Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) vừa đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi cả nước để có câu trả lời với người dân về kết quả phòng, chống tham nhũng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia, đại biểu QH bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này bởi những bất cập trong công tác cán bộ đã ngày càng đáng báo động.
Lợi dụng quy trình để hợp thức hóa
. Phóng viên: Thời gian qua liên tục có những vụ bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, bổ nhiệm người thân “cả họ làm quan”, rồi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên… Hiện tượng này cho thấy công tác cán bộ có vấn đề. Theo ông, vấn đề đó là gì?
+ GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH: Hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ lâu nay được báo chí nói nhiều. QH cũng đã thực hiện giám sát tối cao về cải cách hành chính 10 năm qua và chỉ ra một số biểu hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ không phù hợp.
Đó là tình trạng bổ nhiệm người thân, quen với người đứng đầu. Tiếp nữa là hiện tượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, giống như trường hợp ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có tới 42/44 người là lãnh đạo. Không riêng gì địa phương, một số cục, vụ thuộc các bộ, ngành cũng có hiện tượng người làm lãnh đạo nhiều hơn số nhân viên. Dẫn đến tình trạng có việc từ cấp nhân viên 5-6 tầng nấc trung gian mới tới ông bộ trưởng.
Điều này không đúng với chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước. Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ lợi ích của một nhóm người ai cũng muốn làm quan. Mặt khác, người đứng đầu của các đơn vị đó đã thực hiện không nghiêm quy định về công tác cán bộ.
. Việc bổ nhiệm cán bộ ở cấp cao thì sao, thưa ông? Rõ ràng đã có trường hợp cán bộ vi phạm, không xứng chức mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang…?
+ Những trường hợp bổ nhiệm cán bộ không xứng chức mà báo chí phản ánh đều được người ta giải thích là đúng quy trình. Nhưng thực tế ai cũng hiểu là có sự lợi dụng quy trình để hợp thức hóa ý muốn của một nhóm người. Do quan hệ, do lợi ích dẫn đến ưu ái, rồi lợi dụng quy trình tập thể để bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Quy trình cũng đầy đủ đấy, cũng giới thiệu, cũng bàn bạc tập thể nhưng cuối cùng cũng là thực hiện ý muốn của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không công tâm, không vì cái chung sẽ dẫn đến tình trạng đó thôi.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
.Vậy trách nhiệm đối với việc giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ không xứng chức đó thuộc về ai và phải xử lý thế nào, thưa giáo sư?
+ Hệ thống chính trị của chúng ta đặc thù, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về công tác tổ chức cán bộ. Các trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nếu người đứng đầu không đồng ý thì tập thể đó khó mà thông qua được.
Người làm công tác tổ chức ở tập thể đó nhiều lúc cũng chỉ thực hiện ý muốn của người đứng đầu. Vì vậy, khi phát hiện cán bộ được luân chuyển, đề bạt vi phạm, không xứng chức thì phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp đến là xem xét trách nhiệm của tập thể cấp ủy đã đánh giá cán bộ một cách qua loa để hợp thức hóa ý muốn của người đứng đầu. Giống như vụ Trịnh Xuân Thanh, trách nhiệm của người đứng đầu Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương, hay Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã bị xem xét xử lý.
Cơ chế hiện nay hoàn toàn có thể truy được trách nhiệm người đứng đầu nếu đề bạt cán bộ không xứng chức. Về nguyên tắc, người đứng đầu cấp ủy quyết định sai thì phải chịu kỷ luật của Đảng, sau đó là trách nhiệm của tập thể. Đặc biệt, nếu phát hiện vì ăn tiền, ăn hối lộ của người ta để đề bạt thì phải tiến hành điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật.
Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ
. Để tăng cường biện pháp phòng, chống tham nhũng, vừa qua Ủy ban Tư pháp của QH đã đề nghị Chính phủ tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong cả nước. Ông có quan điểm gì về đề xuất này?
+ Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị đó của Ủy ban Tư pháp để làm rõ hơn, chỉ đích danh các vụ việc sai phạm về bổ nhiệm, đề bạt cán bộ ở các địa phương, bộ ngành. Việc tổng kiểm tra để thấy bức tranh toàn diện thôi. Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là đưa ra giải pháp khắc phục vì chúng ta đã biết, đã nói nhiều đến hiện tượng này rồi. Vấn đề là khi phát hiện ra sai phạm thì xử lý, chấn chỉnh như thế nào để các hiện tượng này không xảy ra nữa.
. Theo ông, nếu tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên cả nước thì cần tập trung vào điểm nhấn nào?
+ Theo tôi, ở địa phương nên tập trung kiểm tra đối tượng cán bộ do cấp tỉnh ủy, huyện ủy bổ nhiệm đề bạt. Ở cấp trung ương thì kiểm tra đối tượng cán bộ do Ban Bí thư, các Đảng đoàn và Ban cán sự Đảng bộ, ngành quản lý.
Nội dung kiểm tra tập trung vào chất lượng cán bộ có đáp ứng không, có đủ tiêu chí không. Như trường hợp bằng cấp thì tiến sĩ nhưng tiến sĩ dởm, sau này mới phát hiện chẳng hạn. Về quy trình bổ nhiệm cũng phải kiểm tra xem có lỗ hổng không, quá trình đề bạt có thực sự dân chủ hay không. Hiệu quả công việc của cán bộ đó sau khi được bổ nhiệm cũng phải được đánh giá, xem xét…
. Xin cám ơn ông.
|
Nguồn tin: PLO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn