Trịnh Xuân Thanh có được hưởng tình tiết giảm nhẹ "đầu thú"?

Thứ hai - 01/01/2018 03:40
(PhapluatNews.net) - Vụ án gây chú ý Trịnh Xuân Thanh (và Đinh La Thăng) đang được khẩn trương thần tốc hoàn tất các thủ tục tố tụng cuối cùng, sắp đưa ra xét xử. Trong đó, hẳn nhiều người còn nhớ rằng bị can Trịnh Xuân Thanh từng có màn "đầu thú" gây chấn động dư luận đầu tháng 8/2017. Với tình tiết đầu thú, câu hỏi đặt ra là Trịnh Xuân Thanh có được Hội đồng xét xử xem đây là tình tiết giảm nhẹ, để từ đó có thể giảm mức án phần nào hay không? Pháp luật quy định về vấn đề này ra sao?
Trịnh Xuân Thanh có được hưởng tình tiết giảm nhẹ "đầu thú"?

 


Đầu tháng 8/2017 ông Trịnh Xuân Thanh lên VTV xác nhận mình đã "đầu thú". Nhìn nét mặt ông Thanh bơ phờ mệt mỏi thấy hơi ... mủi lòng (ảnh minh hoạ) 

Trịnh Xuân Thanh đã "đầu thú"!

Theo thông tin trên các báo, bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình làm chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Bị can Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 4 tỉ đồng. Do hành vi này, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị truy tố 2 tội danh "tham ô tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo điều luật, khung hình phạt đối với Trịnh Xuân Thanh lên đến mức rất nặng là tử hình. Chính vì vậy, có thể nói chắc chắn các luật sư của ông Thanh sẽ phải vận dụng mọi khả năng, chứng minh càng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị can càng tốt - hòng mong thoát án tử hình.

Một trong các tình tiết giảm nhẹ "đáng giá" và không thể bỏ qua là tình tiết Trịnh Xuân Thanh đầu thú. 

Ghi chú: Việc Trịnh Xuân Thanh "đầu thú" hay bị "bắt cóc" hiện nay đang có hai luồng thông tin trái ngược nhau. Theo thông tin từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam, được Bộ ngoại giao khẳng định, thì Trịnh Xuân Thanh đã đầu thú. Bằng chứng rõ ràng nhất là sau khi đầu thú, Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện trên VTV với vẻ mặt thất thần, nói rằng "tôi đã đầu thú". Tuy nhiên theo các hãng tin quốc tế (như BBC chẳng hạn), thì phía Cộng hoà liên bang Đức cho rằng Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ngay tại thủ đô của họ. Và Đức đã có một số động thái "hạ cấp" quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Như đã từng nói, tôi mong và tin rằng phía VN là bên nói đúng sự thật, nên đó là lý do tôi viết bài này. Còn SỰ THẬT THẬT SỰ như thế nào - Trời biết!

Việc "đầu thú" của Trịnh Xuân Thanh có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không?

Trong pháp luật hình sự, có một nguyên tắc là nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì sẽ được xem xét giảm án. Thậm chí giảm nhiều, hoặc tuyên phạt dưới khung hình phạt. Chẳng hạn khung hình phạt là tử hình, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì sẽ được ... chung thân.

Chính vì vậy, với quyền bào chữa của mình, bị cáo cần thiết và luôn đưa ra, chứng minh mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Luật sư bào chữa có trách nhiệm đưa ra tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình. (Tất nhiên là trong trường hợp bị cáo nhận tội theo truy tố trong Cáo trạng, chứ không phải là trường hợp kêu oan).

Các tình tiết giảm nhẹ phổ biến, thường gặp được liệt kê và quy định chuẩn hoá, cụ thể ngay trong Bộ luật hình sự. Bị cáo và luật sư chỉ cần "chiếu vào" và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các tình tiết giảm nhẹ chuẩn hoá được quy định tại Điều 51.

Ngoài những tình tiết giảm nhẹ chuẩn hoá, những tình tiết khác cũng có thể được cân nhắc, xem là tình tiết giảm nhẹ - theo quan điểm chủ quan và đánh giá của Hội đồng xét xử trong từng vụ án cụ thể.

Theo quy định tại Bộ luật hình sự, thì "tự thú" được xác định là tình tiết giảm nhẹ. Trong khi đó, "đầu thú" thì chỉ "có thể" được xem là tình tiết giảm nhẹ thôi. Tức là điều này phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm, đánh giá của Hội đồng xét xử.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án".

Với quy định như trên, chúng ta có thể thấy rằng việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không phụ thuộc vào Hội đồng xét xử. 

"Tự thú" khác "đầu thú" thế nào?

Trong Bộ luật hình sự hiện tại không có điều luật cụ thể giải thích thế nào là tự thú, thế nào là đầu thú. Thế nên chưa có một cách hiểu đồng nhất và thống nhất tuyệt đối trong giới luật nói chung.

Nhưng đại để có thể giải thích thế này, theo tôi:

- Tự thú là hành động TỰ GIÁC THÚ/NHẬN TỘI của người có hành vi phạm tội, hoặc của bị can TRƯỚC KHI BỊ BẮT VÀ HỎI.

Chẳng hạn như ông A vào kho của công ty B mở két lấy trộm 50 triệu đồng. Công ty B không biết ai làm đơn tố cáo đến cơ quan công an. Công an cũng chưa xác định được thủ phạm, đang trong quá trình điều tra, xác minh. Khi ấy, ông A vì ân hận, lo sợ, đã chỉ động đến trụ sở công an phường, khai nhận hành vi phạm pháp (trộm cắp) của mình. Việc này được xác định là "tự thú" và được xem là tình tiết giảm nhẹ. 

- Đầu thú là TỰ MÌNH đến cơ quan chức năng "nộp mạng" SAU KHI ĐÃ GÂY ÁN/CÓ HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ ĐÃ BỊ CƠ QUAN CHỨC NĂNG PHÁT HIỆN/BIẾT ĐƯỢC, VÀ/HOẶC ĐANG BỊ TRUY NÃ.

Chẳng hạn như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, đã bị Bộ công an phát lệnh truy nã toàn cầu. Và Trịng Xuân Thanh đã tự mình đến "nộp mạng" tại Cơ quan điều tra Bộ công an.

Như vậy, điểm khác biệt đáng lưu ý nhất - TỰ THÚ là khi CHƯA BỊ LỘ. Còn ĐẦU THÚ là khi ĐÃ BỊ LỘ.

Thông thường, các luật sư khi tiếp xúc với thân chủ thuộc trường hợp chưa bị lộ, thường đưa ra lời khuyên nên cân nhắc và ra tự thú để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tất nhiên là quyền quyết định thuộc về thân chủ, và cho dù họ có tự thú hay không, thì luật sư cũng sẽ im lặng (bảo vệ bí mật cho thân chủ. Luật sư không tố giác thân chủ).

Ghi chú: Nhưng nay theo Bộ luật hình sự mới, thì luật sư phải tố giác thân chủ trong một số tội thuộc dạng nghiêm trọng. Do vậy, nếu vị nào phạm tội nghiêm trọng và không có ý định tự thú thì xin vui lòng không liên hệ với tôi. Tránh cho tôi bị rơi vào thế khó. Hi.
.........

Tác giả bài viết: Ls. Trần Hồng Phong

Nguồn tin: dandensg.blogspot.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây