Lãnh đạo sắp nghỉ hưu bổ nhiệm nhiều người quá nhanh có khuất tất gì?

Thứ hai - 25/09/2017 21:04
(Phapluat News) - Nói về sự cần thiết có một cuộc tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi toàn quốc, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: “Lãnh đạo sắp nghỉ hưu bổ nhiệm nhiều người quá nhanh có khuất tất gì thì cần kiểm tra, làm rõ”.
Lãnh đạo sắp nghỉ hưu bổ nhiệm nhiều người quá nhanh có khuất tất gì?
Mới đây, ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

V: Kiến nghị của ủy ban Tư pháp vừa qua là một nội dung đang được dư luận xã hội rất quan tâm và mong Chính phủ sớm thực hiện. Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết của cuộc tổng kiểm tra như vậy?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường: Qua các hoạt động giám sát, khảo sát cũng như thông tin báo chí, ủy ban Tư pháp cũng đã nêu ra có rất nhiều trường hợp bổ nhiệm người thân, người nhà vào các vị trí, việc làm không đúng với quy trình, thủ tục. Việc bổ nhiệm những người không đủ tiêu chuẩn và năng lực, dẫn đến những bất bình trong dư luận nhân dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức kém, hệ lụy của nhiều tiêu cực, tham nhũng.

Thực trạng xảy ra không chỉ ở các cơ quan Nhà nước, ở cấp tỉnh hay cấp huyện mà kể cả các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện. Thậm chí, có những trường hợp dư luận nêu về một số lãnh đạo đã bổ nhiệm nhiều nhân sự trước khi về nghỉ hưu. Tất nhiên, chưa rõ có vấn đề gì hay không nhưng trong cùng một lúc mà bổ nhiệm nhiều người, quy trình thủ tục quá nhanh như vậy liệu có khuất tất gì không?

Chính trị - Xã hội - Lãnh đạo sắp nghỉ hưu bổ nhiệm nhiều người quá nhanh có khuất tất gì?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn).

 

Tất cả những vấn đề đó cần phải được đánh giá, kiểm tra, làm rõ. Chính phủ với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về công tác cán bộ đối với cán bộ công chức trong cả nước phải làm rõ vấn đề đó để báo cáo với Quốc hội.

Dư luận cử tri nêu lên vấn đề, một số ĐBQH và kể cả Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp cũng có lần kiến nghị gửi đến các bộ, ngành liên quan, gửi tới Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí, kể cả những lãnh đạo cao cấp trước khi về hưu bổ nhiệm cán bộ trong thời gian ngắn với quy trình thủ tục có vấn đề.

PV: Cá nhân ông có tin rằng, nếu tổng kiểm tra sẽ loại bỏ khỏi bộ máy không ít cán bộ thuộc đối tượng “con sâu làm rầu nồi canh”?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường: Về mặt quản lý Nhà nước, nếu phát hiện có vấn đề cần phải kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng. Khi đánh giá đúng thực trạng mới có giải pháp giải quyết phù hợp. Cần có những giải pháp mạnh mẽ.

Tôi tin rằng, nếu tổng kiểm tra rà soát đúng đối tượng, tìm đúng nguyên nhân thì xử lý và sẽ loại bỏ không ít cán bộ.

Giống như việc vừa qua, ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý kịp thời, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại niềm tin trong nhân dân và xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc, chống tham nhũng, tiêu cực không thực hiện nghiêm sẽ khó có hiệu quả thực chất?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường: Đúng như vậy, chống tham nhũng, tiêu cực cần sự vào cuộc của cả hệ thống, nhưng trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp cao nhất tới các địa phương.

Hiện nay, đã quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan đơn vị mình thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thực hiện còn có những bất cập. Điều này, tới đây sẽ xem xét sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng.

PV: Ông kỳ vọng như thế nào vào sự tiếp thu của Chính phủ với kiến nghị lần này của ủy ban Tư pháp?

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường: Ủy ban Tư pháp kiến nghị tổng kiểm tra là để đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp giải quyết cho phù hợp. Có những kiến nghị được Chính phủ tiếp thu, có những kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu một phần, có những kiến nghị chưa chắc Chính phủ đã tiếp thu. Đây cũng là câu chuyện hết sức bình thường. Do đó, có tiếp thu kiến nghị này hay không, cách thức tổ chức thực hiện như thế nào là quyền và trách nhiệm của Chính phủ.

Hy vọng Chính phủ sẽ sớm có báo cáo, giải trình trả lời về việc thực hiện kiến nghị này, kể cả thấy không hợp lý, không phù hợp và không cần tiếp thu cũng sẽ có báo cáo lại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Tác giả bài viết: Dương Phong Thu

Nguồn tin: nguoiduatin.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây