Nhìn lại những vụ án đình đám trong năm 2017

Thứ bảy - 30/12/2017 00:09
TPO - Các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bị bắt giữ; xét xử “đại án” OceanBank; bà nội sát hại cháu ruột; minh oan cho gia đình bị kết tội giết chồng, giết cha; vợ phân thây chồng… là những vụ án thu hút dư luận trong năm 2017.
Nhìn lại những vụ án đình đám trong năm 2017

 

Các ông Đinh La Thăng (áo đen) - Trịnh Xuân Thanh trong một lần tới dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.© Các ông Đinh La Thăng (áo đen) - Trịnh Xuân Thanh trong một lần tới dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

1. Ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam

Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quá trình điều tra xác định, ông Thăng có vi phạm trong khoản góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanaBank). Đến nay, OceanBank bị mua bắt buộc nên PVN “mất trắng” khoản đầu tư 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Thăng là bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại PVN và Tổng Cty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC – thuộc PVN). Ông Thăng được cho có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định thầu trái quy định tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ông cũng tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC và đồng phạm sử dụng sai mục đích hơn 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng. Vụ án dự kiến được đưa ra xét xử ngày 8/1/2018.

2. Trịnh Xuân Thanh đầu thú

Ông Thanh từng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tháng 9/2016, CQĐT đã khởi tố ông Thanh về các tội “Cố ý làm trái…” tại PVC. Tiếp đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” tại Tổng Cty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PVP Land – thuộc PVC). Theo kết luận điều tra, ông Thanh đã bán cổ phần của PVP Land thấp hơn giá thực tế để hưởng tiền chênh lệch.

Ngày 31/7/2017, ông Thanh tới Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú. Nghiêm trọng hơn, “theo chân” Trịnh Xuân Thanh, một loạt quan chức thuộc PVN cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

3. Xử sơ thẩm “đại án” OceanBank

Trong giai đoạn 1 vụ án OceanBank, có 51 bị cáo hầu tòa. Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốc OceanBank sau đó là Chủ tịch PVN được xác định giữ vai trò chính trong việc thất thoát khoảng 2.000 tỷ đồng tại ngân hàng.

Quá trình xét xử, các bị cáo khai OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho nhiều khách hàng chủ yếu thuộc nhóm PVN và Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC – trước là Vinashin) dẫn tới thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Sơn bị tuyên đã chiếm đoạt 249 tỷ đồng của OceanBank trong đó tham ô số tiền 49 tỷ đồng của PVN (ứng với 20% vốn của tập đoàn tại ngân hàng).

Tòa sơ thẩm tuyên Nguyễn Xuân Sơn án tử hình về 3 tội danh; Hà Văn Thắm án chung thân cho 4 tội danh… 49 bị cáo còn lại trong vụ án nhận hình phạt từ cải tạo không giam giữ tới 22 năm tù giam.

Quyết định truy nã Vũ 'nhôm' được niêm yết công khai.
 
Quyết định truy nã Vũ "nhôm" được niêm yết công khai.

4. Truy nã Vũ "nhôm”

Ông Phan Văn Anh Vũ (tên khác là Vũ “nhôm”, SN 1975, ở Hải Châu, Đà Nẵng) bị CQĐT Bộ Công an truy nã về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” hôm 22/12. Trước đó, chiều và tối 21/12, công an khám xét nhà nhà ông Vũ nhưng vị “đại gia” không có mặt tại đây.

Ông Vũ từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty Cp Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty Nova Bắc Nam 79 (Cty Chấn Phong). Ngoài ra, Vũ “nhôm” sở hữu cá nhân 2,73% vốn (khoảng 137 tỷ đồng) kiêm đại diện 10% phần vốn (khoảng 500 tỷ đồng) của Cty Bắc Nam 79 tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

5. Vụ án Phạm Công Danh

Tháng 1/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên phạt Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) án 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái…” và “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Theo HĐXX, từ khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, ông Danh đã mắc hàng loạt sai phạm, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Tiếp đến, tháng 11/2017, VKSND Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố “giai đoạn 2” vụ án Phạm Công Danh. Tài liệu xác định, ông Danh đã sử dụng 29 lượt Cty để vay tiền tại: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienphongBank). Tài sản thế chấp các hợp đồng tín dụng trên là tiền của VNCB gửi sang. Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng.

Vì vậy, ông Danh và các đồng phạm bị truy tố tội “Cố ý làm trái…”. Đáng chú ý, CQĐT đã khởi tố, bắt giữ ông Trầm Bê – nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng SacomBank vì giúp ông Danh gây thất thoát tiền của VNCB. Ngoài ra, nhiều "sếp" ngân hàng có liên quan được nhắc tới như các ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lam, Đoàn Ánh Sáng…

Người phụ nữ thừa nhận sát hại cháu nội mình. Người phụ nữ thừa nhận sát hại cháu nội mình.

6. Vụ cháu bé “bị bắt cóc” ở Thanh Hóa

Ngày 25/11, sự việc một cháu bé 20 ngày tuổi ở Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) bị mất tích được trình báo tới công an. Bà nội cháu tức Phạm Thị Xuân (SN 1952, ở Thái Bình) cho biết, khi bố cháu bé vừa rời nhà, có một đôi nam nữ thanh niên xông vào, hành hung bà và bắt cháu đi. Khoảng 2 ngày sau, thi thể cháu bé được phát hiện tại một bãi rác gần nhà.

Điều tra ban đầu, công an xác định bà Xuân chính là kẻ sát hại cháu nội mình. Người phụ nữ thừa nhận nhưng khai không nhất quán, lúc khai do thầy bói nói cháu mình “xung khắc” nên sát hại nhưng sau đó thay đổi, cho rằng lỡ tay đánh rơi cháu xuống nền nhà và tạo hiện trường giả…

Bà Châu Thị Thu Nga tại tòa sơ thẩm.©  Bà Châu Thị Thu Nga tại tòa sơ thẩm.

7. Xét xử nguyên Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga

Chiều 16/10, sau 2 tuần xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Châu Thị Thu Nga - nguyên Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group) án chung thân; 9 đồng phạm khác nhận từ 24 tháng tù treo tới 6 năm tù giam cùng về về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Nga bị cáo buộc đã lợi dụng dự án bất động sản B5 Cầu Diễn để thu 377 tỷ đồng của khách hàng mua nhà dù dự án chưa được phê duyệt chi tiết.

Trong số tiền trên, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII chiếm đoạt 348 tỷ đồng, không có khả năng khắc phục. Quá trình điều tra, bà Nga khai đã dùng tiền chiếm đoạt để “chạy” dự án; “chạy” Đại biểu Quốc hội; sản xuất phim… CQĐT quyết định tách hồ sơ phần “chạy” của bà Nga để điều tra, xử lý sau.

Các tử tù Thọ 'sứt' và Nguyễn Văn Tình.Các tử tù Thọ "sứt" và Nguyễn Văn Tình.

8. Hai tử tù vượt ngục tại trại giam T16 – Bộ Công an

Đêm mùng 10, rạng sáng 11/9, các tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, SN 1980, ở Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, ở Hà Nội) đã phá cùm, khoét tường phòng biệt giam và dùng dây vượt qua tường để trốn thoát khỏi Trại tạm giam T16 – Bộ Công an. Ngày 14/9, VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn.

Chiều 16/9, Thọ “sứt” bị bắt khi đang di chuyển tại huyện Nam Sách (Hải Dương). Nguyễn Văn Tình cũng tra tay vào còng số 8 khi lẫn trốn trong rừng tại huyện Mai Châu (Hòa Bình) vào đêm 17/9. Được biết, Thọ “sứt” có nhiều tiền án về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ… Đối tượng Tình cũng bị TAND TP Hà Nội tuyên tử hình vào tháng 4/2017 vì hành vi mua bán 170 bánh heroin.

Chị Diễm thừa nhận sát hại chồng rồi phân xác ra nhiều mảnh.
Chị Diễm thừa nhận sát hại chồng rồi phân xác ra nhiều mảnh.

9. Vợ "phân thây" chồng ở Bình Dương

Trưa 16/12, một người thu gom phế liệu phát hiện một đầu người trong thùng rác tại thị xã Thuận An (Bình Dương). Công an xác định nạn nhân là anh Trần Anh Tú (SN 1980, ở Sóc Trăng), hung thủ trong vụ án là Hoàng Thị Hồng Diễm (SN 1985) – vợ nạn nhân.

Bước đầu, Diễm khai nhận ngày 15/12, chị nghi ngờ chồng có quan hệ “ngoài luồng” nên đã cãi vã khi anh Tú đi uống rượu về. Hai bên xảy ra ẩu đả, người đàn ông dùng dao tấn công vợ nhưng bị Diễm giật lại và chém tử vong. Sau đó, người phụ nữ phân xác chồng ra nhiều mảnh cho vào các túi nilong để phi tang tại nhiều địa điểm.

Bà Nga và các con được công khai xin lỗi.
 Bà Nga và các con được công khai xin lỗi.

10. 28 năm mang tiếng giết chồng, giết cha

Ngày 24/10, TAND tỉnh Điện Biên tổ chức buổi Công khai xin lỗi với bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) và 2 con trai gồm Trịnh Công Hiến (SN 1963, đã mất) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) vì điều tra, truy tố, xét xử oan cho họ về hành vi giết chồng – giết cha.

Theo hồ sơ, năm 1989, bà Nga phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng tử vong dưới giếng. Vài ngày sau, công an tỉnh Lai Châu (cũ, nay tách thành Lai Châu và Điện Biên) bắt giữ bà Nga và các anh Hiến, Dương để điều tra hành vi giết người. TAND tỉnh Lai Châu cũ tuyên phạt bà Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm, các anh Hiến và Dương lần lượt nhận án 18 năm tù và 12 năm tù về tội giết người.

Bản án trên bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và năm 1991, VKSND tỉnh Lai Châu trả hồ sơ cho công an điều tra lại. Bà Nga cùng 2 con được tự do nhưng năm 2017, họ mới có quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố không phạm tội.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây