với Trung Đông là đang thực hiện chiến lược mới của ông, chứ không như phát biểu là đang tìm kiếm con đường thoát khỏi tình trạng khó khăn trong nước.

Trong 10 tháng cầm quyền của Trump, ngoài các chỉ tiêu kinh tế đều tăng thì hiệu quả chính trị thấp, chính sách cải tổ thuế lịch sử được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận không lớn, tỷ lệ ủng hộ không ngừng giảm do tác động từ vụ điều tra "Nga can thiệp bầu cử" bị đảng dân chủ và truyền thông xoáy sâu.

Năm 2018 sẽ là năm bầu cử giữa kỳ lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa liệu có thể duy trì được đa số ghế tại hai viện sẽ tác động lớn đến ba năm cầm quyền tiếp theo của ông Trump, mà cách quan trọng nhất để giải quyết tình trạng khó khăn này chính là củng cố niềm tin của cử tri ủng hộ ông, bằng cách thực hiện cam kết tranh cử, làm vừa lòng nhóm cử tri Do Thái, tất cả đều yêu cầu Trump có lập trường đối địch với Iran, niềm nở với Israel.

Có thể trong tương lai, tổng thống Trump sẽ có "độc chiêu" với Trung Đông, nhưng sau tất cả, thực lực của Mỹ khó có thể như trước kia. Ngân sách Mỹ không cho phép tiếp tục chi hàng nghìn tỷ USD, hy sinh hàng nghìn sinh mạng Mỹ để phát động chiến tranh tại Trung Đông. Những phát ngôn của ông Trump chịu sự chi phối của tình hình nội bộ nước Mỹ.

Trung Đông nóng nhất năm 2017: Mỹ lao đao, Nga trỗi dậy, các liên minh phải e sợ Iran - Ảnh 3.

2017 là năm Mỹ leo thang các tuyên bố chống Iran, dọa "xé" thỏa thuận hạt nhân với Iran, và cảnh báo xếp lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách khủng bố (Ảnh: AP)

Iran tiếp tục là tiêu điểm trong vấn đề Trung Đông

Tháng 12/2017, tuyên bố của ông Trump về Jerusalem đã vấp phải sự giận dữ từ Palestine, các nước Ả Rập và các nước Hồi giáo, kể cả từ các đồng minh Mỹ tại châu Âu.

Lộ trình hòa bình Israel-Palestine tiếp tục gặp trở ngại, xung đột tái bùng phát. Sự quan tâm của dư luận quốc tế xoay quanh Israel - Palestine liệu có tiếp tục leo thang xung đột, Trung Đông liệu có bùng nổ chiến tranh lần thứ 6 giữa Ả Rập-Israel, Israel và Saudi liệu có quay ngược nòng súng đã hướng về phía Iran?

Bối cảnh lịch sử bùng nổ 5 lần xung đột ở Trung Đông trong thế kỷ 20 là: Các nước lớn Ả Rập xem vùng lãnh thổ Palestine là lợi ích cốt lõi của họ; Các quốc gia Ả Rập nhận được ủng hộ của Liên Xô - một siêu cường thời bấy giờ. Hiện nay, cả hai điều kiện này không còn tồn tại.

Vấn đề Jesusalem đã lay động tình cảm dân tộc của người Ả Rập, nhưng vấn đề mà các chính quyền Ả Rập hiện nay đang quan tâm hơn là sự trỗi dậy của Iran với khả năng sở hữu công nghệ hạt nhân và tên lửa cùng các liên minh người Shiite, việc giảm giá dầu và sự cạn kiệt của các nguồn tài chính, bất ổn chính trị trong nước và hiệu ứng domino tạo ra bởi chiến sự ở Syria, Yemen. Trong khi đó, vấn đề Palestine tạo thời cơ để Iran giương cao ngọn cờ chống Israel.

Saudi Arrabia và Israel đang mong đợi chính quyền Trump hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, tiếp tục cấm vận Tehran. Tại thời điểm này, Saudi và Israel sẽ không vì mâu thuẫn tôn giáo mà bỏ qua mục tiêu chống lại Iran. Năm 2018, Iran sẽ tiếp tục là tiêu điểm trong vấn đề Trung Đông.

* Bài viết đăng trên tờ Global Times (Trung Quốc) ngày 25/12/2017, thể hiện quan điểm của tác giả Hoa Lê Minh - cựu quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Afghanistan, Iran..., phiên dịch tiếng Ả Rập của các cố lãnh đạo Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình; hiện là Ủy viên thường trực Hiệp hội Liên hợp quốc của Trung Quốc.

Nguồn tin: theo Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây