“Vá” tàu hay tháo ra đóng lại?
Đại diện Sở NNPTNT Bình Định cho hay, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã thực hiện kéo lên đà cả 5 tàu để sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án khắc phục nên các tàu này vẫn... nằm chờ.
Theo kết quả kiểm định gần đây nhất của cơ quan chức năng, 10 mẫu thép Trung Quốc trên 5 tàu cá đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (mỗi tàu lấy 2 mẫu tại phần mạn và đáy tàu) thì tính chất cơ lý, tất cả 10 mẫu thép đều đạt quy định về nhiệt luyện và tính cơ học đối với loại thép thường, cấp thép A theo Bảng 7A/3.4 của QCVN 21:2010/BGTVT.
Tuy nhiên, về thành phần hóa học: 7/10 mẫu không đạt cấp thép A do có thành phần Mangan (Mn) thấp hơn so với quy định theo Bảng 7A/3.1 của QCVN 21:2010/BGTVT.
5 tàu vỏ thép rỉ sét do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng vẫn chờ phương án khắc phục. Ảnh: D.T
Ngày 9.8, Sở NNPTNT Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thay thế phần thép Trung Quốc không đạt cấp thép A bằng thép Hàn Quốc cấp A, theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Tổng cục Thủy sản.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại cho rằng, thành phần Mn của mẫu thép bị hao hụt thấp đi là do trong quá trình thi công đóng tàu, tôn thép đã qua quá trình xử lý cắt hơi, hàn có nhiệt cao. Mặt khác qua quá trình vận hành khai thác trên biển thân vỏ tàu bị xâm thực, hoen gỉ do quy trình làm sạch bề mặt cộng với chất lượng sơn, quy trình sơn chưa đảm bảo nên đã ảnh hưởng đến tính chất của tôn thép. Công ty này khẳng định và cam kết vật liệu thép dùng để đóng các tàu cá nêu trên là thép cấp A đảm bảo đủ điều kiện đóng tàu cá theo quy định(?)
Chiều 22.8, UBND tỉnh Bình Định có cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT về việc khắc phục tàu 67 hư hỏng. Ảnh: D.T
Theo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, hiện công ty này và các chủ tàu đã thống nhất xây dựng phương án sửa chữa và thay thế phần tôn thép cho các tàu cá.
Đối với 1 tàu cá có 2 mẫu thép đều đạt cấp thép A, công ty tiến hành sửa chữa và sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình với chất lượng sơn tốt nhất. Về phần chênh lệch giá tôn thép đã thanh toán bằng thép Hàn Quốc, công ty sẽ phối hợp làm việc với Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài (Bình Định) và chủ tàu để tính toán lại giá trị chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc để chuyển trả cho ngân hàng, giảm vốn vay cho chủ tàu.
Đối với 4 tàu cá còn lại (có 7 mẫu thép không đạt thép cấp A, thiếu Mn), công ty thay mới bằng tấm thép Hàn Quốc cấp A, sửa chữa và sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình với chất lượng sơn tốt nhất. Công ty phối hợp làm việc với Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài và chủ tàu tính toán lại giá trị chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc. để chuyển trả cho ngân hàng, giảm vốn vay cho chủ tàu.
Tỉnh xin ý kiến Bộ, Bộ nói tỉnh quyết định
Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: “Trong 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 1 tàu đạt cấp thép A thì tôi chấp nhận con tàu này sẽ được cào ra sơn lại theo quy trình. Còn đối với 4 tàu không đạt, nếu thay thế thép thì làm sao biết thép nào đạt? Lấy hết mẫu kiểm tra thì lại mất quá nhiều thời gian. Phương án sửa chữa tàu thì tôi không đồng ý, vì bản thân thép không đạt, cào ra sơn lại thì đi biển được mấy lần? Vì vậy, tôi muốn biết ý kiến của Bộ NNPTNT thế nào?”.
Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: D.T
Theo ông Châu, sau sự cố 20 tàu "67" bị hư hỏng, phía ngân hàng đã có dấu hiệu giảm việc cho vay vốn đóng tàu.
“Doanh nghiệp giả dối thì phải trả lại cho dân bằng chất lượng. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không cầu thị, lấy tiền của dân thì phải trả hết ra để sửa chữa, đừng nói chuyện làm cho xong! Làm ăn kinh tế như vậy thì đất nước chỉ có mạt thôi! Tôi yêu cầu công an tỉnh làm rõ việc này, chứ để sự việc im im trôi qua là không được” - ông Châu nhấn mạnh.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý (đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) mệt mỏi vì "nằm bờ" quá lâu. Ảnh: D.T
Ông Đào Hồng Đức - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) nêu quan điểm: “Thép dưới Mac A thì thành phần thép cơ tính, lý tính đều dưới Mac A, nhưng đối với các thép này (5 con tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) qua kiểm tra cơ tính, lý tính vẫn đảm bảo. Chỉ mỗi chỉ tiêu Mn không đạt nên có cơ sở gốc thép này vẫn là Mac A”(?)
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu, đối với 4 con tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, về mặt kỹ thuật vẫn chưa có sự thống nhất giữa doanh nghiệp, chủ tàu, địa phương và cơ quan giám định; cần phải được xử lý dứt điểm để ngư dân sớm vươn khơi.
“Chịu trách nhiệm chính về con tàu là cơ sở đóng tàu; còn đăng kiểm, đơn vị tư vấn chỉ trách nhiệm 1 phần thôi. Tôi không thể trả lời Bộ NNPTNT chọn phương án khắc phục nào, vì Bộ chỉ xây dựng quy chuẩn, Tổng cục Thủy sản cũng đã trả lời rồi. Còn quyết định thế nào thì do địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sẽ là người đưa ra quyết định khắc phục chính thức”.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu nhanh chóng sửa chữa tàu 67 hư hỏng. Ảnh: D.T
Thứ trưởng Tám đã đưa ra ý kiến cá nhân khi đề nghị UBND tỉnh Bình Định cần mời chuyên gia, đơn vị tư vấn vật liệu để cùng phân tích kết quả giám định. Căn cứ vào quy chuẩn đóng tàu, thực tiễn hiệu quả để sửa chữa nhanh và đảm bảo chất lượng.
“Tỉnh cần nhanh chóng đưa ra quyết định phương án cho hoàn thiện sửa chữa hay phải tháo ra đóng mới lại hoàn toàn. Nếu không đồng ý sửa chữa thì phải tháo ra hết chứ không thể thay từng tấm thép được. Còn việc thép không đúng xuất xứ thì phải tính toán lại giá thành là điều đương nhiên” - Thứ trưởng Tám nói.
Nguồn tin: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn