Mặt trái dịch vụ khám chữa bệnh ở Viện Sốt rét – KTS – Côn trùng  Quy Nhơn      

Thứ năm - 20/07/2017 19:23
(Phapluat News) - Với lợi thế độc quyền trong khu vực về nghiên cứu chuyên ngành, từ năm 1992 đến nay Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã triển khai dịch vụ khám chữa bệnh ký sinh trùng, thu hút hàng nghìn lượt bệnh nhân mỗi ngày đến từ các tỉnh miền Trung & Tây Nguyên. Hiệu quả từ dịch vụ khám chữa bệnh tại đây được đông đảo người bệnh đón nhận, song cũng đã bộc lộ một số mặt trái khiến dư luận hoài nghi bức xúc. PV Báo Kinh doanh & Pháp luật đã nhập cuộc làm rõ sự thật.
Bình quân mỗi ngày ước tính có đến cả 1.000 lượt người đến đây để khám và điều trị.
Bình quân mỗi ngày ước tính có đến cả 1.000 lượt người đến đây để khám và điều trị.
      
       Kỳ 1: Những điều trông thấy mà đau…
 
     Để được khám và chữa bệnh ký sinh trùng tại đây, bệnh nhân phải chuẩn bị tiền từ 1,5 – 2 triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ đối với một bệnh nhân nghèo nhưng điều đáng nói là nguyên nhân làm tăng chi phí điều trị, trong đó có 2/3 cấu thành từ giá thuốc tăng gấp nhiều lần so với bên ngoài.

     Người nghèo: Xin miễn đến !

     Những năm gần đây, Phòng khám dịch vụ chuyên ngành của Viện Sốt rét – KST – Côn trùng Quy Nhơn (từ đây gọi tắt là Viện KST Quy Nhơn) chỉ nhận khám và điều trị đối với những người bệnh không có thẻ BHYT.

     Nếu ai đó có nhu cầu xét nghiệm máu để phát hiện ký sinh trùng ở Phòng khám Viện KST Quy Nhơn thì phải chuẩn bị tiềm lực tài chính, khoảng 2 triệu đồng/ người, mới đảm bảo cho quy trình từ A đến Z. Chỉ riêng lấy mẫu máu làm các xét nghiệm để phát hiện bệnh cũng đã phải bỏ ra số tiền từ 540.000 đồng trở lên/ người. Sau khi có kết quả xét nghiệm, tùy theo bệnh, số tiền thuốc phải mua tại Nhà thuốc của Phòng khám Viện, bình quân từ 700.000 – 1.200.000 đồng/ người, có rất ít đơn thuốc phát hiện bệnh kê tại Phòng khám có giá trị thanh toán dưới nửa triệu đồng. 3 tháng sau (thực hiện theo đúng lời bác sĩ hướng dẫn) đến tái khám, người bệnh lại phải “móc hầu bao” chi thêm một khoản tiền xét nghiệm xấp xỉ lần đầu.

     “Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn có chức năng nghiên cứu khoa học, chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật và biện pháp phòng chống, đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ chuyên ngành các bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho người trong phạm vi 15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
     Triển khai các dịch vụ khoa học kỹ thuật, các dự án hợp tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, tăng thêm nguồn thu kinh phí cho Viện và cải thiện đời sống cán bộ công chức trong Viện” – (theo www.impe-qn.org.vn).

 
     Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đã đến đây làm xét nghiệm máu thì hầu như người nào cũng đều phát hiện có… bệnh, số lượng người “về tay trắng” là rất hiếm. Không bị giun đũa chó, giun lươn, giun đầu gai thì cũng bị sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, ấu trùng sán lợn, thậm chí cả Helicobacter pylori (H.pylori)... Còn nữa, các chuyên gia ngành Y khuyến cáo, một khi phát hiện có ký sinh trùng rồi thì nguy cơ các thành viên trong gia đình bị mắc phải bệnh tương tự là rất cao. Do đó muốn điều trị dứt điểm tận gốc, chống lây nhiễm thì cả nhà cùng xét nghiệm và cùng điều trị. Vậy nên gia đình nghèo chạy ăn từng bữa, xin miễn đặt chân đến.

     Chưa kể tiền cước phí, xăng xe đi lại, tiền lưu trú nếu bệnh nhân là người ở ngoài thành phố. Đặc biệt là những bệnh nhân đến từ các tỉnh khác như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… nằm xa Viện cả ngày đường đi ô tô, thì chi phí gián tiếp cộng thêm tăng lên gấp 2 – 3 lần.

      Một ngày giữa tháng 6 mới đây (lúc 15h), chúng tôi may mắn được tiếp cận với cha con anh Phạm Văn Thành (có nhà ở trung tâm thành phố Quy Nhơn). Anh Thành cho biết, các thành viên trong gia đình anh thỉnh thoảng xuất hiện các triệu chứng như nổi mề đay, dị ứng da, đầy bụng, đi cầu táo bón… nhưng vì không có điều kiện tài chính, nên cứ chần chừ mãi. Thậm chí, "nếu như trước đó vài ba ngày, vợ tôi không bị nổi mề đay, sưng môi, sưng mặt vội vã đến đây kiểm tra và phát hiện nhiễm ấu trùng sán lợn, giun lươn thì có lẽ cha con. tôi cũng chưa đặt chân đến đây” – anh Thành thật thà chia sẻ.

      Vì là ngày nghỉ nên vãng khách, số lượng bệnh nhân đến khu vực khám rất thưa thớt. Không phải đợi lâu, chưa đầy 30 phút làm các thủ tục, cha con anh Thành được gọi tên vào phòng khám. Sau khi khai bệnh, được bác sĩ ghi nhận và hướng dẫn lên tầng trên để lấy máu làm kết quả xét nghiệm. Trước đó, anh Thành đã hoàn thành việc nộp số tiền tổng cộng là 679.000 đồng bao gồm tiền khám bệnh, lấy 11 mẫu xét nghiệm, và soi tươi tìm Demodex, spp, nấm da, niêm mạc, ELISA; và nộp cho con trai anh (14 tuổi) với số tiền 615.000 đồng để được làm các xét nghiệm tương tự.

     Mua thuốc tại Viện: Giá trên trời ?

     Đúng hẹn, 13h30 ngày hôm sau cha con anh Thành đến lấy kết quả. Do có sự chuẩn bị tâm lý trước nên khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm bị giun đũa chó, giun lươn, giun đầu gai (đối với anh Thành) và bị giun đũa chó, giun đầu gai (đối với con trai), anh Thành không có gì phải “sốc”.

     Trước khi nhận kết quả bước ra khỏi phòng khám, cha con anh Thành được Ths, Bs. Nguyễn Xuân Thiện – Trưởng phòng Khám bệnh chuyên khoa (Viện KTS Quy Nhơn), người trực tiếp thăm khám cẩn thận gửi danh thiếp và kèm theo lời khuyên: “Anh nên mua thuốc ở Phòng khám Viện mới có đủ thuốc chuyên dùng, đặc trị. Nếu mua bên ngoài chúng tôi sẽ rất khó kiểm soát bệnh và không thể tư vấn nếu có biến chứng”.

     Tuy nhiên thay vì nghe theo lời khuyên của vị bác sĩ Thiện, anh Thành cầm đơn thuốc đến thẳng Nhà thuốc P.K nằm trên đường Nguyễn Thái Học (TP. Quy Nhơn) để mua thuốc. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh Thành lý giải: “Mua thuốc trong này đắt gấp 2 lần mua ở bên ngoài đấy… Không giấu gì các anh, cũng là nhờ bệnh nhân đi trước biết đường chỉ lối”.
  
                                                 Đơn thuốc của anh Thành mua tại Nhà thuốc PK (Nguyễn Thái Học)
                                                     
                                                 Đơn thuốc của anh Cảnh mua tại Nhà thuốc Viện SR có giá gấp đôi
                
     Hoài nghi trước thông tin của anh Thành, nhóm PV chúng tôi đã “bám” theo anh và thử tiếp cận từ hai đơn thuốc: Một của anh Thành mua ở Nhà thuốc P.K và một đơn thuốc của anh Võ Văn Cảnh (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mua tại Nhà thuốc của Viện, có 05/07 loại biệt dược giống nhau. Sau khi đối chiếu so sánh, chúng tôi không khỏi giật mình trước giá thuốc “trên trời” của Viện.

      Nếu như thuốc biệt dược Unaben 400mg (Albendazol) mua ở Nhà thuốc Phòng khám Viện KST (Phòng khám) có đơn giá 7.000 đồng/viên thì ở Nhà thuốc P.K có đơn giá 5.000 đồng/viên; Biệt dược Biclary 500mg (Clarithromycine 500mg) ở Phòng khám đơn giá 9.600 đồng/viên thì ở P.K 5.000 đồng/viên; Espoan 20mg (Esomeprazol) ở Phòng khám 8.000 đồng/viên thì ở P.K chỉ 2.000 đồng/ viên (cao gấp 4 lần); Airtalin 10mg (Loratidin) ở Phòng khám có giá 2.070 đồng/ viên thì ở P.K có giá 1.000 đồng/viên; Livergenol 400mg (L-Arginin HCL) ở Phòng khám có giá 4.450 đồng/ viên thì ở P.K có giá 2.500 đồng/ viên… Nghĩa là hầu như không thấy có một loại thuốc nào mua ở Phòng khám có đơn giá bằng hoặc thấp hơn bên ngoài.

     Xin được lưu ý, nhóm PV chúng tôi đã cẩn thận chụp luôn các nhãn hiệu biệt dược và nơi sản xuất từ đơn thuốc của bệnh nhân Võ Văn Cảnh (có tới trên 95% là biệt dược được bác sĩ Phòng khám Viện kê trong đơn là của các hãng thuốc nội địa) để loại trừ hoài nghi sự chênh lệch giữa thuốc nội và thuốc ngoại.

     Thử làm phép so sánh: Tổng giá trị thanh toán của đơn thuốc anh Võ Văn Cảnh mua tại Nhà thuốc Viện KST Quy Nhơn là 1.066.800 đồng/5 loại biệt dược; còn đơn thuốc của anh Thành mua ở Nhà thuốc P.K (cũng 5 loại biệt dược) có tổng số tiền thanh toán là 530.000 đồng, chênh lệch tới 536.800 đồng (?!).

      Ước tính bình quân mỗi ngày, ở Phòng khám của Viện KST Quy Nhơn đã thu hút trên dưới 1.000 lượt người đến thăm khám. Điều đó cũng đồng nghĩa với số tiền chênh lệch (chỉ tính riêng tiền thuốc) đã lên tới hơn nửa tỷ đồng/mỗi ngày. Số tiền dôi ra đó, sẽ được dùng vào việc gì chỉ có Viện mới biết./.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 (Còn nữa)
                                                                                          
Chiều 4/7, sau khi làm việc với Ths. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thiện – Trưởng phòng Khám bệnh chuyên khoa, với mong muốn tìm kiếm thêm thông tin đa chiều, PV đã liên lạc qua điện thoại với PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Văn Chương – Viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, nhưng rất tiếc ông Chương bảo bận chuẩn bị đi công tác, không làm việc, rồi cúp máy.

Tác giả bài viết: TỔ PV TẠI MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 502 trong 120 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 120 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây