Những dấu hiệu sai phạm trong công tác GPMB thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại (TP. Quy Nhơn)

Thứ sáu - 29/12/2017 03:06
(KD&PL) -  Dự án Khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại (Thi Nai Eco Bay), Khu A2, Khu Đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn đã và đang khởi động được kỳ vọng sẽ tạo ra một luồng sinh khí mới cho địa phương trong thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên ngay từ công đoạn kiểm kê, áp giá bồi thường, GPMB do Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Bình Định) đảm nhiệm đang nảy sinh nhiều bất cập, khiến dư luận hoài nghi có khuất tất…
Những dấu hiệu sai phạm trong công tác GPMB thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại (TP. Quy Nhơn)
                                    

             Kỳ 1. Bất thường trong xác nhận nguồn gốc đất và áp giá bồi thường (?)
  
         Pháp luật quy định điều kiện để công nhận đất vườn thành đất ở đối với trường hợp không có giấy tờ khi có nhà ở và các công trình phục vụ đời sống xây dựng trên đất thực tế. Tuy nhiên hàng ngàn m2 đất mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) gắn liền với chòi canh và nhà ở “tạm bợ” đã được cơ quan có thẩm quyền “phù phép” biến thành đất ở đô thị (ODT) và ngược lại…
 
         Đất mặt nước thành đất ở, đất ở thành đất nông nghiệp
 
     Thật khó tin khi tận “mục sở thị” cái chòi canh NTTS rộng chưa tới 20m2 của hộ bà Ung Thị Nhạn, mà UBND phường Đống Đa gọi là nhà ở ổn định gắn liền với 70,2m2 đất ở đô thị (trong đó có 13,6m2 được tạo lập trước 15/10/1993; 56,6m2 là đất có một phần nhà ở hình thành trước 01/7/2004).
                              
                      Chòi canh NTTS của bà Nhạn được xác nhận là nhà ở được áp giá bồi thường 70,2m2 đất ở và giao 1 lô đất TĐC.
 
      Khó tin vì nó được hình thành bằng những tấm ván ghép sơ sài nằm gác mõm lên bờ NTTS, chông chênh trên một góc mặt nước. Không những không gian quá khiêm tốn mà bên trong cái gọi là nhà không có bất cứ vật dụng gì để đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt tối thiểu cho một hộ gia đình. Bất ngờ hơn, tiếp chúng tôi không phải là bà Ung Thị Nhạn mà là ông Huỳnh Thanh Vương (thường trú tại KV9, phường Đống Đa), người thuê lại hồ của bà Nhạn để NTTS được 6 năm nay, mỗi năm trả 12 triệu, “thỉnh thoảng bà Nhạn mới ra đây để lấy tiền thuê hồ” – ông Vương cho biết. Tại Văn bản số 246/UBND-NĐ ngày 7/8/2017, UBND phường Đống Đa cũng xác nhận: “ngoài nhà và đất bị giải tỏa, hiện tại bà Ung Thị Nhạn có nhà ở tại tổ 48, khu phố 9A”.

    “Như vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/CP, hộ bà Ung Thị Nhạn nếu được công nhận đất ở thì cũng chỉ trong phạm vi 20m2 có nhà chòi xây dựng thực tế, luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) khẳng định: - Tuy nhiên vì bà Nhạn có nhà ở nơi khác và cho thuê lại mặt nước nên không thể gọi là ở ổn định để xem xét bồi thường đất ở theo quy định pháp luật”. Dựa vào xác nhận của phường Đống Đa, Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định đã áp giá bồi thường cho hộ bà Ung Thị Nhạn được hưởng 70,2m2 đất ở/ số tiền hơn 234 triệu đồng và xét giao 01 lô đất tái định cư rộng 79,9m2, ước tính trị giá 1,5 tỷ đồng.
 

Trường hợp hộ ông Phan Văn Bất và ông Phan Văn Đông thừa kế theo pháp luật tài sản của ông Phan Tàu và bà Hồ Thị Thu (tổ 39, KP9A) được UBND phường xác nhận đất có nhà ở trông coi NTTS liên tục, đến năm 2016 lũ lụt làm đổ sập hoàn toàn ngôi nhà. Theo đó được bồi thường 176m2 đất ở và xét giao 2 lô đất TĐC. Tuy nhiên tại buổi làm việc, ông Phan Tấn Vũ – PCT UBND phường Đống Đa và bà Lê Thị Luyến Ái – cán bộ địa chính phường không cung cấp được Biên bản kiểm kê và xác nhận nhà ở bị đổ sập năm 2016 hay bất cứ tài liệu nào để chứng minh nhà bị đổ sập (?)

 
     Cũng theo quy trình trên (UBND phường Đống Đa xác nhận nguồn gốc, Trung tâm PTQĐ áp giá bồi thường), hàng loạt hộ gia đình có chòi canh NTTS và chỗ ở “nhà không ra nhà” bỗng dưng biến thành đất ở đô thị để được hưởng lợi hàng tỷ đồng, như: Hộ ông Nguyễn Văn Kiên được bồi thường 23,5m2 đất ở và giao 1 lô đất TĐC; hộ ông Huỳnh Thắng Cảnh được bồi thường 39,3m2 đất ở và giao 01 lô đất TĐC; hộ bà Trần Thị Tuyết được đền bù 80m2 đất ở và giao 01 lô TĐC; hộ bà Hồ Thị Xinh được bồi thường 31,5m2 đất ở và cấp 01 lô TĐC; hộ ông Võ Ngọc Anh và hộ bà Võ Thị Tán, có diện tích nhà thực xây dựng 97,31m2 được công nhận 277,8m2 đất ở đô thị…

     Trong khi đó hộ gia đình ông Phạm Sáu, ông Đinh Tới, bà Nguyễn Thị Lan cùng 8 hộ gia đình ở xóm Ba Ông, thuộc thửa đất số 7, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.830m2 (thuộc dự án trên), theo xác nhận của UBND phường Đống Đa tại Văn bản số 197/UBNDNĐ ngày 30/6/2017: “Nguồn gốc đất có nhà ở của ông Nguyễn Thục, Nguyễn Nhữ, Võ Lệ, Phạm Bánh và Võ Tịnh tạo lập sử dụng trước năm 1975. Nơi này trước giải phóng là nhà ở làm căn cứ và hầm, hào nuôi cách mạng, do chiến tranh tàn phá, nhà cửa bị sập đổ nên các hộ dân cư đi nơi khác để sinh sống… Sau năm 1975 các hộ gia đình làm thủ tục tặng cho con, cháu sử dụng”.
                               
                  Những ngôi nhà ở xóm Ba Ông được hình thành trước năm 1975 nhưng không được bồi thường đất ở và giao đất TĐC.
 
     Theo luật sư Lê Hoài Sơn, xác nhận trên của UBND phường Đống Đa được hiểu là đất ở đã được hình thành từ trước năm 1975 và được sử dụng liên tục, ổn định, trừ giai đoạn có chiến tranh là bất khả kháng. Như vậy có cơ sở để xác định toàn bộ đất có nhà ở của 11 hộ gia đình ở xóm Ba Ông nói trên đủ điều kiện để được bồi thường đất ở, theo quy định tại khoản 6, Điều 12 Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 7/5/2015 của UBND tỉnh Bình Định quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Định: “Đất có nhà ở hình thành trước ngày 15/10/1993 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, tại thời điểm sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (tức là không có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trước 01/7/2014 - PV) và được UBND xã cấp xã xác nhận là đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được bồi thường”. Tuy nhiên, theo Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định, do xác nhận của UBND phường Đống Đa, 11 hộ gia đình có nhà ở xây dựng sau 01/7/2004 và không sinh sống thường xuyên nơi có đất bị thu hồi nên được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, không đủ điều kiện về bồi thường đất ở, không bồi thường nhà, vật kiến trúc và không đủ điều kiện giao đất TĐC.
 
     Phường Đống Đa: Do Trung tâm PTQĐ làm ngược quy trình ?
 
     Tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí (29/11), ông Phan Tấn Vũ – PCT UBND phường (theo sự phân công của Chủ tịch UBND phường Trần Việt Quang) cho biết, trước khi thực hiện dự án Khu DLST đầm Thị Nại, năm 2016, Trung tâm PTQĐ đã thuê một đơn vị có chức năng để thực hiện việc đo đạc hiện trạng hình thành nên bản đồ địa chính 2016. Về lý do một số diện tích đất NTTS biến thành đất ở, ông Vũ lý giải: Căn cứ vào bản đồ địa chính năm 1997 và bản đồ hiện trạng đo vẽ năm 2016, Trung tâm PTQĐ phối hợp với Tổ công tác thực hiện kiểm kê và giao lại cho UBND phường xác định nguồn gốc đất, trước khi thực hiện áp giá bồi thường.

     Đề cập đến trường hợp bà Ung Thị Nhạn, được ghi nhận trên bản đồ địa chính năm 1997 chỉ có 13,6m2 loại đất T và thực tế có nhà chòi xây dựng cũng chỉ khoảng 20m2 nhưng đến khi thực hiện dự án đã nâng diện tích đất ở đô thị lên 114m2, ông Vũ giải thích: “UBND phường chỉ chịu trách nhiệm xác định đất có nhà ở của hộ bà Nhạn có 3 loại đất chứ không xác nhận hết tất cả đất ở của bà Nhạn, còn việc áp giá đất ở, đất NTTS hay loại đất khác để bồi thường là do Trung tâm PTQĐ thực hiện”.
  
Chòi canh NTTS của ông Phan Quốc Dũng được xác nhận là nhà ở được áp giá bồi thường theo giá đất ở nhưng không có biên bản xác nhận đã bị đổ sập năm 2016
 
     Cũng theo ông Vũ, các hộ gia đình có nhà ở bị ảnh hưởng GPMB thực hiện Dự án Khu DLST đầm Thị Nại hầu hết là đất không có giấy tờ. Do đó căn cứ khoản 4, Điều 21 Nghị định 43/CP, để có có sở xác định nguồn gốc đất hình thành trước 15/10/1993 hoặc trước 01/7/2004, UBND phường thành lập Tổ công tác để xác minh và thu thập ý kiến các hộ dân sống lâu năm ở đó. Sau khi có kết quả, UBND phường dán niêm yết công khai, tổ chức họp Tổ công tác và Hội đồng xử lý nhà đất phường để thông qua nguồn gốc đất…

     Đối với trường hợp bà Ung Thị Nhạn, phần diện tích tăng thêm 56,6m2, ông Vũ thừa nhận UBND phường chỉ xác nhận đất có một phần nhà ở. Còn trên hồ sơ kỹ thuật thể hiện 114m2 đất ODT là do cơ quan đo vẽ ghi theo từ chuyên môn của họ. Các trường hợp khác cũng tương tự như vậy. “Đúng ra theo quy trình, UBND phường xác định nguồn gốc trước rồi mới đo đạc sau. Thế nhưng ở đây khi có bản đồ hiện trạng rồi, UBND phường mới xác định nguồn gốc đất. Trong khi trên thực tế trong một thửa đất có nhiều loại đất. Rõ ràng đây là một sự bất cập, do làm ngược quy trình” – ông Vũ nói.
                           
Bất thường hơn, một số trường hợp như hộ ông Võ Văn Nhỏ bị giải tỏa 56,6m2; hộ ông Võ Ngọc Anh bị thu hồi 277,8m2 (trong đó phần diện tích tăng thêm 122,9m2)… theo bản đồ địa chính năm 1997 ghi là loại đất hoang thì được UBND phường đính chính: “Bản đồ năm 1997 thể hiện đất hoang là chưa đúng vì nguồn gốc đất này có chủ nhưng khi đi lập sổ bộ địa chính thấy vắng chủ do đó ghi là đất hoang…”. Nhờ sự đính chính kịp thời của UBND phường mà các hộ này được đặc cách bồi thường theo giá đất ở và xét giao đất TĐC.
 
     Liên quan đến trường hợp 11 hộ gia đình ở xóm Ba Ông có nguồn gốc đất ở hình thành từ trước năm 1975 nhưng không được bồi thường đất ở, ông Vũ cho biết, quan  điểm xác nhận của địa phương rất rõ, không phải là đất nghĩa địa. Mặc dù bản đồ địa chính ghi là đất nghĩa địa nhưng thực ra là đất có chủ. Việc áp giá bồi thường đất nông nghiệp là do cơ quan có chức năng họ vận dụng các quy định pháp luật. Vậy vì sao UBND phường không có văn bản đính chính giống như một số trường hợp phường đã “sốt sắng” tự đính chính để Trung tâm PTQĐ xem xét lại, áp giá bồi thường có lợi cho dân ? “…Câu hỏi này nên để Trung tâm PTQĐ tỉnh trả lời sẽ đúng hơn” – ông Vũ từ chối trả lời trước câu hỏi của các PV đặt ra.
                                                                                                           
                                                                                                                                            (còn nữa)

Tác giả bài viết:    MINH TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây