Bên trong vận tải cơ phục vụ Tổng thống Trump công du

Thứ hai - 06/11/2017 20:57
Máy bay vận tải C-17 Globemaster III được sử dụng để vận chuyển xe Quái thú cùng các trang thiết bị cần thiết cho Tổng thống Mỹ ra nước ngoài.
Bên trong vận tải cơ phục vụ Tổng thống Trump công du

 

Một máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III chiều nay đáp xuống sân bay Đà Nẵng, đưa theo nhiều trang thiết bị phục vụ cho chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump đến Đà Nẵng dự Tuần lễ cấp cao APEC trong ít ngày tới. Ông Trump đang thực hiện chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tới thăm 5 quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.


C-17 Globemaster III là vận tải cơ lớn thứ hai trong biên chế không quân Mỹ, chỉ sau mẫu C-5M Galaxy. Nó được phát triển trong giai đoạn 1980-1990 bởi tập đoàn McDonnell Douglas, ngày nay trực thuộc Boeing. Biệt danh Globemaster III được đặt dựa theo hai mẫu máy bay vận tải hạng nặng trước đó của McDonnell Douglas gồm C-74 Globemaster và C-124 Globemaster II, theo Airforce Technology.


Sau gần 30 năm hoạt động, C-17 Globemaster III luôn được đánh giá là thiết bị xương sống của ngành vận tải quân sự Mỹ. Không những được quân đội ưa thích, C-17 Globemaster III thường xuyên được Nhà Trắng sử dụng để tháp tùng tổng thống Mỹ trong các chuyến công du nước ngoài.


Với trọng tải lên tới 77,5 tấn, C-17 Globemaster III có thể dễ dàng chuyên chở các xe trong đoàn hộ tống của tổng thống Mỹ, bao gồm cả hai chiếc Cadillac với biệt danh "Quái thú".


Xe bọc thép Quái thú được đưa lên vận tải cơ C-17 trong chuyến thăm Đức năm 2016 của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama.


Các binh sĩ không quân Mỹ đang dùng xích sắt để cố định xe Quái thú xuống sàn của vận tải cơ C-17, đảm bảo xe không bị rung lắc, dịch chuyển trong quá trình bay.


Những phương tiện phục vụ đoàn tùy tùng của Tổng thống Mỹ cũng được vận chuyển bằng C-17. Ảnh: Mật vụ Mỹ.


Trực thăng Marines One cũng được chở bằng máy bay C-17 trong các chuyến công du, đề phòng trường hợp tổng thống Mỹ không thể di chuyển bằng đường bộ từ sân bay tới địa điểm làm việc.


Ngoài việc vận chuyển trang thiết bị cho Tổng thống công du nước ngoài, C-17 còn phục vụ hoạt động vận tải của không quân Mỹ.
Máy bay có khả năng vận chuyển hầu hết các phương tiện chiến đấu hạng nặng của quân đội Mỹ như xe tăng M1 Abrams, xe bọc thép M2/M3 Bradley. Đặc biệt, mỗi chiếc C-17 có thể chuyên chở 4 trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk hoặc hai trực thăng tấn công AH-64 Apache.


Điểm nổi bật của C-17 Globemaster III là khả năng hoạt động trên nhiều loại đường băng khác nhau, kể cả nền đất không được phủ bê tông. Hệ thống đảo chiều lực đẩy (thrust reverse) của C-17 tận dụng sức đẩy tốt hơn các loại máy bay thông thường, giúp thổi dị vật ra xa khỏi cửa hút khí của động cơ, đồng thời cho phép chiếc Globemaster III chạy lùi mà không cần xe hỗ trợ, tăng tối đa khả năng vận hành ở các đường băng dã chiến hoặc địa điểm không có hỗ trợ hậu cần như sân bay nước ngoài.

Máy bay có thể hạ cánh với tổng lượng hàng hóa lên đến 72 tấn trên một đường băng dài chỉ 914 m. Trong ảnh, một chiếc C-17 đang hạ cánh với hệ thống đảo chiều lực đẩy (khoanh đỏ) được mở hết cỡ.


Nhờ khả năng tự động hóa cao, tổ bay của C-17 chỉ có ba người, gồm cơ trưởng, cơ phó và chuyên viên bốc dỡ hàng để vận hành các hệ thống tự động.


C-17 được trang bị tổ hợp cảm biến nhiệt AN/AAR-47 gắn quanh thân máy bay, giúp tổ lái phát hiện dấu hiệu nhiệt từ luồng xả của tên lửa phòng không. Để giảm tỷ lệ báo động giả, AN/AAR-47 có thể được thiết lập để theo dõi tín hiệu riêng biệt của các loại tên lửa. Nếu phát hiện tên lửa đang tiếp cận, nó sẽ phát cảnh báo để tổ lái thực hiện động tác cơ động, đồng thời gửi tín hiệu tự động tới hệ thống phóng mồi bẫy AN/ALE-47.

Tổ hợp AN/ALE-47 có thể bắn ra nhiều loại mồi bẫy khác nhau để đánh lừa tên lửa dùng đầu dò nhiệt hoặc radar. Tổ lái có thể chọn ba chế độ phóng mồi bẫy gồm tự động, bán tự động hoặc thủ công.


Với trọng tải 73 tấn, C-17 Globemaster III có thể bay liên tục 5.200 km mà không cần hạ cánh tiếp nhiên liệu. Con số này có thể tăng lên nhiều lần nếu phi cơ được tiếp dầu trên không.

 

 

Tác giả bài viết: Ảnh: Flickr, USAF

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây