Xây nhà hát không ảnh hưởng đến tiền đền bù cho dân Thủ Thiêm
Tại hội nghị, đề cập đến dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch mà HĐND TP.HCM vừa thông qua, ông Nhân nói rằng hiện tại đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều người băn khoăn tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có mà thành phố lại lo xây nhà hát 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Công tác đền bù cho người dân, thành phố vẫn đang làm nhưng phải theo quy trình.
"Tiền thành phố đền bù cho người dân sẽ lấy từ ngân sách. Còn xây nhà hát là bằng tiền bán đất từ nhiều năm trước, không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm", ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiều lần họp bàn, chỉ đạo UBND TP.HCM xây dựng 11 giải pháp để thực hiện theo kết luận. Lúc nào xong, thành phố sẽ trao đổi với người dân Thủ Thiêm, sau đó mới ban hành giải pháp cụ thể.
Xây nhà hát ở Thủ Thiêm là phù hợp
Thông tin thêm về dự án, ông Nhân cho rằng nhà hát nằm trong quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM và đã được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, việc xây dựng nhà hát là làm theo quy hoạch, kế hoạch và đến bây giờ thành phố mới làm là hơi muộn vì kế hoạch đã có từ 25 năm trước.
Nói thêm về việc chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố đã tính toán một số vị trí ở quận 1 nhưng đều không phù hợp, bởi nơi đây phải ưu tiên giao thông và công viên phục vụ người dân. Vì thế, quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm là phù hợp, do nơi này có sự tương thích với nhiều công trình công cộng khác của khu đô thị.
“Việc lựa chọn Thủ Thiêm là sự lựa chọn phù hợp với không gian chung cho sự phát triển tổng hòa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP.HCM trong tương lai”, ông Nhân khẳng định.
Tiền xây nhà hát chỉ bằng 4% tiền xây bệnh viện
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, xét trên tổng thể, việc xây nhà hát không tốn nhiều kinh phí. Trong nhiệm kỳ này, kinh phí TP.HCM xây trường học, bệnh viện là hơn 34.600 tỉ đồng, trong khi nhà hát chỉ hơn 1.500 tỉ, bằng 4% tiền xây bệnh viện, trường học. Còn so với chi phí thành phố chi trong ba nhiệm kỳ gần đây thì khoảng 57.860 tỉ đồng (gấp 38 lần, chiếm 2,6%).
"Chúng ta phải nhìn được tổng thể mới thấy rằng xây nhà hát là điều nên làm. Nếu so với tổng chi ngân sách thành phố trong 3 khóa gần đây thì xây nhà hát chiếm 0,4%. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng chúng ta đã có kế hoạch cho nó chứ không phải không quan tâm xây dựng trường học và bệnh viện", ông Nhân nói.
Nhà hát đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân
Thông tin thêm về nhà hát, ông Nhân nói hơn 100 năm trước, người Pháp xây dựng Nhà hát TP.HCM khi dân số ở đây chỉ khoảng 100.000 người. Bây giờ, thành phố có hơn 10 triệu dân, trong đó có 5 triệu lao động, có 30% lao động có trình độ đại học, cao đẳng, 100.000 người nước ngoài đang sinh sống.
Vì vậy, việc xây dựng nhà hát bên cạnh thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của người dân thì đây còn là nơi đào tạo, dần dần hình thành nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho người dân. Việc xây nhà hát giao hưởng sẽ đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân và từ từ hình thành nhu cầu cho những người chưa có nhu cầu.
Ngoài ra, công trình này cũng phục vụ nhu cầu giao lưu quốc tế, bởi có rất nhiều đoàn văn nghệ nước ngoài muốn đến giao lưu nhưng TP.HCM không có nhà hát để biểu diễn. Ngoài giao hưởng, múa ba lê... nhà hát còn để tổ chức các hoạt động văn nghệ khác.
"Hiện tại, thành phố có 200 nghệ sĩ nhưng các đoàn đều phải ở trọ. Cụ thể, văn phòng thì dưới nhà hát thành phố, diễn tập thì ở rạp Thanh Vân, còn múa thì ở lầu ba Thư viện Khoa học tổng hợp. Mỗi năm ngân sách phải trả 900 triệu đồng để thuê chỗ. Như vậy, thành phố cần phải có nhà để các nghệ sĩ có nơi biểu diễn và cũng là nơi bồi dưỡng cho thế hệ sau", ông Nhân nhận định.
Phan Diệu
Như tôi thấy xây nhà hát thành phố là cực kỳ lãng phí. Tại sao vì các thành phố trong nước đã xây với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, nhưng thực chất hoạt động không có hiệu quả, gây lãng phí tiền của nhân dân . Thời đại 4. 0 intenet đã làm mọi người thỏa mãn với giải trí hưởng thụ văn hóa trên toàn thế giới . Vì vậy, ta nên nghĩ những việc cần làm ngay là học tập Nhật Bản - Trung Quốc đã làm, xây bờ kè kiên cố phòng chống ngập cho thành phố, để người dân yên ổn làm ăn phát triển kinh tế và bảo toàn được tính mạng. Mong nhà chức trách lưu tâm cho nhân dân
Chưa phải lúc xây nhà hát ở thủ thiêm. Hãy giải quyết tình trạng khiếu nại đất đai cho dân Thủ Thiêm trước. Sau khi đã giải quyết xong xuôi cho dân Thủ Thiêm hãy xây nhà hát .
Một thành phố lớn, đông dân thì phải có nhà hát và thành phố cũng đã có một số cái. Việc biểu diễn nhạc giao hưởng thì khá kén chọn người thưởng thức cho nên ít khách, lâu lâu tổ chức một lần thì còn có khách... chứ biểu diễn thường xuyên e ra vắng vẻ vì giá vé rất đắt, trong khi thu nhập của công chức trí thức và đa số người dân chưa cao (cả về khả năng thưởng thức nhạc hàn lâm). Tóm lại, việc này nên thống kê ý kiến dân thành phố xem sao dù chỉ để tham khảo.
Xây nhà hát là cần nhưng chưa thiết, không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Tp. Dân Thủ Thiêm đang kêu than chưa được giải quyết rốt ráo lại lo họp bất thường xây nhà hát! Tại sao không họp bất thường để giải quyết bức xúc của dân? Nói là day dứt , nhưng giải pháp chờ đến bao giờ? Rồi vụ Tân Thuận? Công trình chống ngập trì trệ? Và kẹt xe...? Rồi không biết sau này nhà hát có bị đội vốn hay không? Rồi cũng sẽ có lý cả,hợp quy trình. Nói tóm lại là Dân cần ở sự minh bạch và lòng tin.
Nguồn tin: motthegioi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn