Hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế: "Bóng ma" đang trở lại?

Thứ hai - 02/03/2020 02:30
Việc truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi là nguyên nhân gây ra nhiều vụ kết án oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự, khiến người dân và doanh nhân thường trực hoang mang, kéo lùi sự phát triển đi lên của đất nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế: "Bóng ma" đang trở lại?

 

Dù Chính phủ đã phải ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, với mục tiêu và nguyên tắc rất rõ: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự". Thế nhưng, câu chuyện hình sự hóa vẫn lẩn khuất trong các quan hệ kinh tế, như một "bóng ma".

1. Trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước vào 29/4/2016, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định mạnh mẽ: Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước! Và trong suốt cuộc đối thoại kéo dài từ 8h đến gần 13h30, thông điệp "Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đến 3 lần.

Đáng chú ý, ngay sau cuộc đối thoại trên, vào 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về "hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020", trong đó nổi bật là mục tiêu và nguyên tắc: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật".

Dấu ấn của Nghị quyết 35/NQ-CP được thể hiện rất tích cực chỉ 1 năm sau đó. Tại "Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2" - buổi gặp gỡ của Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 - bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng, chủ trương không hình sự hóa đã giúp các doanh nghiệp cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình, nâng cao tư tuy dám nghĩ dám làm, góp phần khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiên phong, rủi ro cao. Từ đó doanh nghiệp có thể huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời giải phóng sức lao động, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước…

Không chỉ riêng bà Nga, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã thể hiện sự vui mừng. Theo họ, đây giống như một sự "cởi trói" thực sự.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Nam Á, con trai thứ của bà Tư Hường. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Nam Á, con trai thứ của bà Tư Hường. Ảnh: TL

2. Cảm giác được "cởi trói" ấy có lẽ đến từ việc từng có rất nhiều "vết đen" trong thực hiện truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi, đã xảy ra trên khắp cả nước. Đó là chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn ở TP.HCM, là các doanh nhân Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định),... bị "khép" các tội danh trốn thuế, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản oan khuất, gây hoang mang, sợ hãi trong không chỉ giới doanh nghiệp.

Và cần nhớ rằng, những hộ kinh doanh, doanh nghiệp nói trên chỉ là vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ, việc khép tội hình sự lên họ chỉ lập tức ảnh hưởng tới một số người. Còn với việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế liên quan đến một doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang diễn ra tại TP.HCM, hậu họa là không thể đoán lường.

Theo đó, ngày 22/6/2019, Nam A Bank đã phát đi thông cáo về việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn (96 tuổi) và ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, con ruột ông Nguyễn Chấn).

Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Quốc Toàn đã lập tức khẳng định đây chỉ là việc gia đình. "Chúng tôi mong các cơ quan giúp đỡ, tạo điều kiện không đẩy vụ việc ra vấn đề hình sự, để gia đình chúng tôi có thể ngồi lại với nhau nhằm thực hiện tâm nguyện của mẹ tôi (cố doanh nhân Tư Hường), bởi mấu chốt vụ việc chỉ là tranh chấp tài sản", ông Toàn khẳng định.

Về việc ông Nguyễn Quốc Toàn có ý thức chiếm đoạt tài sản của cha mẹ hay không, ông Nguyễn Chấn cho rằng: Ông chỉ tạm giao cho con trai chìa khóa két sắt, mở hay không, mở lúc nào và dùng các giấy tờ có giá trị vào việc gì thì phải được ông cho phép. Nhưng ông Toàn đã tự ý mở két sắt khi chưa được sự đồng ý của ông, tự ý sang tên cổ phần, chuyển dịch tài sản cho các cá nhân khác…

Thêm nữa, trong một diễn biến liên quan, 3 người con gái của ông Chấn lại vừa khẳng định các tài sản mà ông Toàn mua bán, chuyển nhượng là hợp pháp, hợp lệ vì đó là tài sản mà bà Tư Hường đã chia cho các con trước khi mất, thậm chí tố cáo cả cha mình.

Từ đó, giới luật sư, doanh nhân đã nhận định: Việc xử lý hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp này khá khiên cưỡng, bởi có sự mâu thuẫn lớn trong chính gia đình họ, và ranh giới giữa "được tín nhiệm" và ý thức chiếm đoạt rất khó phân định.

3. Vụ tranh chấp tài sản giữa những người lãnh đạo trực tiếp và có liên quan tới Nam A Bank đã và đang khiến người trong cuộc, cộng đồng doanh nhân và dư luận xã hội hoang mang tột độ, bởi nó hoàn toàn có thể thành "tiền lệ xấu" đối với các tranh chấp trong nội bộ các "đại gia đình" đang lớn mạnh tại Việt Nam trong tương lai.

Về việc nên hay không nên, cần hay không cần hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế này, xin được quay trở lại cuộc đối thoại "lịch sử" giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp kéo dài từ 8h đến gần 13h30 ngày 29/4/2016.

Tại cuộc đối thoại lịch sử ấy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ tham mưu với Chính phủ bổ sung sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Trước hết là sửa điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định cụ thể hơn về điều kiện, thời điểm thẩm định, hình thức nộp hồ sơ…

Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Ông cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin để ngăn ngừa, xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

Tiếp lời của Bộ trưởng Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh".

Đó là tinh thần, là kim chỉ nam để các cơ quan hành pháp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần nắm chắc, bám chắc trong quá trình làm việc, trên hành trình làm ăn kinh doanh, nỗ lực đổi mới sáng tạo. Có thế, "bóng ma" quá khứ mới bị triệt đường trở lại.

Theo: https://tuoitrethudo.com.vn/hinh-su-hoa-cac-quan-he-hanh-chinh-kinh-te-bong-ma-dang-tro-lai-d2068977.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây