Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (LHN&GĐ năm 2014) quy định: “Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.
Điều 53 LHN&GĐ năm 2014 quy định: “Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn
[…] Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này […]”.
Điều 55 LHN&GĐ năm 2014: “Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Như vậy, theo nội dung mà LHN&GĐ năm 2014 quy định thì đối với yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” được Tòa án “thụ lý đơn yêu cầu ly hôn” để giải quyết chứ không phải “thụ lý đơn thuận tình ly hôn”. Xem quy định tại Điều 28 và Điều 29 BLTTDS năm 2015 cũng không thấy có quy định cụ thể nào về thẩm quyền của Tòa án đối với yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng”. Chính vì vậy đã dẫn đến thực tiễn xét xử còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định thủ tục thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là theo vụ án dân sự hay việc dân sự.
1.Thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng từ thực tiễn xét xử
Tình huống thứ nhất
Bà L và ông T chung sống như vợ chồng từ tháng 5-1987 nhưng không đăng ký kết hôn. Ngày 07-5-2018, bà L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết không công nhận là vợ chồng giữa bà với ông T, không yêu cầu giải quyết tài sản chung và con chung (đã trưởng thành). Trong biên bản lấy lời khai, ông T không đồng ý với yêu cầu không công nhận hôn nhân của bà L.
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: “[…] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: […] yêu cầu khởi kiện của bà L đối với ông T thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân […] được quy định tại khoản 7 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 […]”.
Như vậy, rõ ràng rằng, trong trường hợp này Tòa án đã xác định việc khởi kiện “không công nhận quan hệ vợ chồng” được thụ lý giải quyết theo thủ tục vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015, cụ thể là “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật” nhưng Tòa án đã không giải thích lý do tại sao.
Mặt khác, tại phần số hiệu, ký hiệu và trích yếu của bản án, Tòa án ghi nhận là Bản án số: 30/2018/HNGĐ – ST V/v: “Yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng”. Như vậy, trích yếu này không tương thích với tranh chấp tại khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015 được Tòa án nêu tại phần nhận định của mình.
Tình huống thứ hai
Ông S và bà L tự nguyện sống chung với nhau từ năm 1990 nhưng không đăng ký kết hôn.
Ngày 28-11-2017, ông S gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết không công nhận quan hệ vợ chồng giữa ông S và bà L. Ông S và bà L đã tự thỏa thuận về con chung (đã trưởng thành) và tài sản chung, không yêu cầu Tòa án xem xét.
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: “[…] Căn cứ khoản 11 Điều 29; điểm b khoản 2 Điều 35; Điều 361 Bộ luật Tố tụng dân sự “Yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng” của ông S và bà L thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân […]”.
Như vậy, Tòa án trong trường hợp này đã cho rằng yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” sẽ được thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự căn cứ vào khoản 11 Điều 29 BLTTDS năm 2015, cụ thể là “Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật” nhưng không đưa ra giải thích lý do tại sao.
Tình huống thứ ba
Anh L và chị L kết hôn với nhau năm 1994. Anh chị khai có đăng ký kết hôn nhưng hiện nay giấy đăng ký kết hôn đã mất và tại Ủy ban nhân dân cũng không còn sổ lưu về việc đăng ký kết hôn giữa anh L và chị L.
Ngày 05-6-2019, anh L khởi kiện yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng với chị L. Anh L xin tự thỏa thuận với chị L về việc nuôi dưỡng con chung là T (chưa thành niên), không yêu cầu giải quyết tài sản chung
Chị L cho lời khai đồng ý với yêu cầu của anh L vì chị cũng xác định không còn tình cảm với anh L. Chị L cũng có nguyện vọng xin được trực tiếp nuôi cháu T, còn việc cấp dưỡng nuôi con chị không yêu cầu.
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: “[…] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là quan hệ pháp luật “Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, tranh chấp về nuôi con” theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 […]”.
Như vậy, trong trường hợp này, Tòa án dường như cho rằng yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” nếu các bên không thỏa thuận được vấn đề nuôi con thì sẽ được thụ lý giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự căn cứ vào khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015, cụ thể là “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật”, nhưng không đưa ra lý giải tại sao. Mặt khác, việc Tòa án xác định quan hệ pháp luật là “Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, tranh chấp về nuôi con” cho thấy dường như Tòa án cũng đang lúng túng trong việc xem yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự hay việc dân sự.
Từ những phân tích trên, có thể thấy các Tòa án vẫn còn có nhận định và cách giải quyết khác nhau trong việc thụ lý và giải quyết yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” theo thủ tục vụ án dân sự hay việc dân sự, bao gồm việc các đương sự chỉ có yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng hay có cả yêu cầu về con chung, tài sản chung kèm theo.
Do đó, vấn đề tiếp theo cần được phân tích là nếu các bên chỉ yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, không có yêu cầu giải quyết về vấn đề con chung và tài sản chung thì Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự hay việc dân sự.
2.Thụ lý và giải quyết đối với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng không có yêu cầu giải quyết về con chung, tài sản chung
2.1. Quan điểm thứ nhất: yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng phải được thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự.
Theo quan điểm này, yêu cầu của các bên về việc “không công nhận quan hệ vợ chồng” chỉ có thể là yêu cầu “không công nhận một sự kiện pháp lý”, là căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ như vợ chồng và là việc dân sự theo Điều 361 BLTTDS năm 2015. Điều này có thể được giải thích bởi các lý do:
Một, căn cứ để Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng là việc các bên sống chung nhưng không đăng ký kết hôn hoặc có đăng ký kết hôn nhưng không đúng cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, việc đăng ký kết hôn là một thủ tục hành chính được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định trong LHN&GĐ năm 2014, Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản khác có liên quan. Do đó, việc không đăng ký kết hôn không phải là quan hệ giữa các bên với nhau mà là quan hệ giữa các bên với cơ quan Nhà nước. Vì thế, các bên không thể phát sinh tranh chấp với nhau trong việc có hay không có đăng ký kết hôn mà chỉ có thể phát sinh với cơ quan nhà nước (trong trường hợp này phải giải quyết bằng con đường tố tụng hành chính).
Hai, việc giải quyết của Tòa án đối với yêu cầu này chỉ là xem xét các bên có thực hiện đúng các thủ tục hành chính về đăng ký kết hôn hay không, không giải quyết các vấn đề về mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng. Trong trường hợp các bên đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn đúng quy định thì không chấp nhận yêu cầu, ngược lại, nếu các bên không thực hiện việc đăng ký kết hôn hoặc thực hiện không đúng cơ quan có thẩm quyền thì ra quyết định “không công nhận quan hệ vợ chồng”.
Ba, về cơ bản, việc không công nhận quan hệ vợ chồng và hủy kết hôn trái pháp luật đều là việc Tòa án không thừa nhận quan hệ vợ chồng được xác lập không đúng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, đây là việc dân sự theo khoản 1 Điều 29 BLTTDS năm 2015. Do đó, yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng cũng phải được hiểu là việc dân sự để có sự thống nhất.
Bốn, không thể dựa vào việc có sự phản đối mà xác định đó không phải là việc dân sự. Trong BLTTDS năm 2015 cũng có quy định một số yêu cầu được giải quyết theo thủ tục việc dân sự dù có tồn tại sự phản đối của các bên liên quan, chẳng hạn như “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”.
Mặt khác, Điều 29 BLTTDS năm 2015 không có điều khoản cụ thể quy định về yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng nên theo quan điểm này, Tòa án chỉ có thể áp dụng khoản 11 Điều 29 BLTTDS năm 2015 “Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật” để thụ lý giải quyết.
Trong Tình huống thứ hai, mặc dù Tòa án không giải thích rõ lý do tại sao lại thụ lý và giải quyết yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” theo thủ tục việc dân sự căn cứ vào khoản 11 Điều 29 BLTTDS năm 2015, nhưng có lẽ Tòa án đã vận dụng quan điểm thứ nhất này để áp dụng.
Tương tự như vậy đối với Tình huống thứ nhất, nếu áp dụng quan điểm vừa nêu thì Tòa án cũng phải thụ lý và giải quyết yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” của bà L. Trường hợp bà L làm đơn khởi kiện mà không làm đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự thì Tòa án phải hướng dẫn bà L làm lại đơn yêu cầu theo mẫu thì Tòa án mới có thể thụ lý giải quyết theo việc dân sự.
2.2. Quan điểm thứ hai: Yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng phải được thụ lý giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự nếu “có tranh chấp”
Theo quan điểm này, được coi là “có tranh chấp” nếu như các bên không thỏa thuận thống nhất được việc không công nhận quan hệ vợ chồng và không cùng nhau yêu cầu Tòa án giải quyết. Quan điểm này xuất phát từ mục đích của việc “không công nhận quan hệ vợ chồng” và “ly hôn” về bản chất là tương đồng nhau, đều làm chất dứt quan hệ vợ chồng/như vợ chồng giữa các bên.
Trong khi đó, đối với ly hôn, LHN&GĐ năm 2014 và BLTTDS năm 2015 chia thành hai trường hợp:
- Đơn phương ly hôn được thụ lý và giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự (Điều 56 LHN&GĐ năm 2014, khoản 1 Điều 28 BLTTDS năm 2015) là trường hợp một bên vợ hoặc chồng khởi kiện yêu cầu ly hôn, giữa các bên có tranh chấp về việc ly hôn và/hoặc tranh chấp về con chung và/hoặc tranh chấp về tài sản chung;
- Thuận tình ly hôn được giải quyết theo thủ tục việc dân sự (Điều 55 LHN&GĐ năm 2014, khoản 2 Điều 29, Điều 396 BLTTDS năm 2015) là trường hợp vợ, chồng cùng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, không yêu cầu giải quyết vấn đề con chung và tài sản chung hoặc có mà các bên thỏa thuận được.
Như vậy, tương tự như ly hôn, nếu các bên thỏa thuận thống nhất về việc không công nhận quan hệ vợ chồng và cùng làm đơn yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng thì Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự. Ngược lại, nếu chỉ có một bên đơn phương yêu cầu hoặc trong quá trình giải quyết yêu cầu thuận tình có sự phản đối thì Tòa án phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự.
Trong Tình huống thứ nhất, mặc dù Tòa án không giải thích rõ lý do tại sao lại thụ lý và giải quyết yêu cầu “không công nhận quan hệ vợ chồng” theo thủ tục vụ án dân sự. Tuy nhiên, có lẽ Tòa án đã dựa vào việc bà L làm đơn khởi kiện đơn phương, không có sự thống nhất với ông T về việc không công nhận quan hệ vợ chồng giữa ông bà nên theo quan điểm đang phân tích thì đây là trường hợp “có tranh chấp” và phải được giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự.
Áp dụng quan điểm nêu trên vào Tình huống thứ hai, có thể thấy trong trường hợp này, chỉ có một mình ông S làm đơn yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng với bà L. Do đó, theo quan điểm này, Tòa án cũng phải thụ lý và giải quyết yêu cầu của ông S theo thủ tục vụ án dân sự, nghĩa là phải hướng dẫn để ông S làm đơn khởi kiện vụ án dân sự (mặc dù bà L đồng ý với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng của ông S và giữa các bên không có tranh chấp nào khác).
Tuy nhiên, việc áp dụng quan điểm này vào thực tiễn xét xử còn gặp phải một vấn đề cần phải xem xét, đó là Tòa án sẽ thụ lý giải quyết theo quan hệ tranh chấp nào tại Điều 28 BLTTDS năm 2015?
- Tòa án sẽ thụ lý giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng theo khoản 1 Điều 28 “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn”
Chẳng hạn, trong một tình huống, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định “nguyên đơn là bà L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết không công nhận quan hệ vợ chồng với ông L1 là loại việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.
Quan điểm này dựa vào quy định tại khoản 2 Điều 53 LHN&GĐ năm 2014 “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này” và hướng dẫn tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP được nêu ở trên. Theo đó, việc không công nhận quan hệ vợ chồng được giải quyết khi các bên có yêu cầu ly hôn. Do vậy, dù các bên có yêu cầu riêng về “không công nhận quan hệ vợ chồng” thì cũng phải thụ lý và giải quyết theo quan hệ tranh chấp về ly hôn tại khoản 1 Điều 28 BLTTDS năm 2015.
- Tòa án sẽ thụ lý giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng theo khoản 7 Điều 28 “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật”
Trong Tình huống thứ nhất, Tòa án đã nhận định yêu cầu khởi kiện không công nhận quan hệ vợ chồng của bà L đối với ông T thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân được quy định tại khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015.
Quan điểm này có thể được giải thích bởi việc khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án đối với hệ quả của việc chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký (về con chung, tài sản chung), mà hệ quả này xuất phát từ việc Tòa án ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng. Do đó, đối với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, Tòa án cũng phải giải quyết theo khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015.
- Tòa án sẽ thụ lý giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng theo khoản 8 Điều 28 “Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”
Chẳng hạn, trong một tình huống, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định “nguyên đơn chị S khởi kiện yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng với bị đơn anh Tr, đây là những tranh chấp về hôn nhân và gia đình được pháp luật dân sự điều chỉnh và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 8 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.
Quan điểm này dựa vào việc Điều 28 BLTTDS năm 2015 không có quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa án đối với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng. Do đó, Tòa án chỉ có thể dựa vào khoản 8 Điều 28 BLTTDS năm 2015 “Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật” để thụ lý và giải quyết yêu cầu nêu trên.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng theo thủ tục vụ án dân sự hay việc dân sự còn có nhiều quan điểm trái chiều với nhau. Vấn đề tiếp theo được phân tích là trong trường hợp các bên ngoài yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, còn có yêu cầu giải quyết các vấn đề về con chung, tài sản chung thì Tòa án phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục gì.
3.Thụ lý và giải quyết đối với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng có yêu cầu giải quyết về con chung, tài sản chung
Theo các quy định tại Điều 14, 15, 16 LHN&GĐ năm 2014 đã đề cập ở trên, việc không công nhận quan hệ vợ chồng giữa các bên còn có thể dẫn đến hệ quả về con chung, tài sản chung. Mặt khác, phần phân tích trên đã cho thấy có nhiều cách hiểu khác nhau về việc thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng. Do đó, trong trường hợp có yêu cầu giải quyết về các hệ quả này cùng với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, việc xác định thủ tục thụ lý và giải quyết là vụ án dân sự hay việc dân sự phụ thuộc vào việc áp dụng quan điểm nào.
3.1. Quan điểm thứ nhất: Tòa án sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự nếu các bên không có tranh chấp, thủ tục vụ án dân sự nếu các bên có tranh chấp
Theo quan điểm này, Tòa án phải giải quyết trong cùng vụ việc yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng và hậu quả phát sinh (con chung, tài sản chung). Nếu các bên đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết con chung, tài sản chung và cùng yêu cầu Tòa án công nhận, đồng nghĩa với việc không phát sinh tranh chấp thì Tòa án phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục việc dân sự. Ngược lại nếu các bên có tranh chấp với nhau, một bên đơn phương yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng thì giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự. Điều này xuất phát từ các lý do:
Thứ nhất, nếu theo quan điểm cho rằng yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng luôn là việc dân sự thì việc các bên đã có thỏa thuận về con chung, tài sản chung và cùng yêu cầu Tòa án công nhận thì đây cũng là việc dân sự. Do đó, Tòa án có thể giải quyết các yêu cầu này trong cùng một việc dân sự.
Thứ hai, nếu áp dụng quan điểm xác định việc thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng dựa vào yếu tố “có tranh chấp” giữa các bên thì rõ ràng trong trường hợp các bên đã thỏa thuận tất cả các vấn đề, không phát sinh tranh chấp thì Tòa án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự, tương tự với trường hợp thuận tình ly hôn.
Thứ ba, như đã đề cập, vấn đề giải quyết về con chung, tài sản chung là hệ quả của việc không công nhận quan hệ vợ chồng, do đó các yêu cầu này cần phải được giải quyết chung với nhau. Vì thế, cho dù áp dụng quan điểm cho rằng yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng luôn là việc dân sự thì khi các bên có tranh chấp, Tòa án cũng phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự.
Thứ tư, nếu áp dụng theo quan điểm xác định việc thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng dựa vào yếu tố “có tranh chấp” thì trong trường hợp các bên có tranh chấp về con chung, tài sản chung thì Tòa án đương nhiên phải thụ lý giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự.
Trong Tình huống thứ ba, anh L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết không công nhận quan hệ vợ chồng với chị L, đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề về con chung là cháu T (anh L xin được tự thỏa thuận với chị L), về tài sản chung và nợ chung không yêu cầu Tòa án giải quyết. Do ở đây chỉ có anh L khởi kiện nên yêu cầu về giải quyết con chung được xem là “có tranh chấp”. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định đây là quan hệ pháp luật “Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, tranh chấp về nuôi con” tại khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015. Ở đây, Tòa án không giải thích lý do tại sao lại xác định quan hệ pháp luật tranh chấp như vậy, nhưng dường như đang theo hướng áp dụng quan điểm đang phân tích, chỉ cần có tranh chấp về con chung, tài sản chung thì Tòa án phải thụ lý và giải quyết cả yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng theo thủ tục vụ án dân sự.
3.2. Quan điểm thứ hai: Tòa án phải giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng và vấn đề tài sản chung, con chung thành các vụ việc khác nhau nếu các bên có tranh chấp
Quan điểm này xuất phát từ việc xem yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là yêu cầu về việc dân sự, do đó luôn phải được thụ lý và giải quyết theo thủ tục việc dân sự. Đồng thời, thủ tục giải quyết việc dân sự và vụ án dân sự là khác nhau, do đó không thể nào nhập yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng để giải quyết chung cùng với tranh chấp về con chung, tài sản chung.
Mặt khác, khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015 có quy định về “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, mặc dù là hệ quả của việc không công nhận quan hệ vợ chồng nhưng Tòa án hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề này bằng một vụ án riêng biệt nếu các bên có tranh chấp.
Cũng theo quan điểm này, nếu các bên ban đầu có thỏa thuận về giải quyết con chung, tài sản chung nhưng trong quá trình giải quyết cùng với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng theo thủ tục việc dân sự, các bên có phát sinh tranh chấp thì Tòa án phải tách yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng để giải quyết theo thủ tục việc dân sự và tranh chấp về con chung, tài sản chung để giải quyết bằng vụ án dân sự.
Trong Tình huống thứ ba, như đã phân tích, việc Tòa án xác định quan hệ pháp luật là “Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, tranh chấp về nuôi con” mà không có giải thích lý do tại sao cho thấy dường như có sự lúng túng trong việc xác định yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự hay việc dân sự. Do đó, rất có thể ở đây, Tòa án đã cho rằng yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là việc dân sự dù anh L đơn phương yêu cầu, còn đối với việc nuôi con là tranh chấp vì lý do nêu trên. Như vậy, nếu áp dụng quan điểm đang phân tích vào Tình huống thứ ba, Tòa án phải tách tranh chấp nuôi con để giải quyết bằng một vụ án khác, và giải quyết yêu cầu về không công nhận quan hệ vợ chồng theo thủ tục việc dân sự.
Những phân tích vừa nêu đã cho thấy những quan điểm trái chiều trong việc xác định thủ tục thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng (dù có hay không có yêu cầu về con chung, tài sản chung). Do đó, vấn đề tiếp theo là cần xem xét việc xác định thủ tục thụ lý và giải quyết là vụ án dân sự hay việc dân sự ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình giải quyết và quyền lợi của các bên.
4.Hệ quả của việc xác định thủ tục thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự hay việc dân sự
Thủ tục giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự tương đối khác biệt, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, đương sự trong việc dân sự bao gồm người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu thụ lý theo thủ tục vụ án dân sự, một bên vợ/chồng là bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và ngược lại, nếu thụ lý theo thủ tục việc dân sự sẽ không có các quyền này.
Thứ hai, thành phần giải quyết việc dân sự không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân như trong vụ án dân sự. Mặt khác, thành phần giải quyết việc dân sự ở cấp sơ thẩm thông thường chỉ gồm một Thẩm phán (trừ một số trường hợp đặc biệt). Trong khi đó, đối với vụ án dân sự, về nguyên tắc thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm phải là ba hoặc năm người, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
Thứ ba, các mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự khác biệt với nhau. Trình tự nhận đơn, xử lý đơn… trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự và thủ tục giải quyết việc dân sự cũng có sự khác biệt nhất định
Thứ tư, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, thời hạn mở phiên họp đối với giải quyết việc dân sự được quy định ngắn hơn nhiều so với vụ án dân sự. Cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu đối với việc dân sự là 01 tháng, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 366 BLTTDS năm 2015). Trong khi đó, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự theo thủ tục thông thường có thể kéo dài tối đa là 6 tháng (khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015).
Thứ năm, Tòa án mở phiên tòa để xét xử vụ án và mở phiên họp để giải quyết việc dân sự. Mặt khác, theo Điều 24 BLTTDS năm 2015, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử chỉ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, các bên đương sự có quyền tranh luận, đối đáp với nhau, đấu tranh với nhau bằng các chứng cứ, lý lẽ, lập luận tại phiên tòa giữa các bên có quyền lợi đối lập nhau nhằm chứng minh những yêu cầu hoặc phản bác của mình đối với bên kia là xác đáng, có cơ sở và đúng pháp luật; ngược lại những yêu cầu hoặc phản bác của bên kia là không có căn cứ và không đúng pháp luật.
Thứ sáu, trong vụ án dân sự tồn tại các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngược lại, đối với việc dân sự, thực tiễn xét xử hiện nay theo hướng không áp dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trừ trường hợp công nhận và cho thi hành).
Xác định thủ tục thụ lý và giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự hay việc dân sự ảnh hưởng lớn đến các hoạt động tố tụng của Tòa án và các đương sự trong quá trình giải quyết vụ việc đó. Qua những phân tích trong bài viết, cho thấy cần thiết phải sớm có hướng dẫn cụ thể cách thức xác định thủ tục giải quyết đối với các yêu cầu/khởi kiện này, không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động xét xử mà còn có ý nghĩ rất lớn cho việc Tòa án xác định có thể áp dụng giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn hay thủ tục thông thường trong tố tụng dân sự.
Tác giả bài viết: - NCS. HUỲNH QUANG THUẬN ( Giảng viên Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh) -
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn