Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH phải đáp ứng tiêu chí nào?

Thứ ba - 22/08/2017 20:38
(Phapluat News) - Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 89 và Quy định 90 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 4/8.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH phải đáp ứng tiêu chí nào?

 

 


Trong hai văn bản này, điều được đông đảo đảng viên, nhân dân quan tâm là Quy định 90 về “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trịBan Bí thư quản lý”. Bởi đây những cán bộ thuộc cấp cao nhất trong hệ thống, từ thứ trưởng ở trung ương, chủ tịch tỉnh ở địa phương hay từ cấp thiếu tướng trong quân đội, công an… tới cao hơn là bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, ủy viên Trung ương, và cao nhất là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,Nguyễn Phú Trọng,Chủ tịch nước,Trần Đại Quang,Thủ tướng,Nguyễn Xuân Phúc,Chủ tịch Quốc hội,quy định 90
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tháng 1/2016. Ảnh: Phạm Hải
 
Quy định này cũng thu hút sự chú ý, bởi đây là lần đầu tiên, các tiêu chuẩn, tiêu chí này được quy định cụ thể thành văn bản và công khai rộng rãi trong Đảng. Và như thế, ngay từ bây giờ, toàn Đảng đã có cơ sở để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 tới.

Ủy viên Trung ương

“Ngũ trụ” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, Thường trực Ban Bí thư - cũng như các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước hết phải là ủy viên Trung ương - thuộc tập thể quyền lực nhất của Đảng, quyết định các vấn đề của Đảng giữa hai kỳ đại hội. 

Tiêu chuẩn chức danh ủy viên Trung ương này ngoài các tiêu chuẩn chung về các mặt chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, trình độ, năng lực uy tín, sức khỏe, độ tuổi… của cán bộ “tương đối cao” còn có thêm các yêu cầu như: Là thành viên tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm, kiến thức toàn diện để tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Trung ương. Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công. 

Ủy viên Trung ương cũng phải có năng lực dự báo, xử lý ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ và khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. 

Để được xét giới thiệu, bầu vào chức danh này, còn có điều kiện chứng: ứng viên phải là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Đây là những thành viên tiêu biểu, mẫu mực nhất trong Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật. Đặc biệt, theo Quy định 90, họ phải đáp ứng tiêu chuẩn quan trọng là không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.

So với tiêu chuẩn “ủy viên Trung ương” - chỉ cần có năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng trong lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội…

Ngoài các tiêu chuẩn này, điều kiện cứng để được giới thiệu, và bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư là ứng viên đã tham gia Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

Trường hợp là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp quân khu.

Tổng bí thư

Tổng bí thư là chức danh cao nhất trong Đảng, do Trung ương bầu ra trong số ủy viên Bộ Chính trị.

Theo Quy định 90, Tổng bí thư phải là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng bí thư phải là người tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Có bản lĩnh chính trị, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài. Phải có phẩm chất, năng lực quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, dân tộc.

Tổng bí thư cần có năng lực lãnh đạo, điều hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.

Tiêu chuẩn cứng của ứng viên để được giới thiệu, bầu vào chức danh Tổng bí thư là đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh/thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương. Ứng viên đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định.

Thường trực Ban Bí thư

Phụ trách và chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, tiêu chuẩn đặt ra cho chức danh này là người phải có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong toàn Đảng. Có trình độ lý luận chính trị cao, giàu kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Có kiến thức sâu, rộng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Thường trực Ban Bí thư cần nhạy bén về chính trị, quyết liệt trong điều hành, và có khả năng đièu phối hài hòa, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Điều kiện cứng của chức danh này là đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh/thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương. Phải là người tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định.

Ba chức danh nhà nước

Thuộc về "ngũ trụ" trong Đảng nhưng Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH là ba chức danh đứng đầu Nhà nước, do Quốc hội bầu.

Tiêu chuẩn chung của ba chức danh này, gần tương tự với Thường trực Ban Bí thư, là phải có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.

Cả ba chức danh có tiêu chuẩn cứng là đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh/thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương. Phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định.

Do đặc thù chức năng, nhiệm vụ luật định, Quy định 90 của Bộ Chính trị đặt ra một số tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh. Cụ thể:

Với Chủ tịch nước, phải có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; và phải có hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.

Với Thủ tướng, phải có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp. Có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, đièu hành cơ quan hành chính nhà nước. Có khả năng cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Với Chủ tịch QH, phải là người quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Chủ tịch QH phải có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp của QH, Ủy ban Thường vụ QH.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây