Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tại một phiên họp Quốc hội - Ảnh: QUANG VINH
Liên hoan nhiều là phản cảm
Tại các phiên họp Quốc hội, đôi khi máy quay truyền hình lướt qua hình ảnh một vài đại biểu ngủ gật trong giờ làm việc. Buồn ngủ là một biểu hiện sinh lý bình thường, chuyện một người không chống lại được cơn buồn ngủ trong hoàn cảnh nhất định cũng có thể thông cảm.
Nhưng với công chúng thì hình ảnh một nghị sĩ ngủ gật vẫn rất khó coi. Bởi một người bình thường nếu sinh hoạt điều độ, ngủ đêm tròn giấc và có nghỉ trưa, hoàn toàn có thể giữ được tỉnh táo khi làm việc, họp hành.
Có thể đại biểu ngủ gật là do tối hôm trước phải thức khuya để nghiên cứu tài liệu, dành buổi trưa để giải quyết công việc cơ quan, địa phương, hoặc có việc gia đình chi phối… Nhưng cũng có thể nguyên nhân là "quá chén" từ các cuộc giao lưu, tiệc tùng, liên hoan.
Tất nhiên, các cuộc vui đều có lý do. Ví như hai đoàn đại biểu Quốc hội của hai địa phương kết nghĩa, xuân thu nhị kỳ mới gặp nhau tại kỳ họp, nhân tiện tổ chức tiệc gặp mặt để trao đổi, chia sẻ. Các bộ, ngành thường mời đại biểu Quốc hội thuộc ngành mình đang công tác tại các địa phương đến giao lưu. Thậm chí ở nhiệm kỳ trước còn có nhóm đại biểu cùng tuổi (âm) hay gặp nhau…
Cũng không loại trừ việc lãnh đạo bộ, ngành "mượn" các cuộc gặp gỡ, liên hoan để gây thiện cảm nhằm "gửi gắm", nhờ vả các đại biểu "ủng hộ" bộ, ngành hoặc cá nhân mình. Đây có thể coi là một dạng của lobby (vận động hành lang).
Đối với các nghị viện trên thế giới, lobby là hoạt động thường xuyên và nhiều quốc gia đã luật hóa để thật sự công khai, minh bạch và chịu sự giám sát: Tiền chi cho liên hoan, quà cáp lấy từ đâu? Ai chủ trì bữa tiệc? Mục đích gì?
Đã từng có đề nghị Quốc hội Việt Nam xây dựng một đạo luật cho hoạt động lobby, nhưng đến nay vẫn chưa có trong nghị trình.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Chính vì vậy, nỗi lo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng các đại biểu tổ chức hoặc tham gia liên hoan, tiệc tùng nhiều quá, gây phản cảm với xã hội là hoàn toàn có căn cứ. Đặc biệt là trong thời điểm Quốc hội chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm các quan chức cấp cao, các cuộc gặp gỡ khó tránh bị hiểu là để "tranh thủ" phiếu tín nhiệm.
Chủ trương không tổ chức liên hoan, gặp gỡ trong thời gian diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã được các ủy viên trung ương thực hiện từ lâu. Còn Chủ tịch Quốc hội thì mong các đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ nêu gương việc này ở nghị trường.
Tại họp báo quốc tế ngày 18-10 vừa rồi, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc còn nhấn mạnh đề nghị nêu trên không chỉ là cho thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (đầu kỳ họp) mà cần được thực hiện nghiêm túc trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp thứ 6.
Xua tay với phóng viên: rất khó coi
Các phóng viên đưa tin phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước đã rất cảm động khi nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắn nhủ các quan chức Chính phủ và đại biểu Quốc hội: "Hãy đặt mình vào vị trí của các phóng viên tác nghiệp tại kỳ họp".
Bà Kim Ngân tâm sự mỗi lần đi quanh hành lang phòng họp Diên Hồng, nhìn thấy quan chức, đại biểu gạt tay, xua tay khi phóng viên đề nghị phỏng vấn, bà thấy đó là hình ảnh rất khó coi.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng còn yêu cầu đối với các phiên Quốc hội họp riêng (không có báo chí tham dự) thì tổng thư ký phải chỉ đạo cơ quan tham mưu cung cấp thông cáo báo chí, để các phóng viên đưa tin đến cử tri, nhân dân về nội dung, kết quả, thông điệp của phiên họp đó.
Các lãnh đạo Quốc hội đều đề nghị cơ quan phục vụ kỳ họp tạo điều kiện tối đa để các phóng viên tác nghiệp hiệu quả, chuyển tải nhanh, đầy đủ, đa dạng các thông tin, hoạt động của kỳ họp thứ 6. Các quan chức, đại biểu cần coi việc trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện cho dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (trái) và ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, cùng đoàn TP.HCM, trao đổi tại một phiên họp tổ Quốc hội - Ảnh: QUANG VINH
Tại họp báo, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận một thực tế lâu nay tại các kỳ họp là nhiều thành viên Chính phủ hay "né" trả lời báo chí. Lãnh đạo Quốc hội đưa ra đề nghị trên chính là để các bộ trưởng, trưởng ngành tăng tương tác với phóng viên.
Nhưng không chỉ các quan chức, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hiếm khi trả lời phỏng vấn, nhiều đại biểu gần như không xuất hiện trên báo, đài. Qua nhiều kỳ họp gần đây, chỉ một số ít (khoảng vài chục người) thường xuyên hợp tác với báo giới.
Việc này có thể do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Có thể phóng viên khi phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành chỉ "xoáy" vào những việc chưa làm được, những thiếu sót, tồn tại, bức xúc, mà đây là loại vấn đề mà các quan chức ngại đề cập. Có thể các quan chức, đại biểu thiếu khả năng hùng biện, nói vo nên thiếu tự tin khi diễn giải vấn đề trước máy quay, máy ghi âm. Cũng không phải không có chuyện phóng viên chỉ tập trung vào một số đại biểu "hot" để bài báo của mình có nhiều "view"…
Hẳn nhiên khó mà có chuyện tất cả đại biểu Quốc hội xuất hiện đồng đều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nghị viện nào cũng thế, giá trị pháp lý của mỗi lá phiếu là ngang nhau, nhưng sức nặng của mỗi lời nói lại khác nhau. Báo chí tập trung vào một số nhân vật có ảnh hưởng, có tiếng nói tác động đến công chúng là dễ hiểu.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trong vòng vây của báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 5 hồi giữa năm 2018 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ở các nghị viện chuyên nghiệp, 100% đại biểu là chuyên trách và hoạt động thường xuyên, các nghị sĩ thường có đội ngũ giúp việc đắc lực, thậm chí có cả trợ lý về truyền thông, quan hệ công chúng. Mỗi lần xuất hiện trước báo chí, họ không chỉ thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn nắm lấy cơ hội để thể hiện bản thân. Ở khía cạnh này thì đại biểu Quốc hội nước ta có phần thiệt thòi.
Cũng có những than phiền từ phía người trả lời phỏng vấn rằng họ ngại trao đổi với phóng viên vì thông điệp của họ thường bị biên tập, cắt cúp làm cho biến dạng. Đây là vấn đề cần được điều chỉnh từ cả hai phía, người trả lời cần hoàn thiện kỹ năng hùng biện, phương pháp truyền thông điệp, người hỏi cần tuân thủ các nguyên tắc về tính chân thực, đầy đủ của thông tin và đạo đức nghề nghiệp.
Tôi nhớ đầu những năm 2000, khi quyết định cho phóng viên báo chí tham dự và đưa tin các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nguyễn Văn An đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng tình.
Khi tôi hỏi về điều này, ông đã nói: "Quốc hội đại diện cho dân thì đại biểu Quốc hội làm gì dân phải biết. Tôi nói với các đại biểu rằng nếu báo chí đăng tải không đúng, xuyên tạc lời các vị thì cứ báo lại với tôi để tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử lý phóng viên, tờ báo đó. Còn nếu phóng viên đăng tải đúng lời các vị mà bị dư luận phản ứng thì không thể trách họ được".
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn