Sai phạm quản lý đất đai
Thời gian qua, hàng loạt vụ sai phạm, tham nhũng của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất - một trong những lĩnh vực xảy ra tiêu cực và tham nhũng nặng nề nhất.
Điển hình tại Tp. HCM trong giai đoạn 2010-2016 đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, việc này đã khiến nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành của địa phương bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố.
Tháng 12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM và một số cán bộ thuộc cấp Sở của thành phố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1).
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn nếu thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, 4 CTCP được thuê “đất vàng” đều thuộc Bộ Công Thương, với chiêu bài “góp vốn bằng đất” và sau đó “đi đêm” với đối tác tư nhân, thì giá trị cả khu đất được định đoạt chỉ 200 tỷ đồng.
Hay như vụ án “rúng động” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TTCP đã phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt là liên quan đến việc đầu tư các dự án bằng hình thức hợp đồng BT. Nhiều quan chức Tp. HCM bị đề nghị xem xét kỷ luật. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Tp. HCM, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Tại Đà Nẵng, đã xảy ra vụ việc Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật. Các cựu lãnh đạo Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011; Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng bị đưa ra xét xử với mức án đề nghị thấp nhất là 3 năm tù, nhiều nhất là 11 năm tù.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng nghìn vụ sai phạm về quản lý đất đai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua. Qua đó đều cho thấy, đất đai như miếng mồi ngon để những chiếc vòi bạch tuộc tham nhũng bám lấy. Các chuyên gia cho rằng, một số lỗ hổng trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã để cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác. Điều này cho thấy nhu cầu bức thiết cần phải sửa đổi Luật Đất đai để bịt các lỗ hổng đó.
Lấp đầy khoảng trống
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Trong đó, lỗ hổng kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo ông Tuyến, nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật đất đai của nước ta còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước, do đó số liệu thông tin điều tra cũng có sự khác nhau. Việc thanh tra, kiểm tra, mặc dù phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng dường như còn ít các xử lý về hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền.
Hơn nữa, chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật.
Giới chuyên gia cho rằng, cần phải sửa Luật Đất đai để ngăn chặn những sai phạm đất đai đang gây nhức nhối xã hội.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải pháp trước mắt cần làm ngay để cuộc sống không phải chờ đợi là dựa theo 3 nguyên tắc thực thi pháp luật khi có xung đột: Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn; văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn; văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó.
Đối với các khoảng trống pháp luật, Chính phủ nên tổ chức rà soát để xác định các nội dung cần bổ sung nhằm lấp đầy khoảng trống. Từ đó, xây dựng gấp một Nghị định quy định bổ sung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành Nghị định này. Nghị định đó cần tập trung vào quy định thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư.
Theohttps://thoibaokinhdoanh.vn/toan-canh/sua-luat-dat-dai-cuu-nganh-bat-dong-san-vuot-dai-dich-covid-19-1067610.html
Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn