Vụ “giam lỏng” cô dâu chú rể: Hành vi không đúng pháp luật

Thứ năm - 26/01/2017 10:39
Vụ “giam lỏng” cô dâu chú rể: Hành vi không đúng pháp luật

 

Theo luật sư Hà Huy Phong, hành vi đóng cửa để giữ cặp vợ chồng và 2 người thân ở lại nhà hàng, không cho ra về là không đúng pháp luật.

Ngày 8/1, do không đồng tình với cách phục vụ của nhân viên và nhà hàng phục vụ thức ăn trong tiệc cưới không giống như trong hợp đồng, chị H và anh T đã không thanh toán giá trị hợp đồng còn lại và yêu cầu gặp đại diện nhà hàng trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) để nói chuyện.

Tuy nhiên, nhân viên nhà hàng đã yêu cầu bảo vệ đóng cửa không cho cô dâu chú rể ra về. Đến gần 2h ngày 9/1, cô dâu chú rể cùng 2 người thân trong gia đình vẫn bị nhân viên nhà hàng "giam lỏng". Theo phản ánh, Công an phường Hòa Thạnh đã đến nhưng không giải quyết sự việc vì cho đây là tranh chấp hợp đồng dân sự giữa các bên.

 

Vụ “giam lỏng” cô dâu chú rể: Hành vi không đúng pháp luật - Ảnh 1

 

 

 

PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco, để phân tích những khía cạnh pháp lý của vụ việc.

Luật sư Hà Huy Phong cho biết, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật công nhận và bảo vệ. Vì vậy, việc giữ hoặc giam người phải được thực hiện thông qua hàng loạt quy định chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền, cũng như các thủ tục áp dụng các biện pháp.

"Giam, giữ người được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác. Hành vi đóng cửa để giữ cặp vợ chồng và 2 người thân ở lại nhà hàng, không cho ra về có thể coi là hành vi giữ người. Đồng thời, căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì nhân viên và bảo vệ của nhà hàng không nằm trong số những người có thẩm quyền tạm giữ người. Vì vậy, hành vi giữ người của nhân viên và bảo vệ nhà hàng trong vụ việc này là không đúng pháp luật."- Luật sư Hà Huy Phong nhận định.

Vụ “giam lỏng” cô dâu chú rể: Hành vi không đúng pháp luật - Ảnh 2

Công an phường đã đến kiểm tra nhưng không giải quyết sự việc. (Ảnh: Zing.vn)

Theo ông Phong, việc giữ người của nhân viên và bảo vệ nhà hàng có dấu hiệu về hành vi giữ người trái pháp luật, có lỗi cố ý. Vì vậy, nếu những nhân viên, bảo vệ nhà hàng đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự thì hành vi giữ người trái pháp luật nêu trên đã cấu thành tội Giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999. Trong trường hợp này, những nhân viên, bảo vệ nhà hàng này có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, do phạm tội đối với nhiều người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự năm 1999.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, hành vi vi phạm hợp đồng có thể bị xử lý bằng cách phạt vi phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại, hủy bỏ hợp đồng... theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm hợp đồng dân sự của chị H, anh T (nếu có) không phải là căn cứ tạo ra quyền được tạm giữ người của nhân viên, bảo vệ nhà hàng.

Cùng cho ý kiến về sự việc này, luật sư Trịnh Anh Dũng, Văn phòng Luật sư Trịnh, cho biết, dưới góc độ khoa học luật hình sự Việt Nam, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với ý chí của họ và những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Vì vậy, có đủ căn cứ để xác định, việc nhân viên nhà hàng đã yêu cầu bảo vệ đóng cửa không cho cô dâu chú rể ra về là hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Luật sư Lê Văn Cao, Công ty Luật Hợp danh FDVN, cũng cho rằng, cô dâu, chú rể với nhà hàng đã giao kết với nhau một là Hợp đồng dân sự. Việc anh T. và chị H không thực hiện việc thanh toán đồng nghĩa với việc cặp vợ chồng này đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng dân sự đã được giao kết với nhà hàng trước đó. Đối với trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhà hàng có thể yêu cầu cô dâu chú rể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán, nếu khách hàng vẫn không có thiện chí hợp tác thì nhà hàng tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.

“Do đó, nhà hàng không thể viện dẫn lý do anh T. và chị H. vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng dân sự mà tiến hành giam giữ người khác, nhà hàng không có quyền bắt giam người, việc bắt giam người là hoàn toàn vi hiến và trái với quy định của pháp luật”, luật sư Lê Cao nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Văn Cao, cặp vợ chồng, cùng người thân trong trường hợp trên hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà hàng để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Nguồn tin: ĐS&PL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây