Đặc biệt có một lần duy nhất trong lịch sử chiến tranh, sự việc lại xảy ra ngoài sức tưởng tượng của Lầu Năm Góc: siêu pháo đài bay chưa kịp cắt bom đã bị tên lửa Việt Nam bắn rơi ngay giữa Thủ đô Hà Nội cùng với toàn bộ số bom mang theo…
Vào lúc 23h02 ngày 27/12/1972, giữa lúc cuộc chiến đấu của bộ đội phòng không-không quân và lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội đang diễn ra vô cùng ác liệt với hàng đàn máy bay đủ các loại của Không lực Hoa Kỳ thì cả Thủ đô lại được chứng kiến một cảnh tượng hào hùng: chiếc B-52 bốc cháy rừng rực trong đêm tối và từ tít trên trời cao lao thẳng xuống trung tâm của thành phố ngàn năm văn hiến.
Xác của chiếc siêu pháo đài bay khổng lồ nặng 220 tấn cùng với toàn bộ 30 tấn bom mang theo chưa kịp thả đã rơi tung tóe xuống làng hoa Ngọc Hà và đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Đây là trận đánh cực kỳ xuất sắc của tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 285 vừa được tăng cường cho Hà Nội trong đợt hai của chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ngay trong ngày đầu tham chiến, tiểu đoàn 72 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4 "Con ma".
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi lúc 23:00 ngày 27/12/1972 trên phố Hoàng Hoa Thám
Ngày 26/12 là hôm đầu tiên tiểu đoàn 72 tham gia đánh B-52 ở Hà Nội. Sau trận đánh đầu, tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt và kíp trắc thủ đã nhận ra biết bao khó khăn, phức tạp trong việc đối đầu với kẻ thù mới mẻ như B-52.
Các màn hiện sóng đều mù mịt các loại nhiễu điện tử xen lẫn tín hiệu của những quả Sơrai ác hiểm mà máy bay Mỹ phóng ra không tiếc tay nhằm vào đài điều khiển tên lửa của các anh. Nhiều lúc màn hình lại trắng xóa, không sao phân biệt và phát hiện được mục tiêu chính là lũ B-52. Thông tin liên lạc vô tuyến bị nhiễu loạn nặng ở mọi tần số, rất khó nhận được đầy đủ các mệnh lệnh, chỉ thị và tin tức tình báo cần thiết trong quá trình chiến đấu.
Cũng như các tiểu đoàn tên lửa khác ở Hà Nội, nhiều năm qua họ đã đọ sức với đủ loại máy bay Mỹ nhưng chưa bao giờ có dịp nhìn thấy tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng và mọi điều chỉ dẫn trong cuốn Cẩm nang đánh B-52 bìa đỏ mới chỉ là lý thuyết mà thôi.
Máy bay B-52 tại căn cứ Andersen, Guam chuẩn bị cho chuyến dội bom miền Bắc Việt Nam 1972
Hình dạng các loại nhiễu của máy bay chiến lược và máy bay chiến thuật, tạp sóng trong dải nhiễu B-52 và tốc độ biến thiên trên hai mặt phẳng phương vị và góc tà ở các cự ly khác nhau…Tất cả phải xác định rất nhanh chóng và chính xác, đồng thời phải thao tác hiệp đồng toàn kíp chiến đấu chặt chẽ đến từng giây, từng phút.
Đêm 26/12, bị nhiễu rất nặng, không thể phát hiện được mục tiêu nên tiểu đoàn 72 đã đánh địch bằng phương pháp TT ("ba điểm") mà có người đã nói vui: đánh bằng phương pháp này thì như thằng xẩm cầm gậy phang trong đêm tối. Trong vô số dải nhiễu trên các màn hiện sóng, kíp chiến đấu cần phải xác định chính xác và thống nhất dải nhiễu của 1 chiếc B-52 để bám sát thật chuẩn và điều khiển tên lửa bay tới mục tiêu đã chọn. Nếu không dày công luyện tập kỹ lưỡng và rút kinh nghiệm tỷ mỷ trong từng trận đánh bằng phương pháp TT thì không thể nào thành công được.
Sau thiệt hại nặng nề vào hai đêm 20 và 26/12, Không quân chiến lược (KQCL) Mỹ không còn đủ sức diễu võ dương oai nữa, số lượng B-52 xuất kích trong những đêm sau đã giảm hẳn. Còn các phi công "thượng đẳng" cũng mất hết tinh thần khi phải bay vào "tọa độ lửa" Hà Nội và luôn tìm cách né tránh các trận địa tên lửa, ném bom bừa bãi cho xong để chuồn nhanh.
Đêm 27/12, KQCL Mỹ cho 36 chiếc B-52 cùng 66 máy bay chiến thuật yểm trợ đánh vào các khu vực ngoại vi Hà Nội như Đông Anh, Yên Viên, Văn Điển, Đa Phúc… và 18 chiếc B-52 đánh phá Đồng Mỏ là nơi chỉ có pháo cao xạ bảo vệ. Đêm ấy, từ trận địa Đại Chu, phát sóng không thấy mục tiêu trong màn nhiễu dày đặc nên tiểu đoàn 72 vẫn tiếp tục đánh bằng phương pháp TT. Lần này, sự hoàn hảo trong mọi thao tác của kíp chiến đấu đã đem đến một chiến công tuyệt diệu.
Chỉ sau vài phút, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng và kíp trắc thủ tài hoa của tiểu đoàn đã lập tức xác định đúng và bám sát rất chính xác dải nhiễu, bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 còn mang nguyên bom chưa kịp gây tội ác với nhân dân Hà Nội. Trúng ngay cả 2 quả tên lửa ở độ cao 11.600 m (38.000 ft), chiếc pháo đài bay siêu đẳng của Không lực Hoa Kỳ bốc cháy dữ dội như một bó đuốc khổng lồ, làm sáng rực cả bầu trời Thủ đô trong màn đêm tháng Chạp.
Con quái vật vỡ tung thành nhiều mảnh rồi rơi thẳng xuống làng hoa Ngọc Hà cạnh đường Hoàng Hoa Thám và vung vãi ra một bãi bom hàng trăm quả chưa nổ, tạo nên một cảnh tượng hoành tráng chưa từng thấy trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với tiểu đoàn 72, hai tiểu đoàn tên lửa 77 và 59 cũng đồng thời phóng đạn vào lũ quân xâm lược, bắn rơi liên tiếp 2 chiếc B-52 khác vào lúc 23h04 và 23h07 cùng ngày hôm đó.
Trước đấy, tiểu đoàn tên lửa 94 do tiểu đoàn trưởng Trần Minh Thắng chỉ huy cùng với kíp trắc thủ điêu luyện của anh cũng đánh rất giỏi, bắn rơi tại chỗ 1 siêu pháo đài bay ở Quế Võ. Trong trận này, quân dân ta đã giáng thêm cho Không lực Hoa Kỳ một đòn nặng nề nữa, tiêu diệt 13 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 5 máy bay ném bom chiến lược B-52 mà bộ đội tên lửa Việt Nam góp phần bắn rơi 4 chiếc bằng 32 quả tên lửa SAM-2.
Lực lượng pháo cao xạ và dân quân tự vệ cũng giăng lưới lửa thiên la, địa võng ở tầm thấp và tầm trung, bắn rơi 8 máy bay chiến thuật hiện đại nhất lúc đó của cả không quân và hải quân Mỹ. Đây có lẽ là đêm ác mộng cuối cùng không thể nào quên ở Việt Nam của các phi công "thượng đẳng" thuộc Bộ tư lệnh KQCL Hoa Kỳ sau khi họ đã thi thố đủ hết mọi chiêu trò mà vẫn không thoát được lưới lửa phòng không ở Hà Nội. Nhìn lại cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ đã huy động 60 máy bay B-52, xuất kích tới 1.624 phi vụ đánh I rắc mà chỉ bị rơi một chiếc và theo họ là do "trục trặc kỹ thuật"…
Trận đánh của tiểu đoàn tên lửa 72 là một trận đánh tuyệt đẹp từ mọi góc độ. Xuất sắc về mặt chiến thuật và kỹ thuật quân sự, về trình độ điêu luyện của kíp chiến đấu và cả tập thể cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. Trừng trị kẻ thù ngay từ khi chúng còn chưa kịp gây tội ác, bảo vệ được biết bao người dân vô tội.
Về mặt nghệ thuật, bức ảnh đẹp nhất mà ngày nay được xem như một tác phẩm nhiếp ảnh lịch sử về chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 chính là bức ảnh chụp chiếc B-52 đang bốc cháy, rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám. Sử sách cũng sẽ nhắc mãi câu chuyện về sự trùng hợp của một tiểu đoàn tên lửa QĐNDVN được thành lập ở rừng Yên Thế, quê hương của Hoàng Hoa Thám nổi tiếng chống Pháp. Đến tháng 12/1972 lại bắn rơi B-52 ngay trên con đường mang tên vị lãnh tụ nghĩa quân ấy ở Thủ đô Hà Nội!
Trong đêm ấy dù giá rét, rất nhiều người dân Hà Nội có người thân bị B-52 giết hại ở Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai… đã đến đường Hoàng Hoa Thám để tận mắt chứng kiến sự trừng phạt đích đáng của bộ đội ta đối với những con ngáo ộp B-52, làm vơi nhẹ nỗi đau của hàng ngàn gia đình Thủ đô đang chịu tang thương. Đến nay, hồ Hữu Tiệp - nơi vẫn còn xác của chiếc B-52 ngày ấy, luôn được các thế hệ người Hà Nội gọi đơn giản là "hồ B-52" để nhớ tới một thời đau thương và oanh liệt của đất Thăng Long.
Khâm Thiên, Hà Nội, 3-1973. Ảnh: Werner Schulze
Sáng ngày 28/12, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN thông báo cho các đơn vị: do bị thiệt hại nặng nề, không quân địch sắp phải kết thúc chiến dịch đánh phá Hà Nội. Nhà Trắng đã chính thức gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị nối lại đàm phán để ký kết Hiệp định Pari rút quân Mỹ và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội-Hải Phòng tháng Chạp 1972 là nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của bộ máy quân sự khổng lồ nhất thế giới mà không thực hiện được mục tiêu của họ đề ra. Chiến công của bộ đội PKKQ, đặc biệt là của các chiến sỹ tên lửa Việt Nam lập nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không" vẻ vang nhất trên bầu trời Hà Nội cùng với các chiến công khác của toàn quân và toàn dân ta đã buộc Mỹ phải chịu thất bại và bẽ bàng rút lui ra khỏi cuộc chiến dài ngày nhất, tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vượt lên tất cả gian nan và máu lửa, nhân dân Việt Nam đã đi đến thắng lợi cuối cùng, hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước sau 30 năm trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn