Phạt dân vì đổi tiền phạm luật: Khác nào 'đánh úp' người dân?

Thứ năm - 25/10/2018 23:01
Với việc các cơ quan quản lý nhà nước đề ra cả rừng luật xong lại bắt người dân phải "có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật" thì mỗi người dân tối thiểu phải đi học đại học luật 4 năm để nắm được hết hệ thống các văn bản pháp luật mà biết đường tra cứu nó khi hằng ngày có thể bất chợt có hành vi đột xuất nào đó.
Phạt dân vì đổi tiền phạm luật: Khác nào 'đánh úp' người dân?

 



Nhiều người ngỡ ngàng khi đổi USD ở tiệm vàng là vi phạm pháp luật - Ảnh: Internet

Dư luận sửng sốt khi biết tin UBND TP Cần Thơ vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ Ninh Kiều) do có hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" theo điểm a) khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2004/NĐ-CP. Số tiền anh Rê bị xử phạt là 90 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu gần 2,3 triệu đồng. Tiệm vàng anh Rê đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng cùng về hành vi này.

Trước đó anh Rê mang tờ 100 USD (2,3 triệu đồng) đến tiệm vàng Thảo Lực tại phường Cái Khế để đổi. Tờ tiền này do người thân của anh Rê gửi cho. Sau khi đổi tiền xong, anh Rê nhận số tiền gần 2,3 triệu đồng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ số tiền trên.

Trả lời trước phản ứng của dư luận, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng việc xử lý như vậy là đúng luật.

Tuy nhiên vì bản chất của pháp luật là phải công bằng, được dư luận đồng tình, cho nên khi đứng trước đông đảo dư luận rất bất ngờ và bất bình về việc xử phạt này thì UBND TP Cần Thơ cần xem xét lại việc vận dụng pháp luật của quyết định xử phạt. Vì thực ra, việc xử phạt mà chỉ chăm chăm áp Nghị định 96/2004/NĐ-CP thôi là thiếu sót. Để vận dụng đúng đắn nhất về pháp luật, thì ngoài điều luật áp dụng, phải xem thêm các luật có liên quan khác nữa.

Trước hết, theo khoản 1 điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

"1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính''.

Thì việc đổi tiền của anh Rê phải là hành vi có lỗi của anh Rê. Vậy thế nào là hành vi có lỗi trong việc chấp hành pháp luật?

Muốn biết hành vi của anh Rê có lỗi hay không, thì lại phải theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại điều 2 "Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân:

1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật''.

Như vậy trong sự việc này anh Rê có quyền được cung cấp thông tin về Nghị định 96/2004/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Mà Nghị định này lại phải có các căn cứ là Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật Bảo hiểm tiền gửi ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật Các công cụ chuyển nhượng ngày 29 tháng 11 năm 2005; Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013 theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy trong khi dư luận cả nước đều bị bất ngờ trước thông tin bị xử phạt đổi tiền này, thì để biết được việc đổi 100 USD mới đây của mình là vi phạm pháp luật, là lần thứ 2 đổi ngoại tệ trong cuộc đời 38 năm của anh, anh Rê phải là người thường xuyên đọc các văn bản của cả hệ thống pháp luật đến nay nếu in hết ra sách thì đã chất đống thành một kho lớn, và phải cập nhật liên tục hằng ngày các văn bản mới, thì anh Rê mới chắc chắn được rằng anh không bao giờ có hành vi nào vi phạm pháp luật.

Việc này phải ngốn thời gian ít nhất của anh Rê mỗi ngày là 8 tiếng, bằng thời gian làm việc của 1 chuyên gia tư pháp hưởng lương nhà nước. Và để 1 chuyên gia tư pháp nắm được tinh thông pháp luật như vậy nhằm tra cứu được nhanh chóng hành vi đổi tiền như vậy là vi phạm điểm a) khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2004/NĐ-CP, thì chắc chắn chuyên gia này phải thi đỗ và được đào tạo đại học Luật ít nhất 4 năm.

Thế nhưng xét thực tế, anh Rê chỉ là người thợ điện không có được đào tạo ngành luật và không làm chuyên gia tư pháp hằng ngày, cũng còn phải đi làm mỗi ngày ít nhất 8 tiếng cho công việc thợ điện của mình, còn lại là giờ ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi, chăm sóc con cái gia đình của mình. Cho nên theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thì anh Rê cũng như mọi người dân khác không thể thực hiện được "trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật" theo khoản 1 điều 2 của luật này", để mà không bao giờ có hành vi vi phạm pháp luật như việc cả đời người mới có lần tình cờ được tặng 100 USD đi đổi tiền vừa qua.

Như vậy, với việc các cơ quan quản lý nhà nước đề ra cả rừng luật xong lại bắt người dân phải "có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật" thì mỗi người dân tối thiểu phải đi học đại học luật 4 năm để nắm được hết hệ thống các văn bản pháp luật mà biết đường tra cứu nó khi hằng ngày có thể bất chợt có hành vi đột xuất nào đó. Đồng thời phải chủ động "trực chiến" 24/24 giờ các bản tin mỗi ngày mà theo dõi các văn bản pháp luật mới được cập nhật thì mới biết được có hành vi nào mới bị xếp vào diện vi phạm theo quan điểm pháp luật mới hay không.

Nếu như không người dân nào đáp ứng nổi yêu cầu đó để thực hiện được trách nhiệm của mình theo khoản 1 điều 2 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, thì theo khoản 2 của điều này mỗi người dân có quyền được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp ngay một kho sách luật trong nhà. Và hằng ngày họ được nghỉ làm việc tối thiểu nửa ngày để cán bộ tư pháp đến dạy họ cách sử dụng tra cứu hệ thống rừng văn bản pháp luật đó, đồng thời cung cấp thêm cho họ các văn bản pháp luật mới ban hành hằng ngày, để người dân biết chắc mọi hành vi sẽ thực hiện của mình có vi phạm pháp luật hay không. Lưu ý là cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào yêu cầu mọi người dân phải có kết nối internet để truy cập thông tin, thậm chí chưa có văn bản nào yêu cầu mọi người dân phải biết chữ nếu không sẽ bị xử phạt!

Cho nên, nếu cả 2 việc này các cơ quan quản lý nhà nước ở Cần Thơ không thể thực hiện được thì cũng không có căn cứ nào để kết luận hành vi của anh Rê là có lỗi, để mà xử lý hành vi có lỗi theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 96/2004/NĐ-CP được.

Như vậy việc các cơ quan quản lý cứ "lẳng lặng" ra các văn bản pháp luật để "bất ngờ" xử lý người dân vi phạm, thì chẳng khác nào "tập kích", "đánh úp" người dân cả. Chính vì thế đông đảo dư luận mới bất bình về việc xử lý vi phạm này, chứ không phải là đồng tình ủng hộ như lẽ ra mọi xử lý vi phạm pháp luật phải được như thế.

Phạm Mạnh Hà

Nguồn tin: motthegioi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây