“Trên hành trình tìm lẽ phải cho chồng, tôi đã được sự ủng hộ, động viên của nhiều người, trong đó có cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đặc biệt cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Việc anh Dồi không phạm tội “phản bội Tổ quốc” đã được cơ quan chức năng khẳng định. Gần đời người qua đi, giờ đây tâm nguyện cuối cùng, cũng là mong mỏi lớn nhất của tôi là các ngành chức năng xem xét, giải quyết để sớm công nhận liệt sỹ cho chồng tôi. Chỉ có thế, tôi mới an lòng mà nhắm mắt...”, bà Mai kiến nghị.
Khởi nguồn bi kịch
Một chiều tháng 7/2016, chúng tôi tìm đến nhà bà của bà Nguyễn Thị Mai ở phường 5, TP Cà Mau, căn nhà khang trang, sạch sẽ khiến chúng tôi cũng phần nào cảm thấy an ủi về cuộc sống hiện tại của người phụ nữ này.
Bà Mai là người phụ nữ đã quên đi bản thân của mình để dấn thân vào hành trình minh oan, tìm lại danh dự cho chồng. Sau cái bắt tay thân mật, vài câu hỏi thăm sức khỏe, bà Mai một lần nữa trải lòng về những hồi ức đầy đau thương và nước mắt gần 40 năm về trước. Bà kể chuyện chậm rãi, rõ ràng tưởng như những câu chuyện đó bà vẫn kể mỗi ngày vậy.
Theo hồ sơ vụ án, trưa 27/3/1979, Lữ Anh Dồi (SN 1950), thiếu úy công an vũ trang trực thuộc Ty công an Minh Hải (Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay) đang làm nhiệm vụ ở thị trấn Hộ Phòng (nay thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) thì bị người đồng đội của mình bắn chết ngay trên cửa hàng thu mua thủy hải sản. Người bắn ông Dồi chính là chuẩn úy Thái Văn Hùng, làm việc cùng nhau và thân thiết với nhau trong hai năm.
Sự việc xảy ra nơi trung tâm thị trấn, bà con ở thị trấn Hộ Phòng nghe tiếng súng lập tức chạy đến xem. Thái Văn Hùng bình tĩnh, chỉ vào thi thể của ông Dồi mà nói: “Tên này là sĩ quan Ngụy ở Bến Tre, nó mang quân hàm giả, xuống đây tổ chức vượt biên nên bị tôi bắn chết”. Bà con nghe nói ông Dồi là sĩ quan Ngụy thì vô cùng ngạc nhiên, vì ông Dồi và Thái Văn Hùng đều không phải là người xa lạ ở thị trấn này.
Dù vậy, nhưng khi động tới vấn đề nghiêm trọng, nhạy cảm, không ai dám hó hé điều gì. Ngay sau khi dứt tiếng súng, lực lượng công an vũ trang có mặt theo sự chỉ đạo, lột quân phục, quân hàm của ông Dồi, rồi đem đi chôn cất tạm bợ. Trên mình ông Dồi chỉ mặc độc chiếc quần cộc với 4 vết thương chí mạng. Chuyện xảy ra bất ngờ, công khai nhưng người nhà thân thích của ông Dồi không ai biết tới.
Sáng hôm sau, bà Mai, vợ của ông Dồi vẫn vui vẻ với công việc hàng ngày và chờ chồng về. “Lúc đó, tôi học trường trung học Sư phạm Bạc Liêu. Anh Dồi đi làm nhiệm vụ luôn, có khi mấy ngày mới về là chuyện bình thường. Sáng hôm đó, tôi được 1 người bạn báo tin anh Dồi mất. Giờ nghĩ lại 37 năm rồi vẫn thấy bàng hoàng”, bà Mai kể chuyện.
Bà bắt xe xuống Hộ Phòng trong tâm trạng rối bời, đau xót. Đến nơi chồng mất, bà được bà con thuật lại sự việc, rồi dẫn ra chỗ người ta chôn lấp chồng mình.
Sự đau xót, phẫn nộ lan tỏa khắp mình. Bà Mai đi tìm trung tá Nguyễn Ngọc là Phó Ty công an Minh Hải, là thủ trưởng chỉ đạo công việc cho ông Dồi. Gặp ông Ngọc, ông vẫn cho rằng ông Dồi là người phản bội tổ quốc. Trước bao tai ương ập xuống, chồng chết lại mang tiếng phản quốc, bà Mai không biết mình phải làm gì lúc đó.
Cứa tay lập lời thề máu
Rõ ràng, những chứng cứ tại hiện trường, sự chứng kiến của bà con thị trấn Hộ Phòng đều chống lại những câu nói đanh thép của ông trung tá Ngọc. “Chồng tôi không chống cự, anh bị bắn khi súng của anh vẫn còn nằm trong bao. Tay vẫn còn đang cầm điếu thuốc hút. Không ai chống trả trong tình trạng đó cả.
Hơn nữa, bà con ở đó nói với tôi rằng, ông Hùng và chồng tôi mới đi uống cà phê về và nhìn họ rất bình thường”, bà Mai kể lại câu chuyện. Từ những nghi vấn đó, bà Mai quyết làm sáng tỏ cái chết của chồng mình.
Những ngày sau đó, bà Mai tiếp tục tìm đến Ty công an Minh Hải, tìm gặp những lãnh đạo cao nhất, nhưng họ đều lánh mặt cô. Điều này làm cho bà Mai càng thêm nghi ngờ. Đến ngày thứ 3, bà Mai cùng một giáo sinh sắm sửa một ít đồ cúng, dự định xuống Hộ Phòng viếng mộ chồng.
Thời điểm ấy, để lên được một chuyến xe khách không phải dễ dàng mà phải đăng ký, mua vé trước. Bà Mai kết thúc buổi dạy đã nhá nhem chiều, việc có vé xe là điều không thể. Quyết tâm lên thăm chồng, bà đánh liều nhảy ra giữa đường, chặn một chiếc xe. Tài xế thắng kịp, chiếc xe chỉ cách bà chừng dăm tấc. Anh lơ xe lôi bà lên xe, nhanh gọn, dứt khoát. Chiếc xe lao đi trong lời càm ràm của chủ xe và tài xế.
Bà Mai tới nơi thì trời cũng đã tối hẳn. Những người phụ nữ tốt bụng ở thị trấn nhỏ Hộ Phòng cảm thông trước sự mất mát của bà Mai. Họ kéo nhau, mỗi người mỗi cây đèn cóc (một loại đèn dầu ngày xưa) đưa bà Mai đến mộ mới của ông Dồi. “Rồi cũng chính những má Hai, má Tư này (những cách gọi thân mật - PV) họ đi kiếm cho tôi nén nhang, khăn tang, chén cơm để tôi cúng anh Dồi”, bà Mai kể.
Cũng trong đêm đó, sau khi đeo lên trán mình chiếc khăn tang, thắp cho chồng 3 nén nhang, bà Mai lấy dao lam vừa dùng để cắt vải rồi cắt vào tay mình. Bà lập lời thề máu, thề rửa sạch nỗi oan này cho chồng, thề đòi lại danh dự cho chồng. Bà Mai đâu biết rằng, hành trình đó lại kéo dài, dai dẳng đến 37 năm chưa có kết quả. Mỗi ngày tháng trôi qua như găm vào tâm trí bà những điều nhức nhối mà bà không thể nào buôn bỏ được.
Bà Mai gửi đơn đi khắp nơi, từ địa phương đến trung ương, không một nơi nào giải quyết đơn thư của bà. Vì trước đó, Nguyễn Ngọc đã lập hồ sơ giả, vu khống ông Dồi phản quốc, tổ chức vượt biên trái phép cho 53 người dân trên chiếc tàu 3209.
Không khuất phục, bà Ngọc vẫn không ngừng gửi đơn. Đến những công ty thương nghiệp không có chức năng, trách nhiệm bà vẫn gửi đơn. “Nếu người xấu trong xã hội rất nhiều thì người tốt cũng không phải là ít, chỉ là mình chưa tìm gặp mà thôi. Tôi tin vào điều ấy và kiên nhẫn chờ đợi”, bà Mai tâm sự.
Cuộc hành trình đầy cam go của bà khiến nhiều người thân trong gia đình ái ngại, ngăn cản. Những người anh em trong gia đình của Lữ Anh Dồi đều là những cán bộ, đảng viên ưu tú, đóng góp nhiều cho xã hội lúc bấy giờ. Nhưng cũng vì cái chết oan khuất của Lữ Anh Dồi họ cũng lần lượt ra khỏi ngành. Từ cha mẹ anh em ruột thịt, đến gia đình chồng, ai cũng can ngăn bà Mai đi kêu oan cho chồng.
Nhiều đêm thức trắng trong tâm trạng hỗn độn và nước mắt, nhưng chưa bao giờ bà có ý nghĩ từ bỏ việc minh oan cho chồng. Đối với người phụ nữ này, mọi chuyện trên đời không còn có gì quan trọng bằng sự trong sạch và danh dự của người đàn ông mang tên Lữ Anh Dồi nữa.
Cũng chính vì lý do đó, mà 37 năm qua, bà Mai vẫn không thể tìm được một niềm vui nào khác trong cuộc đời mình. Bà sống âm thầm, lặng lẽ chỉ với một mục tiêu, ước nguyện duy nhất. Hành trình đó của bà Mai như những vở cải lương đầy éo le, những thước phim điện ảnh nhiều tình tiết li kì, như những cuốn tiểu thuyết đầy nước mắt.
Di ảnh Lữ Anh Dồi |
Kế hoạch “đi cửa sau” để gặp Tổng Bí thư
Sau khi vụ án xảy ra được vài tháng bà Mai bị đuổi khỏi ngành giáo dục vì sức ép của ông trung tá Nguyễn Ngọc. “Cũng chỉ vì tôi gửi đơn đi khắp nơi, kêu oan cho chồng. Ông Ngọc cho người đến đe dọa tôi, buộc tôi phải dừng việc kêu oan lại, nếu không sẽ phải hối hận”, bà Mai nhớ lại.
Nghỉ việc được hai năm, vì trường thiếu giáo viên trầm trọng, bà Mai được nhận trở lại làm việc với hình thức hợp đồng. Bà lao đầu vào công việc, gắng để quên đi những đau thương trong cuộc đời mình.
Trong suốt những năm vừa dạy học vừa tìm đủ mọi đường để kêu oan cho chồng, bà Mai dường như không có bất kì mối quan tâm nào nữa. Đều đặn mỗi năm bà đều gửi đơn thư tố cáo những kẻ giết chồng mình từ trung ương đến địa phương.
Trong những lá đơn cầu cứu, kêu oan của bà Mai có đến cơ quan của báo Minh Hải. Nhà báo trẻ Dương Thanh Long lúc bấy giờ được phân công tiếp nhận, xử lý đơn thư của bà Mai. Đọc đơn của bà Mai, ông Long tin vào những câu chữ đầy nước mắt của người phụ nữ mất chồng kia là thật.
Tuy nhiên, nếu tham gia vào vụ việc này, ông cũng sẽ động chạm không ít người. Sau khi ban biên tập họp thống nhất, lá đơn của chị Mai được đăng tải trong bài báo “Tiếng kêu thống thiết của chị Nguyễn Thị Mai”, nổ ra phát súng đầu tiên trong hành trình kêu oan cho Lữ Anh Dồi.
Để thực hiện kế hoạch kêu oan của mình, bà Mai cùng nhà báo Long và một người bạn lên TP HCM. Họ ở nhờ nhà một người quen để tìm cơ hội gặp được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ăn, ở Sài Gòn gần 1 tháng trời mà cơ hội gặp Tổng Bí thư của bà Mai vẫn xa diệu vợi. Lộ phí mang theo cũng đã hết, 3 người buồn bã trở về Minh Hải.
Cơ may tìm đến, tháng 2/1988, nhận được tin Tổng Bí thư sẽ về thăm, làm việc ở Minh Hải, ông Long và bà Mai cùng nhau bàn bạc để tìm gặp bằng được Tổng Bí thư. Với danh nghĩa là nhà báo Minh Hải, ông Long bày cho bà Mai cầm di ảnh của chồng, đi cửa sau của tỉnh ủy lúc bấy giờ để vào tìm Tổng Bí thư.
Vượt qua được mấy “cửa ải” trót lọt, nhưng rồi vẫn bị các anh công an chặn lại ở cánh cửa cuối cùng. Họ khuyên nhủ bà trở về, biết không thể làm gì khác hơn, bà Mai đành bỏ cuộc. Nhưng bất ngờ xảy ra vào 3 ngày sau, khi có xe của công an tới tận nhà rước bà Mai đi, họ thông báo là Tổng Bí thư cho gọi bà.
“Lúc sau gặp được bác Linh, tôi mới được biết rằng mấy chú bên ủy ban tỉnh có báo cáo vụ việc của chồng tôi lên bác Linh. Bao nhiêu năm tôi gửi đơn thư khắp nơi, lần này được gặp lãnh đạo cao nhất điều đó làm tôi vừa mừng vừa lo”, bà Mai xúc động kể.
“Cuộc gặp với bác Linh diễn ra chỉ trong khoảng 30 phút, tôi dự tính xin bác được trình bày khoảng 20 phút. Nhưng bác đã ưu ái cho tôi như thế. Trước một lãnh tụ của đất nước, tôi thoải mái trút hết nỗi lòng của mình. Bác lắng nghe hết những gì tôi nói. Sau cùng bác động viên tôi công tác tốt, và bác hứa sẽ chỉ đạo để đưa vụ án ra xét xử”, bà Mai tiếp lời.
Ngày 12/8/1988, Tòa án Quân sự Quân khu 9 đưa Nguyễn Văn Thụ (tức Nguyễn Ngọc) và Thái Văn Hùng ra xét xử. Tại phiên sở thẩm này, tòa tuyên Nguyễn Ngọc 15 năm tù cho tội giết người, 3 năm tù cho tội vu khống. Thái Văn Hùng nhận hình phạt chung thân cho tội giết người.
Ngay sau phiên tòa, Nguyễn Ngọc đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Viện kiểm sát quân sự trung ương cũng có kháng nghị yêu cầu xem lại tội danh giết người và thay vào đó là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong. Nhưng sau đó đã thay đổi kháng nghị và đồng tình với các tội danh của Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng.
Những phiên phúc thẩm, giám đốc thẩm của vụ án này về sau đều tuyên Ngọc tội danh giết người, vu khống, Hùng với tội danh giết người. Mức án Hùng phải chịu ở bản án sau cùng là từ chung thân còn 18 năm tù. Còn Ngọc tăng thêm 5 năm tù. Đồng thời, các phiên tòa cũng công nhận Lữ Anh Dồi không phải là người phản quốc. Kiến nghị các cơ quan, chức năng phục hồi chế độ chính trị, giải quyết chế độ chính sách cho Lữ Anh Dồi.
Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng cũng đã có giấy báo tử số 01/GBT ngày 14/9/1991 thể hiện Lữ Anh Dồi hi sinh, đồng thời xác nhận trường hợp của ông Lữ Anh Dồi là được phân công đi công tác. Đầy đủ chứng cứ là như vậy, nhưng bà Mai phải chờ đợi suốt 26 năm qua từ ngày phiên tòa cuối cùng kết thúc cho đến nay. Thân phận của ông Dồi vẫn chưa được phục hồi, suy tôn.
Những điệp khúc “chờ, đợi”
Sau phiên tòa minh oan cho Lữ Anh Dồi đến nay, cuộc sống đối với bà Mai cũng không hề dễ dàng. Oan đã rửa sạch nhưng danh dự của một thiếu úy công an thì đã không còn. Để lấy lại danh dự cho chồng, người phụ nữ ấy lại bước vào một hành trình khác. Bà Mai cho biết, suốt 26 năm qua, đều đặn năm nào bà cũng đến gõ cửa Sở Lao động Thương Binh, xã hội từ lúc còn tỉnh Minh Hải, cho đến nay là Cà Mau.
“Họ đều nói với tôi rằng, những trường hợp này phải chờ lâu lắm mới được công nhận. Hồ sơ của anh Dồi được gửi ra trung ương rồi, tôi cứ yên tâm chờ. Và tôi cứ chờ thôi”, bà Mai nói nhẹ tênh nhưng nhức nhối. Vậy là bà chờ cũng đã được 26 năm.
Sự thật bà không biết phải chờ đến bao giờ nếu không có sự giúp đỡ của những người tốt, những người mà bà Mai luôn đi tìm kiếm. Đặc biệt gần đây, ông Đặng Văn Cung (78 tuổi, ở Gia Lai), một cán bộ đã về hưu. Ông Cung một lần tình cờ đọc cuốn tiểu sử của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Trong cuốn tiểu sử đó có một trang sách nhắc đến việc Tổng bí thư có đến công tác ở tỉnh Minh Hải cũ. Tại đây, Tổng bí thư đã gặp gỡ nghe trình bày vụ án Lữ Anh Dồi, sau đó Tổng bí thư đã chỉ đạo, đưa vụ việc ra xét xử.
Đọc xong sách, ông Cung bắt xe từ TP Pleiku, tìm đến nhà bà Mai để thăm hỏi. “Thoạt đầu tôi còn không biết ông ấy là ai, tại sao lại quan tâm đến chồng tôi như vậy. Nhưng sau buổi nói chuyện, tôi thật không tin được trên đời còn có người tốt như ông ấy”. Ông Cung sau khi thắp nén nhang cho Lữ Anh Dồi thì đã lắng nghe bà Mai giãi bày. Biết được sự tình, ông Cung không quản công sức, quyết tâm cùng bà Mai đi tìm câu trả lời.
Sau đó, ông Cung còn trở lại Cà Mau một lần khác, cùng bà Mai đến ủy ban tỉnh, sang sở Lao động thương binh & xã hội, công an để tìm nơi có trách nhiệm công nhận Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Đầu tháng 7/2016, ông Cung với một người bạn bay từ Gia Lai ra Hà Nội, còn bà Mai và nhà báo Dương Thanh Long cũng lên Cần Thơ để bay ra thủ đô.
Tại Hà Nội, ông Cung với những mối quan hệ của mình đã đưa bà Mai đến gặp Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh & xã hội, đến Bộ Quốc Phòng…những nơi liên quan đến việc công nhận Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. “Kết quả của chuyến đi này là những lời hứa chắc chắn của bộ trưởng sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thống nhất với bộ Quốc phòng, trình lên chính phủ xét duyệt cho anh Dồi. Đó là những bước tiến đáng mừng nhất sau 26 năm tôi chờ đợi”, bà Mai thổn thức nói.
Bà Mai tâm sự đây hoàn toàn là công sức, ý kiến của ông Cung một người không quen biết, thân thích nhưng sẵn lòng giúp đỡ bà vô điều kiện.
“Tất cả những việc của anh Dồi từ cái chết oan khuất đến việc giải quyết chế độ cho anh ấy, là việc tôi phải làm. Bởi tôi là người vợ của anh ấy, tôi phải có nghĩa vụ đó. Nhưng những người không quen biết, liên quan gì đến vợ chồng tôi. Họ vẫn giang cánh tay ra giúp đỡ hành trình minh oan, cứu xét cho vợ chồng tôi. Họ mới là người đáng quý, đáng trân trọng”, bà Mai nói trong cơn xúc động.
Có lẽ điều mà tất cả người dân Minh Hải xưa kia từng xôn xao vì vụ án Lữ Anh Dồi, những người chưa biết và sẽ biết tới vụ án chấn động này. Họ chung một mong muốn là đến một ngày gần đây nhất, tấm bằng chứng nhận Lữ Anh Dồi là liệt sĩ sẽ được đặt trang trọng bên di ảnh ông. Đó như là sự an ủi duy nhất và cuối cùng cho Lữ Anh Dồi và người vợ Nguyễn Thị Mai.
Nguồn tin: PLVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn