Jack Ma nghĩ gì về Donald Trump và xung đột thương mại Mỹ-Trung?

Thứ tư - 25/01/2017 18:48
Jack Ma nghĩ gì về Donald Trump và xung đột thương mại Mỹ-Trung?

 



   Khác với Tập Cận Bình, Jack Ma là một doanh nhân và có thể đưa ra những góc nhìn khác dưới góc độ của một người kinh doanh. Vậy, CEO của Alibaba nghĩ gì về Donald Trump và xung đột thương mại Mỹ-Trung?  

Sau chủ tịch Tập Cận Bình, tỷ phú công nghệ Jack Ma đang là một trong những người Trung Quốc nổi tiếng nhất lên tiếng kêu gọi ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại trên toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

CEO của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba và vừa mới có cuộc gặp với tân tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9.1 tuyên bố tại Davos:

“Tôi nghĩ rằng không và không bao giờ nên xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta có thể đặt niềm tin vào tổng thống mới đắc cử Donald Trump, ông ấy là một người cởi mở và sẵn sàng lắng nghe, chúng ta cần cho ông ấy thời gian”. 

Là người sáng lập và đồng thời là CEO của một trong những tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới (giá trị vốn hóa của Alibaba trên sàn chứng khoán New York đạt 236 tỉ USD, doanh thu đạt mức 5 tỉ USD chỉ trong quý 4.2016) và đồng thời là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên gặp gỡ trực tiếp Donald Trump sau khi đắc cử tổng thống, quan điểm của Jack Ma về Trump và xung đột thương mại Mỹ-Trung nhận được sự chú ý lớn tại hội nghị ở Davos lần này. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, tập đoàn Alibaba của Jack Ma sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi một phần lớn doanh thu của hãng bán lẻ trực tuyến này phụ thuộc chủ yếu vào các nhà sản xuất và người tiêu dùng ở Mỹ.

Vì thế, không ngạc nhiên khi Jack Ma tuyên bố một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là một thảm họa cho thế giới, và có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến mức vị tỷ phú này cho biết sẽ sẵn sàng chấp nhận hy sinh công ty của mình để ngăn chặn kịch bản tồi tệ đó xảy ra nếu cần. Tuy nhiên, điều này có vẻ như lại đang đi ngược lại với những gì mà chính Jack Ma đã cam kết trong cuộc gặp gỡ với Donald Trump tại New York hôm 9.1 vừa qua.

Trong cuộc gặp gỡ tại tháp Trump, Jack Ma cam kết sẽ tạo ra thêm 1 triệu việc làm cho nước Mỹ bằng cách giúp hàng hóa Mỹ bán chạy hơn ở thị trường Trung Quốc, thông qua việc cung cấp địa chỉ bán hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ trên nền tảng ứng dụng thương mại của Alibaba. Nếu một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, doanh thu của nền tảng Tmall của Alibaba sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Vào năm ngoái, khoảng 7.000 thương hiệu Mỹ đã thu về khoảng trên 15 tỉ USD từ việc bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc thông qua ứng dụng Tmall của Alibaba.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất lại là những lý giải của Jack Ma cho rằng, những vấn đề mà kinh tế Mỹ đang gặp phải và Donald Trump đang tìm cách giải quyết không bắt nguồn từ mối quan hệ thương mại với Trung Quốc mà ông Trump gọi là một sự bất bình đẳng, mà bắt nguồn từ chính nước Mỹ.

Vị tỷ phú Trung Quốc cho rằng toàn cầu hóa đã đem lại cho nước Mỹ những lợi ích khổng lồ trong khi chỉ lấy đi một phần nhỏ mà người Mỹ tự nguyện rời bỏ là các việc làm dư thừa, nhưng những lợi ích lớn ấy đã bị nước Mỹ phung phí thông qua các cuộc chiến tranh tốn kém và khủng hoảng tài chính-kinh tế.

CEO của Alibaba tuyên bố: “Toàn cầu hóa đem lại hàng triệu, hàng tỉ USD cho các công ty Mỹ. Mức lợi nhuận của riêng IBM và Microsoft lớn hơn cả 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc gộp lại. Nhưng, tiền đã đi về đâu? Trong suốt 30 năm, nước Mỹ đã tham gia vào 13 cuộc chiến, tiêu hết 2.000 tỉ USD… cho dù chiến lược của nước bạn có tốt như thế nào thì đó cũng là tiền của người dân. Tiền đổ vào phố Wall, rồi sao? Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã thổi bay 19.200 tỉ USD thu nhập của hộ gia đình Mỹ… Điều gì sẽ xảy ra nếu số tiền đó được tiêu tại miền Trung Tây của nước Mỹ”.

Theo Jack Ma, toàn cầu hóa được chính người Mỹ khởi xướng và Mỹ là nước thu được lợi ích lớn nhất từ nó, lợi ích từ toàn cầu hóa đem lại khiến cho nước Mỹ chỉ cần công nghệ và thương hiệu vốn là miếng bánh béo bở nhất, và đẩy những công việc ít hấp dẫn hơn sang Mexico và Trung Quốc. Và khi mà nền kinh tế Mỹ gặp trục trặc do đổ quá nhiều tiền vào chiến tranh (tại Afghanistan và Iraq, Syria,…) cũng như điều hành không tốt (khủng hoảng tài chính và kinh tế 2007-2008), thì người Mỹ lại nuối tiếc những việc làm mà chính họ tự đẩy sang Mexico hay Trung Quốc và đổ lỗi cho các nước này đã cướp việc làm của mình.

Lẽ ra, nếu kinh tế Mỹ được điều hành tốt hơn, chẳng hạn như sử dụng số lợi nhuận khổng lồ kiếm được từ toàn cầu hóa để tái đầu tư vào nền kinh tế thay vì đổ vào chiến tranh và mất mát do khủng hoảng, thì mọi chuyện đã khác đi rất nhiều.

Dù đúng hay sai, thì những quan điểm của Jack Ma cũng đang chỉ ra một khía cạnh khác của vấn đề toàn cầu hóa mà không ít người Mỹ cũng như Donald Trump đang cho rằng quá trình này chỉ khiến nước Mỹ chịu phần thiệt. Đúng là toàn cầu hóa sẽ mang việc làm ra khỏi nước Mỹ dù người Mỹ có tự nguyện (như Jack Ma tuyên bố) hay không tự nguyện (như Donald Trump tuyên bố), nhưng mặt khác nó cũng sẽ đem lại cho kinh tế Mỹ những lợi ích lớn mà nếu được tận dụng một cách phù hợp sẽ giải quyết được vấn đề dịch chuyển việc làm gây ra.

Nước Mỹ đã mất quá nhiều tiền của cho chiến tranh và khủng hoảng đến mức tự biến mình thành kẻ thua thiệt trong cuộc chơi toàn cầu hóa do chính mình khởi xướng, và giờ đây nước Mỹ lại tìm cách giải quyết bằng cách cố gắng đảo ngược thậm chí chấm dứt quá trình đó, bất chấp những hậu quả mà nền kinh tế thế giới có thể gặp phải.

 

Tác giả bài viết: Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây