Câu chuyện bi hài về bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, SN 1975) chưa học hết cấp 3, vốn làm nghề cắt tóc gội đầu nhưng mượn bằng cấp 3 của chị gái để học tiếp và ngoi lên chức vụ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khiến dư luận râm ran suốt mấy ngày qua.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) nhấn mạnh trong sự việc này, cần phải xem xét hình thức kỷ luật Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở khi không làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong công tác cán bộ.
“Sự việc ở Đắk Lắk cho thấy, công tác cán bộ ở địa phương vẫn còn nhiều sơ hở. Vấn đề tin tưởng cán bộ trong cơ quan là điều rất tốt, nhưng không thể thay thế cho những nguyên tắc thẩm tra cơ bản trong công tác cán bộ.
Những quy định mà Đảng đã đề ra rất rõ, tất cả các cấp ủy phải tuân thủ, thực hiện đúng trên tinh thần chỉ đạo về công tác cán bộ”, ông Nguyễn Túc nói.
Theo nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, nữ cán bộ trên hiện là Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, đó là vị trí nắm nhiều thông tin quan trọng của tổ chức cấp tỉnh và cơ sở.
Việc em gái lấy bằng của chị ruột đi xin tuyển, làm việc diễn ra trong thời gian dài, giờ mới được phát hiện cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác cán bộ của tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Túc
Cho đến thời điểm này, qua những thông tin mà Tỉnh ủy cung cấp thì chưa thấy có biểu hiện nào của việc “chạy chức, chạy quyền”. Thời điểm xét tuyển diễn ra khá lâu, thời điểm đó vấn đề chạy chức chạy quyền còn rất hiếm. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra, công tác xét tuyển cán bộ ở các cấp còn nhiều yếu kém.
“Việc em gái lấy bằng của chị ruột đi xin tuyển, làm việc diễn ra trong một thời gian dài, giờ mới được phát hiện cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác cán bộ của tỉnh Đắk Lắk.
Vấn đề thẩm tra, xác minh thông tin cán bộ này là nhiệm vụ của cấp ủy nơi bà Trần Thị Ngọc Ái Sa sinh hoạt và cũng là trách nhiệm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Chính vì việc thẩm tra không đúng quy trình, cho nên mới xảy ra tình huống buồn cười như thế”, ông Nguyễn Túc khẳng định.
Theo ông Nguyễn Túc, một trong những yêu cầu của cán bộ Đảng là tính trung thực. Hành động “không trung thực” còn nặng hơn “che giấu” tổ chức và Đảng về thông tin lý lịch. Hành vi này cần phải bị kỷ luật. Mức độ kỷ luật tùy thuộc vào sai phạm và mức độ ảnh hưởng của sự việc đó.
Bài học rút ra sau vụ việc này, theo đánh giá của ông Nguyễn Túc, là Tỉnh ủy, cấp ủy ở địa phương cần phải thắt chặt công tác thẩm tra lý lịch cán bộ, chấp hành nghiêm chỉnh quy trình xét duyệt trong công tác cán bộ mà Đảng đã ban hành.
Trong vấn đề này, Ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở cũng phải kiểm điểm vì thiếu sót, vì không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Mức độ kỷ luật sẽ do lãnh đạo cấp trên xem xét, quyết định.
Như VTC News đưa tin, ngày 4/10, Trưởng phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, trú thành phố Buôn Ma Thuột) bị tố cáo sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái để xét tuyển công chức và đề bạt cán bộ.
Ngay sau khi nhận được thông tin tố cáo trên, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk xác minh. Theo thông tin ban đầu, nữ trưởng phòng thừa nhận trước tổ chức về hành vi sử dụng bằng cấp 3 của chị gái và chủ động nộp đơn xin nghỉ việc.
Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sau đó chỉ đạo họp, kiểm điểm về vấn đề trên, đồng thời thẩm tra quá trình xác minh lý lịch, kiểm điểm người giới thiệu bà Sa làm việc, kết nạp Đảng.
Tiếp đó, Ban tổ chức Tỉnh ủy có văn bản chuyển qua Văn phòng Tỉnh ủy để xử lý về mặt Đảng, chính quyền để xử lý theo đúng quy định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn