Học giả Trung Quốc: đã xuất hiện ứng viên kế nhiệm ông Tập Cận Bình

Thứ sáu - 21/07/2017 03:07
(Phapluat News) - Ông Trần Đạo Ngân đang là một Phó giáo sư Học viện Chính pháp Thượng Hải có những phát biểu "toạc móng heo" về thượng tầng quyền lực Trung Nam Hải.
Học giả Trung Quốc: đã xuất hiện ứng viên kế nhiệm ông Tập Cận Bình

 

Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc đã bước vào giai đoạn nước rút.

Ngày 19/7, tờ Nhật báo Bắc Kinh - cơ quan ngôn luận của thành ủy Bắc Kinh có bài xã luận: "Lấy tư tưởng quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình làm kim chỉ nam căn bản".

Người đứng tên bài xã luận này không ai khác, là tân Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ [1], một quan chức thăng tiến nhanh "như tên lửa" dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Dấu hiệu vượt qua Giang - Hồ, sánh vai Mao - Đặng

Nội dung bài báo cũng chính là phát biểu của ông Kỳ tại cuộc họp thường vụ thành ủy Bắc Kinh hôm 17, 18/7. Ông Thái Kỳ nói:

"Trước sau như một, cần kiên trì lấy tư tưởng quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình làm kim chỉ nam căn bản, làm tài liệu hướng dẫn mọi chính sách, công tác, tự khích lệ tinh thần cho mình.

Hình ảnh ông Tập Cận Bình xuất hiện trên các sản phẩm quà lưu niệm giống 2 vị lãnh đạo quá cố, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ảnh: Đa Chiều.


Cần phải làm được một cách thiết thực các nhiệm vụ: Học tập nhất quán, quán triệt nhất quán, đảm bảo (tư tưởng Tập Cận Bình) bén rễ sâu dày, hình thành nên những thực tiễn sinh động.".

Đa Chiều ngày 20/7 cho biết, càng gần Đại hội 19, "tư tưởng Tập Cận Bình" càng xuất hiện từ khắp các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Mới nhất là bài viết của ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ đăng trên tạp chí Cầu Thị:

"Quán triệt - học tập sâu sắc tư tưởng ngoại giao của Tổng bí thư Tập Cận Bình, không ngừng viết lên trang sử mới của nền ngoại giao đặc sắc Trung Quốc".

Ngày 15/7, tạp chí Nghiên cứu xây dựng Đảng của Ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết, trong đó nhận định:

"Đổi mới lý luận từ Đại hội 18 đến nay, có thể tóm gọn bằng tư tưởng Tập Cận Bình, đó là thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác.".

Trước đó trong tháng Tư, tháng Năm là những phát biểu liên tục của Chánh văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Lưu Vân Sơn về "tư tưởng Tập Cận Bình".

Tôn Chính Tài "vụt tắt vì dớp Bạc Hy Lai" và luật bất quy tắc Đại hội 19

Đa Chiều bình luận: dưới con mắt của các nhà quan sát chính trị Trung Quốc, bất cứ động thái nào lớn của đảng Cộng sản Trung Quốc đều có tính quy luật và báo trước điều gì đó.

Ví như tư tưởng Tập Cận Bình được bắt đầu từ giới học thuật, qua thảo luận trong giới nghiên cứu lý luận rồi bắt đầu lan ra dư luận xã hội bằng truyền thông và phát biểu của các quan chức.

Khâu quan trọng nhất là các quan chức cấp cao liên tục viết bài ủng hộ vào đúng thời điểm trước thềm đại hội.

Ngoài ra, logic vận động của đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy, việc thúc đẩy giới thiệu tư tưởng Tập Cận Bình chỉ là một mắt xích phục vụ một mục tiêu, ý đồ cao hơn.

Đó là định vị vai trò lịch sử của ông Tập Cận Bình trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vượt qua Giang - Hồ, sánh ngang Mao - Đặng. [2]

Ai sẽ là người kế vị ông Tập Cận Bình?

Đa Chiều ngày 20/7 dẫn bình luận của truyền thông Pháp quốc cho rằng, rất có thể tân Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ sẽ là lãnh đạo tối cao Trung Quốc trong tương lai.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời Phó giáo sư Trần Đạo Ngân, Học viện Chính pháp Thượng Hải, Trung Quốc phát biểu:

Sự điều chỉnh nhân sự cấp cao mấy hôm trước đã đập tan mọi hy vọng của Tôn Chính Tài về khả năng vào thường vụ bộ chính trị trong Đại hội 19.

Vị học giả này nhận định, quan trọng hơn đây là hành động của ông Tập Cận Bình nhằm "loại bỏ khả năng thế lực Hồ - Ôn" (tức ông Hồ Cẩm Đào, ông Ôn Gia Bảo) có thể tiếp quản quyền lực.

Trần Đạo Ngân cho rằng:

Thay thế Tôn Chính Tài "là đòn cảnh cáo của ông Tập Cận Bình với các đối thủ chính trị trước hội nghị Bắc Đới Hà", qua đó thể hiện rằng ông Bình mới là người có tiếng nói quyết định trong đảng, có thể bố trí nhân sự theo ý mình.

Tân Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ. Ảnh: Đa Chiều.


Việc đề bạt ông Trần Mẫn Nhĩ thể hiện quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố mạnh mẽ trước Đại hội 19, đồng thời nỗ lực bố trí nhiều hơn những người ủng hộ.

Đó chính là bước đi rất quan trọng có khả năng dọn đường cho việc duy trì quyền lực của ông Tập Cận Bình trong vòng 10 năm tới.

Vị tân lãnh đạo của Trùng Khánh (Trần Mẫn Nhĩ), sau này có thể trở thành người kế nhiệm ông Tập Cận Bình.

Nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc từ Đại học Vienna, Lý Linh bình luận:

Ông Trần Mẫn Nhĩ 56 tuổi, trẻ nhất trong số các "tùy tùng" của ông Tập Cận Bình hiện nay. Nếu vào Bộ chính trị khóa 19, ông Nhĩ có thể giữ quyền lực trong 2 đến 3 nhiệm kỳ.

Do đó quyết định của ông Tập Cận Bình bố trí Trần Mẫn Nhĩ vào ghế Bí thư Trùng Khánh là nước cờ vô cùng quan trọng, có tính chiến lược, Lý Linh nhận định. [3]

Người viết cho rằng, nếu những bình luận này đến từ các học giả người Hán ở hải ngoại hay nằm ngoài hệ thống công quyền Trung Quốc thì không có gì đặc biệt.

Tuy nhiên, ông Trần Đạo Ngân đang là một Phó giáo sư Học viện Chính pháp Thượng Hải có những phát biểu "toạc móng heo" về thượng tầng quyền lực Trung Nam Hải ngay trước thềm Đại hội, có lẽ không phải chuyện bình thường.

Tiếng nói của ông Ngân đang đại diện cho ai đứng sau hiện nay chưa rõ, nhưng nếu không nói thay ông Tập Cận Bình hay các đối thủ chính trị tầm cỡ của ông Bình, có lẽ những bình luận này hơi mang tính "phiêu lưu" với chính người bình luận.

Bởi chính ông Ngân cũng thấy, các nhà quan sát chính trị Trung Quốc cũng nhận thấy xu hướng tập trung quyền lực tuyệt đối vào một người. Nói ngược có thể gặp những rủi ro.

Nói cho cùng, vài dòng cảm nhận này của người viết cũng chỉ mang tính phỏng đoán, trước tiếng nói hiếm hoi của một học giả nhà nước Trung Quốc về chính trường nước này.

Sự việc ông Tôn Chính Tài bất ngờ bị thay thế khi vẫn là ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm, hay ông Quách Kim Long mất ghế Bí thư Bắc Kinh trước Đại hội, ông Thái Kỳ thăng tiến như tên bay... có thể xem như dấu hiệu của những xáo trộn rất lớn bên trong.

Nhưng thông tin tin ra ngoài gần như bị bịt kín, do đó những đồn đại về chính trị Trung Quốc trước Đại hội 19 không có gì lạ, có chăng chỉ là ai đồn đoán và ai bình luận mà thôi.

Chính vì có quá ít thông tin, nên những nỗ lực chống tham nhũng và kết quả của nó vẫn cứ bị dư luận nghi ngờ về động cơ chính trị.

Chỉ trong nửa đầu năm 2017, đã có 38 quan chức cấp bộ và cấp tỉnh ở Trung Quốc bị xử lý về tham nhũng, một điều không phải quốc gia nào cũng làm được. 

Nguồn tin: GDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây