Bị người vi phạm lăng mạ, cảnh sát giao thông có nên cưỡng chế?

Thứ ba - 18/07/2017 21:20
(PL News) - Thượng tá Cảnh sát giao thông (CSGT) cho rằng, trường hợp bị người vi phạm lăng mạ khi đang làm nhiệm vụ, CSGT hoàn toàn có quyền cưỡng chế để răn đe, kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hại cho bản thân người thi hành công vụ và người tham gia giao thông.
5 CUCP
5 CUCP

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những vụ việc liên quan đến thái độ, văn hóa ứng xử không đúng mực của người vi phạm giao thông khi xúc phạm, lăng mạ, thậm chí hành hung các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Hai ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ ngày 17.7, một nữ tài xế lái ôtô đi vào làn ngược chiều đường Ung Văn Khiêm, bị CSGT gõ cửa xe nhắc nhở, yêu cầu đi đúng đường, người phụ nữ này xuống xe với thái độ khá hung hăng, dùng nhiều lời lẽ khiếm nhã, túm cổ áo của một CSGT.

Cho rằng chiến sĩ CSGT "đập vào xe mình", "nữ quái" liên tục chỉ mặt nam cảnh sát trẻ chửi tục, túm cổ áo, xô đẩy... Trước những lời lẽ thóa mạ, hách dịch của nữ tài xế, chiến sĩ này liên tục tránh né, yêu cầu chấm dứt hành vi, song hành động xử lý của anh khá hời hợt và lúng túng, thể hiện sự non kinh nghiệm khi xử lý vi phạm.

Từ sự việc trên, nhiều người đặt ra câu hỏi, khi gặp những “nữ quái” có thái độ không đúng mực như vậy, CSGT nên làm gì, ứng xử như thế nào? Trong trường hợp này, nhiều người bày tỏ, các chiến sĩ áo vàng nên bình tĩnh và kiên nhẫn giải thích để người vi phạm hiểu bản chất sự việc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các chiến sĩ CSGT nên sử dụng công cụ hỗ trợ để trấn áp.

Chia sẻ về vấn đề này, thượng tá CSGT Nguyễn Văn Quỹ (nguyên tổ trưởng tổ xử lý, Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) cho biết, nữ tài xế dùng những lời lẽ dung tục, nhục mạ lực lượng thực thi công vụ là hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật, rất đáng lên án.

Trường hợp nhận thấy người vi phạm có thái độ không hợp tác, CSGT cần thông báo lực lượng cảnh sát 113 gần nhất đến hiện trường xử lý, hoặc thông tin ngay đến cấp trên để được hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho bản thân mình.

“Để đảm bảo kỷ cương của pháp luật, khi bị người vi phạm lăng mạ, đe dọa, CSGT có đủ thẩm quyền cưỡng chế để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp đang thực thi nhiệm vụ, pháp luật đã trao quyền cho CSGT cưỡng chế người vi phạm có hành vi chống đối mình hoặc chống lại những người tham gia giao thông khác trên đường. Đáng lẽ ra, trường hợp trên, chiến sĩ CSGT nên còng tay, bắt giữ nữ tài xế, giao cho lực lượng cảnh sát 113 để họ xử lý”.

Bị người vi phạm lăng mạ, cảnh sát giao thông có nên cưỡng chế? ảnh 1
Thượng tá CSGT Nguyễn Văn Quỹ (nguyên tổ trưởng tổ xử lý, Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) .

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ thông tin, ngoài chức năng đảm bảo an toàn giao thông, CSGT còn có một chức năng nữa là đảm bảo an toàn trật tự xã hội trong phạm vi đang hoạt động.

"Trong khu vực CSGT đang làm nhiệm vụ, nếu thấy đối tượng có dấu hiệu phạm luật thì lực lượng CSGT phải có biện pháp cứng rắn xử lý để răn đe và kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hại cho chính bản thân người thi hành công vụ và người tham gia giao thông".

“Mỗi người nên tôn trọng pháp luật, phải tôn trọng những người điều tiết giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Còn đối với những trường hợp cố tình vi phạm thì cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để răn đe”, ông Quỹ nói thêm.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm -Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội - cho biết, với người vi phạm có cử chỉ túm cổ áo, chửi bới, lăng mạ CSGT gây cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan công quyền, xét về mặt pháp luật, hành vi trên đã vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội Chống người thi hành công vụ được quy định tại điều 257 Bộ luật Hình sự, bởi lẽ khách thể xâm phạm đến hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, công chức và những người được giao nhiệm vụ, công vụ.

Tuy nhiên, theo LS Thơm, mỗi vụ việc cần được nhìn nhận khách quan về mức độ, tính chất hành vi vi phạm. Nếu mức độ chưa quá nghiêm trọng thì đối tượng có thể bị xử lý hành chính theo Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/1/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó: “Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng”.

Tác giả bài viết: CƯỜNG NGÔ

Nguồn tin: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây