Sư Toàn 'nổ' có 200 - 300 tỷ khi hoàn tục: Phải ra đi mà không có tài sản gì

Thứ tư - 09/10/2019 20:54
Câu chuyện sư Thích Thanh Toàn (Vĩnh Phúc) xả giới hoàn tục nhưng xin giữ lại tài sản 200-300 tỷ đồng gây tranh cãi. Tiền Phong trao đổi với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xung quanh câu chuyện có hay không việc lẫn lộn “tiền sư, tiền chùa”.
Sư Toàn 'nổ' có 200 - 300 tỷ khi hoàn tục: Phải ra đi mà không có tài sản gì
Sư Toàn trước khi xin hoàn tụcẢnh: pv

Thưa Thượng tọa, việc sư Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng sau khi xả giới hoàn tục xin giữ lại tài sản do mình đứng tên có đúng luật không?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ngay khi nắm được sự việc của thầy Thích Thanh Toàn (bị nữ phóng viên tố gạ tình-PV) sớm chỉ đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ. Ban Trị sự sau cuộc họp hôm 5/10 thống nhất hướng xử lý: Sai phạm của thầy Toàn đã rõ (sai phạm đạo hạnh, giới luật, Phật chế, Hiến chương của GHPGVN, quy định của pháp luật thậm chí từng bị chính quyền địa phương xử phạt nhiều lần). Ban Trị sự Vĩnh Phúc có Quyết định bãi miễn đối với thầy Toàn, thu hồi chức trụ trì chùa Nga Hoàng.

Chuyện thầy Toàn xin giữ lại tài sản, Giáo hội cũng chỉ đạo Ban Trị sự Vĩnh Phúc cần xác minh rõ nguồn gốc tài sản của thầy Toàn. Thứ hai, làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỷ đồng như thầy ấy phát ngôn. Ban trị sự huyện Tam Đảo nắm rất rõ con người thầy Toàn vốn nhiều khi phát ngôn không đúng. Lãnh đạo Ban Trị sự huyện Tam Đảo nói rằng không tin thầy Toàn có khối tài sản như vậy.

 
Sư Toàn 'nổ' có 200 - 300 tỷ khi hoàn tục: Phải ra đi mà không có tài sản gì - ảnh 1
Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu quan điểm tài sản công đức đều thuộc về TăngẢnh: NGUYÊN KHÁNH

Chúng tôi liên hệ Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị hỗ trợ và phối hợp với Ban trị sự xử lý. Chúng tôi nhận được báo cáo nhanh, theo đó tài sản của thầy Toàn đứng tên chỉ có hơn 6.000m2 đất do thầy tự mua xung quanh chùa Nga Hoàng, đều là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Dù việc đứng tên có đúng theo Luật đất đai nhưng chiểu theo Luật Phật, với một vị Tỳ kheo, tất cả tài sản đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Một vị Tỳ kheo ngay cả khi viên tịch có ba tấm y cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không hề có chuyện thừa kế.

Y cứ theo Luật Phật, thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản này. Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội. Còn căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện địa phương. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về Tăng. Việc thầy lí luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân thuộc về Tăng. Nếu thầy không đại diện của Tăng, của Tam Bảo thì không ai công đức cho thầy.

Thực tế có lỗ hổng giữa pháp luật của nhà nước với Luật Phật không thưa Thượng tọa? Bởi nhà chùa không có tư cách pháp nhân, các nhà sư vẫn đứng tên tài sản?

Luật pháp của chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về tài sản này. Do vậy Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc nói rằng thầy Toàn được quyền giữ tài sản đứng tên là có căn cứ. Cho nên qua việc này, Giáo hội cũng cần rút kinh nghiệm. Trước hết về quản lý tăng sự, Ban trị sự chưa được sát sao và nghiêm minh khi thầy Toàn nhiều lần vi phạm mà không giải quyết triệt để. Thứ hai, Ban trị sự chưa tham vấn trực tiếp với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nên mới phát ngôn như vậy.

Tôi xin khẳng định Giáo hội không có niềm tin rằng thầy Toàn có khối tài sản lớn như thế nên đang yêu cầu xác minh nguồn gốc và thực hư con số 200-300 tỷ đồng. Việc quyết định tài sản thầy có sở hữu thế nào do GHPGVN quyết định. Tài sản đó thuộc về Tăng, thuộc về chùa Nga Hoàng và GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay cả ô tô nếu có mang tên thầy Toàn, sau khi xác minh nguồn gốc tài sản, cũng y cứ theo Luật Phật vẫn là tài sản của chùa. Việc thầy xin lại là việc của thầy, Giáo hội có cho phép hay không là chuyện khác.

Giáo hội có biện pháp nào buộc sư Toàn phải giao lại cho Tăng đoàn hay không, bởi nhiều tài sản do sư Toàn đứng tên?

Giáo hội sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc buộc sư Toàn phải thực hiện đúng quy định. Hiện nay, về cơ bản nắm được thầy Toàn chỉ có hơn 6.000m2 đất, GHPGVN đã trao đổi với Ban Tôn giáo tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và địa phương ra quyết định thu hồi đất.

Dư luận băn khoăn có hay chuyện lẫn lộn giữa “tiền sư tiền chùa”, quan điểm của Giáo hội về việc này thế nào thưa ngài?

Có những Phật tử rất rõ ràng, đến chùa có phần công đức cho chùa, phần khác công đức cho thầy. Tiền công đức cho chùa phục vụ cho các hoạt động chung của chùa, chuyện từ thiện, an sinh xã hội. Tiền công đức cho thầy, thầy sử dụng cho mục đích riêng, nhưng tất cả mục đích gì cũng phải phục vụ cho Đạo theo Hiến chương của GHPGVN.

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cũng nêu rõ, các thầy sử dụng tài sản dù là mục đích cho cá nhân như sinh hoạt, đi lại thì phương tiện ấy đều để phục vụ cho hoằng pháp. Chính vì vậy tài sản công đức đó không phải của thầy. Thầy là đại diện của Tăng, Tăng giao cho thầy trụ trì ngôi chùa này thì thầy được sử dụng chứ không thể xác lập tài sản đó là của thầy. Các Phật tử cũng nên hiểu cho đúng, dù cúng gì thì cúng cũng là cho Tăng. GHPGVN sẽ định đoạt, kể cả việc sư Toàn phải ra đi mà không có tài sản gì.

Chỉ là thiểu số

Sư Toàn 'nổ' có 200 - 300 tỷ khi hoàn tục: Phải ra đi mà không có tài sản gì - ảnh 2
Chùa Nga Hoàng nhìn từ trên cao Ảnh: PV

Chuyện sư Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng vừa rồi, việc của sư Thích Thanh Toàn và một số chuyện nhà sư khác khiến niềm tin vào giới tu hành, vào Đạo lung lay. Giáo hội có tính tới việc siết đầu vào ở các thiền viện, chùa hay không?

Đây là câu chuyện không chỉ buồn mà rất buồn, nhưng đó là thiểu số. Không phải tới bây giờ Giáo hội mới đặt vấn đề về đầu vào của những người nhập tu hay mới xuất gia. Ban Tăng sự Trung ương có những quy định rất rõ, chú trọng đầu vào các cơ sở đào tạo, thời gian tới sẽ siết chặt hơn nữa, kéo dài thời gian thử thách.

Xã hội phát triển, việc cấm túc trong chùa hiện nay không hề đơn giản, đồng thời nhu cầu của xã hội về đời sống tâm linh tôn giáo cũng rất cao, các chùa thiếu chư tăng là có thật. Có thể chính vì sự vội vã đó nên cũng nảy sinh những vấn đề về đạo hạnh.

Xã hội cũng cần nhận rõ một bộ phận không phải Phật giáo nhưng ăn mặc hay cạo đầu như Phật giáo rồi nạn sư giả nữa, xã hội nhìn vào cứ quy về đạo Phật. Chúng tôi không bao che việc xấu, tuy nhiên các thầy làm nhiều điều tốt, các cơ sở tự viện, tăng ni sư cặm cụi ngày đêm chăm lo cho xã hội. Giáo hội mong truyền năng lượng tích cực tới xã hội. Xã hội mà có khí thế, có sự lạc quan thì đất nước mới phát triển.

Qua câu chuyện này, tôi cho rằng trước hết phải có niềm tin vào sự trong sáng của đạo. Đạo Phật là tôn giáo của hòa bình, từ bi và trí tuệ. Tôn giáo như một tờ giấy trắng, một chút bụi thôi cả xã hội nhìn nhận rất có vấn đề, bởi vì đó là biểu tượng của niềm tin, biểu tượng của đạo đức xã hội, biểu tượng của đạo hạnh.

Cảm ơn Thượng tọa!

Nhìn nhận khách quan việc nhà sư, nhà chùa “ở” gần tiền

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhận định, câu chuyện sư xin sở hữu tài sản sau khi hoàn tục không mới. Ông cho rằng việc nhà sư sau khi hoàn tục có được giữ lại tài sản đứng tên hay không theo tôi cần phải xác định rõ: Nguồn gốc của những tài sản đó? Những tài sản đó có được khi nào? Có trước khi xuất gia hay trong thời gian xuất gia? Nếu như trong thời gian xuất gia, nhà sư có được những tài sản đó thì tôi ủng hộ quan điểm của Giáo hội. Bởi một khi đã xuất gia, trở thành một thành viên của GHPGVN thì những tài sản có được lúc này cần phải xem là tài sản chung của giáo hội, phục vụ cho giáo hội, phục vụ cho xã hội, chứ không phải là của riêng. 
Về quan điểm “sư không thể ở gần tiền, chùa không thể gần tiền”, PGS.TS Chu Văn Tuấn nói, trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc cho rằng sư không ở gần tiền, chùa không thể gần tiền cần nhìn nhận khách quan. “Điều quan trọng là việc dùng tiền vào việc gì. Nếu như dùng vào việc xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, làm từ thiện xã hội, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, in ấn kinh sách, mở trường, mở lớp... thì rất đáng trân trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc Phật giáo đóng góp tích cực vào đời sống xã hội chúng ta đã thấy rất rõ. Hằng năm, Giáo hội làm từ thiện xã hội, an sinh xã hội hàng ngàn tỷ đồng. Và để làm được điều đó, không thể không có kinh phí. Bên cạnh sự đóng góp của xã hội, bản thân các cơ sở tự viện cũng có những hình thức khác nhau để có kinh phí phục vụ từ thiện xã hội, an sinh xã hội”, ông nói.

 

Tác giả bài viết: NGUYÊN KHÁNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây