Phiên bản BrahMos triển khai từ tàu ngầm đã được Ấn Độ thử nghiệm thành công vào năm 2013, hiện nay nó đang thực hiện những bài kiểm tra cuối cùng trước khi chính thức vào biên chế và phục vụ xuất khẩu.
So với những biến thể khác, thông số kỹ chiến thuật của bản phóng từ dưới nước được cho là không có nhiều thay đổi, nó vẫn vươn tới tầm bắn 290 km, tốc độ tối đa Mach 2,8 - Mach 3, tích hợp được vào ống phóng ngư lôi 533 mm cũng như ống phóng thẳng đứng, độ sâu lớn nhất đối với tàu ngầm khi bắn ước chừng trong khoảng 40 - 50 m.
Vậy vũ khí này có ưu nhược điểm gì so với đạn 3M-54E Klub-S đang trang bị cho Kilo 877EKM và Kilo 636?
Minh họa phóng tên lửa BrahMos từ tàu ngầm tấn công của Ấn Độ
Trước tiên là tầm bắn, trong khi BrahMos phiên bản dưới nước vẫn giữ cự ly 290 - 300 km thì con số này ở 3M-54E chỉ còn 220 km, giúp tàu ngầm tung đòn tấn công hủy diệt từ cự ly xa hơn đáng kể.
Quỹ đạo bay của BrahMos là siêu âm toàn quá trình, khiến cho phương tiện mang có thể nhanh chóng rút lui bí mật nhằm tránh đòn phản kích từ phía đối phương.
Đơn giá của tên lửa do Ấn Độ sản xuất theo ước tính khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt chỉ còn 2,3 triệu USD, trong khi đó giá trị một quả Klub-S ít nhất cũng phải 5 triệu USD (Ấn Độ từng mua phiên bản Klub tấn công mặt đất với số tiền 6,5 triệu USD/quả).
Gia đình tên lửa hành trình đối hạm siêu âm Klub của Nga
Tuy nhiên so với Klub-S thì BrahMos vẫn tồn tại một số nhược điểm cần phải lưu tâm.
Do sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng mà BrahMos muốn đạt tầm bắn tối đa phải lên tới trần bay 14.000 m rồi mới hạ thấp xuống nhằm tránh ảnh hưởng của sức cản không khí. Đây có thể coi là điểm yếu lớn nhất vì chiến hạm hiện đại trang bị hệ thống phòng không tầm xa sẽ dễ dàng phát hiện và bắn hạ trước khi nó kịp bước vào hành trình bay thấp.
Còn nếu sử dụng quỹ đạo bay thấp - thấp ngay từ đầu, tầm bắn của BrahMos sẽ chỉ còn trên 100 km, trong điều kiện tác chiến thực tế con số này còn ngắn hơn nhiều, ước chừng chỉ vào khoảng 50 - 60%.
Trong khi đó 3M54E lắp động cơ phản lực 2 chế độ hoạt động, giúp tên lửa bay bám biển ở tốc độ cận âm ngay từ giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện từ xa để đánh chặn là gần như không thể.
Đến giai đoạn tiếp cận mục tiêu, động cơ sẽ sang chế độ bật tăng lực, đẩy vận tốc lên tới Mach 2,9. Sự thay đổi đột ngột này khiến hệ thống phòng không hạm tàu không kịp thay đổi trạng thái để phản ứng.
Ngoài ra do phần lớn thời gian là bay cận âm có tác dụng tiết kiệm được lượng nhiên liệu mang theo. Vì vậy tên lửa Klub có kích thước nhỏ gọn, diện tích phản xạ radar và mức độ bộc lộ hồng ngoại đều thấp hơn BrahMos.
Liệu Kilo 636 có được trang bị "song kiếm" Klub-S - BrahMos?
Sự kết hợp BrahMos - Klub-S được cho là phù hợp với những lực lượng hải quân có ngân sách còn hạn chế, không thể trang bị số lượng lớn vũ khí với tính năng cao cấp.
Trong tác chiến, BrahMos sẽ phụ trách các mục tiêu giá trị thấp và có hệ thống phòng thủ ít tinh vi hơn, số còn lại (như khu trục hạm phòng không) sẽ giao cho Klub-S phụ trách.
Cách làm này tương đối giống mô hình tích hợp BrahMos vào hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P nhằm "giảm tải" cho Yakhont, cho nên viễn cảnh Ấn Độ xuất khẩu được tên lửa BrahMos cho những đồng minh đang sử dụng tàu ngầm Kilo 877EKM/636 là rất sáng sủa.
Nguồn tin: thoidai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn