Hoài Nhơn (Bình Định): Cần làm rõ những khuất tất trong giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Nhất

Thứ hai - 13/11/2017 22:25
(Kinh doanh & Pháp luật) - Bất chấp là hộ nghèo và quy định Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, 26 năm qua vợ chồng ông Trần Văn Nhất (thôn An Dưỡng 2, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn kiên trì gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền để khiếu nại đòi trả lại thửa đất đã giao quyền cho người khác. Có gì khuất tất ở đây, PV báo Kinh doanh & Pháp luật đã vào cuộc và bước đầu làm rõ được một phần sự thật.
Hoài Nhơn (Bình Định): Cần làm rõ những khuất tất trong giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Nhất
                               

      Đất nhận khoán được giao cho người khác

      Theo đơn trình bày của ông Nhất và các tài liệu kèm theo, có cơ cơ sở để xác định: Thửa đất số hiệu 223, tờ bản đồ số 1, có tục danh xứ Bàu Đưng, thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (nay là thôn An Dưỡng 2, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là của cha mẹ ông (tức ông Trần Cúc và bà Nguyễn Thị Chung) mua lại 1/2 đám đất màu có diện tích 3 sào 3 thước của vợ chồng ông Huỳnh Đấy và bà Nguyễn Thị Điểu. Việc mua bán giữa hai bên đã được lập thành văn tự và được chính quyền chế độ cũ xã Hoài Tân thị thực và cấp Biên lai thu lệ phí theo quy định tại thời điểm.
                                    
                                               Giấy tờ gốc của thửa đất được cha mẹ ông Nhất tạo lập trước năm 1975

      Cũng theo ông Nhất, sau năm 1978, thửa đất có số hiệu 223 sáp nhập vào HTXNN Hoài Tân và biến động thành số thửa 493, tờ bản đồ số 7, có diện tích 1.248m2, tiếp tục giao khoán cho hộ ông nhận canh tác và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Bằng chứng là các biên lai thu thuế sử dụng đất nông nghiệp bằng dừa quả được phát hành vào thời điểm đó do HTXNN và UBND xã Hoài Tân thực hiện. “Chỉ có thửa 493 mới có dừa của cha mẹ tôi để lại nên vào thời điểm đó tôi nộp thuế bằng dừa quả” – ông Nhất khẳng định. Tuy nhiên đến năm 1997, thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ổn định lâu dài theo Nghị định 64/CP cho hộ ông Trần Duy Nhất thì thửa đất có số hiệu 493 bị biến mất không rõ lý do và thay vào đó là thửa đất màu có số hiệu 495, tờ bản đồ số 7, có diện tích chỉ còn 200m2.

      Sở dĩ có sự biến động trên, theo ông Nhất, là do cơ quan có thẩm quyền đã tách thửa đất có số hiệu 493 thành 3 thửa đất, gồm: Thửa 495/200m2 đứng tên ông Trần Duy Nhất, thửa đất số 493A/576m2 đứng tên ông Huỳnh Ngọc Lan và thửa 493B/656m2 đứng tên ông Lê Văn Tân. Bức xúc vì tự nhiên mất đất, từ năm 1991 cho đến nay, ông Nhất đã đứng ra tranh chấp và liên tục gửi đơn khiếu nại khắp nơi đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi 2 thửa đất đã cân đối giao quyền sử dụng “nhầm” cho hộ ông Lan và ông Tân. Song điều khó hiểu là không có cơ quan nào thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
      Trao đổi với PV, Luật gia Trương Việt Kon Tum (Hội Luật gia tỉnh Bình Định) cho rằng, nếu có căn cứ thửa đất số 493 được giao khoán cho hộ ông Nhất canh tác mà sau đó các cấp có thẩm quyền ở địa phương tự động lấy cân đối giao quyền sử dụng cho hộ ông Lan và ông Tân là trái với tinh thần Nghi định 64/CP của Chính phủ”
       
Điều 3 Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc: “trên cơ sở hiện trạng, bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển”.
 

      Phòng TNMT huyện:  Giấy tờ HTX không còn nữa

      Đề cập đến nội dung đơn khiếu nại của ông Trần Duy Nhất, ông Hồ Hưởng - Trưởng phòng TNMT huyện Hoài Nhơn cho biết, không thể xác định được thửa đất có số hiệu 493 có phải có nguồn gốc từ thửa có số hiệu 223 trước đây hay không và sau khi đưa vào HTXNN có tiếp tục được giao khoán cho hộ gia đình ông Trần Duy Nhất quản lý sử dụng không ? “Vì thời gian xảy ra đã quá lâu, tài liệu giao khoán ruộng đất cho các hộ gia đình trong đó có hộ ông Nhất vào thời điểm đó do HTXNN quản lý nhưng đã thất lạc vì HTX giải thể” – ông Hưởng giải thích.
                                    
                                                           Biên lai thu thuế bằng dừa quả do HTXNN Hoài Tân thực hiện năm 1993

      Cơ sở để thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSD đất ổn định lâu dài vào năm 1995 cho 2 hộ gia đình ông Huỳnh Ngọc Lang số thửa 493A (576m2), loại đất màu; hộ ông Lê Văn Tân số thửa 493B (656m2) và hộ ông Trần Duy Nhất số thửa 495 (200m2), theo ông Hưởng là dựa vào sổ mục kê địa chính năm 1996 của UBND xã Hoài Tân cung cấp. Theo đó vào thời điểm trước 1995, thửa đất có số hiệu 493 (1.248m2) và 495 (200m2) người đứng tên kê khai là HTXNN Hoài Tân chứ không phải hộ ông Trần Duy Nhất. Đến năm 2000, thực hiện đo đạc theo Vlap, thửa đất 493A đổi thành số thửa 561 (644,5m2); thửa 493B đổi thành 559 (618,3m2); thửa 495 thành thửa 558 (231,7m2).

      Trong khi đó, làm việc với Chi cục Thuế Hoài Nhơn, ông Nguyễn Đình Thủy  Chi cục trưởng cho biết, từ năm 1990 đến cuối năm 1993, việc thu thuế nông nghiệp được thu thông qua HTX. Hợp tác xã thu tất cả các khoản nghĩa vụ của xã viên (trong đó có thuế nông nghiệp) và chịu trách nhiệm về diện tích giao khoán. Từ năm 1994 trở về sau, ngành Thuế mới tổ chức thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hộ nông dân theo Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

      Như vậy việc xác định hộ ông Nhất có được nhận khoán thửa đất 493 hay không là thuộc về HTXNN Hoài Tân. Thế nhưng theo Phòng TNMT huyện Hoài Nhơn đến nay các tài liệu không còn nữa vì HTXNN đã giải thể.

      Một phần sự thật được hé lộ…

      Vậy đâu là sự thật mà vợ chồng ông Nhất kiên trì theo đuổi 26 năm qua ? Lục trong tài liệu lưu trữ từ những năm 1990, ông Nhất đưa chúng tôi xem lá Đơn tố cáo mà ông viết bằng bút mực trên tờ giấy polia kẽ ngang đã ngả màu gửi đến Hội đồng bộ trưởng, trong đó có đoạn: “Sáng ngày 20/7/1993, tất cả công dân ai cũng có quyền đến cơ sở trường đội (Đội sản xuất – PV) để kê khai diện tích đất sản xuất. Nhưng tại sao, hộ tôi không được kê khai… Hoài Tân, ngày 25/11/1993”.
                                           
                          Phiếu hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ có nội dung ông Nhất không được quyền kê khai diện tich đất sản xuất

     Trong đơn, ông Nhất còn nêu đích danh ông Lê Văn Tự - cán bộ quản lý ruộng đất cấp xã hồi đó, không cho hộ ông kê khai. Trên lá Đơn tố cáo vẫn còn nguyên dấu công văn đến của Ủy ban thanh tra Nhà nước Trung ương, số đến 17, ngày 17/02/1994; kèm theo bản gốc Phiếu hướng dẫn số 17 HĐ/XKT có đóng dấu tròn Thanh tra Nhà nước do ông Nguyễn Hữu Toản – thanh tra viên ký, có nội dung hướng dẫn ông Nhất đến gặp “đồng chí Chủ tịch UBND xã Hoài Tân là cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét” theo Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo năm 1991.

     Nội dung Đơn tố cáo của ông Nhất đã lý giải được điều bất thường vì sao số thửa 493 (1.248m2) vào thời điểm đó, chủ thể đăng ký kê khai vào sổ mục kê địa chính là HTXNN chứ không phải là hộ ông Trần Duy Nhất. Cũng trong Đơn tố cáo gửi đi ngày 25/11/1993, ông Nhất đã chất vấn người bị tố cáo: “Vậy thì diện tích sản xuất của gia đình tôi khi nay HTX nhận thuế của tôi thì giải quyết như thế nào ?” (ý ông Nhất là thửa đất 493 lâu nay nhận khoán đã đóng thuế bằng dừa quả thì giải quyết thế nào - PV).

     Cùng với các biên lai thuế sử dụng đất NN vào thời điểm đó (nộp bằng dừa quả - ông Nhất còn lưu giữ do HTXNN thu), theo Luật gia Trương Việt Kon Tum, có căn cứ để xác trước khi cân đối giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài theo Nghị định 64/CP, thửa đất 493 được giao cho hộ gia đình ông Nhất nhận khoán, vì theo ông Nhất trong số các đám ruộng mà hộ ông nhận khoán chỉ có thửa 493 là có nhiều dừa do cha mẹ ông trồng từ trước năm 1975 để lại.

     Vì sao vào thời điểm đó, HTXNN Hoài Tân không cho hộ gia đình ông Nhất kê khai diện tích đất sản xuất ? Phải chăng ông Tự và một số cán bộ HTXNN vào thời điểm đó muốn loại hộ ông Nhất để giữ lấy cân đối giao quyền sử dụng lâu dài thửa đất 493 cho 2 hộ gia đình ông Tân và ông Lang… Những khuất tất đó, qua bài báo này, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền của huyện Hoài Nhơn cần phải thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành xác minh làm sáng tỏ, công khai sự thật. Đó là giải pháp tốt nhất để chấm dứt vụ tranh chấp khiếu nại kéo dài suốt 26 năm qua, ổn định an ninh thôn xóm và trật tự quản lý đất đai trên địa bàn.
                                                                                             
 
 Ông Trần Duy Nhất: “Mặc dù bị chèn ép, đối xử bất công nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc, vì đây là tài sản của cha mẹ tôi tạo lập bằng mồ hôi và nước mắt để lại. Tôi buồn là 26 năm qua, mình kiên trì gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng không thấy cấp có thẩm quyền nào phản hồi và cũng không có cán bộ nào về tìm hiểu xác minh để làm rõ. Do đó chừng nào sự thật chưa được làm sáng tỏ thì tôi vẫn còn gửi đơn khiếu nại và tranh chấp”

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây