“Tôi thường đi công tác xa nên đã hợp đồng với một bác sĩ (BS) riêng để theo dõi ức khỏe. Điều đáng nói công nghệ thông tin đã hỗ trợ BS rất nhiều trong việc chẩn đoán bệnh cho tôi” - ông TMH (52 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của một công ty ở TP.HCM) chia sẻ.
Thoát chết nhờ Facetime, sơ cứu kịp thời nhờ Viber
Theo ông H., cách đây độ tuần, ông đi công tác ở Bình Định. Sau khi tiệc tùng với đối tác, ông về khách sạn trong tình trạng nhức đầu, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh mặc dù uống bia rất ít. Ông liền gọi điện thoại cho BS mà mở ứng dụng Facetime để kết nối.
BS hỏi ông những dấu hiệu đặc trưng, đồng thời thấy mặt ông đỏ bừng nên nghi ngờ ông bị cao huyết áp đột ngột. BS dặn ông nằm nghỉ tại chỗ, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể… Sau đó, BS bảo ông liên hệ bộ phận y tế của khách sạn để đo huyết áp. Quả thật, chỉ số huyết áp của ông lên tới 200 mmHg, cao hơn bình thường rất nhiều. BS bảo ông nhờ nhân viên khách sạn tìm mua giúp thuốc hydroclorothiazid và uống ngay để hạ huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.
“Nếu không nhờ BS hướng dẫn xử lý kịp thời tình trạng tăng huyết áp đột ngột thì tôi không biết sẽ ra sao. Công nghệ thông tin đã giúp tôi không rơi vào nguy cơ tăng huyết áp đột ngột, thậm chí giúp tôi thoát chết” - ông H. nêu quan điểm.
Do cha mẹ khá lớn tuổi, lại bị tiểu đường nên bà VTTM (38 tuổi, ở TP.HCM) hợp đồng với một BS để theo dõi sức khỏe tại nhà.
“Ba tôi nay đã 64 tuổi. Mới đây, đang ngồi nói chuyện với con cháu thì ba tôi than đau ngực, tay chân rũ xuống… Tôi liền gọi BS nhưng ngặt nỗi vị này đang dự hội nghị khoa học ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không thể tới nhà thăm khám” - bà M. nói.
Một khi hoạt động chăm sóc sức khỏe từ xa phát triển thì thực trạng quá tải bệnh viện sẽ giảm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Do điện thoại có cài đặt ứng dụng Viber nên bà và vị BS nhanh chóng kết nối. Nhận thấy cha của bà M. có các biểu hiện như ú ớ, người vã mồ hôi, mặt tái xanh, thở nhanh, tay và chân bên trái yếu ớt…, BS chẩn đoán cha của bà lên cơn đau tim. BS hướng dẫn bà đặt ông nằm ở tư thế thoải mái, không cho cử động, nới rộng quần áo cho ông, sau đó gọi xe cấp cứu để đưa ông tới BV. “Do sơ cứu đúng hướng dẫn của BS và được đưa tới BV kịp lúc nên ba tôi không bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều” - bà M. kể.
Gần như khám bệnh trực tiếp với BS
Thấy được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth), Hội Y tế công cộng TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Giải pháp y tế ngoại viện” vào sáng 24-9.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho rằng với sự phát triển của công nghệ truyền thông từ xa, người dân có thể kết nối với BS để được tư vấn, hướng dẫn thực hiện tự chăm sóc sức khỏe đúng cách và an toàn mà không phải đến BV. “Có thể sử dụng phần mềm Facetime, Viber cài đặt trong điện thoại thông minh để kết nối giữa BS và người bệnh. Việc này có giá trị bệnh nhân gần như được BS khám bệnh trực tiếp” - ông Giang cho biết.
Theo ông Giang, BS gia đình là lực lượng nòng cốt trong hoạt động chăm sóc sức khỏe từ xa. BS gia đình đóng vai trò là BS riêng của bệnh nhân. Đồng thời cũng là chỗ dựa đầu tiên và tin cậy của bệnh nhân. Bên cạnh đó, BS gia đình phải sử dụng thành thạo công nghệ thông tin hiện đại để hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, cấp cứu và đưa tới BV kịp thời. “Do vậy, các trường đại học cần thiết phải bổ sung nội dung đào tạo BS gia đình đủ năng lực và trình độ để đáp ứng nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới của ngành y tế” - ông Giang nói.
|
Nguồn tin: PLO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn