Rót ngân sách hơn 40 tỉ để mua sắm nhạc cụ
Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) được thành lập vào năm 1993. Đến nay, nhà hát có gần 200 nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên thường xuyên làm việc, nhưng trong biên chế chính thức chỉ có 80 người. Văn phòng Nhà hát (HBSO) đóng tại tầng hầm của Nhà hát lớn TPHCM. Tuy nhiên, dàn nhạc và kho nhạc cụ hiện “ăn nhờ ở đậu” tại Rạp Thanh Vân, dù nơi đây không đủ điều kiện để lưu trữ nhạc cụ.
Để phục vụ cho nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng có nhạc cụ biểu diễn, chính quyền TPHCM đã rót hơn 40 tỉ đồng ngân sách để mua sắm nhạc cụ. Những nhạc cụ đắt tiền đã được mua về nhiều năm, nhưng vì không có nhà hát nên những nhạc cụ này buộc phải đem gửi nhờ tại tầng hầm Nhà hát lớn TPHCM và Rạp hát Thanh Vân hiện đang xuống cấp, hư hỏng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS.NSND Tạ Bôn, Chỉ huy trưởng dàn nhạc cho biết, Thành phố đã rót cho dàn nhạc 49 tỉ đồng để mua sắm nhạc cụ. “Về cơ bản số nhạc cụ đã phục vụ đủ nhu cầu cho anh em nghệ sĩ và cho toàn dàn nhạc. Tuy nhiên, vì chưa xây nhà hát nên những nhạc cụ này phải đi gửi nhờ ở những nơi ẩm thấp và xuống cấp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến độ bền của nhạc cụ”- GS.NSND Tạ Bôn nói.
Mua sắm nhạc cụ trước vì “tầm nhìn xa trông rộng”
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, để tạo điều kiện thuận lợi cho anh em nghệ sĩ biểu diễn, cũng như việc bảo quản nhạc cụ được tốt, ban giám đốc dàn nhạc giao hưởng đã phân những nhạc cụ nhỏ cho nghệ sĩ, diễn viên tự giữ và tự bảo quản. Riêng những nhạc cụ to và nặng thì bắt buộc gửi nhờ ở rạp Thanh Vân hiện đang xuống cấp và hư hỏng nặng.
Chiều 20.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, NSND Vũ Việt Cường cho biết, việc TPHCM rót hơn 40 tỉ mua nhạc cụ cho nhà hát giao hưởng dù nhà hát chưa xây, đã thể hiện sự nhìn xa trông rộng của lãnh đạo thành phố.
“Để xây được một nhà hát giao hưởng đúng nghĩa thì phải mất nhiều thời gian và mất rất nhiều tiền. Vì vậy, việc sắm nhạc cụ trước thể hiện việc đầu tư từng giai đoạn, cái gì đủ khả năng làm trước thì làm, còn khâu nào lớn hơn chưa có điều kiện thì sẽ làm sau. Đến khi nào nhà hát giao hưởng được xây và hoàn thành thì toàn bộ nhạc cụ trên sẽ được chuyển vể nhà hát mới để sử dụng và bảo quản”- NSND Vũ Việt Cường nói.
GS.NSND Tạ Bôn chia sẻ, TPHCM là địa phương duy nhất được rót ngân sách mua nhạc cụ phục vụ cho dàn nhạc giao hưởng. “Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM đến loại hình nhạc giao hưởng văn minh, trí tuệ. Đồng thời anh em nghệ sĩ cũng có được những nhạc cụ hiện đại để phục vụ cho biểu diễn những vở hay và khó” - GS.NSND Tạ Bôn nói.
Nếu nhà hát không được xây?
Điều NSND Tạ Bôn quan tâm là cần có một vị trí đạt chuẩn để cất giữ những nhạc cụ này cho tuổi thọ được bền lâu. Theo NSND Tạ Bôn, nếu bảo quản tốt những nhạc cụ này thì sẽ được sử dụng lâu dài, sau này nhà hát hoàn thành sẽ chuyển số nhạc cụ này về dùng, không phải tốn thêm tiền để mua thêm những loại nhạc cụ này nữa.
Tuy nhiên, không ít người lại băn khoăn tại sao nhà hát chưa được xây dựng mà nhạc cụ phục vụ cho nhà hát giao hưởng lại được mua sắm trước? Điều này đã dẫn dến việc dở khóc dở cười là “lo mua bò nhưng chưa lo làm chuồng” nên những nhạc cụ này phải đi “ăn nhờ ở đậu” và có nguy cơ hư hỏng do không được bảo quản tốt.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hàng chục tỉ đồng để mua sắm nhạc cụ, nhưng không hoạt động hết công suất do không có "đất" diễn dẫn đến lãng phí. Câu hỏi đặt ra là thành phố sẽ giải quyết "đống nợ" nhạc cụ này thế nào nếu như dự án xây nhà hát 1.500 tỉ không triển khai?
Nguồn tin: laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn